Tự do hóa thương mại khu vực - chìa khóa hỗ trợ kinh tế thế giới hậu Covid-19

Bảo Quân| 17/04/2020 05:00

Trước nguy cơ chuỗi nghiệp toàn cầu bị cắt ngắn, và xu hướng toàn cầu hóa nội sinh bị đảo ngược vì Covid-19, tự do hoá thương mại khu vực sẽ là chìa khóa hỗ trợ kinh tế thế giới hậu đại dịch.

Theo chuyên gia Wang Jinbin thuộc Viện Chiến lược Phát triển Quốc gia, Đại học Nhân dân Trung Quốc, tự do hoá thương mại khu vực sẽ là một lựa chọn hợp lý để cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả cho chuỗi công nghiệp châu Á hậu đại dịch Covid-19. Dưới đây là lược dịch bài viết của ông, được đăng trên trang China Daily:

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành, việc tăng tốc chiến lược phát triển thương mại khu vực tại châu Á là rất cần thiết. Các lý do chủ yếu dẫn đến việc này bao gồm: tiến trình khu vực hóa đang ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn, chuỗi công nghiệp toàn cầu đối mặt với nguy cơ bị cắt ngắn và xu hướng toàn cầu hóa bị đảo ngược.

Trước nhất, tiến trình khu vực hóa ngày càng đóng vai trò quan trọng, và nếu xét ở mức độ rộng hơn, sẽ dần thay thế cho tiến trình toàn cầu hoá. Dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc cùng chủ nghĩa trọng thương trong kinh tế, các quốc gia phát triển phương Tây đã nhanh chóng triển khai và xây dựng nhiều chiến lược thương mại khu vực cho mình.

Đơn cử như Hiệp định Thương mại Tự do Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) ký năm 2018, thay cho Hiệp định Mậu dịch Tự do Bắc Mỹ ký năm 1994; Hiệp định Thương mại Tự do Mỹ-Hàn; Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP; Hiệp định Đối tác Kinh tế Nhật-Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp định Thương mại Mỹ-Nhật ký năm 2019.

Có thể thấy, một nền kinh tế càng phát triển càng có xu hướng sử dụng các thỏa thuận thương mại khu vực (RTA), hoặc nâng cấp các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) để thay thế cho các thỏa thuận thương mại đa phương toàn cầu với những đặc trưng địa chính trị rõ ràng.

Thứ hai, khi các RTA hay FTA dần trở thành con đường quan trọng của hoạt động thương mại xuyên khu vực, rủi ro các chuỗi công nghiệp toàn cầu bị cắt ngắn sẽ xuất hiện. Trong đó, một số điều khoản quan trọng của thoả thuận sẽ cắt ngắn đáng kể chuỗi công nghiệp, ví dụ như quy định giới hạn về khu vực sản xuất linh kiện ô tô thuộc USMCA.

Thứ ba, các nền kinh tế châu Á vừa là đối tác lại vừa là đối thủ cạnh tranh. Trình độ phát triển kinh tế giữa các quốc gia và các khu vực là tương đối khác nhau: Nhật Bản và Hàn Quốc là 2 nước đã phát triển, trong khi phần lớn các quốc gia còn lại là nước đang phát triển. Sự khác biệt về chi phí và công nghệ giữa các nước đồng nghĩa với không gian dành cho hợp tác.

Đồng thời, do phần lớn đều là các nước đang phát triển, sự cạnh tranh giữa các quốc gia sở hữu trình độ công nghệ và chi phí tương đồng cũng sẽ phát sinh. Nhưng dù có là như vậy, thì mối quan hệ bổ trợ giữa các quốc gia này rõ ràng vẫn tồn tại, theo đó tạo không gian cho nhiều sự hợp tác.

RTA hay FTA dần trở thành con đường quan trọng của hoạt động thương mại xuyên khu vực, rủi ro các chuỗi công nghiệp toàn cầu bị cắt ngắn sẽ xuất hiện

RTA hay FTA dần trở thành con đường quan trọng của hoạt động thương mại xuyên khu vực, rủi ro các chuỗi công nghiệp toàn cầu bị cắt ngắn sẽ xuất hiện

Cuối cùng, thị trường dưới tác động của đại dịch đã kéo theo rủi ro về "sự đảo ngược nội sinh của toàn cầu hóa". Trong bối cảnh sự lây lan của dịch bệnh liên tục gây tác động tiêu cực lên nền kinh tế, các quốc gia lẫn khu vực khác nhau đã và đang áp dụng các chiến lược để ứng phó rủi ro. Thậm chí, kể cả khi dịch bệnh chấm dứt, nhu cầu vẫn sẽ tiếp tục suy yếu trong một giai đoạn nhất định do sự sụt giảm trong thu nhập trước đó. Theo đó, hoạt động giao thương sẽ giảm sút, dẫn đến sự đảo ngược nội sinh của toàn cầu hóa.

Để giảm thiểu rủi ro này, các RTA cần phải được khai thác để tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh trong khu vực và giải phóng tiềm năng nhu cầu ở tất cả mức độ. Do đó, việc thiết lập một khu vực thương mại tự do trên quy mô lớn hơn sẽ giúp phát triển kinh tế trong thời hậu đại dịch và giúp khắc phục các thiệt hại kinh tế mà nó gây ra.

Trên nền tảng của Khu vực Thương mại Tự do ASEAN - Trung Quốc thành lập năm 2010, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ là bước tiếp theo của hợp tác tự do thương mại khu vực, tuân thủ theo các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Một khi hiệp định này được ký kết, tổng khối lượng kinh tế của khi vực sẽ đạt mức ngang bằng với nhóm EU28 (hay Liên minh châu Âu với 28 quốc gia). Cùng với USMCA và EU28, cả ba sẽ trở thành 3 khu vực thương mại lớn nhất thế giới. Do đó, đây là hiệp định có ý nghĩa quan trọng trong hội nhập kinh tế tại khu vực châu Á.

Trong khi đó, chuỗi công nghiệp giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã có sự hội nhập ở mức khá cao. Vốn là hai nền kinh tế đã phát triển, Nhật Bản và Hàn Quốc với nền tảng công nghệ và sản phẩm trình độ cao thuộc nhiều lĩnh vực cũng góp phần quan trọng cho sự phát triển công nghệ và thương mại của Trung Quốc.

Trong bối cảnh chuỗi công nghiệp hoàn thiện của mỗi nền kinh tế sẽ bị giới hạn bởi nguồn tài nguyên, công nghệ và chi phí, cũng như xu hướng toàn cầu hóa bị đảo ngược, tự do hoá thương mại khu vực sẽ là một lựa chọn hợp lý để cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả. Do đó, FTA Trung-Nhật-Hàn và RCEP nhiều khả năng sẽ sớm được ký kết trong năm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tự do hóa thương mại khu vực - chìa khóa hỗ trợ kinh tế thế giới hậu Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO