Sửa sai

KIM PHƯƠNG| 04/12/2009 08:58

Bạn tổ chức đám cưới lần thứ hai. Cô dâu cũng váy trắng, hoa trắng, tươi cười đón nhận những lời chúc mừng của khách đến dự tiệc, chỉ khác là bên cạnh cô có sự hiện diện của hai đứa con thơ...

Sửa sai

Ba đồng một mớ trầu cay,
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng,
Như chim vào lồng như cá cắn câu
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ?
Chim vào lồng biết thuở nào ra?

Đó là chuyện của ngày xưa. Thời nay khác nhiều rồi, không phải một, mà vài lưỡi câu cũng không giữ được cá nếu cá đã muốn nhảy sang ao khác; cửa đóng then cài cũng không ngăn được chim, nếu chim đã muốn xổ khỏi lồng...

Bạn tổ chức đám cưới lần thứ hai. Cô dâu cũng váy trắng, hoa trắng, tươi cười đón nhận những lời chúc mừng của khách đến dự tiệc, chỉ khác là bên cạnh cô có sự hiện diện của hai đứa con thơ...

Bạn lấy chồng khi còn chưa rời ghế giảng đường. Gia đình bắt đầu lục đục ngay từ sau khi có đứa con thứ nhất, nhưng sợ tan vỡ, thương con, nên cố níu kéo bằng... đứa con thứ hai. Song, mọi cố gắng đều vô ích, vẫn bực bội, đau khổ, căng thẳng, rồi kiệt sức và... đành chia tay.

Bạn tái hôn sau ba năm ly hôn và hai năm tìm hiểu, cân nhắc. Hy vọng bạn sẽ thành công với hôn nhân lần này, giống như một người bạn khác. Người ấy và vợ cũ cũng cùng có mặt trong đám cưới. Gặp nhau, họ vui vẻ, đùa giỡn như chưa từng là “đối thủ” của nhau trong những ngày còn chung sống.

Hỏi nhỏ bạn: “Gặp lại người cũ có thấy tiếc nuối chút nào không?”. Đáp ngay: “Hoàn toàn không. Đó là quyết định sáng suốt của cả hai. Có hai người chịu đau khổ ngày ấy thì mới có bốn người được hạnh phúc hôm nay”. Ánh mắt bạn cho biết điều bạn chia sẻ là chân thành. Mừng cho bạn!

Từ lâu, chuyện ly hôn đã không còn quá nặng nề đối với người phương Đông nói chung, trong đó có người Việt. Phương Tây thì khỏi nói rồi, họ kết hôn rồi ly hôn rất nhẹ nhàng. Và thực tế đúng là có nhiều cuộc chia tay mà sau đó cả hai người đều tìm được hạnh phúc viên mãn. Không những thế, những đứa trẻ thường được gọi là nạn nhân của cuộc hôn nhân đổ vỡ cũng được nuôi dưỡng và trưởng thành trong một môi trường gia đình lành mạnh hơn so với khi sống cùng cha mẹ ruột.

Có “người trong cuộc” nói, ly hôn là cách thừa nhận sai lầm của bản thân và quyết định sửa chữa sai lầm ấy. Nhiều người cũng nhận ra sai lầm của bản thân, nhưng vì không vượt qua được những mối ràng buộc, trở ngại tâm lý của chính mình, nên không dám sửa sai, hoặc cho rằng, sống chung với thất bại cũng là một cách sửa chữa sai lầm.

Họ đã tự hủy hoại cuộc sống của mình khi cứ âm thầm chịu đựng khổ đau và cô đơn ngay trong chính ngôi nhà mình, rồi tàn tạ, héo úa, rồi chán chường, bất mãn... Không chỉ thế, người thân của họ cũng phải chịu hệ lụy từ cuộc sống không hạnh phúc của họ. Thế là sai lầm nối tiếp sai lầm, vậy chi bằng, nếu đã biết sai thì sửa ngay đi!

Hình như càng ngày càng có nhiều vụ xử ly hôn với lý do thật đơn giản. Trước tòa, người ta chỉ nói ngắn gọn nhưng bao hàm - “không hợp nhau”. Nhưng thế nào là hợp hay không hợp? Chỉ biết rằng, họ cảm thấy không vui, không thoải mái, thậm chí thấy bực bội khi ở bên nhau; họ không muốn chung sống với nhau nữa. Vậy là “mục đích hôn nhân” không đạt được rồi còn gì. Đến nước ấy thì tòa nào can nổi họ, vì người ta lấy nhau là để tìm niềm vui, hạnh phúc khi ở bên nhau kia mà.

Có người ví, lấy vợ lấy chồng cũng như mua một món đồ. Có người mua về rồi học cách sử dụng, nhưng cũng có người sẵn sàng đem trả hoặc mua món khác khi thấy khó dùng. So sánh như vậy kể cũng hơi khập khiễng, vì không giống như đồ vật vô tri vô giác, món - hàng - con - người có sự tương tác với “người sử dụng”.

Nhưng xét ở khía cạnh nào đó, luận điểm này dường như không sai. Cho nên mới thấy, nhiều người sau khi kết hôn thì dần dần thay đổi từ hình thức cho đến cách ứng xử (chứ không phải tính cách, bản chất), nhưng cũng không ít người chỉ một thời gian rất ngắn sau kết hôn đã thấy thất vọng và chấp nhận thất bại trong hôn nhân, vì “không hợp nhau”.

Cưới lần hai, đám cưới vẫn có thể hoành tráng và ngập tràn niềm vui, hạnh phúc, nhưng dù sao, đấy cũng là một việc mang tính “sửa sai”. Có hơn không, nếu cân nhắc kỹ hơn để đừng sai ngay từ đầu, nếu biết và chịu học cách sử dụng món đồ đã mua về để đừng phải trả hoặc mua món khác...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sửa sai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO