Vốn điều lệ

Tư Vấn| 07/07/2019 07:00

Trong một số quy định liên quan đến vốn điều lệ, qua thực tế khi thành lập doanh nghiệp, nhiều bạn đọc còn lúng túng về thời gian góp vốn, góp như thế nào và vì sao phải quy định về mức vốn điều lệ. nếu doanh nghiệp không thực hiện cam kết góp vốn thì có thể có những rủi ro gì?

Vốn điều lệ

Báo Doanh Nhân Sài Gòn đã chuyển nội dung quan tâm của bạn đọc đến Công ty Luật TNHH Thịnh Trí và được trả lời như sau:

1. Thứ nhất, chúng tôi xin được đề cập đến khái niệm vốn điều lệ.

Luật Doanh nghiệp 2014 quy định tại Khoản 29 Điều 4 về vốn điều lệ như sau: “Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty TNHH, công ty hợp danh; là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán hoặc đã được đăng ký mua khi thành lập doanh nghiệp đối với công ty cổ phần”. Do đó, vốn điều lệ là vốn thực góp.

2. Thứ hai, về đặc điểm của vốn điều lệ.

Vốn điều lệ khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là vốn do các thành viên, cổ đông cam kết góp trong một thời hạn nhất định

Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định thống nhất về thời hạn góp vốn điều lệ đối với các loại hình doanh nghiệp. Theo đó, thành viên, cổ đông phải thanh toán phần vốn góp, số cổ phần cho công ty đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết, đăng ký mua khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cụ thể:

- Đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên được quy định tại Khoản 2, Điều 48: “Thành viên phải góp vốn phần vốn góp cho công ty đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp”.

- Đối với Công ty TNHH một thành viên được quy định tại Khoản 2 Điều 74: “Chủ sở hữu phải góp đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp”.

- Đối với công ty cổ phần được quy định tại Khoản 1 Điều 112: “Các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn. Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm giám sát, đôn đốc thanh toán đủ và đúng hạn các cổ phần các cổ đông đã đăng ký mua”.

Quy định này giúp xóa đi khác biệt giữa các loại hình doanh nghiệp, tạo ra sự bình đẳng trong sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, xin được chia sẻ thêm, căn cứ Điểm a, Khoản 1, Điều 212 Luật Doanh nghiệp 2014 thì đối với công ty TNHH thành lập trước ngày 1/7/2015, thời hạn góp vốn thực hiện theo quy định tại điều lệ công ty.

Thành viên, cổ đông chưa góp hoặc chưa góp đủ phần vốn điều lệ theo cam kết chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn đã cam kết góp đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước khi công ty đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ đối với công ty TNHH và trong thời hạn phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua đối với công ty cổ phần.

Vốn điều lệ có thể được góp bằng những loại tài sản nào?

Điều 35 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định cụ thể các loại tài sản được sử dụng để góp vốn vào công ty. Theo đó, tài sản góp vốn có thể là đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác có thể định giá được bằng đồng Việt Nam.

Riêng đối với quyền sở hữu trí tuệ, Luật cũng quy định rõ quyền sở hữu trí tuệ được sử dụng để góp vốn bao gồm quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và các quyền sở hữu trí tuệ khác theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp đối với các quyền nói trên mới có quyền sử dụng các tài sản đó để góp vốn.

3. Thứ ba, vì sao lại quy định về vốn điều lệ trong công ty?

Một trong những vai trò của vốn điều lệ là cơ sở để xác định tỷ lệ phần vốn góp hay sở hữu cổ phần của thành viên, cổ đông trong công ty. Thông qua đó làm cơ sở cho việc phân chia quyền, lợi ích và nghĩa vụ giữa các thành viên, cổ đông trong công ty.

Cụ thể, đối với công ty cổ phần, công ty TNHH thì thành viên, cổ đông chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp.

Đồng thời, Luật Doanh nghiệp cũng quy định thành viên, cổ đông có số phiếu biểu quyết tương ứng với phần vốn góp cũng như được chia lợi nhuận tương ứng với phần vốn góp sau khi công ty đã nộp đủ thuế và hoàn thành các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, vốn điều lệ cũng là một trong những cơ sở để xác định điều kiện kinh doanh đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. 

4. Thứ tư, nếu doanh nghiệp không thực hiện cam kết góp vốn đúng theo quy định thì tiềm ẩn những rủi ro gì?

Theo chúng tôi, có thể dẫn đến những rủi ro sau:

Một là, khi doanh nghiệp muốn mua bán, chuyển nhượng công ty hay cổ phần cho người khác, đặc biệt bên mua là doanh nghiệp nước ngoài thì vấn đề không góp vốn đúng hạn sẽ bị phát hiện trong quá trình luật sư bên mua làm thẩm tra pháp lý công ty theo quy định của pháp luật. Do đó, những phần vốn chưa góp sẽ không mua bán hay chuyển nhượng được. Nếu vẫn muốn mua bán hay chuyển nhượng thì chỉ theo giá trị định giá thực tế của doanh nghiệp hoặc yêu cầu các thành viên góp đủ số vốn đó, sau khi góp đủ số vốn cam kết thì sẽ tiếp tục xác định lại giá trị doanh nghiệp.

Hai là, việc doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết góp vốn thì dẫn đến nhiều rủi ro cho đối tác là bên thứ ba khi hợp tác kinh doanh, đặc biệt khi phát sinh tranh chấp.

Ba là, trong một số trường hợp nếu có rủi ro về tài chính thì doanh nghiệp không có đủ năng lực để đền bù cho các rủi ro, hay những khoản nợ đến hạn phải thanh toán thì doanh nghiệp cũng không có đủ năng lực tài chính để giải quyết làm ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác kinh doanh.

Bốn là, việc doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết góp vốn có thể dẫn đến những tranh chấp nội bộ về việc góp vốn, phân chia lợi nhuận. Kể cả khi doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi, các cổ đông phân chia lợi nhuận hay khi doanh nghiệp giải thể thì cũng dẫn đến những tranh chấp vốn.

Như vậy có thể thấy khi không thực hiện đúng cam kết góp vốn thì doanh nghiệp có thể đối mặt với rất nhiều rủi ro, không chỉ là rủi ro về tài chính mà cả rủi ro về mặt pháp lý.

Nếu như doanh nghiệp góp đúng số vốn đã cam kết và đúng thời hạn được ghi trong điều lệ công ty và quy định của pháp luật thì vốn điều lệ có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc thể hiện năng lực tài chính của doanh nghiệp. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vốn điều lệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO