… Và mối “nhân duyên” với thép

Kim Hoa (Thực hiện)| 28/09/2009 05:06

Trần Anh Vương, cậu học trò chuyên toán, con một nông dân nghèo, sau khi tốt nghiệp đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội đã từng bước tìm thấy chỗ đứng cho mình trên thương trường từ khá sớm.

… Và mối “nhân duyên” với thép

Trần Anh Vương cậu học trò chuyên toán, con của một gia đình nông dân nghèo ở Thái Bình, sau khi tốt nghiệp đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội đã từng bước tìm thấy chỗ đứng cho mình trên thương trường từ khá sớm. Để gầy dựng được một thương hiệu uy tín không chỉ ở thị trường trong nước, anh đã phải trải qua 15 năm kiên trì “vượt dốc”. Có thể nói, điều may mắn nhất đối với Vương là mối nhân duyên “trời cho” với thép - “cơm” của ngành công nghiệp, như anh đã từng ví von...

*Khi cầm tấm bằng cử nhân đi tìm việc, anh đã chọn Sài Gòn?

- Đúng vậy, đó là năm 1994. Sài Gòn là một chân trời mới và mọi thứ đối với tôi đều lạ lẫm. Tôi đi làm kế toán cho một DN của Đài Loan chuyên về giầy dép trong 8 tháng, cũng oách lắm, nhưng lại thấy chán vì nhiều lẽ, đặc biệt là không tìm thấy hứng thú ở lĩnh vực kinh doanh này. Tôi đã kịp ăn một cái tết Sài Gòn trước khi trở lại quê nhà và bắt đầu đi vào một lĩnh vực mới hợp với mình hơn.

* Đó là thép?

- Thực ra, đó là một công ty xuất nhập khẩu, sản phẩm gồm có thép và xi măng. Mẹ bạn tôi làm giám đốc, thiếu người, và tôi đã đầu quân về. Không chỉ bắt tay vào công việc một cách thuận lợi mà tiền nong trong túi tôi lúc đó cũng khá rủng rỉnh. Tuy nhiên, chỉ 3 năm sau, thì Công ty xảy ra chuyện lớn, giám đốc là mẹ của bạn tôi đã đột ngột ra đi vào cõi vĩnh hằng. Công ty rơi vào tình trạng khó khăn, thậm chí bế tắc.

* Và quyết định chính xác lúc đó của anh là... ra đi?

- Có lẽ vậy. Từ Thái Bình tôi đã khăn gói lên Hà Nội, với những kỹ năng và kinh nghiệm đã có, tôi được nhận làm giám đốc thuê cho một công ty kinh doanh xe máy. Sau hai năm làm việc tại đây, tôi bắt đầu cảm thấy “bức bối” và muốn “bung ra”. Rồi Luật Doanh nghiệp năm 2000 ra đời đã tiếp sức cho tôi hành động. Ngày 6/3 năm đó, Công ty Thép Bắc Việt ra đời và tôi là 1 trong với 4 thành viên sáng lập.

* Hỏi thật nhé, lúc đó, trong túi anh có bao nhiêu tiền?

- Tôi là con út trong một gia đình nghèo, có tới 7 anh chị em, mẹ mất sớm từ khi tôi đang còn là sinh viên. Năm 1997, khi tôi lấy vợ, bao nhiêu tiền nong tích góp được sau mấy năm đi làm thuê cũng chỉ đủ mua 1 căn phòng tập thể bé con con. Lúc quyết định thành lập Công ty, tôi phải gõ cửa vay mượn nhiều người, tổng cộng được khoảng 300 triệu đồng.

* Bây giờ, khi đã làm chủ một thương hiệu có uy tín, thường xuyên có những lô hàng xuất khẩu trị giá hàng triệu đô la thì đồng tiền có ý nghĩa như thế nào với anh?

- Không biết sau này tôi có thay đổi cái nhìn về đồng tiền hay không, nhưng quả thực, hiện tại, kiếm tiền không phải là mục tiêu số 1 của tôi. Với tôi, điều quan trọng nhất của người làm kinh doanh là danh tiếng. Danh tiếng của doanh nhân mới thực sự có ý nghĩa, chứ không phải là doanh số. Với tôi, “uy tín quý hơn vàng”. Để bảo vệ chữ tín, tôi sẵn sàng hy sinh quyền lợi của mình vì khách hàng. Trong 10 năm qua, điều tôi hài lòng nhất là mình đã gắn bó với thương trường mà không gây ra bất cứ “oán thù” gì. Điều này không đơn giản, muốn làm được, người kinh doanh phải biết đứng trên mọi mâu thuẫn về quyền lợi và phải có được tiếng nói trọng lượng trong hiệp hội ngành nghề của mình...

Thép Bắc Việt hiện là “công ty mẹ” của một nhóm 8 công ty với doanh thu năm 2008 đạt trên 600 tỷ đồng. Sau 9 năm thành lập, hiện tại, sản phẩm của Thép Bắc Việt đã xuất khẩu sang châu Âu, châu Mỹ, châu Á và vùng Trung Đông. Với phương châm “Chất lượng hàng đầu - Giá cả cạnh tranh - Thi công nhanh chóng”, vừa qua, sản phẩm nhà thép tiền chế mang thương hiệu DamSan của công ty đã đạt giải Sao vàng Đất Việt năm 2009.

*Thực tế cho thấy, để tồn tại trên thương trường khắc nghiệt hôm nay, ngoài chữ tín ra, những người lãnh đạo DN còn cần phải có “cái đầu” - tức tầm nhìn xa trông rộng. Anh có tự tin về điểm này, nhất là khi đứng trước các cộng sự, đối tác, khách hàng…?

- Khi gây dựng Thép Bắc Việt, 4 anh em chúng tôi đã ngồi với nhau bên chén rượu trắng. Vốn là bạn bè, tất cả đều nhất trí bầu tôi làm giám đốc. Tôi tin là các cộng sự của tôi đã nhìn đúng về tôi, tin tưởng ở khả năng lãnh đạo và sự nhạy cảm trong kinh doanh của tôi. Lúc đó, dù đã bỏ thép đi làm việc khác mất vài năm, song khi quay lại tôi vẫn đủ tự tin. Tuy nhiên, tôi cũng không bào giờ quên rằng, quyết định đầu tiên của tôi trong vai trò giám đốc lại là một quyết định sai lầm!

* Và anh đã phải trả giá ?

- Đúng vậy! Trong những ngày đầu tiên nhậm chức, tôi đã quyết định nhập một lô hàng của Đài Loan. Kết quả là lỗ gần hết vốn. Quả là nóng vội thường dẫn đến hỏng việc, mà người trẻ lại thường hay mắc phải sai lầm này.

* Âu cũng là “học phí”! Lúc đó tâm trạng anh ra sao?

- Rất lo. Tôi về nói với vợ, may mà cô ấy bảo: “Mình đi lên từ số 0, nếu có trở về số 0 cũng chẳng sao!”. Nhờ câu nói ấy mà tôi mới không chùn bước. Từ đó, làm gì tôi suy nghĩ, tính toán cẩn thận hơn.

*Vậy, trong số quyết định của anh sau này, quyết định nào là “đáng giá” nhất?

- Đó là quyết định đi thuê đất, mua sắm máy móc thiết bị để việc sản xuất thép đi liền với kinh doanh thép. Nhờ thế, chỉ 1 năm sau Thép Bắc Việt đã lấy lại được phần vốn đã mất và từng bước tìm được chỗ đứng trên thị trường. Trong quá trình xây dựng thương hiệu, chúng tôi đã không ngừng tìm kiếm, học hỏi công nghệ sản xuất của nước ngoài, chấp nhận tốn kém, lặn lội tới nước Nhật để học cách quản lý của họ.

* Nghe nói, anh chính là người đã đưa ra một “định nghĩa mới” về thép: “cơm” của nền công nghiệp”…

- Đúng vậy, nhưng “gốc gác” định nghĩa đó là của người Nhật: “Thép là nguồn lương thực của nền công nghiệp”, tôi chỉ là người “nói lại” theo cách của người Việt mà thôi. Nền muốn biết nền kinh tế của một quốc gia có phát triển hay không hoặc phát triển đến đâu thì một trong những chỉ số hàng đầu để đánh giá chính là sự tăng trưởng của thép. Sự phát triển của mỗi quốc gia vì thế, được “đo” bằng những kilogam thép trên đầu người. Hiện Việt Nam mới chỉ đạt gần 100 kilogam thép/đầu người (khoảng 10 triệu tấn/86 triệu dân), trong khi sản lượng thép trên đầu người của Nhật Bản gấp chúng ta rất nhiều lần, dù chất lượng thép của họ không hơn thép Việt Nam là bao.

*Có thể nói, anh đã đi lên từ thép, làm giàu từ thép, nhưng cũng lao đao vì thép. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã tác động đến Thép Bắc Việt như thế nào? Giải pháp mà anh đã áp dụng để ứng phó với sự trồi sụt của thị trường là gì?

- Thép Bắc Việt có hai mảng hoạt động chính là kinh doanh - phân phối thép và sản xuất cơ khí. Khủng hoảnh kinh tế đã làm cho giá thép thế giới giảm mạnh (nếu tháng 6/2008 là 1.000 USD/tấn thì đến tháng 3/2009 chỉ còn 400USD/tấn). Khó khăn chung của các DN thép là hàng tồn kho và Thép Bắc Việt không phải là ngoại lệ. Mặt khác, tháng 8/2008 Chính phủ lại có chủ trương hạn chế DN xuất khẩu thép nên lượng hàng tồn đọng càng nhiều hơn.

Giải pháp chính của chúng tôi là xuất khẩu tái xuất nhanh hàng hoá; chú trọng vào mảng sản xuất cơ khí nhằm vào các công trình có sự kích cầu của Chính phủ, tập trung đầu tư mở rộng nhà máy lúc vật liệu xuống giá. Dĩ nhiên, để làm được điều này thì phải tạo được niềm tin với ngân hàng khi đi vay. Bài học mà tôi rút ra trong khủng hoảng là phải “thực tế” với chính mình, có giải pháp để kiểm soát rủi ro tài chính và kiểm soát chi phí để giảm giá thành, có sự đầu tư để nâng cao chất lượng lao động…

* Nếu nhìn từ ngành thép, theo anh, cho đến nay, nền kinh tế trong nước đã có dấu hiệu phục hồi rõ nét chưa?

- Chưa rõ nét, nhưng đã có dấu hiệu phục hồi, ít nhất là về tâm lý.

* Người ta bảo “trong nguy có cơ”. Vậy, với Thép Bắc Việt và với cá nhân anh thì sao?

- Có đấy. Từ đầu năm đến nay, nhiều DN nhận được sự hỗ trợ từ gói kích cầu của Chính phủ nên đã đầu tư vào nhà xưởng và đây chính là cơ hội cho Thép Bắc Việt. Năm 2009, chúng tôi đã có thêm 3 dự án đầu tư mới tại Bắc Ninh, Hải Phòng.

*Theo anh, đâu là vấn đề nan giải nhất của ngành thép Việt Nam hiện nay?

Trần Anh Vương trong một hội thảo

- Đó là sự quy hoạch của Nhà nước vẫn còn nhiều bất cập. Thép được xem là “xương sống” của nền kinh tế, nhưng sự quy hoạch vẫn chưa rõ nét, chưa có sự ưu tiên phát triển cụ thể… Ngay cả Hiệp hội Thép Việt Nam cũng chưa đưa ra được định hướng nào cả, chưa phát huy hết vai trò của mình.

Bản thân tôi luôn đau đáu về một thương hiệu mạnh cho ngành cơ khí của đất nước, nhất là trong bối cảnh có rất nhiều DN sản xuất thép, song sự nhập nhằng, lẫn lộn về chất lượng đã làm cho danh tiếng thép nội bị giảm sút và thua thiệt rất nhiều. Chính vì vậy, khi chọn tên cho sản phẩm mới ra lò của mình, tôi muốn nó phải thật Việt Nam và đã nghĩ đến chàng DamSan - nhân vật chính trong một trường ca nổi tiếng của Tây Nguyên. Anh em chúng tôi gọi đây là “một thương hiệu đầy khát khao”, bởi nó đã vượt ra khỏi sự hạn hẹp của một thương hiệu nhỏ khi đi ra thị trường lớn.

* Ngoài thép ra, hình như anh còn mê đá bóng và “suýt” trở thành ca sĩ?

- Quả thật, hồi sinh viên tôi có đi biểu diễn và giành được Huy chương trong cuộc thi “Giọng hát vàng sinh viên thủ đô”. Bóng đá và ca hát không chỉ giúp giảm áp lực trong công việc mà còn làm cho cuộc sống của tôi nhẹ nhàng hơn.

* Thế còn các hoạt động đoàn thể thì sao?

- Tôi được giao phụ trách Văn phòng và các hoạt động phong trào của Hội Doanh nghiệp Trẻ Hà Nội. Tuy rất bận rộn, nhưng tôi rất vui và thấy mình… có ích. Giải bóng đá HYBA Cup 2009 vừa qua của Hội là do tôi “chủ xị” đấy.

* Vậy, anh quan niệm thế nào về sự thành đạt của một doanh nhân thời hội nhập?

- Tôi cho rằng, một doanh nhân được xem là thành đạt phải hội tụ các yếu tố: thành công trong kinh doanh, hạnh phúc trong cuộc sống đời thường và có trách nhiệm với cộng đồng. Người lãnh đạo DN phải xây dựng được hình ảnh tốt không chỉ trước khách hàng, đối tác mà còn trước các cộng sự của mình - những những đồng nghiệp, cổ đông, nhân viên. Với tôi đây là điều tối quan trọng.

* Nghe nói, anh đang có ý định đầu tư cho quê hương. Có thể chia sẻ một chút về dự án này được không?

- Đó là dự án tại Khu Công nghiệp Gia Lễ, Thái Bình, trên diện tích 8,2 ha. Trong tương lai, nơi đây sẽ chuyên sản xuất thép cán nguội cuộn và thép hình cán nóng.

* Xin cảm ơn và chúc cho những dự định của anh sớm thành hiện thực!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
… Và mối “nhân duyên” với thép
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO