"Đặc sản" không mong đợi
Xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc qua các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn có thời điểm tồn đọng lên đến vài nghìn xe với hàng vạn tấn. Điều này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế đối với doanh nghiệp (DN) do tăng chi phí bến bãi, hư hỏng hàng hóa, mà còn gây khó khăn đối với công tác quản lý an ninh trật tự, môi trường ở khu vực biên giới, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến rất phức tạp.
Cận Tết Nguyên đán 2022, cửa khẩu Hữu Nghị mỗi ngày chỉ thông quan được khoảng 100 xe hàng, trong khi thông thường có thể thông quan 300-400 xe. Tại các bến bãi tập kết phương tiện vận tải, vẫn có đến hàng nghìn xe nằm chờ làm thủ tục thông quan. Ngày 18/2/2022 vừa qua, Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn cho biết, tại các cửa khẩu vẫn có khoảng 2.043 xe hàng hóa nằm chờ xuất khẩu, trong đó có 1.628 xe củ quả. Năng lực thông quan tại các cửa khẩu hiện tại dù đã được cải thiện so với trước Tết, nhưng vẫn rất chậm, cả ba cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma thông quan đạt khoảng 500 xe/ngày...
Thay đổi nhận thức
Theo đại diện Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn, có nhiều nguyên nhân dẫn đến ùn ứ hàng hóa, trong đó nguyên nhân chính là do phía Trung Quốc siết chặt quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu để kiểm soát dịch Covid-19 và do nông sản trong nước đến vụ thu hoạch nhu cầu tiêu thụ và xuất khẩu tăng cao. Thêm nữa, bến bãi bao gồm những khu vực đã được địa phương cho mở thêm để sử dụng tạm thời đều đã quá tải.
Trong khi đó, nông sản, nhất là các tỉnh ở phía Nam vẫn tiếp tục đưa tới cửa khẩu Lạng Sơn để xuất khẩu. Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn đã khuyến nghị DN lựa chọn thêm phương án xuất khẩu, chẳng hạn như đi theo đường biển; tổ chức chế biến, xúc tiến tiêu thụ nội địa cùng với đa dạng hóa thị trường xuất khẩu ngoài Trung Quốc. Hàng hóa khi xuất khẩu vào Trung Quốc cần chuyển hướng theo đường chính ngạch, tuân thủ đầy đủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng, truy xuất nguồn gốc, nhãn, mác, bao bì, bởi thị trường Trung Quốc đã không còn "dễ tính" như trước đây.
Thực tế cho thấy, nông sản xuất khẩu của Việt Nam vẫn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc (chiếm khoảng 80% trong tổng kim ngạch), chủ yếu xuất tiểu ngạch nên thiếu tính ổn định, thiếu chuyên nghiệp, dễ bị phá vỡ giao kèo. Hầu hết nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc là vận chuyển theo đường bộ chi phí cao, trong khi xuất khẩu theo đường biển, đường sắt chi phí vận tải giảm thì gần như chưa được khai thác. Do chưa đa dạng phương thức xuất khẩu vào Trung Quốc, nên mỗi khi thông quan tại các cửa khẩu đường bộ đều gặp khó khăn do Trung Quốc thay đổi, điều chỉnh chính sách quản lý, DN cũng như nông dân lại không kịp chuyển hướng tiêu thụ.
Xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc hiện nay, theo ông Vũ Vinh Phú, cần phổ biến đầy đủ, kịp thời thông tin về thị trường (chính sách của nước bạn, nhu cầu và dự báo số lượng, chất lượng, phương thức giao nhận hàng) theo từng thời điểm để DN nắm bắt, từ đó chủ động điều tiết kế hoạch sản xuất và xuất khẩu, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng siết chặt quản lý về an toàn thực phẩm đối với nông sản nhập khẩu.
Đại diện Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các quy tắc sản xuất, chất lượng, bao gói, vận chuyển cho tất cả đối tượng tham gia vào chuỗi sản xuất, xuất khẩu nông sản, từ đó có thể giảm thiểu được quy trình thủ tục. Trái cây và thủy sản đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc phải không bị nhiễm virus SARS-CoV-2 trên bao bì; nhân lực trực tiếp xuất khẩu không dương tính với nCoV. Tỉnh Lạng Sơn cần thường xuyên cập nhật tình hình thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu để cung cấp cho các địa phương tuyến sau phổ biến kịp thời tới thương nhân. Bên cạnh việc xuất khẩu sang Trung Quốc, DN cần tăng cường khai thác thị trường nội địa gần 100 triệu dân còn rất nhiều tiềm năng về sức mua, nhất là đối với nông sản đạt tiêu chuẩn và an toàn.