Vẫn chuyện mía đường: Cần nhiều mắt xích liên kết

Lữ Ý Nhi| 27/06/2019 06:18

Để bứt phá thành công, doanh nghiệp (DN) mía đường cần có nhiều mắt xích liên kết để tháo gỡ những cản trở đối với sự phát triển của ngành mía đường Việt Nam.

Vẫn chuyện mía đường: Cần nhiều mắt xích liên kết

Theo ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) trong bối cảnh ngành mía đường thế giới và khu vực đứng trước các thách thức cùng những tác động do sự thay đổi cung cầu và biến đổi khí hậu toàn cầu, chính phủ các nước Đông Nam Á đã sớm hỗ trợ và định hướng nhằm giúp ngành mía đường giữ được lợi thế cạnh tranh, hướng tới sự phát triển bền vững, đảm bảo được giá trị hữu ích, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Đơn cử tại Thái Lan, Philippines, DN mía đường đều có những bước phát triển ấn tượng do chính phủ xác định mía đường là ngành công nghiệp quan trọng gắn với nhu cầu tiêu dùng thường nhật của người dân, cung cấp nguyên liệu cho nhiều ngành sản xuất và mang lại nguồn ngoại tệ không nhỏ, nên đã ban hành luật tạo thuận lợi cho DN trong ngành đầu tư công nghệ sản xuất, chế biến hiện đại. Cụ thể, ngày 15/1/2018, Thái Lan đã ban hành đạo luật về ngành mía đường, theo đó giá đường không cố định mà theo cơ chế thị trường, giá mía chia sẻ doanh thu giữa người trồng và doanh nghiệp đường là 70/30. Cải cách này đã giúp giá đường giảm dần, phù hợp với giá đường thế giới. Bên cạnh đó, Chính phủ Thái Lan cũng tích cực giảm tỷ lệ mía bị đốt vì gây ô nhiễm môi trường nên năm nay đã giảm 30%.

Theo tính toán dựa trên báo cáo của Hiệp hội Mía Đường Mỹ, Chính phủ Thái Lan đang trợ giá tối thiểu 1,5 tỷ USD/năm, tương đương 3.000 đồng/kg mía cho ngành mía đường của nước này, cho vay ưu đãi mua máy móc trên 130 triệu USD/năm với lãi suất 2%; Philippines cũng trợ cấp 2 tỷ peso/năm cho ngành này. 

Chia sẻ ý kiến trên một bản tin nội bộ, ông Đinh Lý Thăng Long - Công ty CP Thành Thành Công Biên Hòa cho rằng: “Một mắt xích liên kết không thể thiếu để phát triển ngành mía đường, đó là mắt xích trong chuỗi sản xuất - kinh doanh, trong đó vai trò của Nhà nước - nhà nông - DN - nhà khoa học cần cụ thể hơn. Chính sách định hướng, hỗ trợ ngành mía đường từ Nhà nước cũng như khung pháp lý phải rõ ràng, minh bạch bởi đó là yếu tố quan trọng nhất. Cụ thể như chính sách dồn điền đổi thửa, hỗ trợ nông dân vay vốn trồng mía, chính sách giá mua điện từ bã mía... Đặc biệt, khi “giờ G” của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) gần kề, cần triển khai quy định về hạn chế nhập khẩu đường trắng song song với việc gia tăng nhập khẩu đường thô. Được như thế, DN mía đường Việt Nam sẽ có cơ hội tận dụng thế mạnh riêng và thích nghi với điều kiện kinh doanh mới. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vẫn chuyện mía đường: Cần nhiều mắt xích liên kết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO