Google không cho phép bạn hỏi một câu ngốc nghếch. Nhiều người đã nói thẳng với tôi như vậy khi tôi theo thói quen hỏi một chuyện gì đó.
Đọc E-paper
Hôm rồi, bà thông gia cho món ngon, hôm nay bỗng thòm thèm hương vị của sả ớt trên con cá kèo, mới nói với con gái định ghé thăm rồi hỏi luôn công thức cái món ăn trứ danh của sui gia, một cách khéo khen bà kinh doanh tài, nấu ăn giỏi.
Con gái gạt phắt, rồi chìa tận tay mẹ cái màn hình smartphone, hỏi mẹ muốn món gì, trong này có hết, chuẩn vị ba miền, mẹ muốn ra Bắc hay vào Nam nhậu nhẹt? Ngày mai là Tết Đoan Ngọ, mẹ muốn ăn gì cho đúng điệu, cứ Google mà truy.
Nó đã nói thế, đành ngưng ý định đi giao lưu với sui gia, ngồi nhà đối thoại với Google vậy, triền miên và bất tận. Thấy cả vạn người lao xao trên Google, hỉ nộ ái ố, cuốn hút và phong phú, ân cần và thờ ơ, dễ thương hay uyên bác.
Rồi từ lúc nào không biết, cũng hay nói với bạn: "Hỏi gì vớ vẩn thế, sao không tra Google?" mà không mấy khi nhận ra ánh mắt khó chịu của người đối diện.
Google đã thật sự xâm nhập vào cuộc sống của tất cả chúng ta, từ từ và chắc chắn. Một hôm có bạn già gọi điện thoại, bảo không thạo công nghệ thông tin, nhờ tra Google giúp về mấy loại thuốc chữa bệnh. Hôm khác, có vị trồng phong lan than thở muốn tìm tên của một loại lan rừng anh mới sưu tầm mà không biết hỏi ai, mình tủm tỉm bảo hỏi ông Google chứ hỏi ai.
Chụp ảnh giỏ phong lan đưa lên mạng, khoảng hai giờ sau có người đưa hàng loạt ảnh loại lan ấy và cung cấp đường dẫn đến tên gốc rễ của loại phong lan này cùng mấy chục họ hàng phân nhánh của nó.
Bạn có thể tưởng tượng ra cặp mắt sáng rỡ, háo hức của ông bạn khi phát hiện trên mạng có vô số diễn đàn của người mê phong lan, và có thể học ngọn ngành nghề buôn phong lan. Ông ấy tiễn mình ra cửa, lại hỏi thêm bây giờ nên chọn laptop, hay máy tính bảng, hay smartphone để sống chung với Google?
Lại trả lời, lên Google mà tìm câu trả lời bạn nhé. Và mình tự hiểu, từ nay sẽ rất ít gặp nhau, rất ít có buổi cà phê mà tìm phong lan chỉ là cái cớ, còn biết bao chuyện khác cần tâm sự từ nay cũng sẽ ít dần. Người ta sẽ không thấy thiếu thốn tình cảm, chỉ ít thời gian, cần gì thì lên mạng hỏi ông Google.
Đừng có trách ông ấy. Có lẽ sau này lịch sử sẽ ghi nhận Google góp phần đáng kể vào tiến trình thay đổi thế giới, tạo ra một nền tảng văn hóa hoàn toàn mới, đó là văn hóa chia sẻ và tiếp nhận.
Sự chia sẻ và cho phép tìm kiếm mọi thông tin, kiến thức trên mạng ảo thông qua tiện tích tìm kiếm của Google đã thúc đẩy thế giới phát triển. Mỗi con người ở các góc độ khác nhau không phải cô đơn trên con đường mưu sinh, nghiên cứu, học tập, giải trí, thậm chí tình cảm yêu đương.
Thử hình dung một công trình nghiên cứu trước kia người ta phải làm trong vài năm, rồi công bố trên tạp chí khoa học in ra giấy, và những người khác, ở quốc gia khác không có điều kiện tra cứu, sẽ đi lại từ đầu, lãng phí vật chất và chất xám. Rồi một ngày phát hiện ra công trình đời người của mình thiên hạ đã làm từ chục năm trước.
Thế nhưng trên nền tảng văn hóa Google, có nhiều chuyện rất kỳ dị. Các giảng viên đại học ngồi đọc tiểu luận của học trò, thường làm động tác bốc một phần "bỏ vào" Google, tìm kiếm xem học trò có "ăn cắp" những thứ có sẵn trên mạng không, chốc chốc lại kiểm tra.
Mình thường hỏi họ, động tác ấy có làm họ mất hứng thú với công việc không, các giáo viên cho biết, từ lâu chẳng còn hứng thú gì vì sinh viên là những "tay tổ copy", giỏi đến mức đọc thì thấy tư liệu rất quen nhưng không tìm được đường dẫn gốc.
Mới đây, tại cuộc gặp gỡ với các nhà báo nhân dịp chuẩn bị từ chức Bí thư Thành ủy Hội An, ông Nguyễn Sự cho biết, hàng chục bài báo viết về ông, phỏng vấn việc ông "từ quan"mà không hề gặp mặt, không thực sự trao đổi, chỉ lấy bài của báo bạn rồi xào xáo, thậm chí có nhà báo trẻ táo tợn đến mức, theo mô tả của ông phỏng vấn tưởng tượng ông để "kê bắn" người khác.
Quả là lời gửi gắm sâu sắc của một vị lãnh đạo đến giới báo chí thời Google. Cách ứng xử của ông Nguyễn Sự với báo giới lịch lãm và tự tin, nếu câu chuyện này xảy ra với một vị lãnh đạo khác, chưa biết hậu họa thế nào với nhà báo có kiểu phỏng vấn tưởng tượng nguy hiểm đó.
Tôi tin rằng tiện ích Google sẽ thay đổi văn hóa xã hội rất lớn. Sẽ có một thế hệ mới với nền tảng "văn hóa Google" định hình, con người lười đi lại, tiếp xúc, ngồi một chỗ kêu ông Google giúp đem lại tất cả những gì mong muốn. Nhưng vấn đề là chia sẻ và tiếp nhận như thế nào để bản chất xã hội còn giữ không chỉ thành tựu, mà còn nguyên lòng trung thực!
Và còn một điều nhận thấy, một con người cụ thể sẽ thật nhạt nhòa và nhỏ bé bên cạnh ông Google, có chăng đến một ngày người ta không còn muốn tiếp xúc với nhau nữa, mà chỉ muốn gặp duy nhất ông Google mà thôi?