Sáng tạo để thỏa mãn đam mê

Quế Dương (thực hiện)| 28/11/2009 07:42

Từng làm nghề “gõ đầu trẻ”, phụ trách các chương trình ca nhạc ở Công viên văn hóa Đầm Sen, biên tập âm nhạc của một phòng trà nổi tiếng một thời ở Sài Gòn…cuối cùng Nguyễn Tuấn đã dừng chân ở lĩnh vực tổ chức sự kiện.

Sáng tạo để thỏa mãn đam mê

Từng làm nghề “gõ đầu trẻ”, rồi phụ trách các chương trình ca nhạc ở Công viên văn hóa Đầm Sen, biên tập âm nhạc của một phòng trà nổi tiếng một thời ở Sài Gòn…, cuối cùng Nguyễn Tuấn đã dừng chân ở lĩnh vực tổ chức sự kiện.

Khi Sóng Nhạc ra đời, anh vừa là giám đốc, vừa là biên tập chính trong các chương trình ca múa nhạc, thời trang, hội nghị khách hàng… do công ty tổ chức. Nói về việc lựa chọn hướng đi của mình, anh bảo mê nhất là ở yêu cầu khắt khe của nghề này - sự sáng tạo không ngừng và không bao giờ được “già”, nhất là trong cách nghĩ…

Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi diễn ra trong quán cà phê nép mình bên một con hẻm nhỏ của Sài Gòn náo nhiệt. Nhìn qua ô cửa kính, thấy một cậu bé bán vé số đi ngang, Nguyễn Tuấn tần ngần giây lát rồi ngậm ngùi kể:

- Tôi cũng có một tuổi thơ chẳng đủ đầy. Nhà đông anh em, một buổi đi học, một buổi tôi đi bán báo ở sân vận động Thống Nhất. 15 tuổi, tôi theo anh trai thuê xích lô chở khách kiếm tiền phụ giúp gia đình. Tuy vất vả nhưng tôi không thấy buồn, vừa đạp xích lô vừa nghêu ngao hát “mùa xuân đến đạp xe trên phố…”. Khách thấy vui tai, biết tôi còn đi học đã hào phóng “boa” thêm.

Lên cấp ba, rồi vào ngành sư phạm, tôi vẫn vừa làm vừa học và rất ngưỡng mộ ca sĩ Cẩm Vân và Ngọc Bích. Tốt nghiệp Trung học sư phạm TP.HCM, tôi về dạy ở Trường tiểu học Lê Đình Chinh (quận 11). Trong lớp tôi chủ nhiệm hồi đó có một cậu học trò rất quậy, hay bị phạt vì không học bài làm bài đầy đủ.

Một lần đạp xích lô chở khách, tôi vô tình đụng phải cậu bé với tập vé số trên tay. Một thoáng bất ngờ cho cả thầy và trò. Ngày hôm sau, vừa vào lớp, một học trò khác đã chạy lên thưa: “Thầy ơi, có bạn nói thầy đạp xích lô”. Tôi bảo: “Phải rồi, đó là nghề phụ của thầy”. Riêng cậu học trò bán vé số, từ sau bữa ấy trở nên ngoan hơn, chịu khó học hơn. Còn tôi thì cũng cố gắng dành thời gian trò chuyện và giảng bài thêm cho em.

* Đến lúc nào thì cuộc sống của anh đỡ chất vật hơn?

- Năm năm sau, khi chuyển về Trường tiểu học Phùng Hưng (quận 11) thì tôi không còn làm “nghề phụ” nữa. Vừa đứng lớp, tôi vừa làm Phó chủ tịch Công đoàn của Trường. Ở đây được năm năm thì tình cờ, một người bạn mách rằng Công ty Du lịch Phú Thọ đang tuyển nhân viên. Sẵn “máu văn nghệ”, lại cũng thích làm hướng dẫn viên du lịch, tôi đăng ký dự tuyển. Người phỏng vấn khi ấy hỏi tôi: “Có gì liên quan giữa công việc cũ với vị trí mà anh muốn được nhận vào?”. Tôi trả lời: “Lòng nhiệt tình và sự sáng tạo sẽ giúp bạn thành công”.

Trúng tuyển, tôi về làm ở tổ văn hóa văn nghệ của Công viên văn hóa Đầm Sen (trực thuộc Công ty Du lịch Phú Thọ) với trách nhiệm chính là tổ chức các đêm nhạc dành cho du khách tham quan, và một số chương trình ca nhạc vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật.

* Có nghĩa là anh đã có đất dụng võ rồi. Cảm giác của anh lúc đó ra sao?

- Rất háo hức. Tôi có một tuần để đi tham quan khắp… Đầm Sen, tìm hiểu các hoạt động rồi về góp ý với ban giám đốc. Với góc nhìn của một nhà giáo, sau khi thâm nhập thực tế, tôi đề nghị bỏ cà phê ghế bố, chọn lọc lại nhóm hài và nội dung biểu diễn, đề nghị xây dựng các đêm nhạc chủ đề và mời ca sĩ tên tuổi đến biểu diễn. Ban giám đốc đồng ý và giao cho tôi phụ trách chương trình ca nhạc cùng một số hoạt động mới.

* Nếu nhớ không nhầm thì những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, việc mời ca sĩ có tên tuổi đi hát ở các sân khấu ngoài trời không phải dễ…

- Đúng vậy. Người đầu tiên tôi thuyết phục tham gia chương trình Bạn trẻ với âm nhạc được tổ chức ở Đầm Sen là ca sĩ Cẩm Vân. Khi đó, chị ấy chưa quen hát ở sân khấu ngoài trời. Nhưng khi thấy tôi nhiệt tình quá, và lại xuất thân từ nghề giáo nên chị nhận lời. Thật bất ngờ vì chương trình thành công mỹ mãn, chị Cẩm Vân nhận được rất nhiều lời yêu cầu và đã hát “ngon lành” bảy – tám bài liền.

* Nghe nói, gần 10 năm ở đó, anh không chỉ “bày trò” trên sân khấu ca nhạc mà còn là “chủ xị” trong cuộc thi Nét đẹp phấn trắng - sân chơi dành riêng cho các thầy cô giáo?

- Thú thật, dù làm gì và ở đâu thì tôi cũng luôn nhớ mình từng là nhà giáo. Ý tưởng tổ chức cuộc thi này là của tôi đã được Ban giám đốc Đầm Sen chấp nhận. Để chương trình có sức lan tỏa, chúng tôi đã phối hợp với Đoàn Thanh niên của Sở Giáo dục TP.HCM cùng tổ chức. Ngày 20/11/1997, cuộc thi Nét đẹp phấn trắng được tổ chức lần đầu tiên, và trở thành hoạt động thường niên của Đầm Sen mãi cho đến gần đây.

* Được lãnh đạo tín nhiệm như vậy, sao anh lại nghỉ ngang?

- Do đặc thù công việc nên gần 10 năm ở Đầm Sen là ngần ấy năm tôi không được sum họp cùng người thân trong dịp Tết. Mặc dù gia đình rất thông cảm, nhưng tôi vẫn cảm thấy có lỗi. Năm 2002, tôi xin nghỉ ở Đầm Sen và về làm biên tập âm nhạc cho phòng trà M & Tôi, là chỗ quen biết (bà xã của ông chủ phòng trà là học trò cũ của tôi).

Tại đây, tôi đã đề xuất tổ chức chương trình Tác giả - Tác phẩm, mỗi tháng một lần. Chương trình đầu tiên chúng tôi làm là đêm nhạc Dương Thụ, với sự tham gia của một số ca sĩ phía Bắc như Mỹ Linh, Tấn Minh, Khánh Linh… Sự hưởng ứng của khán giả, 600 ghế ngồi không còn chỗ trống, khiến tôi được “lên dây cót”, và Ban giám đốc cũng tự tin làm tiếp các đêm nhạc Phú Quang, Thanh Tùng, Trần Tiến…

* Sự thành công từ phòng trà này đã giúp anh thêm tự tin trước quyết định “ra riêng”?

- Năm 2006, tôi mở Công ty tổ chức biểu diễn Sóng Nhạc song song với phòng trà Sóng Nhạc ở số 39 Lê Lợi. Khách đông, nhưng chỗ ngồi lại hạn chế, được hơn một năm thì phòng trà phải tạm ngưng vì lý do mặt bằng. Từ đó đến nay, tôi tập trung cho mảng tổ chức sự kiện, nhưng vẫn nuôi ý định “phục thù” việc mở lại phòng trà khi có điều kiện.

* Thời kinh tế thị trường, các công ty tổ chức sự kiện mọc như nấm sau mưa, anh làm thế nào để tạo ra sự khác biệt?

- Với mỗi chương trình, dù là ca múa nhạc, thời trang hay hội nghị khách hàng, tổng kết cuối năm…, Sóng Nhạc đều chú trọng vào phần biên tập nội dung. Chúng tôi thường trao đổi rất kỹ với khách hàng, nắm bắt yêu cầu và mục đích của họ, để từ đó xây dựng nội dung kịch bản cho sát.

Mặt khác, tôi sẵn có mối quan hệ khá tốt với giới nghệ sĩ, nên việc mời họ tham gia các chương trình do Sóng Nhạc tổ chức không quá khó. Có thể nói, trong lĩnh vực tổ chức sự kiện, nếu muốn thành công thì yêu cầu tiên quyết là sự sáng tạo. Phải sáng tạo từ ý tưởng đến cách thực hiện.

* Ví dụ?

- Chẳng hạn, khi tổ chức mừng ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 cho một công ty dược phẩm, Sóng Nhạc đã đưa ra ý tưởng trình diễn thời trang bà bầu. Chúng tôi chọn cách này vì sản phẩm của khách hàng là thuốc bổ dành cho phụ nữ mang thai. Xuyên suốt chương trình là chủ đề Hạnh phúc làm mẹ và kết thúc là chương trình Thời trang gia đình hạnh phúc. Kết quả, sự hài lòng của khách hàng đó còn mãi đến giờ, chúng tôi tiếp tục được giao tổ chức nhiều chương trình chăm sóc khách hàng hay các sự kiện quan trọng của họ.

Một ví dụ khác, gần đây thôi, Sóng Nhạc đã tổ chức thành công chương trình ca nhạc chào mừng Hội doanh nghiệp ASEAN lần thứ 35 ở Khách sạn Rex (TP.HCM). Với một chương trình ca múa nhạc dân tộc giới thiệu nét đẹp văn hóa, tôi đã chọn chủ đề Việt Nam gấm hoa.

Khi chương trình đang diễn ra, bất ngờ, một quan chức Nhật Bản đề nghị ban nhạc hát tặng một số ca khúc của Trịnh Công Sơn đã từng được người Nhật rất yêu thích, nhưng ông không nhớ tên.

Ông vừa dứt lời, tôi nghĩ ngay đến bài Ngủ đi con (từng đoạt giải Đĩa hát vàng Nhật Bản năm 1972) và bài Diễm xưa (ca khúc đã được đưa vào sách giáo khoa chương trình PTTH của Nhật Bản). Khi ban nhạc hòa tấu, giai điệu quen thuộc ngân lên, toàn bộ đoàn khách Nhật đứng dậy vỗ tay. Không khí lúc đó thật tuyệt, chúng tôi đọc được sự hài lòng trong mắt khách hàng, và trong mắt nhau.

* Thỉnh thoảng vẫn thấy anh làm MC và hát trong chương trình ca nhạc hoặc sự kiện của một số doanh nghiệp. Xem ra, anh có vẻ rất “phiêu linh” trên sân khấu?

- Bao nhiêu năm qua, âm nhạc đã trở thành hơi thở của tôi. Con người ta, quan trọng nhất là có sự lạc quan và biết chấp nhận hiện tại để tìm cách vượt qua nó. Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Tôi luôn trân trọng thuở hàn vi của mình, và chính nhờ những năm tháng vất vả đó tôi mới có ngày hôm nay. Mỗi khi mệt mỏi, tôi lại nghêu ngao hát, thế là lấy lại được thăng bằng.

Trong một số chương trình, thỉnh thoảng tôi cũng lên sân khấu, nhưng chỉ để “chữa cháy” thôi. Tôi rất thích những bài hát về Hà Nội, thích nhạc Trịnh Công Sơn, Phú Quang, Thanh Tùng.

* Có nghĩa rằng, công việc cũng chính là niềm đam mê của anh?

- (Cười) Đúng vậy. Khái niệm hạnh phúc hay niềm vui của tôi đơn giản lắm: được làm công việc mà mình yêu thích, có cợ hội để phát huy sự sáng tạo, và có điều kiện giúp đỡ người thân trong gia đình. Điều mà tôi muốn hướng tới là một cuộc sống luôn tươi mới và thú vị.

* Hàng năm, vào dịp 20/11 anh thường làm gì?

- Đón nhận những lời chúc của học trò cũ, tranh thủ đi thăm một số thầy cô giáo cũ, như cô giáo chủ nhiệm năm lớp 12 ở Trường PTTH Nguyễn Trung Trực (Gò Vấp) và một số thầy cô ở Trường Trung học Sư phạm. Trong suốt quãng đời học sinh rồi học nghề của tôi, người để lại ấn tượng sâu sắc nhất là cô Nguyễn Thị Ngoạn, chủ nhiệm lớp B3. Cô giảng văn rất hay, những bài giảng của cô không chỉ cho tôi kiến thức, mà còn cho tôi nhiều bài học về cách ứng xử.

Đến giờ, tôi vẫn nhớ như in câu chuyện Người ngựa, ngựa người của Nguyễn Công Hoan, qua giọng kể của cô. Cô đã nghỉ hưu, nhưng nhà cô vẫn là địa chỉ quen thuộc tôi tìm về. Chính từ sự ngưỡng mộ và kính trọng cô mà tôi bắt đầu yêu thích nghề giáo. Và cho đến nay, tuy đã trải qua nhiều công việc khác nhau, nhưng tôi vẫn trân quý những ngày tháng đứng trên bục giảng của mình. Thật ấm lòng khi thỉnh thoảng vẫn được nghe tiếng “thầy” thốt ra từ những học trò cũ nay đã trưởng thành.

* Cám ơn anh. Xin chúc anh mãi lưu giữ được những tình cảm tốt đẹp này!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sáng tạo để thỏa mãn đam mê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO