Người lính làm kinh doanh phải bảo toàn danh dự quân nhân

LỮ Ý NHI| 25/12/2009 08:07

Nhìn nếp nhăn trên trán và mái tóc “muối nhiều hơn tiêu” của ông, tôi xác nhận: “Thời gian mà”, nhưng ông lắc đầu: “Tôi già vì công việc chớ không phải vì thời gian”...

Người lính làm kinh doanh phải  bảo toàn danh dự quân nhân

Hẹn tôi tại Gloria Jean’s Coffee và chọn góc ngồi nhìn ra phố, ông nói: “Đây là điểm tôi thường ngồi khi muốn thư giãn”, rồi đột ngột hỏi: “Sau mười năm gặp lại, thấy tôi thế nào, già đi nhiều không?”. Nhìn nếp nhăn trên trán và mái tóc “muối nhiều hơn tiêu” của ông, tôi xác nhận: “Thời gian mà”, nhưng ông lắc đầu: “Tôi già vì công việc chớ không phải vì thời gian”.

Ngày niêm yết đầu tiên tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM

Ông nói tiếp: “Gần 20 năm kể từ khi tiếp quản Xí nghiệp Phân bón Hóa Sinh, mọi gian truân, thử thách của những ngày “vạn sự khởi đầu nan” đã qua lâu rồi, công việc sản xuất, kinh doanh cũng đã vào guồng, nhưng càng làm, tôi càng thấy công việc bề bộn và chưa ổn định.

Cứ đi riết, hết tỉnh này đến tỉnh khác, hết tháng này đến tháng kia, càng làm, thời gian vắng nhà lại càng nhiều, đầu óc chẳng mấy khi được thảnh thơi”. Biết ông là một người lính bộc trực, nên tôi cũng “bộc trực” với ông:

* Có lẽ do ông quá đa mang. Tôi thấy nhiều giám đốc vẫn ngồi văn phòng mà điều hành, quản lý công việc từ xa rất hiệu quả...

- Kinh doanh phân bón không giống như những mặt hàng khác, nếu mình không bám sát thị trường, không gắn bó với bà con nông dân thì sẽ không hiểu được nhu cầu của họ, không có thực tế để đưa ra kế hoạch sản xuất, phân phối phù hợp. Thông thường, khách hàng muốn làm việc trực tiếp với giám đốc, hoặc khi có vấn đề phát sinh, nếu có tôi, mọi việc sẽ được quyết nhanh hơn. Chưa kể cạnh tranh trên thị trường mỗi ngày một gay gắt, chỉ cần mình lơ là một chút là mất thị trường. Chẳng hạn, khi đối thủ đưa ra mức giá thấp hơn mà mình không có mặt kịp thời để ứng phó là khách hàng bỏ mình ngay.

* Nhận một xí nghiệp đang trên bờ vực phá sản khi trong tay không có vốn, chưa từng kinh doanh qua sản xuất phân bón, nhớ lại, ông có thấy mình dũng cảm?

- Năm 1993, tôi được quân đội giao về phụ trách Xí nghiệp Phân bón Hóa Sinh (trực thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng - Bộ Quốc phòng). Lúc đó cơ ngơi Xí nghiệp chỉ lèo tèo mấy người, một dàn máy gần như phế liệu, nhà xưởng chỉ tròm trèm 3.000m2. Nhưng là quân nhân, đó là nhiệm vụ mới, một mệnh lệnh trên mặt trận mới mà mình phải thi hành, chứ không có quyền né tránh.

Làm việc với cán bộ công ty

Mặc dù bên ngoài tôi vẫn tự tin và bình thản nhưng trong lòng canh cánh trăn trở, những câu hỏi “Phải làm gì?”, “Bắt đầu từ đâu?”, “Vốn đâu ra?” cứ lặp đi lặp lại trong cả giấc ngủ. Và tôi bắt đầu đi học lóm người khác, huy động vốn để gầy dựng Xí nghiệp. Lúc đó, không ít người quay lưng, lắc đầu, cũng có người ủng hộ, giúp đỡ, chủ yếu họ nhìn mặt tôi để tin và đưa tiền cho mình làm. Sau này cũng có người nói thật là thấy tôi quyết tâm quá nên họ giúp, nếu may mắn thì được trả lại tiền, còn lỡ tôi thất bại thì coi như đã giúp một người có chí với công việc.

* Theo ông, đức tính nào của người lính đã giúp ông hoàn thành nhiệm vụ?

- Những năm tháng trong quân đội đã rèn cho tôi tính cần cù, sáng tạo, luôn tìm cách khắc phục khó khăn. Chính vì vậy, khi thấy chi phí mua thiết bị cao quá, sẵn có chuyên môn ngành cơ khí, chúng tôi tự mua linh kiện, vật tư về lắp ráp, chế tạo máy trộn, máy ly tâm, máy sấy, cân tự động, đóng gói...

Xe vận chuyển hàng tôi cũng mua xe cũ rồi tự sửa chữa. Chi phí dĩ nhiên rẻ hơn phân nửa so với mua máy mới, xe mới, còn chất lượng thì... vẫn chạy tốt cho đến khi tôi có đủ tiền để thay thế toàn bộ công nghệ sản xuất hiện đại. Nói thì suôn sẻ, nhưng để có được sự vận hành trơn tru, hoàn chỉnh của hệ thống máy móc, chúng tôi phải mất không biết bao nhiêu công sức và cả thất bại.

* Đứng trước thành quả hôm nay - một nhà máy khang trang trên diện tích 10ha ở Củ Chi, dây chuyền sản xuất hiện đại, hơn 250 công nhân viên và một nhà máy 6ha ở Phú Yên, sắp tới là nhà máy 2ha ở Long An, ông thường nghĩ gì?

- Ông bà ta có câu: “Có chí thì nên”, còn tôi nghiệm ra rằng, những lúc khó khăn nhất là những lúc khả năng ứng phó tự thân của con người mạnh nhất, sáng suốt nhất, vì vậy, nếu có quyết tâm sẽ làm được tất cả.

Người lính ở mặt trận kinh tế, bước chân vào kinh doanh là do mệnh lệnh, trách nhiệm, hoàn cảnh thế nào nhận thế đó, chứ không có chuyện tính toán trước, chỉ khi thấy hiệu quả mới làm như dân thường kinh doanh. Tôi có nghe giám đốc một công ty nói rằng, làm doanh nhân khó lắm, vừa phải chăm lo đời sống anh em, vừa phải đối phó với pháp luật, mà hai điều này nhiều khi không đi đôi với nhau, nhưng với người lính làm kinh doanh thì chỉ có một đường thẳng mà đi, không có chuyện đối phó với pháp luật...

Điều tôi tâm đắc nhất và cũng là giá trị cốt lõi để đem đến thành công của một doanh nghiệp, đó là biết tập hợp sức mạnh của mọi người, người lãnh đạo phải tạo được niềm tin cho nhân viên, phải tạo được sự đồng thuận, kích thích tinh thần làm việc trong đơn vị. Sau giờ làm việc, tôi thường trò chuyện với anh chị em công nhân về cuộc sống, gia đình. T

rong đời làm lãnh đạo, tôi có một nguyên tắc, đó là không bao giờ vắng mặt trong các cuộc vui, sinh nhật, thôi nôi con, đám cưới... của bất kỳ nhân viên nào, vì đó là dịp để mình cùng hòa đồng với họ, chia sẻ buồn vui với họ.

* Người ta thường nói, người lãnh đạo phải đi trước một bước. Riêng ông đã “đi trước một bước” như thế nào với Hóa Sinh?

- Vừa làm kỹ thuật, vừa sản xuất đã là một áp lực, khi sản phẩm ra lò, tôi lại phải tìm đầu ra, nhất là thời điểm giá phân bón trong nước hạ, người nông dân chỉ chuộng phân bón ngoại, thị trường thay đổi thất thường.

Do vậy, tôi luôn phải đi trước, thâm nhập thị trường, tìm hiểu đặc điểm riêng của từng vùng để kịp thời có những loại phân bón thích hợp, phán đoán tình hình khi giá cả lên xuống để nhập nguyên liệu đúng lúc, tránh tổn thất và đón đầu nhu cầu về phân bón của bà con nông dân.

* Quan niệm “Hữu xạ tự nhiên hương” của ông trong thời kinh tế thị trường xem ra không phù hợp lắm vì cho dù sản phẩm tiêu thụ mạnh đến đâu, chất lượng tốt đến mấy thì việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu cũng rất cần đối với hoạt động lâu dài của doanh nghiệp. Ông có đồng ý quan điểm này?

- Từ trước đến nay tôi không thích đánh bóng thương hiệu, không coi trọng quảng cáo, mà chỉ chú trọng hiệu quả. Thấy bà con tin tưởng sử dụng phân bón của mình, cây trồng cho năng suất cao, tôi cho như vậy là đủ. Gần đây, cũng có nhiều anh em góp ý tôi làm như vậy là trật.

Để “sửa sai”, tôi đang tuyển dụng những người giỏi để họ xây dựng chương trình quảng bá và tạo lập hình ảnh thương hiệu. Ứng viên thì có nhiều, nhưng người thật sự có năng lực, có ý tưởng sáng tạo khác biệt, nhất là am hiểu lĩnh vực nông nghiệp để đáp ứng yêu cầu của mình thì chưa có.

* Ý ông là, nhân sự giỏi ở Việt Nam không chỉ hiếm mà...

- Điểm yếu của một số nhân lực trẻ ở Việt Nam hiện nay là chưa giỏi đã tưởng giỏi, hơi giỏi đã nghĩ mình cao, nên khi đến một công ty nào đó, họ thường lấy bằng cấp, quá trình làm việc để coi đó như một thứ chứng minh năng lực và đòi hỏi mức lương, quyền lợi rất cao. Khá nhiều người đưa ra mức lương 3.000 - 5.000 USD/tháng, tôi đồng ý ngay, nhưng khi hỏi: “Anh sẽ làm gì cho công ty” thì hầu hết họ đều đưa ra những cách làm chẳng khác gì nhân viên lương 3 - 4 triệu đồng của tôi từng làm.

* Nông dân cho rằng, chính hệ thống phân phối trung gian như đại lý cấp 1, cấp 2 của các nhà sản xuất đã đội giá bán sản phẩm lên cao và nông dân phải gánh hết. Theo ông, tại sao các nhà sản xuất phân bón không nghĩ cách cung ứng trực tiếp hàng cho nông dân?

- Không phải chúng tôi không nghĩ đến điều này, nhưng đây là một việc khó khả thi. Bởi nông dân Việt Nam trồng trọt nhỏ lẻ, thậm chí cùng một khu vực nhưng anh này bỏ phân trước 5 ngày, anh kia bỏ sau 10 ngày, anh này muốn thu hoạch tháng này, anh khác muốn thu hoạch tháng sau, trong khi vận chuyển thì không thể lắt nhắt, lẻ tẻ mà phải cả xe hàng. Ở nước ngoài, người ta có những trang trại lớn, khi xuống giống là xuống đồng loạt, thu hoạch đồng loạt, phân bón sử dụng một loạt nên nhà cung cấp mới có thể phân phối trực tiếp.

* Gắn bó với nông dân, ông có thể lý giải tại sao nông dân nước ta vẫn còn nghèo, có nơi quá nghèo?

Khách hàng của công ty tại một hội chợ

- Nói đến vấn đề này thì nhiều chuyện lắm. Nhưng ở góc nhìn nhỏ, tôi thấy bà con mình chỉ làm nghề nông theo kinh nghiệm, kiến thức về khoa học kỹ thuật còn rất hạn chế. Sản xuất còn nhỏ lẻ, lạc hậu, manh mún khiến việc nâng tầm lên sản xuất lớn rất khó. Nhiều bà con còn chưa biết cách bón phân thế nào cho hiệu quả. Nhiều loại cây trồng cho năng suất thấp hoặc mất mùa không phải do thiên tai hoặc phân bón, mà do thiếu hiểu biết, không biết cách bón phân.

Chẳng hạn, bà con chỉ thích bón phân đơn như DAP, URE vì giá rẻ, trong khi đó các loại phân này chỉ có một thành phần, không đa dạng chất như NPK và cũng chỉ phù hợp với một số loại cây. Ngoài cung cấp phân bón, chúng tôi còn thường xuyên tổ chức hội thảo, tập huấn, hướng dẫn bà con cách bón phân, cách sử dụng phân cho mỗi loại cây trồng để mang lại hiệu quả cao, nhưng cũng không ít nông dân bảo thủ, không muốn làm theo.

* Xin lỗi, có cảm giác như ông đã bắt đầu mệt mỏi với công việc?

- Lớn tuổi, lại phải đi nhiều, làm nhiều tất mệt mỏi. Hồi đó, thấy tôi đi hoài, bà xã còn cằn nhằn, còn bây giờ bả hết nói rồi vì nói riết cũng vậy. Kinh doanh như người nằm trên lửa, nhất là những lúc nguồn nguyên liệu không ổn định, mới hôm nay nguyên liệu 3.300 USD/tấn, ngày mai đã tăng lên 4.300USD, rồi lại xuống vài giá, trong khi đó sản phẩm của mình vẫn phải ổn định giá.

Chính vì vậy, lúc nào tôi cũng phải tính toán, tai phải thính, mắt phải tinh để nghe ngóng thị trường. Thỉnh thoảng đi nước ngoài, nhưng ai đó hỏi tôi ở đó có cảnh gì đẹp, tôi chịu, vì chưa bao giờ có thời gian để thưởng ngoạn. Tôi ra nước ngoài là để phục vụ cho việc kinh doanh. Nhiều lúc cũng muốn nghỉ ngơi vì thấy mình không còn nhạy bén như trước, nhưng công việc còn bề bộn lắm, và cái chính là còn “nặêng nợ” với nghiệp kinh doanh nên chưa nghỉ được.

* Nói như ông thì người làm kinh doanh sẽ mất dần sự lãng mạn, trong khi kinh doanh vốn được coi là một nghệ thuật...

- Công việc là công việc, còn khi buông ra, mình vẫn có lúc phải cân bằng tinh thần, chẳng hạn như ngồi uống cà phê, nhìn người qua lại, nhìn trời, nhìn mây, ngẫm nghĩ..., đó là những phút lãng mạn. Hoặc những lúc mệt mỏi, ngả người trên ghế thiếp đi theo một bản nhạc nhẹ nào đó, thế cũng lãng mạn lắm chứ!

* Một sĩ quan quân đội làm kinh doanh so với một dân thường làm kinh doanh, theo ông có gì khác nhau?

- Người lính ở mặt trận kinh tế, như tôi đã nói, bước chân vào kinh doanh là do mệnh lệnh, trách nhiệm, hoàn cảnh thế nào nhận thế đó, chứ không có chuyện tính toán trước, chỉ khi thấy hiệu quả mới làm như dân thường kinh doanh. Mặt khác, tôi có nghe giám đốc một công ty nói rằng, làm doanh nhân khó lắm, vừa phải chăm lo đời sống anh em, vừa phải đối phó với pháp luật, mà hai điều này nhiều khi không đi đôi với nhau, nhưng với người lính thì chỉ có một đường thẳng mà đi, không có chuyện đối phó với pháp luật vì luôn phải bảo toàn danh dự, uy tín sắc phục và quân hàm quân đội.

* Cám ơn ông về buổi trò chuyện này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Người lính làm kinh doanh phải bảo toàn danh dự quân nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO