Cần xác định lại vai trò của FDI đối với nền kinh tế

NGUYỄN CHÍ DŨNG(*)| 17/10/2018 03:41

Trong bối cảnh mới và những biến động phức tạp của tình hình kinh tế thế giới, vấn đề đặc biệt quan trọng là xác định lại vai trò của FDI đối với nền kinh tế.

Cần xác định lại vai trò của FDI đối với nền kinh tế

GDP quý III tiếp tục đà tăng trưởng khi đạt 6,88%. Tăng trưởng GDP tính chung 9 tháng đầu năm đạt 6,98% - mức tăng cao nhất giai đoạn 2011 - 2018. Tăng trưởng khả quan cho thấy nỗ lực của Chính phủ trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tập trung vào chất lượng tăng trưởng đã đạt được kết quả tích cực.

Với những kết quả đạt được trong 9 tháng qua có thể thấy, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5 - 6,7% năm 2018 của Việt Nam là khả thi. Thế nhưng, trong quý cuối cùng của năm, nước ta vẫn phải tập trung cho các giải pháp được đề ra trong Nghị quyết 01 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Với hơn 200 nhiệm vụ mà Nghị quyết 01 đã nêu, cần rà soát lại, đẩy mạnh những nhiệm vụ đang dở dang, tập trung hơn cho các nhiệm vụ chưa làm được. Tái cơ cấu nền kinh tế cần được tập trung nhiều hơn, bởi đây là bước quyết định cho hoàn thành kế hoạch năm 2018, là tiền đề cho kế hoạch 5 năm cũng như tiền đề cho giai đoạn tới đây. Bên cạnh đó cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải thiện nhanh chóng tiến độ xây dựng các công trình hạ tầng. Hiện, các nhà đầu tư nước ngoài đang quan ngại về hạ tầng của nước ta còn kém cạnh tranh so với nhiều nước.

Một vấn đề lớn nữa, để tận dụng được nguồn lực đã có trên mọi lĩnh vực kinh tế, các bộ, ngành cần quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư. Thực tế cho thấy, lĩnh vực đầu tư đang có nhiều việc phải giải quyết, nhiều dự án còn chậm tiến độ. Vì vậy, các cơ quan có liên quan cần tập trung tháo gỡ vướng mắc để giải ngân nhanh nguồn vốn đầu tư.

Kết quả sau 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài thể hiện chủ trương đúng, kịp thời của Đảng và Nhà nước, tạo ra bước ngoặt cho phát triển kinh tế. Song, vẫn có những hạn chế và bất cập, cần kịp thời đánh giá lại để tìm ra nguyên nhân. Chẳng hạn, việc một số nhà đầu tư vi phạm quy định đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, cần xác định rõ nguyên nhân ở thể chế, chính sách hay ở khâu tổ chức thực hiện. Nguyên nhân do năng lực chưa cao hay công tác quản lý chưa tốt. Việc tìm ra nguyên nhân hết sức quan trọng trong việc đưa ra giải pháp kịp thời để điều chỉnh.

Các nhà đầu tư vào Việt Nam để tìm kiếm lợi nhuận, nhưng cũng có những đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế và xã hội, tạo diện mạo mới về kinh tế, đô thị và nông thôn ở nước ta. Chỉ tính trong 9 tháng đầu năm 2018, đã có hơn 25 tỷ USD vốn FDI vào Việt Nam, với 2.182 dự án và tổng vốn đăng ký 14,1 tỷ USD, bằng 97% so với cùng kỳ năm 2017. Đến 20/9/2018, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được khoảng 13,25 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong bối cảnh mới và những biến động phức tạp của tình hình kinh tế thế giới, vấn đề đặc biệt quan trọng là xác định lại vai trò của FDI đối với nền kinh tế. Nước ta tiếp tục khẳng định khu vực FDI là một bộ phận của nền kinh tế, có đóng góp quan trọng vào nền kinh tế, nhưng việc tiếp tục thu hút và sử dụng nguồn vốn FDI tới đây cần được điều chỉnh về mặt chiến lược, đúng với định hướng mới.

Thu hút FDI tới đây sẽ tập trung vào trọng tâm và trọng điểm, gắn với quá trình cải cách, gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, gắn với phát triển bền vững và tăng trưởng xanh, để từ đó tạo ra sự liên kết với doanh nghiệp trong nước, tạo sự lan tỏa vùng miền.

Thu hút FDI cũng sẽ tập trung vào công nghệ tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, cũng như tập trung vào những dự án lớn để tạo sự lan tỏa nhiều hơn. Nước ta đã và đang hoàn thiện thể chế, để khi các nhà đầu tư nước ngoài vào đã có đủ điều kiện về môi trường, hạ tầng tốt. Thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài trong xu thế đó sẽ tạo động lực, tạo sức ép đối với các cơ quan có thẩm quyền và doanh nghiệp trong nước.

Với tăng trưởng ổn định ở mức cao, Việt Nam đang hội tụ đủ yếu tố thuận lợi cho môi trường đầu tư thông qua chỉ số, đánh giá của tổ chức quốc tế. Đó cũng là những yếu tố quan trọng để các nhà đầu tư đến Việt Nam đầu tư lâu dài, đồng hành cùng sự phát triển của Việt Nam trong thời gian tới.

(*) Tác giả là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cần xác định lại vai trò của FDI đối với nền kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO