Lãnh đạo doanh nghiệp (DN) cần phải chú ý giữ hài hòa giữa việc áp dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh, quản trị nhân sự và tính "nhân văn" trong hoạt động giao tiếp, tương tác giữa người với người.
Đọc E-paper
Ngày nay, cùng với sự ra đời của công nghệ in 3D và Big Data, công nghệ số đang làm thay đổi mọi khía cạnh của cuộc sống. Dựa vào công nghệ, các công ty đã tự động hóa mọi hoạt động, nhờ đó giảm thiểu chi phí.
Kết nối không giới hạn
Chẳng hạn như Tập đoàn Cisco sau 7 năm ứng dụng công nghệ cho phép quản trị nhân sự từ xa (nhân viên có thể làm việc ở nhà) đã tiết kiệm 277 triệu USD. Khảo sát thực tế của Hãng tư vấn và kiểm toán Price Waaterhouse Coopers (PwC) đối với các DN trong danh sách Fortune 500 (bảng xếp hạng 500 công ty lớn nhất của Hoa Kỳ) cho thấy, có đến 73% DN thuộc nhóm này có hệ thống quản trị nhân sự ứng dụng nền tảng điện toán đám mây. Nhân viên của các công ty này có thể làm việc ở bất cứ đâu thông qua các thiết bị di động cá nhân. Các thiết bị chấm công, ngày phép, xin nghỉ phép... đều được tổng hợp tự động, và các thông tin được cập nhật, chia sẻ giữa các bộ phận trong DN hết sức thuận lợi.
Tại hội nghị HR Tech Asia 2017 mới đây, ông Grahu Goyal - Giám đốc điều hành ADP khu vực Ấn Độ và Đông Nam Á cho rằng, đang ngày càng có nhiều công ty không cần văn phòng lớn, không cần nhiều nhân sự và họ có thể dùng công nghệ để tương tác từ nhiều văn phòng khác nhau trên thế giới. Nhờ công nghệ, DN sử dụng nhân công linh hoạt hơn, có thể tuyển dụng người lao động ở khắp nơi, và hiệu suất làm việc của người lao động cũng được nâng cao. Rất nhiều công ty sử dụng Big Data, IoT để biết được những việc xung quanh.
Cuộc khảo sát của ADP Research, thực hiện trên 3.400 người lao động của các công ty quy mô từ 250 nhân viên trở lên tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho thấy, có 19 xu hướng đang trỗi dậy, trong đó có 4 xu hướng liên quan đến nhân sự. Đó là có khả năng kiểm soát và tính linh hoạt của nhân viên, kiến thức và sự học hỏi, sự không ổn định trong công việc, cá nhân gắn kết với nghề nghiệp. Hầu hết số người được khảo sát đều cho biết muốn làm việc ở bất cứ nơi đâu và họ có thể học hỏi ở bất kỳ đâu, bất kỳ nơi nào thông qua công nghệ. Với các kỹ năng tốt, người lao động dễ kiếm việc làm hơn. Và các nhân viên gắn kết với sự nghiệp, nghề nghiệp hơn là kết nối với nơi mà họ làm việc. Vì trên thực tế, mỗi nhân viên đều là thương hiệu của riêng họ.
Nhiều thách thức
Theo ông Grahu Goyal, mặt trái của sự phát triển công nghệ là công nghệ đang lấy đi tính "nhân văn" trong vấn đề chăm sóc, trải nghiệm của khách hàng với DN. Đôi khi khách hàng cảm thấy không thoải mái nếu như gọi điện đến DN để nhờ tư vấn hay chăm sóc mà chỉ nhận được những lời phản hồi tự động (trên mạng xã hội hoặc tư vấn trực tuyến). Thêm vào đó, chính vì sự phát triển của công nghệ mà nhân viên không thấy được sự gắn bó lâu dài, ổn định với công ty, bởi họ có nhiều kỹ năng và cơ hội để tiếp cận với những nơi làm việc khác. Còn nhà tuyển dụng thì nghĩ có thể tìm được nhân viên tốt nhất trên toàn thế giới.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Bùi Thy Hương - Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Công ty PwC Việt Nam cho biết thêm, hậu quả của tự động hóa tác động lớn đến nguồn nhân lực, mà cụ thể là phải loại bỏ một lượng lớn nhân lực. PwC đã thực hiện khảo sát 2.000 nhân viên làm việc ở các quốc gia khác nhau về việc mọi người nghĩ thế nào về tự động hóa và sự thay đổi về công nghệ? Có đến 1/4 số người được hỏi e ngại về tương lai (27%) vì họ thiếu tự tin khi công nghệ thay đổi.
Trong guồng quay công nghệ, DN Việt Nam cũng có những thay đổi nhất định nhưng chưa toàn diện và cũng chưa nhiều DN ứng dụng vì hạn chế về tài chính. Thêm vào đó, nhiều DN trong nước vẫn còn giữ tư duy dùng các tác vụ thủ công hằng ngày để quản trị con người. Ngoài ra, văn hóa ở Việt Nam cũng là rào cản khiến DN chưa thể ứng dụng triệt để công nghệ vào mọi hoạt động của công ty. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam là quốc gia có rủi ro cao nhất từ công nghệ và tự động hóa vì chúng ta đang tận dụng nguồn nhân lực kỹ năng thấp (chủ yếu là dệt may và da giày) nên ngại tự động hóa trong tương lai.
Các chuyên gia cho rằng, hãy quên tư duy cũ và định hình rằng công sở là nơi nhân viên muốn làm việc với chủ DN chứ không phải làm việc cho chủ DN. Lãnh đạo DN phải dẫn dắt chuyển đổi tư duy về công nghệ, phải hiểu hơn về công việc, nhu cầu và mong muốn của nhân viên. Cụ thể là phải thay đổi tư duy về việc sử dụng công nghệ để quản trị nhân sự, chuyển đổi bộ phận nhân sự, thay đổi cơ cấu nguồn nhân lực để hỗ trợ chiến lược xây dựng, phát triển công ty trong tầm nhìn 5 hay 10 năm, thay đổi cơ chế và kỹ năng để sử dụng công nghệ trong suốt quá trình phát triển DN.
Ngoài những yếu tố trên, lãnh đạo DN cần phải chú ý giữ hài hòa giữa việc áp dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh, quản trị nhân sự tính "nhân văn" trong hoạt động giao tiếp, tương tác giữa người với người. "Sự kết nối giữa con người và con người là quan trọng nhất dù công nghệ hiện nay giúp ích chúng ta rất nhiều. Đừng biến mình thành những robot ở nơi công sở", ông Grahu Goyal tư vấn.