Một người lúc nào cũng bươn chải

KIM HOA| 21/01/2010 06:25

Ngay từ “trang đầu tiên” hoạt động kinh doanh của Baoviet Bank, ông và các cộng sự đã ghi một dấu son với phương châm “Chuẩn mực nâng bước thành công”...

Một người lúc nào cũng bươn chải

Tháng 12/2008, Ngân hàng TMCP Bảo Việt (Baoviet Bank) ra đời và trở thành thành viên trẻ nhất trong Tập đoàn Tài chính - Bảo hiểm Bảo Việt. Ông Phan Đào Vũ, thạc sĩ quản trị kinh doanh Đại học Hawaii (Mỹ), một trong những người đầu tiên tham gia đưa thẻ tín dụng quốc tế vào Việt Nam đầu thập kỷ 1990, là Phó tổng giám đốc thứ nhất Ngân hàng Liên doanh Indovina trong nhiều năm, Chủ tịch Quỹ Đầu tư chứng khoán Việt Nam VF1 từ 2004 - 2009, được “chọn mặt gửi vàng”, giữ cương vị Tổng giám đốc. Điều đáng nói là, ngay từ “trang đầu tiên” hoạt động kinh doanh của Baoviet Bank, ông và các cộng sự đã ghi một dấu son với phương châm “Chuẩn mực nâng bước thành công”.

* Một năm qua, Ngân hàng TMCP Bảo Việt đã làm những gì để khách hàng “nhận ra mình” và tin cậy vào một thương hiệu mới mẻ, thưa ông?

- Baoviet Bank có lợi thế là sự hậu thuẫn vững chắc của Tập đoàn Bảo Việt - một tập đoàn tài chính - bảo hiểm hàng đầu Việt Nam. Hơn nữa, “Bảo Việt” vốn là một thương hiệu lớn và có uy tín, nên việc thừa hưởng thương hiệu này đã giúp Baoviet Bank nhanh chóng thâm nhập thị trường và sớm tạo cho mình một vị thế trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.

* Được biết, định hướng của Baoviet Bank là “trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu vào năm 2015”. Nhưng tiếp cận thị trường trong bối cảnh hệ thống tài chính - ngân hàng chịu nhiều sức ép bởi tác động của khủng hoảng kinh tế trong nước và toàn cầu, liệu những khó khăn hiện thời có làm lung lạc định hướng ấy, thưa ông?

- “Vạn sự khởi đầu nan”, người xưa đã nói vậy. Ra đời trong điều kiện đầy khó khăn, nhưng chúng tôi đã xác định, khó khăn chỉ là tạm thời trong khi chặng đường phát triển của Ngân hàng rất dài ở phía trước. Ngay trong giai đoạn chuẩn bị thành lập, chúng tôi đã xác lập mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu về tính đa dạng sản phẩm và chất lượng dịch vụ vào năm 2015. Với định hướng đó, một năm qua, chúng tôi đã vững vàng vượt qua khó khăn.

* Những giải pháp tối ưu nào đã được Baoviet Bank xác định để hiện thực hóa mục tiêu trên?

- Trong thời hội nhập kinh tế toàn cầu, xây dựng và vận hành hoạt động phù hợp với chuẩn mực quốc tế có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Đối với những ngân hàng đã hoạt động lâu năm, có quy mô lớn, muốn thay đổi phải mất không ít thời gian; ngân hàng càng lớn thì càng mất nhiều thời gian để thay đổi. Hiểu rõ điều đó, Baoviet Bank đã thực hiện xây dựng cấu trúc theo mô hình bài bản, hiện đại ngay từ đầu, với bước đầu tiên là lấy quản lý tập trung cao làm cốt lõi.

Theo đó, bộ máy được tổ chức theo các khối nghiệp vụ, phân định rõ các chức năng bán hàng, quản lý rủi ro, tác nghiệp..., bảo đảm cho Ngân hàng cân đối được yêu cầu phát triển kinh doanh và quản lý rủi ro một cách hiệu quả. Mô hình quản lý tập trung của Baoviet Bank được hỗ trợ bởi hệ thống ngân hàng cốt lõi (core banking) hiện đại, được thiết lập và vận hành thông suốt ngay từ ngày đầu hoạt động, đã thực sự phát huy hiệu quả, tạo cơ sở cho sự phát triển vững chắc ngay trong giai đoạn đầu.

* Như ông đã nói, được sự hậu thuẫn vững chắc của Tập đoàn Bảo Việt, nên tuy mới thành lập nhưng vốn liếng của Baoviet Bank hẳn “xông xênh”?

"...Vào làm ngân hàng, tôi thấy đây thực sự là “chỗ của mình”, nên đã gắn bó với nó gần 30 năm. Tuy vậy, làm ngân hàng thời nay khó lắm, khác nhiều so với thời kỳ năm, mười năm trước đây, "người khôn của khó" mà."

- Ngân hàng không bao giờ để vốn nhàn rỗi, do vậy không có khái niệm “xông xênh” vốn trong quá trình hoạt động. Khi thị trường “nóng” thì mọi ngân hàng cùng “nóng”. Tuy nhiên, trong hoạt động kinh doanh tiền tệ, chúng tôi rất coi trọng quản trị rủi ro, trong đó có rủi ro thanh khoản, do vậy luôn chủ động trong việc cân đối dòng tiền, bảo đảm thanh khoản, kể cả ở những thời điểm cực kỳ khó khăn như vừa qua.

Khi cần tăng trưởng huy động vốn thì giải pháp “kinh điển” của các ngân hàng là tăng lãi suất huy động, có những lúc thị trường sôi động đến mức được người ta gọi là “cuộc đua”. Là ngân hàng mới nhưng Baoviet Bank cũng không thể nằm ngoài cuộc. Dù còn hạn chế về mạng lưới, nhưng sau một năm hoạt động, từ số vốn ban đầu 1.500 tỷ đồng, Baoviet Bank đã kiến tạo được 7.400 tỷ đồng tổng tài sản tính đến hết năm 2009, huy động vốn được gần 4.000 tỷ đồng và có trên 4.000 khách hàng mở tài khoản giao dịch.

* Đó là một kết quả ấn tượng! Vậy bước tiếp theo của Baoviet Bank là gì?

- Vấn đề của Baoviet Bank là phải tăng trưởng nhanh, phải đi với tốc độ một năm bằng mười năm của thời kỳ trước mới có thể mở rộng thị phần và khẳng định được vị thế trong thị trường đầy cạnh tranh này. Trong một thị trường khá đông đúc với 45 ngân hàng trong nước, trên 40 ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài và hàng chục công ty tài chính, áp lực cạnh tranh là rất lớn, càng lớn hơn đối với một ngân hàng mới như Baoviet Bank. Nhưng chúng tôi rất tự tin vào khả năng phát triển của mình.

Cùng khách hàng trong lễ khai trương Baoviet Bank

Năm 2010, Baoviet Bank lập kế hoạch mở rộng mạng lưới gấp ba lần năm vừa qua, với 10 chi nhánh mới, 20 phòng giao dịch ở những khu vực kinh tế trọng điểm trong cả nước. Cùng với phát triển mạng lưới, Baoviet Bank sẽ tiếp tục đầu tư vào công nghệ, tăng cường các giải pháp ứng dụng công nghệ cao cho việc đa dạng hóa sản phẩm, thiết lập các kênh phân phối điện tử và hỗ trợ cho quản trị hoạt động ngân hàng hiệu quả...

* Chắc hẳn Baoviet Bank phải có triết lý kinh doanh riêng của mình?

- Đó là kinh doanh phát triển bền vững. Ngân hàng không được phép “làm xổi, ăn xổi”. Để có con số lợi nhuận cao không khó, nhưng điều quan trọng đối với một ngân hàng mới là phải tạo dựng được nền tảng cho phát triển ổn định về lâu dài. Ngân hàng, bất luận là thuộc hình thức sở hữu nào, luôn luôn được coi là “công ty đại chúng”, bởi vốn hoạt động của ngân hàng chủ yếu là nguồn vốn huy động từ xã hội, từ cộng đồng. Do vậy, các ngân hàng phải luôn đặt mục tiêu kinh doanh hiệu quả cùng với việc tuân thủ những nguyên tắc quản trị rủi ro, bảo đảm an toàn cho nguồn vốn chung của xã hội.

* Làm ngân hàng, theo cách nói của dân gian, là làm nghề “buôn tiền”. Ông nghĩ thế nào về điều này?

- (Cười). Nói đúng hơn là “kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ”. Đó là một nghề nghe có vẻ đơn giản, nhưng lắm rủi ro. Những người làm nghề cho vay thường nói: “30 năm thu lãi không bằng một lần mất gốc”. Làm nghề này phải dám chấp nhận rủi ro, nhưng phải luôn kiểm soát được rủi ro. Sợ rủi ro thì không thể kinh doanh được, mà “bạo” quá thì cũng rất nguy hiểm. Kinh doanh hiệu quả là phải có lãi nhiều, đồng thời phải an toàn. Người làm ngân hàng luôn phải tâm niệm điều này để định hướng cho các quyết định kinh doanh của mình.

* Người ta bảo, đã làm nghề ngân hàng thì phải có “máu kinh doanh”, và phải là “máu lạnh” thì mới tránh được những quyết định sốc nổi, sai lầm và không an toàn. Ông có nghĩ vậy?

"Ngân hàng không bao giờ để vốn nhàn rỗi, do vậy không có khái niệm “xông xênh” vốn trong quá trình hoạt động. Khi thị trường “nóng” thì mọi ngân hàng cùng “nóng”. Tuy nhiên, trong hoạt động kinh doanh tiền tệ, chúng tôi rất coi trọng quản trị rủi ro trong đó có rủi ro thanh khoản, do vậy luôn chủ động trong việc cân đối dòng tiền, bảo đảm thanh khoản, kể cả ở những thời điểm cực kỳ khó khăn như vừa qua".

- Theo tôi, đã là doanh nhân thì trong người phải có “máu kinh doanh”, thể hiện ở sự năng động, sáng tạo và dám chấp nhận rủi ro. Nếu thiếu một trong ba yếu tố này thì không thể là một doanh nhân đúng nghĩa. Dám chấp nhận rủi ro sẽ khiến người làm ngân hàng bị hấp dẫn bởi nghề này, và coi đó là một thách thức mang tính nghề nghiệp. Trái tim phải “nóng”, luôn theo đuổi mục tiêu tăng trưởng, phải xông xáo để tìm kiếm các cơ hội kinh doanh, nhưng “cái đầu” thì phải biết “lạnh” khi cần thiết, phải bình tĩnh và tỉnh táo, thậm chí phải “kiên cường” trong những lúc khó khăn.

* Ông có thấy mình thích hợp với nghề ngân hàng không?

- Tôi đã coi đây là “nghiệp” của mình rồi. Dù rằng thuở thiếu thời, khi còn là cậu học trò chuyên toán, tôi thích vào ngành khoa học kỹ thuật. Khi học về tài chính - ngân hàng, tôi chưa hẳn đã có được tình cảm với nghề này. Tuy nhiên, vào làm ngân hàng, tôi thấy đây thực sự là “chỗ của mình”, nên đã gắn bó với nó gần 30 năm. Tuy vậy, làm ngân hàng thời nay khó lắm, khác nhiều so với thời kỳ năm, mười năm trước đây, "người khôn của khó" mà.

* Ông có thể giải thích rõ hơn phương châm hoạt động của Baoviet Bank?

Ông Phan Đào Vũ khai trương Baoviet Bank

- Quả thực là, trong con mắt của nhiều người ngoài ngành, hệ thống ngân hàng Việt Nam nói chung cho đến nay vẫn còn kém cỏi, thiếu chuẩn mực, từ chất lượng dịch vụ, công nghệ, quản trị rủi ro đến yếu tố con người... Những người làm ngân hàng có tâm huyết cũng luôn trăn trở về điều này, khi mà thời gian thâm nhập nền kinh tế thị trường của chúng ta còn quá ngắn, còn phải cố gắng rất nhiều mới có thể theo kịp thị trường thế giới. Chính vì thế, Baoviet Bank đã hướng tới tính “chuẩn mực” để quyết tâm xây dựng một ngân hàng hiện đại theo chuẩn quốc tế. Tôi cũng đặt ra mục tiêu xây dựng một không gian văn hóa doanh nghiệp, với yếu tố lõi là tính chuẩn mực, để xây dựng một môi trường làm việc chuyên nghiệp, ở đó mỗi thành viên đều được tạo điều kiện để phát huy cao nhất năng lực của mình, đóng góp vào mục tiêu chung và có thể tự hào về nơi mình làm việc. Vì thế, để đạt được giá trị doanh nghiệp cốt lõi, chúng tôi đã triển khai và tiếp tục duy trì, phát triển hoạt động của mình với phương châm “Chuẩn mực nâng bước thành công”!

* Ông có thể nói một câu về mình?

- Một người lúc nào cũng bươn chải!

* Xin cảm ơn ông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Một người lúc nào cũng bươn chải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO