Toàn cảnh Trung tâm văn hóa Trúc Lâm |
Tại Hội chợ du lịch quốc tế TP.HCM, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Tổng giám đốc Công ty CP phát triển Tùng Lâm, chủ đầu tư điểm đến Yên Tử, giới thiệu Trung tâm văn hóa Trúc Lâm với điểm nhấn Legacy Yên Tử - MGallery có thiết kế theo phong cách hoàng gia thời Trần và làng Nương phác họa hình ảnh một làng quê Việt cổ.
“Trong không gian thiên nhiên hòa quyện với các công trình kiến trúc sử dụng vật liệu của làng quê truyền thống, hành trình trải nghiệm tại làng Nương Yên Tử gợi nhớ lại đời sống văn hóa phong phú mà mộc mạc, giản dị của cha ông ta từ hàng trăm năm trước”, bà Hà cho biết.
Nằm trải dài cạnh dòng suối trong xanh mát lành bên bìa rừng, làng Nương là một khu nghỉ dưỡng thanh bình. Du khách có thể thưởng thức nhiều món ngon thực dưỡng và trải nghiệm các loại hình văn hóa dân gian phong phú như xem biểu diễn nghệ thuật của người dân tộc Dao, tập làm nón lá, chuồn chuồn tre, mặt nạ tre, sáo trúc, tranh dân gian Đông Hồ…
Một góc làng Nương nép mình dưới chân núi Yên Tử |
Trong khi đó, khu Legacy Yên Tử - Mgallery lại mang phong cách kiến trúc cung điện cổ thời Trần. “Đây là khu tịnh dưỡng đậm nét văn hóa - kiến trúc thời Trần thế kỷ XIII, sang trọng nhưng vẫn ấm cúng và gần gũi với mọi tâm hồn mến yêu quê hương, văn hóa Việt”, bà Hà chia sẻ.
Sự yên bình mang sắc màu thiền tại Legacy Yên Tử còn được truyền tải đầy sống động qua vật liệu kiến trúc, nội thất cho đến phong cách phục vụ. Bằng tất cả sự sáng tạo, những nghệ nhân từ các làng nghề thủ công truyền thống Việt đã tìm cách khôi phục lại kỹ thuật chế tác xưa, thổi hồn vào đường nét hoa văn, nếp ngói, viên gạch… tạo nên một không gian xưa của thời Đại Việt để du khách thưởng lãm và cảm nhận.
Du khách trải nghiệm vẽ chuồn chuồn tại làng Nương Yên Tử |
Bên cạnh đó, Legacy Yên Tử - MGallery còn có các liệu pháp trị liệu thân - tâm bằng thảo dược Yên Tử tại Trung tâm chăm sóc sức khỏe Am Tuệ Tĩnh.
Trung tâm văn hóa Trúc Lâm cách vịnh Hạ Long khoảng 50km, tọa lạc tại vùng núi Yên Tử linh thiêng, gắn liền với tên tuổi của Thái Thượng Hoàng Trần Nhân Tông và Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.