Tưởng niệm Don Luce - nhà báo phát hiện Chuồng Cọp Côn Đảo

Đạm Thư| 15/12/2022 03:30

Khi nghe Lady Borton báo tin Don Luce đã từ trần, tôi bùi ngùi nhớ về một trái tim nhân hậu đã ngừng đập.

Tưởng niệm Don Luce - nhà báo phát hiện Chuồng Cọp Côn Đảo

Cố nhà báo Don Luce phát biểu tại một trường đại học vào năm 1987. Ảnh: Washington Post

Lần đầu tiên tôi gặp Don Luce khi ông đến Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (LHPNVN) cuối năm 1987 để trao một hộp 70 ảnh chụp ở xã Khánh Phú (Ninh Bình) và vùng ven Tiền Giang do Lady Borton - bạn ông, gửi từ Hoa Kỳ.

Công đầu phát hiện Chuồng Cọp Côn Đảo

Trong buổi gặp mặt này, nhà báo Don Luce kể lại chiến công của nhóm 5 sinh viên cựu tù nhân Chuồng Cọp Côn Đảo. Don Luce và Tom Harkin sinh viên trường luật - trợ lý cho đoàn 2 nghị sĩ Hoa Kỳ W.Anderson và A.Hawkins sang Việt Nam để điều tra về Chuồng Cọp Côn Đảo.

Nhờ từng là kỹ sư nông nghiệp, dạy học ở Sài Gòn 13 năm và thông thạo tiếng Việt, Don Luce trở thành thông dịch viên cho đoàn. Ông đã tiếp xúc với nhóm sinh viên Cao Nguyên Lợi - cựu tù Côn Đảo và nghe nhóm của Lợi mô tả về sơ đồ đường vào Chuồng Cọp rất tỉ mỉ suốt ba tiếng đồng hồ. Tấm sơ đồ quý giá này Cao Nguyên Lợi có được nhờ được rời Chuồng Cọp ra ngoài gặp mẹ và lần thứ hai được trao trả tự do. 

Tô Thị Thủy - Chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Sư Phạm Sài Gòn - người yêu của Lợi, đã thuyết phục mẹ của Lợi ra Côn Đảo thăm con trai và một người trên tàu đã bí mật bấm máy ảnh để có tấm hình chứng minh Lợi đang bị giam ở Côn Đảo. Nhờ Thủy thông tin trước, Lợi trao cho mẹ chiếc khăn tay thêu danh sách 5 người là sinh viên học sinh đang bị giam ở Côn Đảo.

Trước đó, Đại tướng VNCH Trần Thiện Khiêm từng tuyên bố: "Không hề có học sinh sinh viên bị giam ở Côn Đảo. Nếu có chứng cớ họ ở đó, tôi ra lệnh thả họ ngay lập tức", vì thế, Trần Thiện Khiêm buộc phải trả tự do cho 5 người, trong đó có Lợi.

Trước khi rời Côn Đảo, nhóm của Lợi đã cố gắng ghi nhớ đường đi từ trại ra Cầu Tàu. Chúa đảo Nguyễn Văn Vệ đã bưng bít khu Chuồng Cọp khiến nhiều đoàn điều tra trước đó đều thất bại. Đoàn điều tra của Hoa Kỳ ra Côn Đảo và đề nghị chúa đảo Vệ đi thăm các trại giam. Trong lúc đi, Don Luce đã dụ Vệ đưa đến vạt rau xanh mà sơ đồ nêu.

Don Luce gợi ý: "Nghe nói ông có sáng kiến cho tù nhân trồng rau xanh và tự chăm sóc để cải thiện thức ăn?". Vệ hí hửng dẫn đoàn nghị sĩ đến vạt rau và vì y không biết Don Luce là kỹ sư trồng trọt nên nói bừa là rau muống, kỳ thật là rau lang. Để đánh lạc hướng Vệ, Don Luce ra hiệu cho Tom Harkin nhanh chóng tìm chiếc cửa thông vào Chuồng Cọp, còn ông nhổ một nắm rau để tranh cãi với chúa đảo không phải rau muống.

Khi Tom Harkin phát hiện ra cái cửa nhỏ bị che lấp bởi một đống củi ngụy trang, Vệ liền tới trước, nói ngay là cửa này đã đóng vĩnh viễn và hắn vô tình lấy ba-toong gõ mạnh mấy cái. Chẳng may tên lính gác bên trong nghe thấy tiếng chúa đảo nói ở bên ngoài lại gõ ba-toong như mọi khi, hắn vội vàng mở cửa. Tom Harkin và Don Luce xông ngay vào sân trại, hăm hở leo lên cầu thang có Chuồng Cọp trước sự ngỡ ngàng của tên Vệ. 

Nỗi kinh hoàng xen lẫn đau thương khi Don Luce mô tả những con người xanh bủng nằm chen chúc trong chuồng hẹp giống như chuồng thú. Mùi phân người tiêu chảy lẫn mùi nước đái khai xộc lên mũi. Trong khi Tom Harkin đi trước chụp hình và ghi âm từ chiếc máy nhỏ trong túi xách thì Don Luce dịch cho hai nghị sĩ lời nói thều thào của một tù nhân. Họ cho Don Luce biết khu giam tù nữ có bà Sáu mù hai mắt và cô nữ sinh trẻ biết tiếng Anh. 

Tới trại nữ, hai nghị sĩ chăm chú quan sát và lắng nghe cô nữ sinh tố cáo chế độ ăn uống tồi tệ. Nếu tù nhân phản đối, bọn cai tù đứng trên nóc rắc vôi bột khiến họ ho sặc sụa. Bà Sáu bị vôi bột làm hỏng hai con mắt. Tức điên, Vệ yêu cầu Tom và Don Luce ra ngoài nhưng hai nghị sĩ cương quyết không chịu. Tom và Don Luce đếm số tù nhân nữ đông tới 300 người, tù nhân nam 180. 

Về nước, Tom Harkin gửi cho báo LIFE ngày 17/7/1970 tấm hình bà Sáu mù, cô nữ sinh 15 tuổi, nhà sư…bị giam ở Chuồng Cọp khiến dư luận khắp Hoa Kỳ và thế giới sôi sục làn sóng phản đối, đòi phá bỏ Chuồng Cọp. Ít lâu sau tên Vệ mất chức. Chính quyền Sài Gòn phải ra lệnh di chuyển các tù nhân Chuồng Cọp ra các trại giam khác và phá bỏ các mái che. Sau khi Chuồng Cọp bị phanh phui, Tom Harkin bị đuổi khỏi văn phòng quốc hội, nhưng năm 1974 ông trở thành thượng nghị sĩ Đảng Dân Chủ ở bang Iowa. Còn Don Luce bị chính quyền Sài Gòn trục xuất khỏi miền Nam Việt Nam năm 1971. 

Cầu nối cho các tổ chức dân sự của Hoa Kỳ

Sau ngày hòa bình ở Việt nam, Don Luce hoạt động tích cực với vai trò cầu nối cho các tổ chức dân sự của Hoa Kỳ, góp phần khôi phục hậu quả chiến tranh ở cả hai miền. Nhờ thông thạo tiếng Việt và là Thạc sĩ canh nông về phát triển nông nghiệp, ông cùng Hội LHPNVN thực hiện các dự án cho phụ nữ và trẻ em nông thôn hai tỉnh Thái Bình và Nam Định.

Don Luce trở thành "con thoi" di chuyển giữa Việt Nam và Hoa Kỳ và dành một phòng trong ngôi nhà riêng tại Buffalo làm bảo tàng mini trưng bày các hiện vật là chiến lợi phẩm do người Việt làm như vỏ rocket thành thùng xách nước, phế liệu xác máy bay thành xoong chảo, lược chải đầu, nhẫn… 

Được Ban quốc tế Hội LHPNVN giới thiệu, Don Luce đã sửa chữa 5 nhà trẻ ở Hà Nội với tiền của bà bạn thân  Rosa Stone và 5 nhà trẻ được mang tên Roses. Ở TP.HCM, thông qua Thành Hội Phụ nữ, Don Luce đã giúp đỡ học viên một số trường Phục hồi nhân phẩm để họ có công ăn việc làm ổn định.

Là Giám đốc cơ quan Tình nguyện Quốc tế ở Việt Nam từ cuối 1958, với nhiệt tình đấu tranh cho hòa bình và công bằng xã hội, ông đã cống hiến tâm sức phần lớn cuộc đời giúp đỡ cho sự nghiệp hòa bình, thống nhất và phát triển ở Việt Nam, nơi ông coi như quê hương thứ hai của mình. 

Nghe tin Don Luce từ trần ngày 17/11/2022, dù xa cách nửa vòng trái đất, tôi hồi tưởng những nghĩa cử của ông, coi như thắp nén nhang tri ân một người có tâm hồn cao đẹp và trái tim nhân hậu đã về với thế giới người hiền.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tưởng niệm Don Luce - nhà báo phát hiện Chuồng Cọp Côn Đảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO