Bài học về sử dụng phần mềm có bản quyền tại Mỹ

09/12/2012 05:27

Chiếm đến 76,6% tổng kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam với châu Mỹ, Mỹ luôn là thị trường xuất khẩu hàng đầu của các doanh nghiệp Việt Nam.

Bài học về sử dụng phần mềm có bản quyền tại Mỹ

Chiếm đến 76,6% tổng kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam với châu Mỹ, Mỹ luôn là thị trường xuất khẩu hàng đầu của các doanh nghiệp Việt Nam. Trong 9 tháng đầu năm 2012, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ có bước tăng trưởng đáng kể với 14,32 tỷ USD, tăng 14,83% so với cùng kỳ năm 2011.

Với xu hướng mở cửa thị trường và tự do hóa thương mại toàn cầu, khi các biện pháp về thuế quan bị dỡ bỏ thì những rào cản thương mại sẽ được đặt ra nhiều hơn và phức tạp hơn để bảo vệ sản xuất trong nước trước hàng hóa nhập khẩu. Tương tự, hiện Bộ luật Cạnh tranh không lành mạnh được áp dụng tại Mỹ là biện pháp để thiết lập lại sự công bằng trong kinh doanh trước tình trạng quá nhiều quốc gia trên thế giới đang không tuân thủ nghiêm ngặt luật sở hữu trí tuệ, trong đó có bản quyền phần mềm, dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh, làm thiệt hại cho nền kinh tế Hoa Kỳ nói chung và các doanh nghiệp IT của nước Mỹ nói riêng.

Bởi vậy, với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái hiện nay, sự thận trọng và chuẩn bị tốt mọi nguồn lực trước khi xuất khẩu vào Mỹ là điều hết sức quan trọng.

Việc sử dụng công nghệ không hợp pháp có thể mang đến cho các doanh nghiệp lợi thế về chi phí so với các đối thủ cạnh tranh, những người sử dụng công nghệ hợp pháp. Vì vậy từ tháng 7/2011, “luật chơi lành mạnh” đã chính thức được ban hành tại Mỹ để cung cấp cho những đối thủ cạnh tranh kém lợi thế đó giải pháp phục hồi thiệt hại và ngăn sự cạnh tranh không lành mạnh thông qua việc xử phạt và ngăn chặn hành vi bất hợp pháp của các công ty sử dụng phần mềm lậu.

Ngoài Washington và Louisiana là hai bang đã chính thức ban hành Bộ luật Cạnh tranh không lành mạnh (UCA), các bang khác tại Mỹ đã bắt đầu có những động thái đầu tiên trong cuộc chiến chống vi phạm phần mềm có bản quyền.

Massachusetts vào tháng 10 vừa qua lần đầu tiên đưa bộ luật UCA vào đời sống kinh doanh của bang này khi “mạnh tay” xử phạt công ty TNHH Narong Seafood, một công ty chuyên chế biến cá của Thái Lan hiện đang bán và phân phối sản phẩm tại Mỹ. Công ty này bị cáo buộc đã sử dụng trái phép các phần mềm bản quyền của Microsoft. Bằng cách này, Narong đã cắt giảm được một phần chi phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, từ đó có được lợi thế về giá hơn so với các đối thủ cạnh tranh – mặc dù điều này là không hề công bằng với những đơn vị tuân thủ đúng luật pháp khi sử dụng phần mềm bản quyền.

Sau khi vụ việc bị phát hiện, công ty Narong đã cam kết không sử dụng trái phép bất kỳ phần mềm bản quyền nào trong quá trình sản xuất và phân phối sản phẩm tại Massachusetts và đồng thời chịu mức phạt 10.000 USD cho hành vi vi phạm này.

Từ trường hợp của Narong, các doanh nghiệp tại Việt Nam cần có một cái nhìn nghiêm túc hơn nữa về vấn đề sử dụng các phần mềm có bản quyền. Tỷ lệ vi phạm bản quyền tại Việt Nam hiện là 81%, một con số quá cao so với tỷ lệ của khu vực hay thế giới là 60% và 42%. Điều này sẽ gây bất lợi và khiến các doanh nghiệp Việt Nam dễ bị “để ý” hơn khi muốn đưa các sản phẩm, dịch vụ của mình phát triển tại thị trường Mỹ.

Trong cuộc chiến chống vi phạm bản quyền phần mềm, hệ thống luật sở hữu trí tuệ của VIệt Nam hiện đang được chú trọng rất nhiều với chế tài xử phạt tối đa lên tới 500 triệu đồng, nay cộng thêm với tác động của bộ luật UCA chắc chắn sẽ tạo ra cú hích lớn trong nhận thức chấp hành luật đối với các doanh nghiệp nếu như họ không muốn tự mình đánh mất cơ hội kinh doanh tại Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bài học về sử dụng phần mềm có bản quyền tại Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO