Ông Tony Coffey: Ai cũng cần kiến thức sơ cấp cứu

XUÂN LỘC - TRANH: HOÀNG TƯỜNG/DNSGCT| 28/09/2017 06:59

Tony Coffey hiện đang làm việc tại Hiệp hội Cứu hộ Sydney và Học viện Cứu hộ bang New South Wales, chuyên huấn luyện về chăm sóc khẩn cấp và cứu hộ tình nguyện cho các tổ chức, doanh nghiệp Úc trong hơn 20 năm qua. Ông còn sáng lập và điều hành Công ty Đào tạo Chăm sóc khẩn cấp Survivor (Survivor Emergency Care Training) tại Úc.

Ông Tony Coffey: Ai cũng cần kiến thức sơ cấp cứu

Từ năm 2014, ông thường dành những chuyến công tác dài ngày để giảng dạy kiến thức sơ cấp cứu miễn phí cho nhiều trường học ở Việt Nam. Ngoài ra, ông còn cùng nhóm tình nguyện viên tâm huyết thiết kế thành công ứng dụng hướng dẫn sơ cấp cứu bằng tiếng Việt miễn phí trên điện thoại, được giới thiệu đến mọi người vào trung tuần tháng 9 vừa qua.

Có dịp xem Tony dạy về kỹ năng sinh tồn cho các em nhỏ hiếu động ở lứa tuổi tiểu học, chúng tôi rất mến phục sự kiên nhẫn và khéo léo của ông. Ít người biết rằng cách đây gần 30 năm, ông là một người kinh doanh khá thành công tại Úc. Sự nghiệp của Tony rẽ sang một hướng hoàn toàn khác khi cô con gái nhỏ Shaana bị tai nạn “thập tử nhất sinh”.

Ông kể: Lúc đó, con gái Shaana của tôi chỉ khoảng 2 tuổi. Trong lúc đang chơi, cô bé bất ngờ ngã xuống sàn, mặt mũi tím tái và nằm bất động. Ngay lập tức, tôi lao đến và tiến hành các động tác sơ cấp cứu mà mình từng xem qua trên truyền hình rồi đưa bé đến bệnh viện. Shaana may mắn thoát chết còn tôi thì có những thay đổi lớn trong suy nghĩ. Tôi quyết định học thêm khóa sơ cấp cứu để bảo vệ bản thân và gia đình. Càng học, tôi càng cảm thấy hứng thú nên sau đó, tôi quyết định học chuyên sâu để trở thành chuyên gia về cứu hộ và sơ cấp cứu.

* Được biết, 2 tuần rồi ông phải di chuyển liên tục từ TP.HCM đến các tỉnh thành khác như Đồng Nai, Vũng Tàu, Hà Nội, Thái Bình, giảng dạy về kỹ thuật sơ cấp cứu từ sáng đến tối không có ngày nghỉ, ông có cảm thấy mệt lắm không?

- Đây là công việc tôi yêu thích nên tôi chỉ thấy hào hứng chứ không thấy mệt. Tôi lại rất yêu mến con người và đất nước Việt Nam nên mỗi lần đến đây tôi đều thấy vui. Mặc dù lần trước khi giảng dạy ở Vũng Tàu, do điều kiện sống ẩm thấp và bị nhiễm virus nên tôi bị viêm phổi trong ba tuần trở về Úc. Vậy mà khi trở lại đây tôi vẫn thấy khỏe khoắn lạ thường…

Các tình nguyện viên của chương trình cho biết ông là người rất dễ thích nghi với điều kiện sống có phần khó khăn khi đến Việt Nam, ông có thể ngủ ở nhà dân và ăn bánh mì qua bữa…

Tôi không cảm thấy khó khăn gì khi sống giản đơn như vậy. Ngược lại, tôi còn cảm thấy các món ăn lề đường ở Việt Nam rất ngon. Văn hóa bán hàng rong ở đất nước các bạn cũng rất thú vị. Hơn nữa, nguồn quỹ của dự án chủ yếu là do các thành viên tự bỏ “tiền túi”.

hời gian gần đây, chúng tôi mới có nguồn thu nhập từ việc giảng dạy cho các doanh nghiệp. Dự án có đủ kinh phí cho việc ăn ở của tôi là tốt lắm rồi.

* Mỗi năm, ông còn tự bỏ chi phí đi lại để đến Việt Nam 3, 4 lần để giảng dạy về kỹ thuật sơ cấp cứu, thật đáng quý…

- Chi phí này tôi có thể xoay xở được. Việc khó khăn hơn là cứ 3 tháng, tôi phải sắp xếp công việc để có thể nghỉ phép 3 tuần liên tiếp. Công việc của tôi ở Úc khá bận rộn. Ngoài công việc ở bệnh viện và Hiệp hội cứu hộ, tôi thường nhận được lời đề nghị giảng dạy cho các doanh nghiệp. Vì vậy, trước mỗi đợt công tác, tôi thường làm việc tăng ca và nhờ người làm thay mình trong những ngày vắng mặt.

Từ Việt Nam trở về, tôi hầu như không có thời gian nghỉ ngơi mà phải lao vào làm việc ngay. Mỗi ngày, tôi thường xử lý gần 10 ca cần cấp cứu.

Công việc cứu hộ khá áp lực, nhất là cứu hộ những trường hợp tự tử trên biển. Những người đồng nghiệp của tôi ở Úc rất dễ bị trầm cảm, nên thường phải đến gặp chuyên gia tâm lý.

* Thế nhưng ông trông lúc nào cũng vui vẻ, lạc quan?

- Vì tôi có một công việc ý nghĩa để làm tại Việt Nam. Tôi thấy vui khi được chia sẻ kiến thức sơ cấp cứu đến với mọi người. Dù không đong đếm được bao nhiêu người sẽ được cứu sống nhờ được sơ cấp cứu đúng cách nhưng tôi rất hạnh phúc khi nhận được những lời cảm ơn chân thành từ đông đảo người học.

Thỉnh thoảng, một người nào đó nhận ra tôi trên đường, họ hồ hởi nói: “Cảm ơn ông vì đã dạy cho tôi những cách sơ cấp cứu đơn giản mà hiệu quả, nhờ nó mà tôi đã cứu được một người bị nạn”. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng cho tôi thấy công việc của mình có giá trị với xã hội.

* Vì sao ông lại chọn Việt Nam chứ không phải một nước nào gần Úc hơn để thuận tiện cho việc đi lại?

- Tôi luôn cảm thấy gắn bó với đất nước Việt Nam. 4 năm trước, khi lần đầu du lịch đến Đà Nẵng, tôi đã có ấn tượng đẹp với cảnh vật, con người ấm áp nơi đây. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ rằng mình sẽ quay trở lại mảnh đất này. Sau đó, tôi đọc được mẩu tin về cô bé 4 tuổi bị chết vì hóc thức ăn, cái chết thương tâm này khiến tôi bật khóc. Nếu cha mẹ và các cô bảo mẫu biết cách xử lý kịp thời thì những cái chết thương tâm như vậy sẽ không xảy ra.

Sau đó, khi tìm hiểu kỹ hơn, tôi được biết trẻ em Việt Nam không được dạy các kỹ thuật sơ cấp cứu, từ những tai nạn đơn giản như chảy máu cam, đứt tay, bỏng nhẹ, sặc sữa, hóc thức ăn cho đến những tai nạn phức tạp hơn như gãy tay chân, chấn thương đầu, cổ, đột quỵ, nhồi máu cơ tim…

Nếu chúng ta được trang bị những kiến thức và kỹ năng cơ bản này, nhiều người sẽ không bị mất mạng một cách oan uổng. Ở Úc, kiến thức sơ cấp cứu được lồng ghép vào chương trình giáo dục trong trường tiểu học. Thật thiệt thòi cho các em nhỏ Việt Nam khi không được học các kiến thức thiết yếu này.

Chính vì vậy, tôi quyết định tham gia chương trình Kỹ năng sinh tồn (Survival Skill Viet Nam – SSVN), giảng dạy miễn phí cho học sinh tiểu học, trung học và sinh viên các trường đại học, cao đẳng. Chúng tôi cũng nhận giảng dạy cho các doanh nghiệp có nhu cầu với mức phí vừa phải. Nếu có dịp tham gia, tôi tin là bạn sẽ không tiếc thời gian quý báu đã bỏ ra. Trẻ em từ 10 tuổi tiếp thu kiến thức này hiệu quả nhất, nhưng tôi quyết định dạy cho trẻ từ sáu tuổi để tạo nền tảng tốt cho các em về sau.

>>Chuyện về "người mẹ" da màu gốc Việt của 9 đứa con

* Chắc ông cũng gặp nhiều khó khăn khi dạy cho các em nhỏ mới sáu, bảy tuổi vì các em khó ngồi học một cách nghiêm túc?

- Khó khăn lớn nhất là sự bất đồng ngôn ngữ. Tôi không thể giảng dạy cho các em mà không có sự hỗ trợ của cô Trang Jena Nguyễn. Cô ấy cũng là một người rất tâm huyết với dự án, nên dù đã theo gia đình sang định cư ở Thụy Sĩ, cô ấy vẫn dành thời gian về trợ giúp tôi trong việc giảng dạy. Chồng của Trang cũng là một người khá tâm lý, khi thấu hiểu và cảm thông cho tình cảm của vợ đối với quê hương và công việc thiện nguyện.

Mọi người thường nghĩ rằng dạy cho trẻ em là khó nhất, nhưng thực tế dạy cho người lớn lại khó hơn nhiều. Vì nhiều người đã quen với cách sơ cấp cứu cũ, không dễ tiếp thu kiến thức mới.

Chẳng hạn như đối với nạn nhân bị rắn cắn, kỹ thuật cũ là rạch da ngay vết thương để hút chất độc hoặc quấn băng gạc để chất độc không theo mạch máu về tim. Một số người còn tìm các loại lá cây để đắp lên vết thương. Thực tế, chất độc rất khó đi vào mạch máu vì răng rắn không đủ dài, trừ trường hợp cắn trúng mạch máu nhưng trường hợp rất hiếm. Đa số các trường hợp bị rắn độc cắn thì chất độc sẽ chứa ở những hốc bạch huyết dưới da, chúng ta chỉ cần băng bó và cố định vết thương trước khi chuyển đến bệnh viện. Việc rạch da hút độc có thể đẩy nhanh chất độc vào máu, đó là chưa kể đến việc nhiễm trùng.

Trong giao tiếp với người Việt Nam, tôi thường phải tìm cách nói sao cho không khiến người học tự ái. Chẳng hạn như khi dạy về sơ cấp cứu người bị đuối nước, một số người cho biết họ sẽ dốc ngược nạn nhân đuối nước, vác lên vai rồi chạy cho nước trào ra. Tôi nói với học viên là cách này không sai, nhưng có cách làm hiệu quả hơn, đó là giúp nạn nhân nôn nước ra ngoài bằng cách lật sang một bên. Nếu nạn nhân không thở, chúng ta cần làm ngay thao tác hồi sinh tim phổi (CPR), ép tim ngoài lồng ngực 30 lần rồi thổi hai hơi vào miệng hoặc mũi của nạn nhân… Nhưng cách này chỉ có người lớn mới thực hiện được.

* Khi giới thiệu chương trình sơ cấp cứu đến các trường tiểu học và trung học, ông có gặp khó khăn gì không?

- Chúng tôi thường chỉ liên hệ thông qua sự quen biết từ trước. Một số trường chưa biết đến chương trình thì tiếp nhận thư của chúng tôi mà không phản hồi. Có lẽ người ta vẫn chưa nhận thức được sự cần thiết của các kiến thức sơ cứu hoặc họ hoài nghi về mục đích của chương trình. Chỉ những người đã tham gia mới thấy chúng tôi chỉ có một mục tiêu duy nhất, đó là ngày càng nhiều người nắm được các kỹ thuật cứu người và họ tự tin thực hành trong mọi hoàn cảnh.

Mới đây, tôi nhận được chia sẻ của các nhân viên đến từ Công ty Dệt may Microtec. Họ gặp một vụ tai nạn giao thông trên đường đi công tác. Nhờ những kiến thức được học từ chương trình của tôi, nhóm nhân viên đã cùng xử lý rất tốt việc sơ cấp cứu, người thì trấn an nạn nhân, người thì sơ cứu chỗ xương bị gãy… Nếu ai cũng được trang bị kiến thức tốt thì họ cũng sẽ tự tin giúp đỡ người khác như nhóm nhân viên Microtec.

Tôi thường chú trọng dạy về kỹ thuật sơ cấp cứu cho người bị đuối nước và tai nạn giao thông vì hai tai nạn này rất dễ gặp ở Việt Nam. Theo thống kê, mỗi năm có gần 10.000 người Việt chết vì tai nạn giao thông. Tai nạn trên đường mỗi ngày làm khoảng 30 người chết và 70 người lâm vào cảnh tàn phế suốt đời! Tỷ lệ trẻ em bị đuối nước cũng rất lớn, trung bình có từ 30 đến 35 trẻ em chết đuối mỗi ngày! Đây là những con số đau lòng và có thể giảm tránh khi mỗi chúng ta có kiến thức và kỹ năng tốt về sơ cấp cứu, bên cạnh việc cải thiện thói quen văn hóa giao thông, kiểm soát rủi ro và thực hành an toàn.

Nhiều người Việt Nam nghĩ rằng việc sơ cấp cứu không phải việc của mình, mà là việc của bác sĩ. Nhưng “thời gian vàng” quyết định sự sống còn đối với một người bị tai nạn nghiêm trọng chỉ có tám phút. Bác sĩ và xe cứu thương khó có mặt kịp thời trong tám phút đó, chính chúng ta cần phải ra tay để duy trì đường thở, cứu sống một mạng người.

* Vì vậy mà các lớp học cùng những cuốn cẩm nang do ông biên soạn thật sự hữu ích. Vì sao ông còn tham gia thiết kế ứng dụng sơ cấp cứu bằng tiếng Việt trên điện thoại?

Vì các lớp học còn rất hữu hạn mà ước mơ của tôi là gần 95 triệu người Việt Nam ít nhiều đều biết đến các kiến thức này, nhất là người dân sống ở vùng sâu vùng xa. Các kỹ năng sơ cấp cứu và thoát hiểm rất đơn giản, nhưng hiện nay Việt Nam vẫn chưa có một hệ thống kiến thức chuẩn. Các thông tin trên Google rất nhiều, trong đó có cả những kiến thức không còn phù hợp.

Vì vậy, tôi cùng một số tình nguyện viên Việt Nam đã quyết tâm thiết kế một ứng dụng điện thoại (App) hướng dẫn các thao tác sơ cấp cứu và chăm sóc khẩn cấp bằng tiếng Việt từ khá lâu, nhằm góp phần giảm bớt những nỗi đau mất mát và gánh nặng cho cá nhân, gia đình và xã hội. Đến nay, quyết tâm của chúng tôi đã trở thành hiện thực với sự ra đời của ứng dụng So cap cuu – First Aid SSVN, tôi cảm thấy rất hạnh phúc và tự hào.

Ứng dụng trên điện thoại không thể thay thế việc học trực tiếp nhưng nó cũng cung cấp một số hướng dẫn sơ cấp cứu và chăm sóc khẩn cấp cơ bản cho nạn nhân trong “tám phút vàng” trước khi có sự can thiệp y tế chuyên sâu.

Ngoài ứng dụng nói trên, chúng tôi cũng đang tìm kiến những người tâm huyết với chương trình, có thể cùng chúng tôi thực hiện ước mơ nói trên. Thời gian tôi có mặt ở Việt Nam là từ hai đến ba tháng mỗi năm, trong khi nhu cầu người học rất lớn. Nếu có một nhóm đào tạo người Việt Nam thay tôi lan rộng chương trình thì mục tiêu trên sẽ nhanh chóng trở thành hiện thực.

* Được biết con gái ông cũng theo nghề cha, cơ duyên nào khiến con ông có quyết định này?

Đó là Shaana, cô con gái từng khiến tôi rẽ hướng cuộc đời, trở thành một chuyên gia chăm sóc khẩn cấp và cứu hộ tình nguyện. Từ nhỏ, Shaana đã luôn gần gũi và thân thiết với tôi. Đến lúc trưởng thành, Shaana thường theo chân tôi tham gia các tổ chức tình nguyện và chứng kiến tôi cùng các đồng nghiệp thực hiện các thao tác cứu người bị nạn. Từ đó, Shaana nhận thấy nghề của cha thú vị và ý nghĩa nên quyết định học để trở thành một người cứu hộ.

Thật tuyệt vời khi hai cha con sát cánh bên nhau trong công việc cứu hộ. Mặc dù khi làm việc, chúng tôi không có nhiều thời gian để trò chuyện cùng nhau, chỉ thỉnh thoảng uống với nhau một tách cà phê hay dùng chung bữa cơm trưa. Nhưng công việc này đã giúp tình cha con ngày càng gắn bó bền chặt. Con gái tôi đã có kế hoạch cùng cha qua Việt Nam lần này nhưng phải hoãn lại vì một số lý do cá nhân. Hy vọng lần sau, tôi có thể đưa Shaana đến làm quen với đất nước dễ mến này.

* Cảm ơn ông về những chia sẻ thú vị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ông Tony Coffey: Ai cũng cần kiến thức sơ cấp cứu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO