Doanh nghiệp có được cấm người lao động ra nước ngoài khi dịch Covid-19 lan rộng?

Vân Ly| 18/03/2020 06:00

Dịch Covid-19 đang tác động hoạt động của doanh nghiệp. Để đảm bảo an toàn cho các hoạt động sản xuất và kinh doanh, doanh nghiệp A đã cấm nhân viên đi nước ngoài vào dịp này. Vậy doanh nghiệp A làm như vậy có phù hợp với quy định của pháp luật hay không?

Doanh nghiệp có được cấm người lao động ra nước ngoài khi dịch Covid-19 lan rộng?

Một bạn đọc tại quận 12, TP.HCM gửi câu hỏi đến Báo Doanh Nhân Sài Gòn: Tôi đang làm việc tại một doanh nghiệp (DN). Tôi đã xin nghỉ phép để du lịch nước ngoài và đã được chủ DN cấp phép. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đang lan rộng, chủ DN đã hủy quyết định và không đồng ý cho tôi thực hiện chuyến đi đó, dù tôi đã đặt vé máy bay. 

Xin được nói thêm là nơi tôi đến không nằm trong vùng khuyến cáo của Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật Mỹ (CDC). Vậy với trường hợp của tôi, chủ DN xử lý như vậy có đúng không? Vé máy bay của tôi không hoàn, không hủy, nhưng trong trường hợp này, tôi có thể được đặc cách để hoàn lại tiền không? Tôi phải làm gì để đảm bảo quyền lợi của mình?”.

Tòa soạn đã chuyển câu hỏi trên đến Hệ thống Luật Thịnh Trí và được trả lời như sau: Trong vấn đề mà bạn nêu, nếu không được hai bên giải quyết bằng thỏa thuận, thì câu trả lời cuối cùng thuộc về các cơ quan có thẩm quyền, trong đó có tòa án. Khi xét xử, giải quyết vụ việc có tranh chấp, các cơ quan có thẩm quyền phải dựa vào bản chất sự việc, tình hình thực tế, căn cứ vào lý và tình. Lý là bao hàm tính nguyên tắc và tình là bao hàm tính nhân văn.

Hiện nay, không có luật, văn bản, điều khoản nào điều chỉnh cụ thể vấn đề nêu trên. Tuy nhiên, pháp luật có chế định áp dụng tương tự pháp luật, trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự mà các bên không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định thì áp dụng quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự.

Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật theo quy định thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Bộ Luật Dân sự hoặc án lệ, lẽ công bằng. Nghĩa là, một vấn đề, lĩnh vực nào đó trong đời sống xã hội chưa có luật điều chỉnh cụ thể thì có thể áp dụng những điều khoản luật tương tự, những văn bản luật liên quan hoặc tập quán, án lệ để giải quyết tranh chấp. Theo đó, như trường hợp bạn nêu thì chủ DN có đầy đủ cơ sở pháp lý để tạm hoãn việc nghỉ phép của nhân viên. 

Link bài viết

Cụ thể, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân. Công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội. Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. 

Điều này có nghĩa, cuộc sống, quyền tự do của mỗi cá nhân đều được Nhà nước công nhận, tôn trọng, bảo vệ. Tuy nhiên, lợi ích mỗi cá nhân phải gắn kết và không thể tách rời lợi ích của đất nước, xã hội và cộng đồng. Theo Bộ Luật Lao động năm 2012, nghĩa vụ của người lao động: “Thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể; chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động, tuân theo sự điều hành hợp pháp của người sử dụng lao động”. 

Với nội dung này, các bên có thể hiểu rằng vấn đề đang được áp dụng chế định tương tự pháp luật, nghĩa là việc chủ DN ra quyết định tạm hoãn cấp phép cho nhân viên được xem là một quyết định trong trường hợp bất khả kháng, hoàn cảnh cấp bách, và việc nhân viên tuân thủ quyết định của chủ DN được xem là hình thức, hành vi chấp hành nội quy lao động, chấp hành quyết định về công việc được giao.

Cũng như Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tại Việt Nam có trách nhiệm tham gia phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật”. Những hành vi bị nghiêm cấm: “Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền”. 

Vấn đề có thể dẫn đến tranh chấp nêu trên còn có thể được quy định tại quy chế của DN, nội quy làm việc và thỏa ước lao động tập thể trong DN. Căn cứ các quy định pháp luật vừa nêu, vì diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, chủ DN có thể áp dụng pháp luật, tương tự pháp luật để ra quyết định hoãn cấp phép cho nhân viên trong các trường hợp cụ thể. 

Ví dụ, chủ DN đã ký cấp phép cho nhân viên nghỉ phép năm nhưng công ty có việc quan trọng phát sinh đột xuất mà vấn đề phát sinh là lĩnh vực do nhân viên được nghỉ phép phụ trách hoặc chỉ có nhân viên này mới thực hiện được thì chủ DN có quyền yêu cầu nhân viên hoãn nghỉ phép, kèm theo yêu cầu là một phần thưởng để bù đắp một phần thiệt thòi của nhân viên cũng như để khích lệ tinh thần làm việc, đóng góp tích cực của nhân viên vào sự nghiệp chung của DN.

Tương tự ví dụ vừa nêu, trường hợp vì nạn dịch Covid-19 mà chủ DN hoãn cấp phép cho nhân viên cũng là muốn bảo vệ cho các bên tuân thủ khuyến cáo phòng dịch của Bộ Y tế, là cách áp dụng biện pháp trong trường hợp bất khả kháng, tình thế cấp thiết. Như ví dụ ở trên, chủ DN có thể chủ động chia sẻ một phần thiệt hại cho nhân viên hoặc nhân viên có thể kiến nghị với chủ DN xem xét về những thiệt hại, bất lợi mà mình đang gánh chịu.

Trong trường hợp này, người lao động cũng cần chia sẻ với DN. Hãy nghĩ xa và sâu hơn về việc vì sao chủ DN lại ra quyết định tạm hoãn cấp phép cho nhân viên. Phải chăng trong trường hợp này, chủ DN xem nhân viên như là một báu vật không thể mất đi. Chủ DN lo sợ rằng khi nhân viên đi nước ngoài sẽ bị lây dịch bệnh và rất có thể không chữa khỏi. 

Link bài viết

Trong trường hợp trên, người lao động cũng cần kiểm tra xem từ trước đến nay có bao giờ chủ DN hành xử đối với nhân viên như vậy mà không có lý do chính đáng hoặc không phải rơi vào hoàn cảnh cấp thiết như trong bệnh dịch hiện nay.

Hoặc người lao động cũng nên đặt vị trí của mình vào vị trí lãnh đạo DN trong bối cảnh hiện tại, khi mà các nguyên thủ quốc gia và nhân loại ra sức chống dịch, kêu gọi việc chống dịch không thể một mình chính quyền chịu trách nhiệm và làm được mà phải cần có sự đóng góp sức lực, trí tuệ, tài sản và cả sự hy sinh của người dân.

Vậy thì có nên chăng khi đặt quyền lợi cá nhân lên trên quyền lợi của cộng đồng, có nên chăng sẽ quyết liệt khởi kiện chủ DN nơi mà bao lâu nay mình đã gắn bó, nơi mà bao lâu nay đã tạo điều kiện cho mình việc làm, tạo điều kiện cho mình thăng tiến.

Nói như thế nhưng chủ DN cũng phải thấu hiểu những thiệt thòi của nhân viên. Dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của rất nhiều DN nhưng cũng rất nhiều chủ DN vẫn cố gắng trả lương cho nhân viên. Bởi thế, khi nhân viên đặt vấn đề về quyền lợi và đặc cách thì nên suy xét đến tình cảnh của bao người khác, dẫu biết rằng không ai bắt mình phải có trách nhiệm với người khác nhưng ở đây là sự sẻ chia khi hoạn nạn, là tính nhân văn trong cuộc sống. 

Thế nên, đừng quá tính toán đúng sai trong hoàn cảnh dịch Covid-19 đang gây tai họa của nhân loại. Liên kết giữa lý và tình, có thể hiểu lý do vì sao chủ DN ra quyết định tạm hoãn cấp phép nghỉ dưỡng cho nhân viên. Tuy nhiên, khi ra quyết định tạm hoãn cấp phép cho nhân viên, chủ DN cần thể hiện tinh thần trách nhiệm, chia sẻ một phần thiệt hại của nhân viên do hoàn cảnh bất lợi làm ảnh hưởng đến quyền lợi của họ. 

· Điện thoại tư vấn pháp luật miễn phí: 1800 6365

· Thư từ hỗ trợ, giải đáp pháp luật: 

Gửi về Trung tâm Tư vấn pháp luật - Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, Lầu 5, Số 22 Võ Văn Kiệt, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp có được cấm người lao động ra nước ngoài khi dịch Covid-19 lan rộng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO