5 điều khoản cần có để giảm thiểu thiệt hại trong hợp đồng

15/07/2016 04:12

Giải quyết xung đột nội dung, chuyển giao nghĩa vụ hợp đồng... là các điều khoản cơ bản thường bị bỏ qua trong khi chúng giúp doanh nghiệp giảm thiểu những thiệt hại nghiêm trọng trong giao kết hợp đồng.

5 điều khoản cần có để giảm thiểu thiệt hại trong hợp đồng

Giải quyết xung đột nội dung, chuyển giao nghĩa vụ hợp đồng... là các điều khoản cơ bản thường bị bỏ qua trong khi chúng giúp doanh nghiệp giảm thiểu những thiệt hại nghiêm trọng trong giao kết hợp đồng.

Điều khoản giải quyết xung đột nội dung

Trong quá trình đám phán hợp đồng, đặc biệt là các hợp đồng có tính phức tạp, các bên thường dẫn chiếu đến các tài liệu khác như: hướng dẫn sử dụng sản phẩm, bản ghi nhớ, phụ lục,… Việc này ẩn chứa rủi ro xung đột nội dung giữa điều khoản trong hợp đồng và các tài liệu đó.

Chính vì vậy, các bên cần thoả thuận văn bản ưu tiên áp dụng khi xảy ra xung đột nội dung.

Điều khoản hiệu lực hợp đồng

Khi không có thỏa thuận khác, nếu hợp đồng chấm dứt, các điều khoản trong hợp đồng cũng sẽ được xem là hết hiệu lực, trừ một số trường hợp như điều khoản về giải quyết tranh chấp.

Một số điều khoản cần quy định không phụ thuộc hiệu lực của hợp đồng như điều khoản về bảo mật thông tin, bảo hành, bồi thường thiệt hại, phạt hợp đồng,... Doanh nghiệp nên nêu rõ nội dung này trong hợp đồng để ràng buộc trách nhiệm các bên sau khi hợp đồng chấm dứt.

Điều khoản chuyển giao nghĩa vụ hợp đồng

Trong quá trình thực hiện hợp đồng, pháp luật không cấm các bên chuyển giao toàn bộ hay một phần nghĩa vụ thực hiện hợp đồng cho tổ chức hoặc cá nhân khác. Việc chuyển giao nghĩa vụ này có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của bên còn lại. Vì vậy để bảo vệ lợi ích của mình, các bên nên lưu ý về điều khoản hạn chế việc chuyển giao nghĩa vụ của hợp đồng cho bên thứ ba.

Điều khoản chi phí giải quyết tranh chấp

Quá trình giải quyết tranh chấp hợp đồng thông qua tòa án hoặc trọng tài sẽ gây nhiều tổn thất chi phí cho các bên. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, ngoài khoản tiền án phí sẽ do bên thua kiện chịu thì các khoản chi phí khác như chi phí Luật sư, chi phí đi lại ...sẽ được áp dụng theo nguyên tắc bên nào có phát sinh thì bên đó chịu.

Trường hợp các bên có thỏa thuận nguyên tắc phân chia chi phí giải quyết tranh chấp trong hợp đồng sẽ giúp bên thắng bù đắp được một phần các chi phí và phí tổn phải trả trong vụ tranh chấp. Đồng thời, điều khoản này sẽ khuyến khích các bên tự thỏa thuận khi có mâu thuẫn, giúp hạn chế các tranh chấp bởi vì bên khởi kiện có thể chịu rủi ro chịu các chi phí pháp lý liên quan nếu thua kiện.

Điều khoản thông báo

Trong hợp đồng thương mại, mỗi bên có nghĩa vụ thông báo cho bên còn lại khi có sự vi phạm hợp đồng, đơn phương chấm dứt hợp đồng, thay đổi nội dung hợp đồng...

Bằng cách xác định rõ ràng các nội dung bao gồm hình thức thông báo, cách thức và thời điểm gửi và nhận thông báo, doanh nghiệp đảm bảo được quyền lợi của bên nhận được thông báo cũng như làm rõ trách nhiệm của bên có thông báo. Đặc biệt là thời điểm nhận thông báo ảnh hưởng đến việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt nghĩa vụ trong hợp đồng.

Ví dụ: một bên có nghĩa vụ thanh toán cho bên kia trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận thông báo.

Công ty Luật PLF

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
5 điều khoản cần có để giảm thiểu thiệt hại trong hợp đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO