Về nhà tìm việc?

TÂM AN| 14/08/2009 08:16

Vấn đề việc làm đang là mối bận tâm hàng đầu của các bậc phụ huynh có con sắp ra trường. Rất khó tìm được việc làm phù hợp với khả năng, mức lương tương xứng, có điều kiện tiến thân...

Về nhà tìm việc?

Vấn đề việc làm đang là mối bận tâm hàng đầu của các bậc phụ huynh có con sắp ra trường. Rất khó tìm được việc làm phù hợp với khả năng, mức lương tương xứng, có điều kiện tiến thân... Thế nhưng, có những bạn trẻ gia đình có cơ sở kinh doanh, sẽ có việc làm tốt, thuận lợi về mọi mặt nếu chịu làm việc cho công ty gia đình, nhưng lại không muốn hay chỉ làm một cách miễn cưỡng và luôn hy vọng sẽ tìm được một chỗ làm khác.

Bụt chùa nhà không thiêng? 

H., một cô gái 23 tuổi, đã tốt nghiệp đại học kinh tế, gia đình có cơ sở sản xuất bánh kẹo với khoảng 20 công nhân. Mọi người trong gia đình luôn bận rộn, nhất là vào những mùa Trung thu, Noel, Tết... Khi H. đậu đại học, chị Kim, mẹ H., chỉ mong con gái mau tốt nghiệp, về nhà quản lý sổ sách thay cho chị để chị phụ với chồng lo việc đối ngoại. Thế nhưng, tốt nghiệp xong, H. không muốn làm việc cho gia đình, cô học tiếp chương trình cao học và mơ một suất học bổng ở nước ngoài. Thấy công việc gia đình chị Kim quá bề bộn, có người hỏi chị sao không kêu con về nhà phụ giúp, chị tặc lưỡi: “Nó mộng cao, chỉ muốn bay nhảy, chưa muốn dừng chân ở nhà”.

Khánh, 24 tuổi, cử nhân vật lý. Gia đình Khánh có cửa hàng buôn bán máy vi tính khá phát đạt. Anh Dũng, ba Khánh, ngày xưa cũng học chuyên ngành vật lý, bôn ba qua nhiều viện nghiên cứu, trường học, rồi xí nghiệp, cuối cùng thấy không khá, anh xin nghỉ về nhà làm riêng. Bắt đầu từ một cửa hàng nhỏ, rồi đến đại lý bán mươi cái máy vi tính, dần dà phát triển thị phần, khách hàng ngày càng nhiều, anh tiến lên thành lập DN. Công việc nhiều, đội ngũ bảo hành đôi lúc không đáp ứng kịp yêu cầu của khách, anh chỉ mong con mình mau chóng ra trường về phụ việc. Hồi mới tốt nghiệp, Khánh về làm việc cho gia đình được một năm.

Trong thời gian đó, anh chàng cứ mong ngóng một chỗ làm trong cơ quan nhà nước với ước vọng có điều kiện phát huy năng lực và có cơ hội thăng tiến. Lý lẽ Khánh đưa ra là công việc của DN gia đình đơn điệu quá, chỉ đi lắp máy rồi bảo hành, sửa chữa nếu có yêu cầu, không phù hợp với chuyên môn đã học. Cuối cùng, Khánh xin được việc làm trong một cơ quan nghiên cứu khoa học, đảm nhận việc theo dõi những diễn biến địa chất và làm báo cáo. Công việc một ngày như mọi ngày, đồng lương ít ỏi khiến Khánh thấy ngao ngán, thế nhưng cậu vẫn không muốn nghỉ việc để tiếp tục phụ giúp gia đình.

Đứng núi này này trông núi nọ

Thi đại học hai lần không đậu, Thủy đành chấp nhận phương án ba mẹ đưa ra là đi học sơ cấp kế toán để trông coi sổ sách cho cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng của gia đình. Công việc hằng ngày của Thủy là vào sổ sách bán hàng, hằng tháng đi nộp thuế. Vốn nhanh nhạy, công việc một ngày Thủy chỉ cần làm trong hai giờ đồng hồ là xong.

Thời gian rảnh cô cảm thấy buồn, vì không có bạn. Mỗi ngày nhìn bạn bè đi làm ở cơ quan, công sở, ăn mặc đẹp, lịch sự, thỉnh thoảng còn đi dự tiệc tùng..., tự nhiên cô thấy tủi thân. Công việc của cô do suốt ngày ở cửa hàng bán vật liệu xây dựng, lúc nào cũng bụi bặm, nên không dám mặc quần áo đẹp, lại ít có cơ hội giao tiếp khiến cô thấy chán. Khi không còn hứng thú với công việc, Thủy làm rất thờ ơ, lúc nào cô cũng mơ được... bay nhảy.

Ước mơ thành hiện thực khi Thủy xin được việc làm trong một cơ quan nhà nước. Nhưng mới làm được một năm đã thấy Thủy xin nghỉ. Giờ đây, mỗi khi nói về con gái, ba Thủy lắc đầu: “Làm ở nhà tui trả lương triệu rưỡi một tháng, nuôi cơm ngày ba bữa, muốn làm thì làm, muốn nghỉ thì nghỉ, miễn sao công việc hoàn tất, thỉnh thoảng tui còn cho thêm tiền tiêu vặt. Đi làm cơ quan, lương tháng một triệu, làm ngày tám tiếng, trưa không về nhà, tốn tiền ăn cơm bụi, áp lực công việc nhiều..., không đảm bảo sức khỏe. Vậy chớ cũng chưa chịu yên, vẫn còn mơ mộng lắm!”.

An phận 

Anh Hùng là một họa sĩ có tiếng. Thời kinh tế mở, anh thành lập DN tư nhân chuyên vẽ quảng cáo, trang trí..., làm ăn khá phát đạt. Công việc hằng ngày của anh là tìm kiếm khách hàng. Chị Loan, vợ anh, phải ở nhà tiếp khách, giao dịch... Con trai đầu của anh chị tốt nghiệp Đại học Y khoa, hiện làm việc tại một bệnh viện. Ba con gái kế, học xong lớp 12, anh cho học đồ họa để làm việc cho gia đình. Ý tưởng của anh được các cô thể hiện trên máy rất đạt yêu cầu.

Khách hàng yêu thích phong cách vẽ của anh đều hài lòng. Xưởng vẽ rất rộng, mang không khí gia đình đầm ấm, nhưng vẫn giữ được phong cách công sở. Ở một góc xưởng có kê bộ sa lông và cái bàn giấy là nơi chị Loan tiếp khách. Phía sau bộ sa lông là một phòng kính, bên trong có bốn máy vi tính với màn hình thật lớn, là nơi làm việc của ba cô con gái. Công việc nhiều, nhưng các cô không hề bị áp lực bởi làm việc cho gia đình đâu theo giờ giấc quy định như ở công sở. Có khi các cô làm từ 5 giờ sáng đến 10 giờ đêm, nhưng cũng có khi mãi đến 10 giờ sáng các cô mới bắt đầu làm việc. Công việc được phân chia rạch ròi, ăn lương theo sản phẩm, thỉnh thoảng còn được ba mẹ bồi dưỡng thêm.

Hỏi đến mấy cô con gái rượu, nét mặt anh Hùng tươi rói: “Chỉ sợ chúng nó lấy chồng, mình mất nhờ. Thuê mướn nhân viên làm sao bằng con mình được”.

Ý tưởng an phận ít có ở những người trẻ. Tuổi trẻ luôn gắn liền với sự tự do, bay nhảy và luôn muốn tự khẳng định mình. Các bạn trẻ không muốn làm việc cho gia đình thường viện lý do: không muốn núp bóng cha mẹ. Do vậy, ít có bạn trẻ nào “vỡ” ra được là cần phải vun đắp để phát triển cơ ngơi của gia đình và thể hiện tài năng chuẩn bị kế thừa. Đó cũng là nỗi lo của không ít bậc cha mẹ cả đời cật lực làm lụng chỉ mong con mình kế thừa và phát triển gia sản!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Về nhà tìm việc?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO