Trung Quốc đẩy mạnh ngọt hóa nước biển

VÂN THẢO (theo Bloomberg)| 18/04/2015 06:13

Trung Quốc dự định đến năm 2020 tăng khối lượng nước ngọt được lọc từ nước biển lên gấp 4 lần hiện nay.

Trung Quốc đẩy mạnh ngọt hóa nước biển

Chính phủ Trung Quốc dự định đến năm 2020 tăng khối lượng nước ngọt được lọc từ nước biển lên gấp 4 lần hiện nay.

Trung Quốc đã bắt đầu cho xây dựng một nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt nằm trên vịnh Bột Hải gần thành phố công nghiệp Đường Sơn. Nhà máy này sẽ đi vào hoạt động vào năm 2019, dự kiến lọc 120.000 tấn nước biển mỗi ngày thành 50.000 tấn nước ngọt, vận chuyển theo đường ống dài 170 dặm đến Bắc Kinh - thành phố nằm phía Đông Bắc Trung Quốc vốn khô cằn, ít mưa và đang cạn kiệt dần nguồn nước.

Với tổng dân cư chiếm 20% dân số thế giới trong khi lượng nước ngọt chỉ chiếm 7% khiến Trung Quốc buộc phải nghĩ tới phương pháp lọc nước biển. Theo kế hoạch đặc biệt, cho đến năm 2020, mỗi ngày Trung Quốc cần sản xuất ra 3 triệu tấn nước sạch lọc từ nước biển, tăng gấp 4 lần so với năng suất hiện tại.

Trong 668 thành phố lớn nhất ở Trung Quốc, có ít nhất 400 thành phố đang trong tình trạng khan hiếm nước sạch.

Paul Bai - Giám đốc điều hành của Công ty nước Aqualyng China - một công ty liên doanh giữa Aqualyng của Na Uy và Hồng Kông cho biết, Trung Quốc đang trở thành thị trường quan trọng đối với nhiều công ty nước ngoài trong lĩnh vực khử mặn bằng công nghệ và thiết bị hiện đại.

Chia sẻ về nguồn nước mới này, Bai nói: "Thị trường công nghệ khử mặn hiện nay đang rất "nóng" và thách thức duy nhất chính là giá cả. Nếu trước kia Bắc Kinh chỉ phải trả 4 nhân dân tệ cho một mét khối nước thì giờ đây nước sạch đã qua khử mặn có giá đến 7 nhân dân tệ. Tuy nhiên, với tình trạng có quá ít giải pháp như hiện nay thì công nghệ này sẽ ngày càng cạnh tranh hơn".

Aqualyng Chine đang xây dựng và sẽ đưa nhà máy ở Đường Sơn vào hoạt động. Theo một báo cáo của Hiệp hội khử mặn quốc tế, Trung Quốc hiện đang đứng thứ 5 trên thế giới về năng lực lắp đặt công nghệ khử mặn trong khi chỉ xếp thứ 9 cách đây 2 năm.

Theo báo cáo từ phía cơ quan truyền thông chính phủ, việc xây dựng nhà máy ở vịnh Bột Hải tiêu tốn 7 tỷ nhân dân tệ (khoảng 1,1 tỷ USD), thêm đường ống dẫn nước đến Bắc Kinh có giá 10 tỷ nhân dân tệ. Đó là chưa tính đến giá điện khi nhà máy đi vào vận hành.

Theo các chuyên gia môi trường thuộc Viện Thái Bình Dương có trụ sở tại California ước đoán, nhà máy này sẽ cần từ 12.000 đến 18.000 kWh để "ngọt hóa" 1 triệu gallon nước biển, trong đó chỉ riêng việc bơm nước ngầm lên mặt biển cũng đã tốn ít nhất 4.000 kWh.

Được phát triển từ năm 1950, công nghệ khử mặn cho đến nay vẫn chủ yếu được các quốc gia giàu có ở sa mạc sử dụng. Ả Rập Saudi - quốc gia sở hữu số lượng nhà máy lọc nước biển nhiều nhất trên thế giới.

Có hai cách chính để khử muối, đó là dùng công nghệ thẩm thấu ngược (reverse osmosis) bằng cách nén nước biển thông qua các lớp màng để gạn lọc lấy đi phần muối và những tạp chất khác. Cách thứ hai là sử dụng công nghệ hóa hơi đa tầng (multi-stage flash) sẽ đun sôi nước biển thêm nhiều lần và lọc lấy hơi nước không còn muối.

Năng lượng cần thiết để nén nước qua màng lọc hay đun sôi nước tốn từ 30% đến 50% chi phí vận hành của nhà máy.

Không chỉ Trung Quốc có nhiều tham vọng trong công nghệ ngọt hóa nước biển, các quốc gia khác như Israel, Tây Ban Nha, Mỹ và Úc cũng đã hoặc đang xây dựng các nhà máy tương tự.

San Diego đang xây dở nhà máy khử mặn trị giá 1 tỷ USD, dự kiến đến năm 2016, mỗi ngày sẽ lọc nước biển ở Thái Bình Dương thành 50 triệu gallon nước ngọt. Đây sẽ là nhà máy ngọt hóa nước biển lớn nhất ở Tây Bán Cầu.

Tuy nhiên, lượng điện tiêu thụ của những nhà máy này khiến các nhà bảo vệ môi trường lo lắng. Viện Tài nguyên thế giới có trụ sở tại Washington cảnh báo rằng, nhu cầu năng lượng tăng cao trong công nghệ khử mặn sẽ làm gia tăng lượng than đốt và khói ở các thành phố phía Bắc Trung Quốc.

Tuy nhiên, có nhiều nguồn năng lượng có thể sử dụng trong các nhà máy khử mặn, ngoài giải pháp dùng than đốt. Đã có một nhà máy khử mặn bằng công nghệ thẩm thấu ngược ở thành phố Perth, thuộc miền Tây nước Úc khánh thành vào năm 2007, hoạt động nhờ vào năng lượng lấy từ trang trại gió Emu Downs gần đấy.

Trong tháng 1/2015, Công ty công nghệ Taqnia ở Saudi Arabia hợp tác cùng công ty năng lượng Abengoa thuộc Tây Ban Nha cũng đã công bố kế hoạch xây dựng một nhà máy khử mặn sử dụng năng lượng mặt trời đầu tiên thế giới, gần thành phố Khafji.

>Trung Quốc, Thái Lan... đang chết khát
>Muối ăn, ăn muối
>Sốt nhà đất ở Trung Quốc
>Trẻ em Trung Quốc trầm uất vì học

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trung Quốc đẩy mạnh ngọt hóa nước biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO