Theo văn bản ký kết hợp tác mở rộng giữa Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) và Tập đoàn T V SD (Đức) ngày 20/11 tại TP.HCM, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thuộc ngành dệt may, da giày, dây và cáp điện, thiết bị y tế... của Việt Nam và là hội viên của HUBA sẽ được hỗ trợ tập huấn, kiểm định và đánh giá chất lượng.
Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam hiện đang gặp phải các rào cản về kỹ thuật, chất lượng và an toàn thực phẩm của các thị trường lớn và đầy tiềm năng như EU, Mỹ... Do đó, việc đạt được giấy chứng nhận chất lượng từ bên thứ ba uy tín và trung lập sẽ giúp các DN Việt Nam gỡ bỏ phần nào khó khăn này.
Mặt khác sẽ giúp các DN từng bước nâng cao được giá trị xuất khẩu của hàng hóa, cũng như có thể dần khẳng định thương hiệu Việt trên thị trường thế giới.
Ngày 20/11, tại TP.HCM, trong khuôn khổ chương trình CEO Talks do HUBA phối hợp với Tập đoàn TV SD tổ chức, hai bên đã ký kết hợp tác nhằm hỗ trợ tập huấn về quy chuẩn sản phẩm cho các DN hội viên của HUBA có nhu cầu xuất khẩu hàng hóa.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Thường trực HUBA, cho hay, việc TV SD đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm ở Việt Nam kể từ năm 2010, giúp DN Việt có thể tiếp cận với các thị trường lớn trên thế giới là vô cùng cần thiết.
Tuy nhiên, không chỉ có TV SD, HUBA còn tạo đầu mối liên kết với đại diện các DN nghiệp Đức tại Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức tại Việt Nam (AHK Việt Nam) và Công ty Luật Morris Việt Nam để hợp tác, đem đến nhiều thông tin hữu ích cho DN trên địa bàn TP.HCM nói chung và hội viên HUBA nói riêng.
Hiện TV SD đang được biết đến như là nhà cung cấp các dịch vụ tại Việt Nam bao gồm các hoạt động như: thử nghiệm và đánh giá sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế và địa phương từ sản phẩm hàng mềm như: dệt may, thực phẩm đến các sản phẩm điện tử, cơ khí, vật liệu xây dựng... với những đánh giá chứng nhận hệ thống quản lý ISO 9001, ISO 14001, ISO 27001...
Ông Ishan Palit, Tổng giám đốc Điều hành, phân khúc dịch vụ sản phẩm toàn cầu TV SD, cho biết, đối với một sản phẩm khi muốn bán vào một quốc gia nào đều có các quy định và yêu cầu.
Do đó, ngoài tổ chức kiểm nghiệm về chất lượng sản phẩm, TV SD còn giúp DN cập nhật những quy định thay đổi ở các thị trường trên thế giới để bán được hàng hóa một cách kịp thời. "Nó sẽ rất khó khăn một khi bạn không hiểu và cập nhật kịp thời những quy định của quốc gia mà mình muốn bán hàng", ông Ishan Palit nói.
Trong vai trò Phó trưởng đại diện AHK Việt Nam, ông Peter Kompalla, cho biết, hiện nay các DN nhỏ và vừa của Đức đang muốn mở rộng đầu tư ra nước ngoài. Tuy nhiên, các DN này ở Đức thường là gia đình, xuất thân từ những tỉnh lẻ với quy mô khá nhỏ, hoạt động với tiêu chí "không tự đào vàng, mà giúp các DN lớn đào vàng" và họ đang tìm đường đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn.
Theo ông Peter Kompalla, hơn 80% các DN Đức đang đầu tư tại Việt Nam có ý định mở rộng sản xuất, kinh doanh. "Ngoài ra, còn rất nhiều DN Đức muốn hợp tác với DN Việt Nam trong nhiều lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, công nghiệp hỗ trợ, chế biến thực phẩm, dịch vụ y tế...
Tuy nhiên, DN Đức không nhìn vào giá nhân công rẻ để quyết định tham gia vào thị trường Việt Nam mà muốn cùng các DN Việt đào tạo một thế hệ có tay nghề giỏi", ông Peter Kompalla, nhấn mạnh.
Trong vai trò là luật sư, trọng tài của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), ông Oliver Massmann đánh giá, Việt Nam vẫn là thị trường tự do, dễ tính và hiện đang mở rộng cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài dù xét về mặt tài chính, vẫn còn một số các thành viên đòi hỏi Việt Nam mở cửa hơn.
"Tuy nhiên điều gì cũng có tính hai mặt. Vì xét cho cùng, Việt Nam gần như là quốc gia tự do nhất để thành lập một công ty mới", ông nhận định.