Bình Ngô Đại cáo, bản Tuyên ngôn độc lập lần thứ hai của Việt Nam, được Thái tổ Cao Hoàng đế Lê Lợi, người sáng lập triều đại Hậu Lê, công bố vào năm 1428, sau khi quét sạch giặc Minh, là một áng hùng văn kiệt tác bất hủ của Nguyễn Trãi, một nhà văn, nhà thơ, một chiến lược gia chính trị quân sự xuất chúng của mọi thời đại.
Sử không cho biết chính xác năm Nguyễn Trãi gia nhập lực lượng kháng chiến do Lê Lợi lãnh đạo, nhưng nhiều tư liệu xác định ông không có mặt trong Hội thề Lũng Nhai do Lê Lợi tổ chức để khởi nghĩa (1416).
Theo Đinh tộc ngọc phả, mãi đến năm 1423, bảy năm sau ngày Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn, Nguyễn Trãi mới đến bái yết Bình Định Vương Lê Lợi. Nhưng từ khi có ông, cục diện kháng chiến chống Minh đã thay đổi. Thực hiện những kế sách của Nguyễn Trãi, lực lượng kháng chiến đã liên tục giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Nguyễn Trãi giỏi sử dụng chiến thuật dùng yếu đánh mạnh, dùng ít đánh nhiều và là một nhà tâm lý chiến đại tài. Ông là người đề xuất và thực hiện một mưu kế nổi tiếng vừa làm nản lòng quân xâm lược, vừa xây dựng niềm tin cho tướng lĩnh, binh sĩ và nhân dân ta là dùng mật ong viết lên lá rừng tám chữ “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần” cho kiến đục thành lỗ khiến quân Minh nghi là có thần giúp.
Tuy nhiên, các tướng lĩnh như Lê Sát, Phạm Vấn… (những người đã vào sinh ra tử cùng Lê Lợi trong buổi đầu kháng chiến) rất bất bình, cho là Nguyễn Trãi kiêu ngạo không coi họ ra gì. Đinh Liệt đứng ra hòa giải bằng cách yêu cầu sửa lại là “Lê Lợi vi quân, bách tính vi thần” (Lê Lợi là vua, trăm họ là bề tôi). Mối hiềm khích giữa Nguyễn Trãi, một người thuộc dòng dõi trâm anh thế phiệt (ông là cháu ngoại quan Tư Đồ Trần Nguyên Đán, thuộc tôn thất nhà Trần) và các công thần nhà Lê vốn xuất thân là những nông dân áo vải, đã nảy sinh từ lúc đó và có thể đó cũng là mầm mống di họa cho ông sau này.
Nguyễn Trãi đã dành trọn tâm huyết của cả một đời để viết Bình Ngô Đại cáo, lời bố cáo khắp thiên hạ của hoàng đế nước Nam. Văn phong của ông trác tuyệt, lời lẽ sắc bén hơn gươm đao, khí thế mạnh mẽ, hùng tráng hơn cả vạn binh, thấm đượm tình yêu nước, thể hiện ý chí độc lập tự cường, khí phách kẻ cả không hề nhún nhường kém cạnh với cường quốc phương Bắc, uy vũ hiên ngang mà vẫn giữ phong độ trang nghiêm văn hiến, càng đọc càng thấy lòng tự hào dân tộc trỗi dậy bừng bừng.
Nhưng đó không chỉ là một bản tuyên ngôn thể hiện niềm tự hào về lịch sử lẫy lừng hàng ngàn năm của Đại Việt, tán thán công lao dựng nước giữ nước của tiền nhân và của hoàng đế đương triều, tuyên dương mạnh mẽ chủ quyền độc lập thiêng liêng, chính thống và bất khả xâm phạm, sự toàn vẹn lãnh thổ và bản sắc văn hóa dân tộc Đại Việt, ghi nhận chiến công oanh liệt hiển hách của các tướng sĩ trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, mà còn chất chứa cả tấm lòng của một trung thần muốn nhắc nhở những người lãnh đạo triều đại mới một điều cốt tử trong sự nghiệp bảo vệ vương triều, bảo vệ chủ quyền độc lập và xây dựng đất nước: đó là cần phải trọng dụng người hiền tài.
Ngay trong phần mở đầu của bản Tuyên ngôn nhằm khẳng định chủ quyền độc lập, sự toàn vẹn lãnh thổ và nền văn hóa phong tục khác biệt giữa Đại Việt và Trung Hoa, Nguyễn Trãi đã viết hai câu cuối có ý nghĩa rất sâu sắc: “Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có”.
Mới đọc qua, người đọc có thể chỉ nghĩ rằng đây là một nhận xét phù hợp với thực tế lịch sử, vì đúng là các triều đại nối tiếp nhau của hai nước có lúc thịnh lúc suy, nhưng nhân tài hai nước thì thời nào cũng xuất hiện. Tuy nhiên, phân tích kỹ ý nghĩa của phần mở đầu, mới thấy hai chữ hào kiệt dùng ở đây là chỉ hào kiệt nước Nam.
Nguyễn Trãi muốn nhắn nhủ người láng giềng phương Bắc rằng dân tộc Đại Việt thời nào cũng sản sinh ra anh hùng hào kiệt đủ tài năng bảo vệ đất nước, đừng uổng công phí sức âm mưu chiếm đoạt. Hàm ý trong hai câu này tương tự nội dung bốn câu thơ trong bản Tuyên ngôn Độc lập lần thứ nhất của Lý Thường Kiệt “Sông núi nước Nam, vua Nam ở, Rành rành định phận ở sách trời, Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm, Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”.
Ngẫm đi ngẫm lại, chúng ta lại phát hiện một nghịch lý trong hai câu “tuy mạnh yếu có lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có”. Vì sao đất nước thời nào cũng sản sinh ra anh hùng hào kiệt lại có lúc yếu lúc mạnh? Hiển nhiên là các triều đại Nam Bắc xưa nay nối tiếp nhau có lúc thịnh, lúc suy và sự thịnh suy đó không xảy ra cùng lúc, nên nhận xét của Nguyễn Trãi “tuy mạnh yếu có lúc khác nhau” là hoàn toàn chính xác. Nhưng nếu câu này đúng, chẳng lẽ câu “song hào kiệt đời nào cũng có” lại chỉ là một lời khoa trương? Chẳng lẽ đất nước đã có anh hùng hào kiệt mà vẫn yếu, vẫn suy hay sao? Vì sao anh hùng hào kiệt lại không thể làm đất nước cường thịnh?
Bình Ngô Đại cáo là tuyên cáo của một hoàng đế nước Nam cho khắp thiên hạ, lời của hoàng đế phải là lời chân thật, quân bất hý ngôn. Nguyễn Trãi là một học giả uyên bác, trong đoạn mở đầu ông đã viết “Như nước Việt ta từ trước, vốn xưng văn hiến đã lâu” thì câu kết “song hào kiệt đời nào cũng có” là một hệ quả tất yếu hợp lẽ.
Đại Việt có nền văn hóa lâu đời, dân trí cao, khí thiêng sông núi hùng mạnh bền vững thì đương nhiên thời nào cũng có nhân tài xuất hiện. Truyền thuyết dân gian kể rằng khi được vua Tàu cử sang làm Thái thú Giao Châu (tên gọi của nước ta khi còn bị Bắc thuộc), Cao Biền thấy xứ này long mạch rất vượng, tất phát đế vương ngàn đời, nên có dã tâm muốn phá, thường mặc áo phù thủy, cưỡi diều giấy đi khắp nơi để xem địa thế, hoặc giả tảng lập đàn cúng tế để lừa thần bản địa đến rồi dùng kiếm báu chém đầu, xong đào hào, chôn kim khí để triệt long mạch, nhưng cuối cùng cũng không thành công.
Tuy chỉ là truyền thuyết, nhưng một dải giang sơn Đại Việt nằm dọc bờ Biển Đông từ đó nổi tiếng là nơi địa linh nhân kiệt.
Nếu nhận xét ở cả hai câu đều đúng, chúng ta cần tìm ra ẩn số để giải mã nghịch lý này? Ẩn số đó phù hợp với mọi thời đại, mọi quốc gia, ngày trước cũng như bây giờ. Thời nào mà người lãnh đạo quốc gia biết trọng dụng hiền tài, quốc gia sẽ thịnh trị, còn thời nào hiền tài bị bỏ phế, đất nước phải suy vong.
Là một trí thức, Nguyễn Trãi tin rằng sự thịnh suy hưng phế của các quốc gia, các triều đại xưa nay đều do con người tạo nên, không phải do mệnh trời hay do lẽ tuần hoàn của tạo hóa. Ông mong muốn vị hoàng đế sáng lập triều đại Hậu Lê hiểu rằng muốn xây dựng đế nghiệp vững bền, quốc gia dân tộc cường thịnh khiến ngoại bang không dám dòm ngó thì phải thực thi chính sách chiêu hiền đãi sĩ, trọng dụng nhân tài. Ông đã gửi gắm tâm sự của ông qua những lời lẽ thiết tha bày tỏ tấm lòng cầu hiền như khát nước của Lê Lợi trong thời kỳ kháng chiến qua những câu sau đây:
Lại ngặt vì:
Tuấn kiệt như sao buổi sớm
Nhân tài như lá mùa thu
Việc bôn tẩu thiếu kẻ đỡ đần
Nơi duy ác hiếm người bàn bạc
Tấm lòng cứu nước, vẫn đăm đăm muốn tiến về Đông
Cỗ xe cầu hiền, thường chăm chắm còn dành phía tả
Trông người, người càng vắng bóng, mịt mù như nhìn chốn bể khơi…
Trong kháng chiến, nhờ có nhân tài mới đánh đuổi được quân xâm lược thì trong hòa bình, càng cần nhân tài nhiều hơn để xây dựng và bảo vệ đất nước. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, khi lãnh đạo quốc gia biết trọng dụng nhân tài, hiền sĩ khắp nơi sẽ theo nhau mà đến. Trọng dụng nhân tài là một quốc sách lâu dài làm cho nước Nam cường thịnh, đó chính là tâm huyết của Nguyễn Trãi khi viết Bình Ngô Đại cáo cho Lê Lợi.
Nhưng Lê Lợi thiển cận, chỉ nghĩ đến việc bảo vệ vương triều mà không xem lợi ích quốc gia làm trọng. Ông nghi kỵ và bức hại công thần. Nguyễn Trãi chỉ được phong chức Nhập nội Hành khiển, không phải là chức quan đầu triều mặc dù công lao ông rất lớn, chưa kể ông còn bị nghi ngờ trong vụ án Trần Nguyên Hãn, bị cánh trọng thần như Lê Sát, Phạm Vấn… gièm pha, đả kích, bị tước bỏ quốc tính, phải từ quan.
Đến đời Lê Thái Tông, ông được vời ra làm Gián nghị Đại phu nhưng vẫn không được tin dùng để thi thố tài năng nên cáo lão về quê ẩn dật. Về sau lại bị vướng vào án oan Thị Lộ, bị xử uống thuốc độc chết, cả nhà bị tru di tam tộc. Mấy mươi năm sau, khi Lê Thánh Tông lên ngôi, ông mới được giải oan, phục hồi danh dự.
Đỗ Nghị, một vị quan triều Hậu Lê, đã cảm thương cho ông: Nhà Lê sở dĩ lấy được thiên hạ đều do sức ông cả. Tiếc thay trời chưa muốn bình trị thiên hạ, cho nên cuối cùng ông vẫn chỉ làm chức Hành khiển Đông đạo, không được dùng hết hoài bão của mình; việc đó không phải là không may cho ông, mà chính là không may cho sinh dân đời Lê vậy.
Thật không có nhận xét nào đúng hơn.