Ông Seng-Su Tsang - Giáo sư Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Quốc gia Đài Loan (Trung Quốc): "Tôi mong được trở lại và đóng góp cho nền giáo dục Việt Nam"

Hồng Nga| 18/05/2023 06:00

Đã ba lần đến Việt Nam nhưng lần nào ông Seng-Su Tsang - Giáo sư Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Quốc gia Đài Loan, Trung Quốc (National Taiwan University of Science and Technology - NTUST) cũng vừa bỡ ngỡ vừa cảm thấy thân quen. Bỡ ngỡ vì giao thông xe máy khiến ông khó khăn khi phải sang đường, thân quen bởi phong tục, tập quán và món ăn lại gần gũi như ở quê nhà. Đặc biệt, ở quốc gia 100 triệu dân này, tinh thần học tập cũng như sự thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài khiến ông thấy thú vị và mong muốn quay lại, đóng góp cho nền giáo dục ở Việt Nam.

* Một chuyến thăm 10 ngày không quá dài nhưng chắc hẳn đã để lại cho ông nhiều điều thú vị về Việt Nam?

- Đây là chuyến thứ ba tôi đến đất nước các bạn. Năm 2004, lần đầu tiên tôi đến Hà Nội để tuyển sinh cho Trường Đại học Nguyên Trí (thuộc Tập đoàn Viễn Đông). Những năm 2000, Đài Loan bắt đầu thu hút du học sinh nước ngoài và Việt Nam - là một trong những quốc gia mà Đài Loan mong muốn thu hút du học sinh đến học nhiều nhất. Tuy nhiên, thời điểm đó, quá trình tuyển sinh của các trường không thuận lợi lắm vì chưa có nhiều chương trình dạy bằng tiếng Anh như bây giờ, mà chủ yếu là tiếng Trung. Sau này, tôi chuyển về công tác tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Quốc gia Đài Loan. Đây là một trong những cơ sở giáo dục thuộc top đầu ở Đài Loan và giữ vị trí khá tốt trong bảng xếp hạng các trường đại học tốt nhất trong khu vực và thế giới. Trường nổi bật với hoạt động nghiên cứu và hầu hết các ngành đều có chương trình tiếng Anh, nên việc tuyển du học sinh nước ngoài của trường rất thuận lợi, thu hút nhiều sinh viên quốc tế và trong khu vực ASEAN như Indonesia, Việt Nam, Thái Lan... đến học tập và nghiên cứu. Hiện trường đã có hội cựu sinh viên của nhiều nước trong khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam. 

Qua Việt Nam lần này, tôi có nhiều thông tin để chia sẻ với sinh viên Đài Loan về kinh tế, thị trường Việt Nam và cũng có những trải nghiệm đáng nhớ. Trước tiên là tình hình giao thông, xe cộ ở TP.HCM rất đông đúc, thật không dễ qua đường nếu không đến các giao lộ có đèn giao thông. Ấn tượng thứ hai, TP.HCM là một nơi rất tốt để sống, làm việc vì chi phí không quá cao, có thể tận hưởng nhiều dịch vụ tiện ích mà không quá tốn kém. 

Chỉ 10 ngày để khám phá TP.HCM, tôi tin nếu có cơ hội ở lại dài hơn, chắc chắn sẽ biết được nhiều điều thú vị hơn nữa. Tôi mong muốn được quay lại Việt Nam thêm nhiều lần nữa. Sắp tới, tôi có khoảng thời gian nghỉ nửa năm (từ tháng 2-7/2024) nên muốn tìm một trường nào đó ở TP.HCM để cộng tác về giáo dục.

-9246-1683708591.jpg

* Không ít nhà đầu tư các nước xem Việt Nam là điểm đến, đặc biệt là từ khi xảy ra xung đột thương mại Mỹ - Trung. Theo ông thì doanh nhân Đài Loan nhìn nhận thế nào về cơ hội đầu tư vào Việt Nam?

- Không phải là nhà nghiên cứu kinh tế Việt Nam, nhưng thông qua doanh nhân Đài Loan đang đầu tư tại đây, tôi được biết Việt Nam là một trong những quốc gia rất thuận lợi để làm ăn. Đài Loan gần đây có chính sách Tân Hướng Nam và việc đầu tư vào Việt Nam ngày càng tăng. Tuy nhiên, so với Thái Lan, vốn đầu tư của Đài Loan vào Việt Nam vẫn còn thấp hơn.

Các vấn đề về thương mại Mỹ - Trung khiến nhiều doanh nghiệp Đài Loan đầu tư tại Trung Quốc đã dịch chuyển sang nước khác, trong đó có Việt Nam, để giảm rủi ro và tìm cơ hội xuất khẩu dễ dàng hơn. Hiện đã có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc đầu tư tại Trung Quốc dịch chuyển vào Việt Nam và trong thời gian tới cũng sẽ có thêm một số doanh nghiệp Đài Loan làm điều tương tự. Đến Việt Nam lần này, tôi "theo chân" một doanh nhân là cựu sinh viên của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Quốc gia Đài Loan đến đây tìm hiểu cơ hội, môi trường cũng như các thủ tục để đầu tư tại Việt Nam.

* Theo ông, doanh nhân Đài Loan lớp trước đầu tư vào Việt Nam đã đến lúc chuyển giao thế hệ?

- Việt Nam có mức sống, chi phí cạnh tranh so với nhiều quốc gia khác nên là nơi lý tưởng để đầu tư. Tôi đã đến thăm một số doanh nghiệp Đài Loan tại Việt Nam và thấy có sự chuyển giao thế hệ từ lớp doanh nhân trước cho lớp doanh nhân mới - những người từ trên 20 đến trên 30 tuổi. Họ khá năng động và hiểu về Việt Nam. Đặc biệt, không ít người trong số này đã ở Việt Nam làm việc, kết hôn với người Việt nên họ càng có động lực kinh doanh và ổn định cuộc sống tại Việt Nam. 

Bộ Kinh tế Đài Loan dành khá nhiều kinh phí cho các vườn ươm khởi nghiệp. Hầu hết trường công đều có vườn ươm khởi nghiệp và chính phủ thông qua các trường đại học tạo điều kiện để sinh viên tốt nghiệp ra trường có thể khởi nghiệp thành công. Đài Loan cũng rất ủng hộ sinh viên quốc tế khởi nghiệp và có chính sách thu hút du học sinh tốt nghiệp ở lại làm việc và khởi nghiệp bằng các chương trình hỗ trợ thiết thực.

Thế hệ doanh nhân Đài Loan mới này sẽ tiếp tục điều hành doanh nghiệp, đa số được đào tạo ở các nước phát triển nên sẽ ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh tốt hơn so với thế hệ trước. Thế hệ này cũng có nhu cầu học tiếng Việt nên sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác với Việt Nam.

Gần đây, đầu tư Đài Loan vào Việt Nam hầu hết thuộc các ngành công nghiệp điện tử, công nghệ cao và các ngành công nghiệp mới nổi khác. Thời gian tới, doanh nghiệp Đài Loan sẽ tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực công nghệ và điện tử, sản xuất máy móc, thiết bị để xuất khẩu sang các nước khác.

* Nền tảng để Đài Loan đạt được những thành công như hiện nay có phải là nhờ đầu tư vào giáo dục, thưa giáo sư?

- Giáo dục là nền tảng phát triển đối với bất kỳ quốc gia nào. Vì có đầu tư vào giáo dục mới có thể phát triển kinh tế đất nước. Những thành quả mà Đài Loan đạt được hiện nay phần nhiều nhờ vào giáo dục. Những năm đầu sau chiến tranh thế giới thứ hai, để phát triển kinh tế, Đài Loan đã cho rất nhiều sinh viên đi học ở Mỹ. Những sinh viên này đã được đào tạo, tiếp thu công nghệ, kinh nghiệm cũng như cách người Mỹ làm việc và mang về áp dụng vào giảng dạy, vào phát triển kinh tế tại Đài Loan. Và nhờ làn sóng du học Mỹ thời trước mà Đài Loan đã có những công ty nổi tiếng thế giới hiện nay. Chẳng hạn như TSMC (Taiwan Semiconductor Manufacturing Company) - công ty sản xuất chip bán dẫn hàng đầu thế giới đã có nhà máy ở Mỹ. Để đáp ứng nguồn lao động, họ đưa kỹ sư Đài Loan sang Mỹ làm việc, như vậy vừa giảm được chi phí vừa tận dụng được nguồn lực đang có. Tôi nghĩ, cũng như Đài Loan, du học sinh Việt Nam hiện nay ở các nước phát triển sẽ mang về nước những kinh nghiệm, công nghệ tiên tiến và sẽ giúp ích rất nhiều cho sự phát triển kinh tế đất nước các bạn.

Dù giáo dục phát triển nhưng hiện Đài Loan đang thiếu trầm trọng nguồn lao động ở tất cả lĩnh vực. Do phát triển quá nhanh, nguồn nhân lực tại chỗ không đáp ứng đủ buộc phải nhập khẩu lao động từ Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Philippines.

* Để có được những doanh nghiệp công nghệ thành công như đã nói, chắc hẳn Đài Loan đã trải qua thời kỳ khởi nghiệp như Việt Nam hiện nay? 

- Bên cạnh đào tạo, Đài Loan rất chú trọng vấn đề khởi nghiệp. Hầu hết trường đại học đều có vườn ươm khởi nghiệp và người khởi nghiệp được hỗ trợ về tài chính, kinh nghiệm, công nghệ, nguồn lực. Sinh viên có ý tưởng khởi nghiệp sẽ nhận được sự hỗ trợ không chỉ từ nhà trường mà còn từ các giáo sư trong việc đóng góp ý kiến về ý tưởng kinh doanh, kết nối với doanh nghiệp và các nguồn lực. Các trường đại học đóng vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp. Và không chỉ trường đại học, nhiều viện và các tổ chức khác cũng dành nguồn kinh phí để hỗ trợ người khởi nghiệp. 

-5413-1683708591.jpg

Đài Loan có nhiều vườn ươm khởi nghiệp. Tại đây, những người khởi nghiệp được cung cấp văn phòng miễn phí với đầy đủ trang thiết bị phục vụ cho việc vận hành công ty trong thời gian đầu. Hiện Bộ Kinh tế Đài Loan dành khá nhiều kinh phí cho những vườn ươm khởi nghiệp. Hầu hết trường công đều có vườn ươm khởi nghiệp và chính phủ thông qua các trường đại học tạo điều kiện để sinh viên tốt nghiệp ra trường có thể khởi nghiệp thành công. 

Sinh viên tham gia vườn ươm khởi nghiệp của trường sẽ được trường và chính phủ hỗ trợ, đặc biệt các đội nhóm khởi nghiệp đến từ nhiều quốc gia được quan tâm và tạo điều kiện rất tốt để triển khai thực hiện các dự án. Hiện tại, Đài Loan cũng rất ủng hộ sinh viên quốc tế khởi nghiệp và có chính sách thu hút du học sinh tốt nghiệp ở lại làm việc và khởi nghiệp bằng các chương trình hỗ trợ thiết thực. Ở Đài Loan, việc đăng ký thành lập doanh nghiệp khá dễ dàng. 

Chỉ cần lên trang web của cơ quan hữu trách đăng ký là được, nên rất thuận tiện cho doanh nghiệp là người nước ngoài.

Hiện tại, có nhiều sinh viên quốc tế đang học tập, nghiên cứu tại Đài Loan, Việt Nam là một trong các quốc gia có số lượng sinh viên theo học đông nhất tại đây. Các nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ, thương mại, kinh tế, y tế đang được sinh viên quan tâm và theo học nhiều.

* Ông nghĩ sao về thời gian người lao động Việt Nam làm việc? 

Khi công nghệ càng phát triển sẽ càng giải phóng sức lao động và người lao động có thể được giảm thời gian làm việc. Giảm giờ làm cũng tốt cho nền kinh tế vì khi người lao động có nhiều thời gian cho cá nhân sẽ kích thích tiêu dùng. Tôi thấy thời gian người lao động Việt Nam làm việc hơi nhiều, có nơi làm việc đến 6 ngày trong một tuần, chưa kể làm thêm giờ để tăng thu nhập. Nếu họ cứ ngồi suốt trong công sở, nhà máy thì làm gì còn thời gian du lịch, mua sắm để tăng kích cầu. Hơn nữa, thời gian làm việc nhiều quá không hẳn luôn có năng suất cao và phần nào cũng ảnh hưởng đến sự sáng tạo. 

* Ông có lời khuyên nào để có thể đạt mục tiêu xây dựng nền kinh tế xanh, phát triển bền vững?

- Đài Loan không hẳn đã hoàn toàn thành công về bảo vệ môi trường. Vẫn còn những nhà máy nhiệt điện tạo ra nhiều khí thải. Để không ảnh hưởng nhiều đến môi trường, chính phủ khuyến khích các nhà máy chuyển sang dùng điện gió và điện năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, do nguồn điện gió và điện năng lượng mặt trời chưa ổn định và cung cấp không đủ năng lượng nên vẫn còn phụ thuộc vào nhiệt điện. Vì vậy, vẫn chưa thể giải quyết hoàn toàn vấn đề về môi trường. Tuy nhiên, để giảm thiểu ô nhiễm, các nhà máy ưu tiên sử dụng nguyên liệu, công nghệ thân thiện với môi trường và bằng cách nâng cấp máy móc thiết bị để hạn chế thấp nhất vấn đề ô nhiễm. 

* Cảm ơn ông về những chia sẻ thú vị!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ông Seng-Su Tsang - Giáo sư Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Quốc gia Đài Loan (Trung Quốc): "Tôi mong được trở lại và đóng góp cho nền giáo dục Việt Nam"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO