Tương lai nào cho thời trang nhanh?

Linh Lan| 23/06/2019 06:00

Topshop sụp đổ tại Mỹ sau một thập kỷ bước chân vào thị trường màu mỡ này, các đế chế thời trang khác như Forever 21, Gap, Old Navy, Banana Republic lâm cảnh khốn đốn trên toàn cầu, tình hình kinh doanh của J.Jill, Canada Goose, Abercrombie & Fitch cũng ảm đạm, hé lộ bức tranh đen tối chưa từng thấy cho ngành thời trang nhanh, kể từ thập niên 1960.

Tương lai nào cho thời trang nhanh?

Bùng nổ từ năm 1960, thời trang nhanh (fast fashion) thu hút rất đông người mua sắm, bởi mẫu mã đa dạng, hợp xu hướng và xoay vòng liên tục, giá lại không cao. Tuy nhiên, phải đến năm 1989, khi Zara bước chân vào Mỹ, các đế chế thời trang nhanh mới bắt đầu được hình thành với hàng loạt thương hiệu bành trướng ra thế giới.

Tình hình dần thay đổi khi 5 năm trở lại đây, ngành thời trang nhanh tại Mỹ và châu Âu đối mặt với nhiều thách thức chưa từng thấy. Theo CNBC, chỉ riêng trong nửa đầu năm 2019, các nhà bán lẻ ở Mỹ đã đóng cửa 5.994 cửa hàng. Hãng nghiên cứu Retail Metrics ước tính doanh thu ngành bán lẻ thời trang ở Mỹ giảm 24% trong quý I/2019. Trước đó, vào năm 2017, Topshop đã rút lui khỏi các thị trường Úc, New Zealand và Tây Ban Nha. Một năm sau, thương hiệu này cũng tuyên bố đóng cửa hàng và thương mại điện tử tại Trung Quốc. Tại quê nhà Anh Quốc, trong năm 2019, Topshop dự kiến đóng cửa 23 cửa hàng. Đây được đánh giá là khơi mào chấm dứt thời đại của các đế chế fast fashion khi Forever 21, H&M, Banana Republic... cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Trong “cơn bão” ấy, duy nhất Zara là trụ vững. Với cửa hàng truyền thống, Zara thường xuyên thay đổi bố cục, tạo trải nghiệm mới mẻ cho khách hàng và đẩy mạnh bán hàng trực tuyến với những bức ảnh online rất đẹp và liên tục trao đổi tin tức về sản phẩm, khiến khách ghé thăm website thường xuyên. Zara còn tổ chức các đợt giảm giá cùng với việc ra mắt sản phẩm mới, sản xuất với số lượng vừa phải để tạo cảm giác khan hiếm hàng.

Nhưng mua sắm trực tuyến đang là một nguyên nhân dẫn đến “cái chết” của nhiều cửa hàng fast fashion. Người tiêu dùng, đặc biệt là người trẻ, có xu hướng đánh giá và chọn một sản phẩm trên Internet, khiến doanh thu tại cửa hàng fast fashion tụt dốc không phanh.

Theo số liệu của Cục Điều tra thương mại Mỹ, ước tính doanh số bán lẻ trực tuyến các sản phẩm thời trang trong quý I/2019 đạt 137,7 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2018. Sai lầm bắt đầu được chỉ ra: các “ông lớn” fast fashion mải ngủ mê trên thành công và lờ đi sức mạnh mua sắm trực tuyến. Thay vì tập trung đầu tư vào thương mại điện tử, các hãng lại đua nhau mở rộng diện tích và số lượng cửa hàng tại các trung tâm thương mại trong khi giá thuê mặt bằng ngày càng đắt. Ở New York (Mỹ), chi phí thuê mặt bằng tăng khoảng 89% kể từ năm 2008, trong khi doanh thu bán lẻ chỉ tăng 32%. Xu hướng tương tự cũng diễn ra tại London (Anh) và Dubai (UAE).

Còn một nguyên nhân quan trọng nữa, đó là xu hướng thời trang bền vững góp phần làm doanh thu fast fashion giảm mạnh. Dệt may nói chung và thời trang nói riêng là một trong những ngành gây ô nhiễm nhất thế giới, trung bình thải ra 1,2 tỷ tấn CO2 mỗi năm, nhiều hơn so với máy bay và tàu biển. Chỉ riêng việc giặt vải đã thải ra 500.000 tấn hạt vi nhựa mỗi năm, tương đương 50 tỷ chai nhựa, vẫn đang trôi nổi trên biển. Nhận thức về bảo vệ môi trường sống thúc đẩy người tiêu dùng thay đổi xu hướng mua sắm. Tần suất mua ít hơn, sống tối giản, và thường chọn những sản phẩm có chất liệu thân thiện với môi trường như bọt bloom, sợi cam, các sản phẩm dệt màu tự nhiên.

Thời trang bền vững trở thành xu hướng thiết yếu đòi hỏi không chỉ trách nhiệm của người tiêu dùng mà còn là trách nhiệm của các hãng sản xuất. H&M là thương hiệu đi đầu trong xu hướng bền vững khi tích cực thu gom quần áo từ nhiều thương hiệu để tái chế, đồng thời tung ra các bộ sưu tập thời trang thân thiện với môi trường.

Tại Việt Nam, các nhãn hiệu thời trang nhanh như Zara, H&M vẫn có doanh thu tăng. Nhiều chuyên gia thời trang phân tích, các thương hiệu thời trang nhanh sẽ “sống tốt” tại Việt Nam ít nhất năm ba năm nữa. Lý do được đưa ra là thói quen thích dùng hàng ngoại của người Việt, đời sống ngày càng được nâng cao thì người Việt càng ưa thời trang.

Các chuyên gia thời trang cũng tin rằng, các thương hiệu fast fashion Việt Nam như Magonn, Libé, Eva de Eva, Hnoss sẽ “trỗi dậy” mạnh mẽ (với lượng cửa hàng ngày một nhiều, tối ưu dịch vụ đặt hàng trực tuyến). Mẫu mã đẹp, giá cả phải chăng, chu kỳ thời trang bắt kịp được xu hướng, phù hợp dáng người Việt, dịch vụ giao hàng nhanh chóng, tiện lợi là những ưu thế mà các thương hiệu fast fashion có thể chinh phục người tiêu dùng.

Một bộ phận người Việt đã và đang dành nhiều sự quan tâm đến thời trang với xu hướng sống xanh, tối giản và hạn chế mua sắm. Tuy nhiên, con số này không nhiều. Do đó, thị trường thời trang nhanh tại Việt Nam vẫn còn sôi động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tương lai nào cho thời trang nhanh?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO