Luật Doanh nghiệp sửa đổi và quyền tự do kinh doanh

TS. ĐẬU ANH TUẤN - Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, TRÌNH TIÊU (ghi)| 18/09/2013 02:57

Việt Nam có nhiều mốc phát triển kinh tế, song Luật Doanh nghiệp 2005 là điểm đột phá, tạo bước chuyển về chất.

Luật Doanh nghiệp sửa đổi và quyền tự do kinh doanh

Việt Nam có nhiều mốc phát triển kinh tế, song Luật Doanh nghiệp 2005 là điểm đột phá, tạo bước chuyển về chất.

Đọc E-paper

Một trong những thay đổi tư duy quan trọng nhất của Luật Doanh nghiệp 2005 là chuyển "tiền kiểm" sang "hậu kiểm", nền tảng quan trọng cho sự phát triển kinh tế. Nhưng hai năm gần đây, đáng lo ngại là xu hướng khôi phục lại tư duy "tiền kiểm". Giấy phép "con" tái xuất hiện dưới nhiều hình thức.

Ví dụ, phải có thẩm tra của cơ quan thuế mới được mua, in hóa đơn đối với các doanh nghiệp (DN) mới thành lập và chỉ riêng thủ tục này, có DN phải chờ nửa tháng. Đây không phải là cách tiếp cận phù hợp, mà thực chất là tư duy "tiền kiểm".

Vì vậy, một trong những điểm Luật Doanh nghiệp sửa đổi phải giữ được là tư duy mới trong quản lý, không quay lại chế độ "tiền kiểm" trước đây, nguyên tắc chuyển từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm" phải được giữ vững và DN có quyền tự do kinh doanh.

Điều này cho thấy bức tranh chung của Việt Nam thời gian qua, có sự chuyển đổi giữa hệ thống các cơ quan nhà nước nhưng chuyển đổi chưa đồng đều, sự phối hợp rất yếu và nặng về thủ tục hành chính.

Kết quả rà soát thủ tục đầu tư đất đai xây dựng của DN cách đây hai tháng của VCCI cho thấy, trong quá trình xin cấp phép, nhà đầu tư gặp khó khăn ngay từ các bước đầu tiên là thẩm tra dự án, đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư...

DN phải gõ cửa từng cơ quan một, thay vì cơ quan nhà nước phải phối hợp với nhau. Đấy là những vấn đề về cách quản lý nhà nước, không loại trừ các vấn đề giấy phép, cơ chế xin - cho là do lợi ích cục bộ, thậm chí lợi ích của ngành nọ, ngành kia.

Quản lý nhà nước vẫn nặng về giải quyết tình thế, tư duy chưa rành mạch, dẫn đến tình trạng nhiều tỉnh, thành phố ban hành văn bản cấm kinh doanh ngành này, ngành kia mỗi khi có phát sinh tiêu cực. Quyền kinh doanh cần được khuyến khích, bảo vệ, vấn đề là hình thức nào để nó hoạt động thực sự lành mạnh.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, ở các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển, không phải cứ đặt ra quy định là vấn đề được giải quyết tốt hơn mà tác dụng có thể còn ngược lại. Khi trao cho cơ quan công quyền quá nhiều quyền, có thể dẫn đến tình trạng lạm dụng và trục lợi, tham nhũng, thậm chí thủ tục hành chính lĩnh vực ấy bị bóp méo.

Về phía kinh doanh, người ta vẫn tiến hành nhưng theo xu hướng đồng hóa, đang là điều đáng lo ngại. Chẳng hạn, những quy định về lao động có cảm giác bảo vệ người lao động, nhưng quá sức DN.

Do đó, DN không tuân thủ, không ký hợp đồng lao động, tìm cách ký ngắn hạn hoặc ký không chính thức. Như vậy, việc lạm dụng ban hành quy định không phải là cách thức tốt. Mọi biện pháp quản lý, mọi thủ tục đưa ra đều có gánh nặng hành chính và chi phí tuân thủ.

Trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi cần thay đổi cách tiếp cận, quản lý, giám sát hoạt động của DN, dự án đầu tư không chỉ là trách nhiệm của cơ quan nhà nước. Một tỉnh như Bình Dương, thanh tra của Sở Kế hoạch và Đầu tư chỉ có 3 - 4 người, đi kiểm tra một vòng 10.000 DN, dự án đầu tư trên địa bàn cũng phải mất mấy năm.

Cho nên, cần thiết kế một cơ chế mới, với một cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm tổng thể về quản lý nhà nước. Nhưng về lâu dài, vấn đề giám sát là của nhiều cơ quan, trong đó có báo chí và người dân. Hiện tại, những vụ việc DN gian lận, vi phạm pháp luật được báo chí phát hiện nhiều hơn bộ máy thanh tra. Vấn đề còn lại là cơ chế khuyến khích của Nhà nước.

Thời gian qua, phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp bị triệt tiêu rất nhiều bởi nhiều pháp luật chuyên ngành khác. Luật Chứng khoán quy định lấy giấy phép thành lập đồng thời với giấy đăng ký kinh doanh.

DN kinh doanh bất cứ ngành nghề, lĩnh vực nào cũng vẫn một quy trình đó. Tới đây, cần sửa đổi Điều 3.2 Luật Doanh nghiệp theo phương thức Luật Doanh nghiệp phải được thiết kế là luật gốc về thành lập và quản trị kinh doanh.

Vấn đề con dấu cũng gây ra rất nhiều hệ quả. Nhiều DN lâm vào tình trạng sản xuất, kinh doanh đình trệ chỉ vì một con dấu. Luật Doanh nghiệp sửa đổi nên tạo được tư duy về con dấu và quản lý con dấu.

Hiếm có nước nào mà con dấu lại quan trọng như Việt Nam. Trên thế giới, con dấu không có nhiều ý nghĩa, họ quản lý rất tốt với chữ ký, vân tay, ADN. Luật Doanh nghiệp sửa đổi cần bỏ hẳn quy định bắt buộc phải có con dấu. Với những DN có nhu cầu, có thể tự khắc con dấu, tự chọn mẫu mã và đăng ký con dấu.

Ngoài ra, ở một số vấn đề, ban soạn thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi có thể đi trước một bước, như việc giữ tên DN. DN dừng hoạt động nhưng muốn giữ tên trong một thời gian nhất định, luật mới cần có quy định về vấn đề này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Luật Doanh nghiệp sửa đổi và quyền tự do kinh doanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO