“Vàng son vương dấu”: Bóng hình người trẻ trên dấu tích xưa

Phương Trang| 06/10/2019 01:00

Khi nhìn vào một bộ trang phục, ta thấy đấy là một bộ trang phục. Nhưng với người đam mê nghiên cứu, hay yêu thích lịch sử, văn hóa dân tộc; họ nhìn thấy giai đoạn lịch sử, thấy thói quen sinh hoạt của ông cha”, Tô Lê Ngọc Linh, thành viên sáng lập nhóm Vietnam Centre chia sẻ khi thực hiện “Dệt nên triều đại” - dự án đầu tiên của nhóm.

“Vàng son vương dấu”: Bóng hình người trẻ trên dấu tích xưa

Được thành lập vào tháng 3/2017 trên đất Úc, bởi ba người bạn Ngọc Linh, Phương Đông và Nguyễn Anh Vũ, bắt nguồn từ việc chứng kiến cộng đồng các quốc gia châu Á tổ chức những lễ hội, sự kiện văn hóa ý nghĩa pha lẫn sự tò mò “không biết ngày xưa, cha ông mình ăn vận, đi đứng ra sao”. Trong lần “chào sân”, Vietnam Centre không giấu “tham vọng” dài hơi là hướng tới văn hóa dân gian, làng xã, kết nối các nghệ nhân, nhà nghiên cứu trong nước tới cộng đồng người Việt ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế và tổ chức các tọa đàm, hội thảo về Việt Nam.

IMG-7940-JPG.jpg

Một góc không gian triển lãm

IMG-7907-JPG.jpg

Không chỉ trưng bày trang phục, Vietnam Centre còn cố gắng tái hiện cả không gian văn hóa gồm tranh, nội thất, kiến trúc, món ăn...

Triển lãm Vàng son vương dấu gồm những tác phẩm và thiết kế hiện đại, trẻ trung được truyền cảm hứng từ văn hóa thời Nguyễn, diễn ra tại Sydney, Úc vào trung tuần tháng 8 vừa qua, chính là câu trả lời cho sự kiên định, quyết tâm đó. Triển lãm quy tụ 11 họa sĩ trẻ gồm Can Tiểu Hy, Đạt Phan, Đoàn Thành Lộc... và các thương hiệu như Architecture Excursions, Bleu De Hue, Ingo, Ỷ Vân Hiên, V'style - Việt Cổ Phục Cách Tân, Đại Việt Fancy... thể hiện tinh hoa văn hóa Việt Nam theo nhiều cách khác nhau. Nổi bật nhất, có thể kể đến bộ tranh lụa thấu quang của Đoàn Thành Lộc, trải nghiệm thực tại ảo khuôn viên Điện Thái Hòa của JoiKid, thử in tranh theo kiểu Đông Hồ bằng bộ khối gỗ Ingo, các cổ phục được phỏng dựng tinh tế bởi Ỷ Vân Hiên và Great Vietnam...

IMG-7955-JPG.jpg

Áo được phục dựng bởi Ỷ Hiên vân và Great Việt Nam

Các nghệ sĩ tham gia, đa số nằm ở độ tuổi 20, mang góc nhìn đương đại, hướng đến tinh hoa của triều đại cuối cùng, cũng như các cảm hứng chung trong văn hóa Việt Nam để thổi hồn nên những tác phẩm đặc sắc.

Copy-of-098150AD-650C-4018-97B7-CF800946

Tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống

Copy-of-D3A6EDF4-CFF9-4C67-9542-92CE1FA3

Hai bức tranh Hàng Trống quen thuộc với người Việt xưa là Đức Thánh Trần (trái) và Mẫu Thượng Ngàn

Triển lãm đã thu hút gần 500 lượt khách đến từ nhiều miền văn hóa khác nhau. Có những gia đình bố Âu mẹ Á, những cụ già người Úc yêu chuộng văn hóa Á Đông, những bạn trẻ gốc Việt sinh ra tại Úc, và các người bạn châu Á từ các nước khác. Tất cả đều hào hứng, muốn hiểu rõ hơn về cách người trẻ Việt Nam nhìn về văn hóa ngày xưa. Đặc biệt hơn, khách tham dự còn được trực tiếp mặc thử cổ phục Việt Nam (áo tấc và Nhật Bình), in tranh bằng khối gỗ theo lối tranh dân gian Đông Hồ...

Copy-of-7D11FB88-2C96-4DD4-99C5-C2F363A9

Hai chiếc bình gốm và hình vẽ mũ mão của nhà vua

Giám đốc Marco Zammarrelli của Công ty Avaluglobal Investments, một trong những vị khách tham quan triển lãm, thể hiện sự hứng thú đối với các sự kiện về văn hóa: “Việc tìm hiểu về các nền văn hóa vô cùng quan trọng đối với những doanh nhân trong thời đại ngày nay. Sự kiện này đã giúp tôi có cái nhìn mới mẻ đối với văn hóa Việt Nam xưa, cũng như tài năng của các nghệ sĩ đương đại”. Đêm bế mạc triển lãm khép lại với những tiết mục văn nghệ đầy ý nghĩa của nghệ sĩ ưu tú Đinh Linh (bài trống mở màn, hát văn chơi đàn nguyệt, độc tấu đàn bầu), ca sĩ Trung - Việt Shimin và ca sĩ Minh Phương (trình diễn bài hát Thư Pháp và Tiếng Việt).

IMG-9439-JPG.jpg

Những đôi giày sneaker có hoa văn từ họa tiết xưa

Họa sĩ Đinh Hải Yến, người vẽ bộ tranh tái hiện kiến trúc độc đáo, tinh tế của nhà thờ Huỳnh Phủ cho biết: “Đây là cơ hội tuyệt vời để cộng đồng Việt Nam tại nước ngoài có thể thưởng thức và tự hào về những di sản lịch sử trong đời sống văn hóa hiện đại, hay chính như cái tên của triển lãm, những tặng vật và hình bóng của quá khứ trong hiện tại”.

LO-00002.jpg

Các bạn trẻ ở Sydney đến dự triển lãm và mặc thử cổ phục

“Chúng tôi vẫn hy vọng sẽ sớm có một triển lãm tương tự dành cho thời nhà Lê. Trong lúc chờ đợi Vietnam Centre tích đủ khả năng và điều kiện khách quan trở nên thuận lợi hơn, chúng tôi sẽ tiếp tục khai thác từng mảng nhỏ của giai đoạn này. Hy vọng chúng tôi sẽ có thể góp một nét vẽ vào trong bức tranh lớn của lịch sử văn hóa Việt Nam”, Vietnam Centre khiêm tốn. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Vàng son vương dấu”: Bóng hình người trẻ trên dấu tích xưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO