Liệu có nhẹ lòng?

DUY KIM| 30/07/2009 06:37

Anh Hân và chị Hương ngày xưa học cùng lớp, ra trường cả hai đều được phân công về làm ở cơ quan nhà nước. Mấy năm sau họ cưới nhau, chấp nhận cảnh nghèo mà vui...

Liệu có nhẹ lòng?

Anh Hân và chị Hương ngày xưa học cùng lớp, ra trường cả hai đều được phân công về làm ở cơ quan nhà nước. Mấy năm sau họ cưới nhau, chấp nhận cảnh nghèo mà vui. Sống với nhau được 15 năm, có hai mặt con, rồi cuộc sống từ từ thay đổi, con người cũng dần thay đổi theo.

Nghe lời bạn bè, anh Hân nghỉ làm công sở, đi nuôi tôm. Thời làm ăn thịnh, tôm trúng liên tục, cuộc đời như sang trang, thay đổi nhanh đến chóng mặt. Từ một người hiền lành, ít nói, anh Hân đổi khác đến không ngờ. Kiếm được đồng tiền quá nhanh và quá dễ, anh bồ bịch, ăn chơi xả láng. Khi mọi chuyện đến tai chị Hương thì anh Hân đã sống như vợ chồng với một cô gái bán bia được một thời gian và họ sắp có con. Ra tòa ly dị, chia đôi tài sản. Chị Hương dành phần nuôi con.

Để giữ lại căn nhà, chị Hương phải vay mượn anh em, bà con đưa cho anh Hân số tiền bằng giá trị nửa căn nhà. Sau một thời gian buồn khổ, chị Hương quyết chí... trả thù! Chị xin nghỉ việc ở cơ quan, mở một công ty buôn bán hóa chất, dụng cụ thí nghiệm. Sẵn mối quen biết cũ hồi còn làm công chức, chị tạo dựng được quan hệ làm ăn khá thuận lợi, công ty ngày càng ăn nên làm ra.

Trong khi chị Hương làm ăn ngày càng phát đạt thì anh Hân lại thua lỗ. Vốn liếng không còn, nợ nần chồng chất. Đến cái nhà cũng chẳng có, vợ chồng, con cái phải ở tạm trong trại tôm giữa đồng không mông quạnh. Anh mặc cảm, không dám về thăm con, thậm chí ngày con thi đậu vào trường chuyên anh cũng chẳng dám gọi điện thoại chúc mừng, càng lúc anh càng thấy mình thấp kém so với vợ cũ và tình cảm cha con ngày càng lợt lạt.

Lúc này chị Hương bắt đầu hả hê: “Quả báo nhãn tiền mà, gieo nhân nào, gặt quả ấy. Ngày ra khỏi nhà, ổng quay lại hăm là sẽ làm cho mấy mẹ con sáng mắt ra, ổng sẽ giàu có, sẽ cất cái nhà to gấp đôi, gấp ba nhà này”. Mang tâm trạng của người chiến thắng, gặp ai chị Hương cũng kể lể với giọng điệu như trả thù được người đã gieo cho mình nhiều đau khổ. Ngay cả với con cái, chị cũng nói: “Ba mày giờ chắc hối hận dữ lắm, vợ đẹp, con ngoan không muốn, đi theo đồ tào lao, chẳng ra sao!”. Thậm chí, đôi lúc chị còn ước ao nếu đổi được họ cho con chị cũng đổi. Chị không chịu hiểu, dù anh Hân có phụ rẫy chị đi chăng nữa, thì anh vẫn là bố của các con chị. Điệu bộ hả hê của chị chỉ làm cho con trẻ đau lòng.

Trường hợp chia tay của anh Chung và chị Gấm cũng do cơn lốc xoáy của thời cuộc. Vợ chồng ở với nhau được 10 năm, có một con, anh Chung là công chức, chị Gấm là giáo viên Anh văn, cuộc sống không đến nỗi nào. Tuy nhiên, chị Gấm không muốn an phận với mức sống trung bình, trong khi bạn bè ai cũng khá giả. Chị chuyển sang làm việc ở một công ty nước ngoài, có nhiều cơ hội thăng tiến. Gặp môi trường thuận lợi, phát huy được năng lực, từ nhân viên, chị Gấm được đề bạt lên phó phòng, trưởng phòng, rồi trưởng chi nhánh, đi nước ngoài như đi chợ. Những mối bất hòa trong gia đình tăng dần theo sự thăng tiến của chị Gấm. Anh Chung ngày càng thấp kém trong mắt chị.

Ở môi trường luôn tiếp xúc với những người đàn ông nước ngoài, chị Gấm thấy họ lịch sự và ga-lăng bao nhiêu thì chồng mình cù lần bấy nhiêu. Mâu thuẫn chồng chất, họ ly dị. Tự ái, anh Chung dành phần nuôi con và không nhận trợ cấp từ vợ, cha con chấp nhận cuộc sống đạm bạc. Một năm sau, chị Gấm tái hôn với sếp, ông này hơn chị đến 15 tuổi. Một thời gian ngắn sau, ông chồng Tây bị tai biến, liệt nửa người. Vốn khó tính, ông bắt chị phải chăm sóc ông hằng ngày trong vai trò một y tá. Vừa bị áp lực công việc đè nặng, vừa phải chăm sóc ông chồng già, chị Gấm ngày càng cảm thấy mệt mỏi, nhưng không thể ly dị được vì ông chồng là chủ mọi tài khoản.

Giờ đây bên gia đình anh Chung rất hả hê mỗi khi có ai đó nhắc đến chị Gấm. Chị anh Chung nói: “Quả báo nhãn tiền, ham giàu giờ hầu hạ ông già nằm liệt. Chồng con mình không chăm sóc, đi chăm sóc người khác”. Không chỉ nói xấu, dè bỉu chị Gấm, gia đình anh Chung còn cấm con không được liên hệ với mẹ, họ cho rằng người như chị Gấm không xứng đáng là mẹ! Con anh Chung không bao giờ dám nhắc đến mẹ khi có bà nội hay các cô.

Không ai có thể lường trước con đường mình sẽ đi tới. Những mâu thuẫn vợ chồng dẫn đến chia tay có nhiều nguyên nhân, có thể tại một người, có thể tại cả hai và cũng có thể do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan khác. Tuy nhiên, thời gian là liều thuốc chữa lành mọi vết thương và nên tha thứ cho nhau; cứ mãi nặng lòng với quá khứ và hả hê trong hiện tại khi nhìn cuộc sống không tốt đẹp của vợ hay chồng cũ không những khiến con cái muộn phiền, hoài nghi về tương lai mà còn là nỗi đau khi nghĩ đến cha hay mẹ.

Có lời khuyên rằng, khi quyết định chia tay, nếu không nghĩ tốt về nhau thì hãy xem mọi chuyện đều là quá khứ, không vương vấn, không để tâm trả thù để được hả hê. Bởi, nếu có hả hê, chắc gì đã thấy nhẹ lòng?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Liệu có nhẹ lòng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO