Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T group: Chúng tôi có doanh thu hàng chục triệu USD là nhờ liên kết với nông dân

Mỹ Huyền| 13/03/2021 06:30

Năm 2020 đầy biến động nhưng Vina T&T vẫn xuất khẩu được những lô hàng trái cây sang nhiều thị trường khó tính như Mỹ, EU, đạt kim ngạch hàng chục triệu USD. Theo ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group, công ty giữ vững thị trường trong đại dịch Covid-19 là nhờ liên kết chặt chẽ với nhà nông.

* Là một trong những doanh nghiệp đầu tiên có lô hàng xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) ngay khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của Vina T&T về thành quả này?

- Vina T&T được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định xuất khẩu bưởi, dừa và thanh long vào EU theo Hiệp định EVFTA. Ở EU, Vina T&T không gặp nhiều đối thủ cạnh tranh, kể cả việc các tiêu chuẩn rất khắt khe của thị trường này. Hàng rào kỹ thuật khó khăn nhất đối với các nhà xuất khẩu Việt Nam là sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm tuyệt đối. Thị trường EU đòi hỏi phải có chứng nhận Global GAP (Global Good Agricultural Practice - Thực hành nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn quốc tế), đòi hỏi nhà máy chế biến, đóng gói trái cây phải áp dụng tiêu chuẩn ISO, phải có chứng nhận Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (HACCP) và chứng nhận Tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội (SMETA). Các tiêu chuẩn ấy, Vina T&T đã có sẵn nên việc đàm phán bán hàng với EU diễn ra thuận lợi và được hưởng mức thuế 0%.

a2-2326-1615445608.jpg

Trái cây là một mặt hàng thiết yếu đảm bảo cho sức khỏe, nhất là trong đại dịch Covid-19, nên nhu cầu không bị giảm như một số ngành hàng khác. Khách hàng từ Úc, Mỹ, Nhật Bản của Vina T&T có tiềm lực lớn nên việc giao thương ổn định. Công ty chỉ mất ba tuần bị động trong đợt giãn cách xã hội lần đầu, sau đó chúng tôi phục hồi nhanh, khoảng 90-95% như trước dịch.

* Như vậy thị trường EU đã mang lại thành công cho Vina T&T bất chấp đại dịch?

- Trong năm 2020, do Covid-19 nên kinh tế toàn cầu sụt giảm mạnh. Tôi nghĩ, nếu dịch bệnh chậm qua, loài người buộc phải sống chung với nó. Tuy nhiên, trong thời điểm khó khăn ấy cũng có cơ hội cho nhiều doanh nghiệp. Khi mặt bằng kinh doanh bị trả, bỏ trống hàng loạt, Vina T&T đã mở showroom trưng bày, quảng bá các loại trái cây phục vụ người tiêu dùng trong nước và đầu tư xây dựng chuỗi The Bunny Coffee. Đó cũng là định hướng để sắp tới công ty sẽ mở rộng kinh doanh thị trường nội địa.

Thị trường truyền thống của Vina T&T vẫn là Mỹ và Úc. Năm ngoái, khi việc xuất khẩu sang Mỹ bị gián đoạn do thiếu nhân viên kiểm dịch, chúng tôi đã tìm đến thị trường Canada. Vina T&T đã đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng của thị trường nhiều nước phát triển nên xuất sản phẩm sang Canada khá thuận lợi.

* Dịch bệnh và thiên tai kéo dài, Vina T&T đã làm cách nào để đủ sản phẩm xuất khẩu, thưa ông?

- Năm 2020, do lệnh giãn cách xã hội để giảm lây lan dịch bệnh, việc sản xuất và xuất khẩu bị đình trệ mất ba tuần. Trên thị trường thế giới, do đại dịch nên việc nhập khẩu cũng bị đình trệ vài ba tuần. Việc vận chuyển hàng xuất khẩu càng bị hạn chế do lệnh đóng cửa sân bay và cắt giảm vận chuyển đường biển. Trong nước lại gặp phải hạn mặn ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp. Trong bối cảnh đó, Vina T&T vẫn có đủ sản phẩm đảm bảo chất lượng để xuất khẩu, vì từ lâu công ty đã liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm với nông dân. Ngoài việc hỗ trợ nhà nông kỹ thuật nuôi trồng, Vina T&T còn liên kết với chính quyền một số xã để cùng với bà con đầu tư kỹ thuật bao bọc trái. Bên cạnh đó, công ty đã cùng tham gia quá trình chuyển đổi số cùng họ. Trước đây, nông dân phải ghi chép mọi dữ liệu trên giấy rồi chuyển về nhà máy nhập vào hệ thống. Hiện nay, bà con đã tự nhập số liệu vào máy tính có kết nối với công ty.

a3-2257-1615445608.jpg

Việc liên kết ba bên giữa Nhà nước - nhà nông - doanh nghiệp đã giúp Vina T&T giảm được chi phí đầu tư tại các vùng nguyên liệu rộng lớn, còn sản phẩm của nhà nông lại có đầu ra ổn định. Vina T&T còn thu mua sản phẩm ở những vùng nguyên liệu do quỹ khuyến nông của các sở hay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ.

Khi được bao tiêu sản phẩm với giá ổn định thì cho dù giá thị trường xuống thấp tới đâu nông dân cũng yên tâm sản xuất đủ sản lượng để có mức lời như dự kiến. Đơn cử, tới mùa vú sữa ở Sóc Trăng, thương lái mua với giá mười mấy nghìn đồng mỗi kilôgam thì Vina T&T đảm bảo mua mỗi kilôgam với giá 36.000 đồng. Khi thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, nhất là khi doanh nghiệp Trung Quốc ngừng nhập rau củ quả của Việt Nam hay nhập ít lại, nếu nhà nông không liên kết cùng doanh nghiệp xuất khẩu thì sẽ bị thiệt hại vì giá thu mua giảm sâu, thậm chí không bán được sản phẩm.

* Theo ông thì điều gì chờ đón ngành rau củ quả Việt Nam tại châu Âu?

- Tuy kết quả trước mắt có thể khích lệ ngành xuất khẩu rau củ quả của nước ta, nhưng trong tương lai gần phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm của nhiều nước. Thái Lan đang xúc tiến đàm phán để ký hiệp định thương mại tự do với EU, nên sản phẩm của Việt Nam phải cạnh tranh với họ trên thị trường châu Âu. Do đó, lợi thế về thuế suất cũng không còn là sức mạnh cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam khi không lâu nữa sẽ có nhiều nước tham gia các FTA với châu Âu.

Dù mặt hàng rau củ quả của Việt Nam tươi ngon nhưng chưa khai thác được hết tiềm năng và qua mặt được các nước xuất khẩu nông sản khác. Giống rau củ quả trong nước chưa có sự khác biệt nên ở thị trường xuất khẩu, hàng Việt Nam chỉ tương đồng với hàng Thái Lan. Trong khi đó, những loại trái cây có chỉ dẫn địa lý như táo và cherry của Mỹ, kiwi của New Zealand đã làm được điều này. Trái kiwi mang lại hơn 3 tỷ USD cho New Zealand mỗi năm, bằng cả kim ngạch xuất khẩu rau củ quả của Việt Nam.

Bên cạnh đó, chất lượng hàng xuất khẩu của nước ta vẫn rất cần được cải thiện. Từng có trường hợp nhiều lô hàng qua EU bị trả về tới 80-90%, thậm chí 100%. Có một thực tế đáng lo là nhiều doanh nghiệp nước ta mạnh ai nấy mua, mạnh ai nấy bán. Doanh nghiệp này bán được hàng trộn với giá rẻ thì doanh nghiệp kia phải xuống giá thấp hơn. Việc cạnh tranh giá giữa doanh nghiệp trong nước đang đẩy chất lượng hàng Việt Nam xuống thấp. Dù giá có thấp nhưng chất lượng không bảo đảm, nguồn gốc không rõ ràng thì cũng không qua được cửa kiểm dịch. Một điều đáng lưu ý là thị trường nhập khẩu chỉ quan tâm tới trái cây của Việt Nam chứ không quan tâm chúng là của doanh nghiệp nào.

Thương hiệu yếu, trái cây tươi của Việt Nam phải bán giá thấp hơn của Thái Lan nhiều, kéo theo đó là hàng rau củ quả sau chế biến cũng khó xuất. Trong khi đó, người Thái bắt đầu đi từ trái cây tươi rồi mới xuất khẩu thực phẩm chế biến kèm theo nhưng vẫn bán tốt hai loại này. Nguyên nhân là vì hàng Thái đã được xây dựng thương hiệu rất tốt. Các hiệp hội doanh nghiệp ở Thái Lan hoạt động mạnh và có những biện pháp bảo vệ doanh nghiệp hiệu quả. Doanh nghiệp nào bán hàng trộn kém chất lượng sẽ bị xử phạt nặng.

* Ông có thể chia sẻ kế hoạch kinh doanh của Vina T&T trong năm 2021, nhất là khi đại dịch Covid-19 vẫn chưa bị khống chế?

- Bối cảnh hiện nay đã có nhiều thay đổi, đòi hỏi của xã hội ngày càng cao, tiêu chuẩn Global GAP rồi phải cao hơn nữa. Theo tiêu chuẩn của EU, Vina T&T đã có chứng nhận Global GAP, SMETA, HACCP, nhà máy tiêu chuẩn ISO và các chứng nhận về xã hội, môi trường, như không để công nhân làm việc trong môi trường độc hại và không sử dụng lao động quá 8 tiếng đồng hồ hoặc trước tuổi lao động, nhưng những yêu cầu ấy sẽ ngày càng khắt khe hơn.

Dịch Covid-19 thúc đẩy Vina T&T đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số vì công nghệ rất quan trọng hiện nay. Ai cũng có điện thoại thông minh nên có thể truy vấn hàng hóa và kiểm tra chất lượng sản phẩm, uy tín của doanh nghiệp sản xuất. Chúng tôi đang xây dựng hệ thống camera giám sát vườn cây để kiểm tra giống, năng suất, độ đường cũng như giám sát kỹ thuật thu hái, bảo quản, sơ chế. Những cố gắng này để có sản phẩm truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

a1-9571-1615445608.jpg

Thị trường truyền thống của Vina T&T vẫn là Mỹ và Úc nhưng chúng tôi cũng xuất trái cây sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc. Nếu bệnh dịch được khống chế tốt thì nhờ EVFTA, công ty sẽ mở rộng thêm thị trường ở châu Âu. Có một thị trường rất tiềm năng là Trung Đông, nhất là Dubai, là nơi chúng tôi đang nhắm đến. Canada đối với chúng tôi cũng là một thị trường đầy hứa hẹn.

Hướng đi của Vina T&T nhắm vào các thị trường khó tính nơi chưa có nhiều doanh nghiệp đáp ứng đủ yêu cầu cạnh tranh. Vina T&T đảm bảo được chất lượng sản phẩm, kinh doanh từ tâm chứ không chạy theo doanh số hay phải đánh đổi để cạnh tranh giá nên có thể đứng vững được ở nhiều thị trường.

* Theo ông, làm cách nào để xây dựng thương hiệu hàng Việt có khả năng cạnh tranh hiệu quả hơn?

- Việc xây dựng thương hiệu phải được nâng lên tầm quốc gia và phải có các biện pháp chế tài đầy đủ. Các hiệp hội doanh nghiệp phải có chế tài buộc doanh nghiệp hội viên bán đúng giá. Hiện nay Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã làm được điều đó. Doanh nghiệp xuất khẩu trái cây như chúng tôi cũng mong được chế tài như vậy.

Tại sao tôi nói việc xây dựng thương hiệu nên được nâng lên tầm quốc gia? Vì chỉ có quốc gia mới tổ chức được các hội thi về trái cây cùng với bạn bè các nước, hoặc tổ chức hội chợ quốc tế để thế giới biết đến thương hiệu hàng hóa của Việt Nam. Đơn cử gạo ST25 đã đoạt giải nhất Gạo ngon nhất thế giới năm 2019 tại cuộc thi World's Best Rice do The Rice Trader World (Tổ chức Thương mại gạo Thế giới) tổ chức và năm 2020 đoạt giải nhì cũng tại cuộc thi này. Tổ chức những giải như thế nhắm vào quốc gia chứ không nhằm vào doanh nghiệp riêng lẻ. Những sản phẩm đoạt giải được quảng bá rộng rãi và tiếp thị tới người dùng trên thế giới.

Trong khi gạo Thái Lan không đoạt giải nhất ba năm liền, nhưng năm 2020 họ nhận được giải nhất thì Thủ tướng Thái Lan lập tức truyền bá thông điệp sẽ nhân giống loại gạo này thành loại gạo xuất khẩu rộng rãi ra thế giới. Dù ai cũng biết rằng gạo thơm Hom Mali thắng giải của họ là loại trồng dài ngày, khó có sản lượng như lúa cao sản, nhưng nhờ thông điệp của chính phủ mà nhà nhập khẩu các nước sẽ biết đến.

a4-7988-1615445609.jpg

* Cơ hội và thách thức nào đang chờ phía trước đối với các doanh nghiệp ngành xuất khẩu rau củ quả, thưa ông?

- Rau củ quả là thực phẩm thiết yếu nên thị trường thế giới luôn rộng mở. Doanh số xuất khẩu rau củ quả của Việt Nam hiện chỉ chiếm 1% trên thế giới. Năm 2019, cả thế giới xuất 400 tỷ USD rau củ quả nhưng Việt Nam chỉ đạt khoảng 3,7 tỷ USD.

Các hiệp định thương mại tự do sẽ mang lại thuận lợi cho Việt Nam giao thương với các nước, nhưng muốn tận dụng triệt để các FTA thì doanh nghiệp phải chủ động hơn nữa. Cần có nhiều doanh nghiệp tham gia vào thị trường hơn để chủ động đáp ứng các tiêu chuẩn đặt ra. Khi chúng ta vẫn còn chia ra nhiều loại thị trường, như thị trường trong nước, thị trường dễ tính, thị trường khó tính thì khó phát triển sản phẩm đạt chất lượng cao và đồng đều. Theo tôi thì Việt Nam phải sản xuất ra những mặt hàng cùng một tiêu chuẩn để có thể bán đi EU, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... và trong nước đều được. Và quan trọng nữa là nhà nông và doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ để giúp nền nông nghiệp phát triển bền vững, xuất khẩu ngày càng tăng.

* Cảm ơn ông về những chia sẻ!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T group: Chúng tôi có doanh thu hàng chục triệu USD là nhờ liên kết với nông dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO