Bông là thế mạnh xuất khẩu của Uzbekistan. Nguồn: Reuters |
Uzbekistan là một trong những quốc gia quan trọng nhất Trung Á. Họ nắm giữ phần lớn vùng đất trung tâm của khu vực này - Thung lũng Fergana, có dân số đông nhất khu vực (31 triệu người). Vị trí địa lý thuận lợi cũng giúp Uzbekistan đóng vai trò chủ chốt trong Con đường Tơ lụa trước đây.
Uzbekistan là quốc gia giàu tài nguyên. Theo CIA World Factbook, nước này có trữ lượng khí đốt lớn thứ 20 thế giới và trữ lượng dầu mỏ lớn thứ 47. Họ còn là nước xuất khẩu lớn về thủy điện và điện sản xuất từ khí đốt. Tổ chức phân tích tình báo Stratfor thì cho biết trữ lượng vàng của Uzbekistan đứng thứ 10 thế giới, uranium đứng thứ 11 và đồng thứ 10.
Nhờ vùng Thung lũng Fergana trù phú, nông nghiệp của Uzbekistan rất phát triển và đóng góp lớn vào GDP nước này. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là bông và bột mì. Uzbekistan sản xuất tới 85% bột mì và 90% gạo, lúa mạch tiêu thụ trong nước. Tất cả những lợi thế này đã giúp kinh tế Uzbekistan khá độc lập so với nhiều nước láng giềng - vốn phải dựa vào nước ngoài để có năng lượng và thực phẩm.
Sau khi tách khỏi Liên Xô năm 1991, quốc gia này gần như duy trì nền kinh tế dưới thời Soviet, khi trợ giá và kiểm soát chặt sản xuất, giá cả, ngoại tệ. Islam Karimov là nhà lãnh đạo suốt 25 năm đầu độc lập của Uzbekistan. Dưới thời Karimov, Uzbekistan là một trong những quốc gia cô lập nhất thế giới, do ông kiểm soát rất chặt cả kinh tế và chính trị, đồng thời tỏ ra không mấy tin tưởng cả Nga và phương Tây.
Tăng trưởng của Uzbekistan thời kỳ này chủ yếu nhờ các khoản đầu tư của nhà nước. Xuất khẩu khí đốt, dầu mỏ, bông đóng vai trò chủ chốt trong việc đem về ngoại tệ. Các biện pháp tăng tính thị trường trong nền kinh tế ở đây được thực hiện thận trọng hơn so với các quốc gia khác hậu Soviet.
Năm 1992, lạm phát tại Uzbekistan bắt đầu tăng tốc. Giá bán lẻ tăng tới 790%, còn giá bán buôn vọt lên 2.700% cuối năm. Trong khi đó, thu nhập thực lại giảm 56%. Thỏa thuận thương mại với các nước khác trong Liên Xô cũ bị gián đoạn cũng khiến các chỉ số kinh tế khác của Uzbekistan lao dốc. Giai đoạn 1991 - 1994, thặng dư tài khóa giảm mạnh, GDP cũng co lại tới 17%.
Khi nhận ra cải tổ kinh tế chậm không đem lại hiệu quả, Chính phủ nước này bắt đầu tăng tốc chuyển dịch sang nền kinh tế theo định hướng thị trường. Họ thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế, tăng tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước và cải thiện môi trường cho nhà đầu tư nước ngoài. Nhờ đó, tốc độ giảm GDP chỉ còn 1% năm 1996. Còn lạm phát xuống 35%, từ 1.300% năm 1994.
Năm 1996, họ áp dụng thêm nhiều biện pháp cải tổ nhằm tăng tỷ trọng đóng góp của lĩnh vực tư nhân trong GDP lên 60%. Năm 1997, GDP Uzbekistan tăng 2,5%. Đến năm 1998, con số này tiếp tục nhích lên, bất chấp khủng hoảng tài chính tại Nga và châu Á.
Số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết giai đoạn 2004 - 2016, kinh tế Uzbekistan tăng trưởng khá nhanh, giúp phần lớn người dân thoát khỏi cảnh nghèo khó. Sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân nhỏ tại nhiều lĩnh vực đã tạo ra phần lớn việc làm trong nước, đóng góp vào tăng trưởng thu nhập và giảm nghèo. Việc tăng xuất khẩu khí đốt, vàng và đồng, trong thời kỳ giá tăng, cũng giúp ngân sách có thêm kinh phí để đầu tư và tăng lương.
Tuy nhiên, việc giá hàng hóa đi xuống giai đoạn 2013 - 2016 và Nga, Trung Quốc tăng trưởng chậm lại đã ảnh hưởng đáng kể đến kinh tế Uzbekistan. Nó khiến họ phải chuyển hướng tăng trưởng sang dựa vào tiêu dùng nội địa. Nhờ các chính sách nới lỏng tài khóa và tiền tệ của Chính phủ, GDP giai đoạn này của họ chỉ bị ảnh hưởng rất nhỏ, khi tăng 8,1% năm 2014 và 7,8% năm 2016.
Bước ngoặt lớn của kinh tế Uzbekistan xảy ra vào năm 2016, khi Islam Karimov qua đời. Người kế nhiệm ông là Thủ tướng lâu năm Shavkat Mirziyoyev. Một số người ví Mirziyoyev như Đặng Tiểu Bình - người có công cải tổ và biến Trung Quốc thành cường quốc kinh tế.
Lãnh đạo mới của Uzbekistan - Shavkat Mirziyoyev. Nguồn: Reuters |
Lãnh đạo mới của Uzbekistan vẫn giữ chế độ chính trị cũ, nhưng cho thực hiện nhiều cải tổ đã được lên kế hoạch từ lâu. Tháng 8/2016, họ cho biết sẽ xóa bỏ chính sách visa rời nước - giúp hàng triệu lao động nước này dễ dàng ra nước ngoài làm việc. Một tháng sau, họ ngừng việc cử sinh viên, giáo viên và nhân viên y tế đi thu hoạch bông, đồng thời bỏ phần lớn chính sách kiểm soát vốn.
Chính phủ Uzbekistan cũng đang hướng tới mục tiêu đồng som có khả năng chuyển đổi hoàn toàn trước năm 2019. Họ ký nhiều thỏa thuận hợp tác với các công ty nước ngoài, như Hyundai, Lukoil. Cũng như Trung Quốc trong thời kỳ tái cơ cấu, nhiều khu vực thương mại tự do cũng đang mọc lên tại đây.
Hikmat Abdurahmonov (36 tuổi) đang lên kế hoạch xây một tòa văn phòng 10 tầng và mở công ty tư vấn tại Uzbekistan. Với anh, việc cải tổ tiền tệ cũng đồng nghĩa anh có thể tập trung kiếm tiền. "Tôi cho rằng anh có thể cảm nhận ở mọi nơi, rằng không khí thực sự đang thay đổi", anh cho biết trên Reuters, "Mọi người đều đang lên kế hoạch kinh doanh. Anh sẽ thấy rất nhiều startup mọc lên đấy".
WB đã đưa Uzbekistan vào danh sách 10 nước có môi trường kinh doanh cải thiện nhiều nhất năm 2017, nhờ các cải tổ về thành lập doanh nghiệp, xin giấy phép xây dựng, bảo vệ cổ đông thiểu số, trả thuế và cung cấp điện năng. Nước này xếp thứ 74 trên 190 nước, cao hơn cả Trung Quốc.
"Mục tiêu sắp tới của chúng tôi khá tham vọng. Chúng tôi muốn lọt vào top 20 trước năm 2025", Azim Akhmedkhodjaev - lãnh đạo Ủy ban đầu tư Uzbekistan cho biết. Ông tiết lộ 11 tháng đầu năm ngoái, họ đã thu hút 3,7 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Con số này cả năm 2016 là 1,9 tỷ USD.
"Người Uzbekistan đến nay vẫn khá cô lập, nhưng đang dần cởi mở với các nước láng giềng", Svante Cornell - Giám đốc nghiên cứu Con đường Tơ lụa tại Viện Trung Á - Caucusus nhận xét trên Forbes. Chỉ vài tháng sau khi đắc cử, ông Mirziyoyev đã tới thăm Turkmenistan, Kazakhstan, Nga và Trung Quốc. Uzbekistan đang nỗ lực cải thiện quan hệ thương mại với Trung Á. Quan hệ tốt với láng giềng mới là bàn đạp vững chắc tiến ra thế giới.
Tầm quan trọng của việc duy trì tăng trưởng kinh tế cao và tăng cường sức cạnh tranh của nền kinh tế "đã trở thành ưu tiên hàng đầu với các lãnh đạo", Sodiq Safoyev - cựu đại sứ Uzbekistan tại Mỹ cho biết trên Forbes. GDP năm 2016 của nước này vào khoảng 67 tỷ USD.
Dù vậy, quá trình này với Uzbekistan gần như là bắt đầu lại từ đầu. Thu nhập bình quân tại đây ước tính hơn 2.100 USD một năm, chỉ bằng một phần tư nước láng giềng Kazakhstan. Nhưng với Safoyev, việc này không thành vấn đề, nhất là khi Trung Quốc khởi động sáng kiến Vành đai và Con đường nhằm hồi sinh Con đường Tơ lụa.
"Chúng tôi có truyền thống khởi nghiệp kéo dài nhiều thế kỷ qua", Safoyev nói về quan điểm làm một mình của người Uzbekistan, "Chúng tôi còn trẻ, được giáo dục tốt và có nền kinh tế năng động, Uzbekistan sẽ một lần nữa trở thành điểm sáng trên Con đường Tơ lụa thôi".
(Theo VnExpress - Tựa bài do DNSG Online đặt lại)