Kiên định, cầu tiến để đầu tư đường dài

Kim Dung thực hiện| 11/09/2009 09:26

Ông Đinh Văn Vui - “kiến trúc sư trưởng” của Khu du lịch văn hóa Suối Tiên được mệnh danh là “ông vua” của ngành công nghiệp giải trí trong nước...

Kiên định, cầu tiến để đầu tư đường dài

Lúc sinh thời, trong một lần đến thăm Suối Tiên, nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng đã để lại dòng lưu bút: “Thế giới mà chúng ta đang sống cần Vui và ở đây thiên nhiên và con người được cô đặc trong một không gian hẹp”. Mười lăm năm qua, mỗi năm Công viên Văn hóa Suối Tiên đều đón hàng triệu du khách trong nước và quốc tế tới vui chơi, thưởng ngoạn.

Có một thời, người ta gọi nơi này là Disneyland của Việt Nam và Đinh Văn Vui - “kiến trúc sư trưởng” của cả công trình được mệnh danh là “ông vua” của ngành công nghiệp giải trí trong nước. Nếu quay ngược thời gian, trở về những ngày Công viên này còn là vùng đất hoang hóa thì mới thấy những lời khen tặng trên chẳng “ưu ái” chút nào...

Khai khẩn vùng đất thiêng

Ông Đinh Văn Vui nhận danh hiệu DNSG Tiêu biểu năm 2007

Nằm ở cửa ngõ Đông Bắc Sài Gòn, Công viên Văn hóa Suối Tiên thuộc địa phận xã Tân Phú, quận 9, cách trung tâm TP.HCM 19km. Dân trong vùng kể rằng, mảnh đất này ngày xưa thiêng lắm, lần lượt đã có 7 cô gái cùng tuổi “rồng” đến tắm ở dòng suối này và chết đuối ở khúc sâu nhất. Chuyện có thể là huyền thoại, nhưng một ngôi miếu nhỏ thờ 7 cô gái thì vẫn còn đến ngày nay. Nơi đây, cũng từng là căn cứ địa cách mạng những năm chống Mỹ.

Năm 1987, Đinh Văn Vui chọn khoảng 6ha đất hoang hóa của Suối Tiên để lập lâm trại. Thời gian đầu, lâm trại của ông chỉ là một trại nuôi trăn nhỏ, sau đó chuyển sang nuôi trăn theo mô hình công nghiệp. Có lúc, chuồng trăn của ông lên tới 10.000 con, và nhiều người đã gọi đùa Suối Tiên là “đảo trăn”.

Thu hồi vốn nhanh và có lãi, hai năm sau, ông mở thêm phân xưởng sản xuất gỗ xẻ và làm hàng mỹ nghệ cao cấp xuất đi các nước. Sự tín nhiệm của bạn hàng năm châu đã khiến cơ quan CITES thế giới chấp thuận bảo lãnh cho ông nuôi và xuất khẩu các loài bò sát. Khi có thu, cũng là lúc ý tưởng biến Lâm trại Suối Tiên thành khu du lịch văn hóa bắt đầu manh nha trong ông. Ông kể: “Như để minh chứng cho vẻ đẹp của vùng đất này, tại nơi chúng tôi đặt những nhát cuốc đầu tiên khi xây dựng lâm trại, một mạch nước ngầm đã phun lên, cao hơn nửa mét”.

Nghĩ đi đôi với làm, Đinh Văn Vui là vậy. Năm 1993, sau khi được sự đồng ý của UBND TP.HCM cùng với 45% kinh phí do Ban Tài chính - Quản trị Thành ủy góp vốn, ông đã bắt tay vào xây dựng Khu Du lịch Suối Tiên. Gần 60 căn hộ được di dời, mặt bằng được cải tạo, hệ thống thoát nước và đường giao thông nội bộ được xây dựng, con suối được kè đá để giữ nước, rừng tái sinh được giữ lại, cây xanh được trồng thêm...

Những người chung tay xây dựng Khu Du lịch Suối Tiên ngày ấy phần lớn đều là kỹ sư nông học, trong đó ông Vui được xem là “kiến trúc sư trưởng”. Với mong muốn Suối Tiên sẽ là một vườn thực vật phong phú, hài hòa trong thiết kế của nghệ thuật kiến trúc phong cảnh, ông và các cộng sự đã cố gắng tạo ra một “vương quốc cổ tích” với những cầu Ô Thước, giếng Tiên, thác Chín Dòng... Hơn ai hết, ông và cộng sự cùng mong muốn du khách tới đây đều có cảm giác như được ngược dòng lịch sử, trở về với cội nguồn. Để thỏa mãn nhu cầu tâm linh của du khách và tạo ra nét độc đáo của công viên này, ông đã cho xây dựng tượng Phật Thích Ca và tượng Phật Bà Quan Âm...

Quyết tâm từ một “lời thách đố”

Là người giản dị, cởi mở, nhưng quả thật, chúng tôi đã rất khó khăn khi thuyết phục ông Vui xuất hiện trên trang báo này. Ôâng không ngại chia sẻ về những năm tháng nhọc nhằn khai khẩn vùng đất hoang, nhưng cũng rất dè dặt khi nói về thành tích cá nhân. Cuộc sống vốn không bằng phẳng và thương trường cũng vậy.

Dù giờ đây Suối Tiên đã trở thành thương hiệu nổi tiếng nhất trong ngành khách sạn - nhà hàng - khu vui chơi giải trí (do VCCI phối hợp với Nielsen Vietnam khảo sát), lọt vào tốp 12 công viên giải trí được yêu thích nhất thế giới (do du khách bầu chọn) và vừa được trao Cúp vàng Paris 2009, thì cũng đã có thời gian khá dài ông phải chịu áp lực từ nhiều phía. Có nhiều người đã không đồng tình cách làm của ông. Họ nghi ngờ khả năng thành công của Suối Tiên, bởi trước ông, chưa có doanh nhân nào dám đặt tham vọng xây dựng một công viên văn hóa tầm cỡ thế giới tại Việt Nam. Người “dễ tính” nhất thì cho rằng ông ảo tưởng, người “căn cơ” hơn thì bảo ông... khùng!

Và cuộc trò chuyện với ông bắt đầu từ cái thời mà người ta cho ông là “khùng” đó.

* Khi ấy ông đã nghĩ gì?

- Thú thật là có lúc tôi mệt mỏi, nhưng bao công sức đã bỏ ra, không thể chùn bước. Phải ráng thôi. Vả lại, tính tôi là vậy, một khi đã quyết làm thì phải theo đuổi đến cùng. Nhiều người bảo tôi dại, tại sao lại mang khổ vào thân. Nhưng, nếu ai cũng sợ rủi ro, có bao nhiêu tiền đều mang gửi ngân hàng hết thì làm gì có thị trường hay sự sáng tạo, đột phá!

* Khó khăn lớn nhất của ông trong việc cải tạo “vùng đất thiêng” này?

- Khó nhất là cải tạo dòng suối. Hàng trăm công nhân đã làm việc không kể ngày đêm, hàng ngàn mét khối đất đá được đào lên, có khi sau mỗi trận mưa, không ít đất đá trôi về vị trí cũ. Sau gần hai năm, dòng suối mới được khai thông cùng với các đập chắn để giữ nước và thoát nước.

* Thời ông khởi sự làm du lịch, tại Việt Nam vẫn chưa có mô hình nào tương tự Suối Tiên. Vậy, ông học hỏi kinh nghiệm từ đâu?

Ảnh: P.Ha

- Từ Thái Lan. Sau khi Suối Tiên mở cửa đón khách được hai năm, tôi được anh Nguyễn Thanh Minh - Tổng biên tập Báo Doanh Nhân Sài Gòn hiện nay (lúc đó làm việc ở PEPSICO) mời đi tham quan Thái Lan. Khi đi thăm công viên của họ, tôi đã “lạc” vào một trại nuôi cá sấu. Vốn biết tiếng Suối Tiên, ông chủ trại hỏi tôi: Liệu bao giờ Việt Nam mới có một công viên như ở Thái Lan? Tôi bảo: “Ba năm nữa tôi sẽ theo kịp các ông”. Ông ta tỏ ý không tin. Quả thật, chuyến đi này rất có ý nghĩa với tôi, nó làm thay đổi cả nhận thức lẫn tư duy của tôi trong định hướng làm du lịch. Là người cầu thị, tôi học hỏi được nhiều điều từ nước bạn, nhưng không có chuyện “cóp py”.

* Có thể hiểu, ông đã xem câu hỏi của ông chủ trang trại nuôi cá sấu ở Thái Lan như một “ thách đố”?

- Có thể là như vậy (cười). Với tôi, có công viên chưa phải là tất cả mà cần phải xây dựng nó theo bản sắc riêng của người Việt. Ngay khi xây dựng con rồng dài 400 mét, tôi vẫn bám chắc chủ đề về lịch sử, con người và đất nước Việt Nam. Từ những công trình như bàn chân Giao Chỉ, đài tưởng niệm Vua Hùng, Hồ Gươm - Rùa Vàng... tôi đều muốn đưa du khách trở về với cội nguồn dân tộc một cách nhẹ nhàng, không khiên cưỡng.

* Người ta bảo kinh doanh đã khó, nhưng kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa còn khó hơn rất nhiều. Ông nghĩ sao?

- Không ăn xổi ở thì, mọi đầu tư đều phải tính toán kỹ lưỡng, luôn khiêm tốn học hỏi để có thể quy tụ được những người có năng lực và tâm huyết. Trong kinh doanh, tôi lấy phương châm “đắt khách hơn đắt hàng”. Nếu lúc nào cũng đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu thì dễ dẫn đến tình trạng tự triệt tiêu mình. Mặt khác, việc đầu tư đường dài luôn cần sự kiên định, luôn cầu tiến và quyết tâm cao.

* Tôi từng nghe một doanh nhân khá nổi tiếng trong lĩnh vực du lịch lữ hành nói thế này: Làm du lịch dù ở thời nào cũng vậy, luôn đòi hỏi sự nhạy bén và quyết đoán để có thể “bày trò” cho thiên hạ “cùng chơi”. Ông có đồng quan điểm này?

- Đúng vậy. Cập nhật thông tin thường xuyên qua internet hay sách báo là cách tôi học để không tụt hậu. Song, cập nhật là một chuyện, còn tìm cách áp dụng nó vào thực tế công việc lại là chuyện khác. Kinh doanh trong lĩnh vực nào cũng vậy, phải có sự khác biệt, nếu không thì chỉ có thua!

Biết người để biết ta

* Ông nghĩ sao khi mình được mệnh danh là “ông vua” của ngành công nghiệp giải trí VN?

- Rất vui và tự hào, nhưng tôi không tự mãn. Kinh doanh trong lĩnh vực giải trí luôn đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng. Sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, nếu “ngủ quên trong chiến thắng” thì sẽ bị người khác qua mặt như chơi (cười).

* Một câu hỏi tế nhị: Hiện nay ông có xem khu du lịch Đại Nam ở Bình Dương là đối thủ của Suối Tiên?

- Không. Vì tôi có sự định vị rõ ràng. Du lịch Suối Tiên là du lịch văn hóa và du lịch xanh. Mô hình khu vui chơi giải trí hiện đại trên thế giới thì nhiều lắm, nhưng muốn để lại dấu ấn trong lòng du khách thì phải có “cái hồn” - tức giá trị chiều sâu của riêng mình.

* Ông và gia đình có thường đến Suối Tiên để thư giãn không?

- Với chúng tôi, Suối Tiên là ngôi nhà để cùng nhau đi về. Tôi có năm người con, trừ cô út đang đi học, bốn cháu còn lại đều làm ở đây. Riêng bà xã thì quán xuyến mảng nhà hàng. Hầu như ngày nào tôi cũng có mặt ở Suối Tiên từ 1 giờ chiều đến 9 giờ tối. Đã có lúc 10 năm liền tôi không có ngày Chủ nhật. Ở Suối Tiên, cái sướng nhất của tôi là vừa làm việc vừa được thư giãn trong chính không gian mà mình đã dày công tạo nên.

* Sau 15 năm mở cửa đón khách, áp lực lớn nhất của Suối Tiên bây giờ là gì, thưa ông?

- Là đáp ứng nhu cầu giải trí ngày càng cao của cộng đồng. Khách đến tham quan ngày càng nhiều đồng nghĩa với việc khen - chê cũng nhiều hơn. Tôi luôn quan tâm đến cuốn sổ góp ý của du khách để từng bước hoàn thiện các hạng mục công trình cũng như dịch vụ của khu du lịch.


* Và ông có thể nói gì về Suối Tiên của 10 - 15 năm tới?

- Dự định thì nhiều lắm, nhưng xin được chưa tiết lộ vì sợ nói trước... bước không qua (cười).

* Cám ơn ông về cuộc trò chuyện thân mật này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kiên định, cầu tiến để đầu tư đường dài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO