Chào đón Ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay, doanh giới lại phải bộn bề lo toan đối phó với rất nhiều khó khăn kinh tế trong và ngoài nước. Không ít DN đã không trụ vững, phải thu hẹp sản xuất và thậm chí có người đã phải phá sản.
Trong khó khăn này, chúng ta mới thấm thía câu nói: “Doanh nhân là người lính tiên phong trên mặt trận kinh tế”. Tức là họ đã thực sự phải chiến đấu để giữ cho DN khỏi phá sản, phải cạnh tranh gay gắt để giữ được sản phẩm tồn tại được trên thị trường...
Cũng trong khó khăn này, chúng ta mới thấy được vai trò quan trọng của doanh giới trong việc tạo ra của cải cho xã hội, tạo ra công ăn việc làm, tạo ra sản phẩm cạnh tranh với hàng nước ngoài, giữ ổn định kinh tế hay giữ giá kiềm chế lạm phát... Doanh nhân thực sự đã là một giai tầngquan trọng của kinh tế đất nước.
Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chọn ngày 13/10 hàng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam. 13/10/2004 là ngày tôn vinh doanh nhân Việt Nam đầu tiên.
Báo Doanh Nhân Sài Gòn là đơn vị đầu tiên đã góp tiếng nói mạnh dạn đề xuất thực hiện Ngày Doanh nhân, cũng là cách mở đường xác lập vị thế của một giai cấp mới trong xã hội, trong cơ cấu kinh tế với tên gọi “doanh nhân” - mang hoài bão của một giai tầng đi đầu trong công cuộc đổi mới kinh tế và hội nhập quốc tế.
Bảy năm kể từ khi có Ngày Doanh nhân Việt Nam, cộng đồng doanh nhân Việt Nam không ngừng lớn mạnh và khẳng định vai trò của mình. Trong những năm qua, có thể nói, các doanh nhân đã đóng vai trò quyết định trong việc huy động các nguồn lực tạo ra sản phẩm và dịch vụ cho xã hội.
Riêng khu vực doanh nghiệp đã đóng góp trên 60% GDP, 70% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút được trên 7,4 triệu lao động, chiếm 16,3% lực lượng lao động của toàn xã hội. 5 triệu là số lượng doanh nhân Việt Nam đang hoạt động trong các DN, HTX và hộ kinh doanh cá thể.
Nền kinh tế thị trường trong xu thế mở cửa và hội nhập mang lại nhiều cơ hội và thách thức cho các DN. Thế nhưng, quy mô DN nước ta còn nhỏ bé trước những người khổng lồ của thế giới, thậm chí khi so sánh ngay với DN trong khu vực. Đội ngũ doanh nhân chưa xây dựng được văn hóa kinh doanh chung, chưa liên kết chặt chẽ trong hoạt động.
Và khó khăn hiện nay chính là “biển lớn” mà cách đây vài năm, DN Việt Nam thường nhắc đến như một cách ví von đầy hình ảnh trên con đường hội nhập, mà nay họ mới thực sự trải nghiệm với tất cả ý nghĩa đầy đủ nhất của “sóng gió” trên thương trường.
Cách đây 7 năm, chúng ta từng đặt mục tiêu có được 300.000 DN tư nhân. Đến nay chúng ta đã có nửa triệu DN. Trong số này có những thương hiệu đã khẳng định như Vinamilk, lọt vào danh sách 200 doanh nghiệp xuất sắc nhất châu Á. Rồi có những DN nhỏ hơn như Phở 24 len lỏi đi khắp các nước Âu, Á, giới thiệu được văn hóa ẩm thực truyền thống của Việt Nam.
Chắc hẳn, cách đây nhiều năm chúng ta vẫn chỉ coi đây là một mục tiêu, hoặc chỉ là một ước muốn. Vì thế, thành tích đạt được của các DN, doanh nhân Việt Nam thật đáng khích lệ và cho chúng ta niềm tin đầy lạc quan.
Sau nhiều năm đổi mới, nền kinh tế Việt Nam liên tiếp gặt hái thành quả. Tuy nhiên, bối cảnh thị trường mới đòi hỏi phải vượt ra khỏi những cách làm ăn cũ, nhanh chóng mở rộng các mô hình kinh tế mới, đòi hỏi tư duy kinh tế có những sáng tạo mới và nhanh nhạy hơn rất nhiều mới có thể cạnh tranh và tồn tại. Đó chính là trọng trách mà thời cuộc đặt lên vai các doanh nhân, doanh nghiệp.
Thực tiễn cũng cho thấy tất cả những DN lớn đều bắt đầu từ những DN nhỏ. Điều làm nên sự khác biệt đó chính là sự mạnh dạn, sức sáng tạo và sẵn sàng đổi mới. Yếu tố làm nên tầm vóc của DN lớn chính là tinh thần dân tộc, có khát vọng chinh phục thử thách trong môi trường kinh doanh toàn cầu hóa.
Chấp nhận thách thức và thấy được thách thức từ thực tế là bài học tốt để DN nhìn lại mình, biết mình cần chuẩn bị gì cho cuộc cạnh tranh gay gắt trong thời kỳ hội nhập. Một thế hệ doanh nhân trẻ nhiều khát vọng hình thành sẽ đứng trong đội ngũ dẫn dắt kinh tế Việt Nam tiến về phía trước trong điều kiện phức tạp và khó khăn hơn.
Tôi tin doanh nhân Việt Nam sẽ đủ bản lĩnh và tinh thần dân tộc để biến khát vọng hóa rồng thành hiện thực.