Doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh: Cần những thủ tục pháp lý nào? - Kỳ 1

Vân Ly| 06/05/2020 06:00

Dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất, kinh doanh, một số doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm dừng hoạt động. Vậy nếu dừng hoạt động, doanh nghiệp cần phải thực hiện những thủ tục pháp lý nào?

Doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh: Cần những thủ tục pháp lý nào? - Kỳ 1

Luật sư tại Hệ thống Luật Thịnh Trí giải đáp về vấn đề này như sau:

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 200, Luật Doanh nghiệp 2014: "Doanh nghiệp (DN) có quyền tạm ngừng kinh doanh nhưng phải thông báo bằng văn bản về thời điểm và thời hạn tạm ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh cho cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất 15 ngày trước ngày tạm dừng hoặc tiếp tục kinh doanh".

Việc tạm ngừng kinh doanh được thực hiện theo trình tự thủ tục luật định tại Khoản 1, Điều 57, Nghị định 78/2015:

Bước 1: Doanh nghiệp phải chuẩn bị bộ hồ sơ bao gồm:

- Thông báo tạm ngừng kinh doanh (mẫu tham khảo tại Phụ lục số II-21 Thông tư 02/2019/TT-BKHĐT).

- Quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp hội đồng thành viên đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên, của chủ sở hữu công ty đối với công ty TNHH một thành viên, của hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần, của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh.

- Văn bản ủy quyền (trường hợp đại diện pháp luật của công ty ủy quyền cho chủ thể khác tiến hành thủ tục thay mình).

- Bản sao giấy tờ chứng thực cá nhân của người nộp hồ sơ.

Bước 2: Thời hạn giải quyết:

- Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. 

Bước 3: Kết quả thực hiện

- Phòng đăng ký kinh doanh cấp giấy xác nhận về việc DN, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đã đăng ký tạm ngừng kinh doanh.

- Thông báo về việc sửa đổi hồ sơ chưa hợp lệ.

- Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, DN tiến hành gửi hồ sơ tại Sở Kế hoạch Đầu tư nơi DN thành lập. 

Lưu ý: Khi DN thực hiện thủ tục tạm ngừng kinh doanh đồng thời gửi thông báo tạm ngừng hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đến phòng đăng ký kinh doanh nơi chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đã đăng ký theo quy định tại Khoản 1, Điều 57, Nghị định 78/2015. 

Về nghĩa vụ thuế, Điều 14, Thông tư 151/2014 quy định: Nếu người nộp thuế tạm ngừng kinh doanh trọn năm dương lịch thì không có nghĩa vụ nộp thuế, tạm ngừng kinh doanh không trọn năm dương lịch thì vẫn phải nộp hồ sơ quyết toán thuế năm. Cơ quan đăng ký kinh doanh sau khi nhận hồ sơ tạm ngừng kinh doanh của người nộp thuế phải có nghĩa vụ thông báo cho cơ quan thuế biết chậm nhất 2 ngày làm việc. 

Link bài viết

Trong trường hợp quá khó khăn, DN muốn giải thể hoặc phá sản thì phải làm gì? 

Việc giải thể DN được quy định tại Khoản 1, Điều 201 Luật Doanh nghiệp 2014: “DN chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác và DN không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại tòa án hoặc cơ quan trọng tài”. 

Vấn đề mấu chốt trong giải thể DN là giải quyết những khoản nợ và những hợp đồng mà DN đã giao kết trước khi chấm dứt tồn tại. Các khoản nợ và hợp đồng này có thể được thực hiện bằng các giải pháp như thanh toán hết các khoản nợ và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ hợp đồng, chuyển giao nghĩa vụ thanh toán nợ và nghĩa vụ hợp đồng cho chủ thể khác theo thỏa thuận giữa các bên liên quan.

Như vậy, để giải thể, trước hết DN phải làm thủ tục chấm dứt hoạt động các chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tại phòng đăng ký kinh doanh nơi đặt chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh. Tiếp theo, DN phải tiến hành theo các bước quy định tại Điều 202, Luật Doanh nghiệp 2014, Nghị định 78/2015 áp dụng đối với Điểm b, Khoản 1, Điều 201, Luật Doanh nghiệp 2014.  

Bước 1: Thông qua quyết định giải thể DN. 

Bước 2: Tổ chức thanh lý tài sản DN, trừ trường hợp điều lệ công ty quy định khác.

Bước 3: Thông báo giải thể doanh nghiệp đến các cơ quan liên quan, trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Ngoài ra, nghĩa vụ tài chính chưa thanh toán thì phải gửi kèm theo quyết định giải thể phương án giải quyết nợ đến các chủ thể liên quan.

Bước 4: Cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo tình trạng DN đang làm thủ tục giải thể trên cổng thông tin quốc gia ngay sau khi nhận được quyết định giải thể của DN. Kèm theo thông báo phải đăng tải quyết định giải thể và phương án giải quyết nợ (nếu có).

Bước 5: Các khoản nợ của DN được thanh toán theo thứ tự sau đây:

- Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết.

- Nợ thuế.

- Các khoản nợ khác.

Bước 6: Sau khi đã thanh toán hết các khoản nợ và chi phí giải thể DN, phần còn lại chia cho chủ DN, các thành viên, cổ đông hoặc chủ sở hữu công ty theo tỷ lệ sở hữu phần vốn góp, cổ phần.

Bước 7: Người đại diện theo pháp luật của DN gửi đề nghị giải thể cho cơ quan đăng ký kinh doanh trong 5 ngày làm việc kể từ ngày thanh toán hết các khoản nợ.

Bước 8: Sau thời hạn 180 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải thể DN mà không nhận được ý kiến vềviệc giải thể từ doanh nghiệp hoặc phản đối của bên có liên quan bằng văn bản hoặc trong 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ giải thể, cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý của DN trên cơ sở dữ liệu quốc gia. 

Tuy nhiên, nếu hết thời hạn 3 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà DN không thực hiện nghĩa vụ thanh toán, mất khả năng thanh toán, DN có quyền nộp đơn yêu cầu tòa án tuyên bố phá sản DN.

· Điện thoại tư vấn pháp luật miễn phí: 1800 6365

· Thư từ hỗ trợ, giải đáp pháp luật: 

Gửi về Trung tâm Tư vấn pháp luật - Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, Lầu 5, Số 22 Võ Văn Kiệt, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh: Cần những thủ tục pháp lý nào? - Kỳ 1
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO