Tỷ lệ vay tín chấp và giảm dần phụ thuộc vào tài sản đảm bảo trong mỗi hợp đồng vay vốn đang làm khó nhiều doanh nghiệp (DN).
Khó vay tín chấp ngân hàng
Mới đây, trong chuyến làm việc nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN trên địa bàn một số tỉnh, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã phát đi tín hiệu về việc ngân hàng (NH) sẽ tăng cho vay tín chấp thông qua nhiều chương trình tín dụng như chương trình sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ cao; cho vay hỗ trợ xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi...
Theo đó, ngoài việc giảm lãi suất cho vay ở tất cả các đối tượng và kỳ hạn thì hệ thống NH đã chuyển sang một xu hướng mới trong hoạt động tín dụng ở Việt Nam, đó là tăng tỷ lệ cho vay tín chấp và giảm dần phụ thuộc vào tài sản đảm bảo trong mỗi hợp đồng vay vốn.
Nhưng thực tế, cho vay tín chấp vẫn là một câu chuyện rất dài và không phải ai cũng được vay. Đại diện một DN có trụ sở tại TP.HCM cho rằng, trước bối cảnh thị trường khó khăn hiện nay, hoạt động DN bị ảnh hưởng khi sức mua và tồn kho chưa cải thiện, tài sản đảm bảo cạn... nên không dễ tiếp cận được nguồn vốn vay thì rất khó có thể kỳ vọng vay được vốn tín chấp.
Chính một lãnh đạo trong ngành cho rằng, tình hình kinh tế khó khăn, nợ xấu tăng nên NH không thể ồ ạt cho vay mà không kiểm soát được chất lượng tín dụng cũng như không có tài sản đảm bảo. Do đó, NH cũng không dễ triển khai tín dụng tín chấp một cách ồ ạt mà phải có sự chọn lọc rất gắt gao, nhất là trước tình hình nợ xấu gia tăng.
Có thể thấy, NH đã triển khai cho vay tín chấp từ lâu, nhưng 3 năm trở lại đây, dường như tín dụng tín chấp thu hẹp khi nợ xấu tăng. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN TP.HCM, cho biết, các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn đang bắt đầu triển khai xếp hạng tín nhiệm DN để tăng cho vay tín chấp, song cũng rất dè chừng và chưa có số liệu thống kê cụ thể.
Bởi rủi ro trong cho vay tín chấp cao nên đòi hỏi trích dự phòng phải cao hơn. Vì thế, buộc các NH sàng lọc kỹ khách hàng cho vay tín chấp và chỉ cấp tín dụng đối với DN tốt, dự án sản xuất, kinh doanh, có tính khả thi cao.
Vì vậy, chiếu theo số liệu, hiện chỉ khoảng 32,38% các DN nhỏ và vừa tiếp cận được vốn, do tỷ lệ nợ xấu của khu vực DN này chiếm trên 5%, lại không đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe về điều kiện, thủ tục như tài sản đảm bảo, báo cáo tài chính đúng chuẩn, xếp hạng tín nhiệm, lịch sử giao dịch...
Đặc biệt, sau khi Thông tư 09 được áp dụng với điều kiện phân loại nhóm nợ và cơ cấu nợ chặt chẽ hơn, cơ hội để các DN đang có nợ quá hạn vay vốn tái cơ cấu lại càng thấp hơn.
Hẹp luôn cửa quỹ tín dụng
Hẹp cửa tín chấp NH, nhiều DN trông đợi kênh cuối cùng là quỹ tín dụng. Ghi nhận tại khu vực TP.HCM, hoạt động cho vay dựa trên sự bảo lãnh của các Quỹ Bảo lãnh tín dụng (BLTD) cũng có sự tăng trưởng khá tốt, tạo thuận lợi lớn cho các DN nhóm này tiếp cận nguồn vốn trong bối cảnh thiếu hụt tài sản đảm bảo.
Thống kê của Quỹ BLTD TP.HCM cho thấy, trong thời gian 7 năm trở lại đây (từ 2007 - 2013), sự tin tưởng, phối hợp của các tổ chức tín dụng (TCTD) đối với Quỹ có sự gia tăng đáng kể. Từ chỗ chỉ có 1 NH tham gia phối hợp cho vay, đến cuối năm 2013 đã có 20 TCTD.
Doanh số BLTD năm 2007 mới chỉ ở mức 4 tỷ đồng thì đến cuối năm 2013 đã lên tới 862,94 tỷ đồng, tạo điều kiện cho các DN trên địa bàn TP.HCM tiếp cận hơn 1.447,7 tỷ đồng vốn vay. Rõ ràng sự lớn mạnh của các Quỹ BLTD đóng vai trò quan trọng trong việc tăng trưởng cho vay đối với nhóm DN.
Thông qua việc cấp BLTD để làm biện pháp đảm bảo tiền vay đã giúp nhiều DN thiếu tài sản đảm bảo vẫn có thể vay được vốn phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, nếu xét một cách tổng thể, hoạt động BLTD hiện nay vẫn chưa xứng với quy mô tín dụng NH đối với các DN trên địa bàn TP.HCM. Những số liệu thống kê của NHNN Chi nhánh TP.HCM cho thấy, tính đến cuối năm 2013, dư nợ tín dụng đối với DN nhỏ và vừa đạt hơn 79.500 tỷ đồng, trong khi đó số dư BLTD chỉ chiếm khoảng 0,5% . Điều này cho thấy vai trò cầu nối của các Quỹ BLTD vẫn chưa được thể hiện rõ ràng và phát huy hiệu quả.
Một trong những nguyên nhân khiến hoạt động BLTD không hiệu quả là hình thức này còn tương đối mới mẻ tại Việt Nam. Hiện cả nước có khoảng 20 Quỹ BLTD hoạt động với tổng vốn điều lệ khoảng 1.260 tỷ đồng, nhưng đa số các quỹ có quy mô nhỏ, nguồn vốn phụ thuộc chủ yếu vào ngân sách địa phương.
Trong khi đó, nhiều địa phương chỉ cân đối được nguồn ngân sách để đảm bảo đủ nguồn vốn tối thiểu là 30 tỷ đồng. Hiện Quỹ BLTD TP.HCM có quy mô vốn lớn nhất là 232 tỷ đồng. Tuy nhiên, với số vốn này, tổng mức bảo lãnh tối đa cũng chỉ đạt trên 1.100 tỷ đồng. Con số này quá nhỏ so với nhu cầu bảo lãnh để vay vốn của hàng trăm ngàn DN.
Thêm vào đó, những chính sách liên quan đến hoạt động BLTD cũng có nhiều nút thắt chưa được tháo gỡ. Việc yêu cầu các DN phải có tài sản thế chấp để đảm bảo cho khoản bảo lãnh vay vốn sẽ gây khó khăn cho khách hàng. Vì thực tế các DN đề nghị BLTD để vay vốn là do thiếu tài sản đảm bảo, hoặc tài sản đảm bảo không đủ điều kiện cầm cố, thế chấp theo quy định của pháp luật.
Như vậy, có thể thấy, tính đến thời điểm hiện nay, TP.HCM vẫn đang là địa phương dẫn đầu cả nước trong hoạt động kết nối NH - DN và BLTD. Những kết quả đạt được không khả quan trong bối cảnh vướng mắc về tài sản thế chấp.
Thiết nghĩ, để xu hướng vay vốn tín chấp, vay vốn thông qua bảo lãnh thực sự lan tỏa mạnh trong cộng đồng DN thì bên cạnh những chính sách của NH, những giải pháp nâng cao năng lực của các Quỹ BLTD cần được các địa phương nhanh chóng đưa ra để hỗ trợ DN ở những tháng cuối năm.