Khó khăn không khiến tôi chùn bước

QUỲNH CHI thực hiện| 30/11/2011 00:35

Con đường tiến thân của Đinh Công Tuấn nhìn như một đường thẳng. Từ một anh bội đội xuất ngũ, rồi nỗ lực thành sinh viên Bách Khoa, bước tiếp lên giảng đường, rồi trở thành một doanh nhân có tiếng trong ngành xây dựng.

Khó khăn không khiến tôi chùn bước

Con đường tiến thân của Đinh Công Tuấn nhìn như một đường thẳng. Từ một anh bội đội xuất ngũ, rồi nỗ lực thành sinh viên Bách Khoa, bước tiếp lên giảng đường, rồi trở thành một doanh nhân có tiếng trong ngành xây dựng. Tự mình vẽ nên con đường đó bằng nỗ lực nhưng trên hết là niềm đam mê, muốn cống hiến cho nghề để thấy không có khó khăn nào đủ lớn để phải chùn bước...

Người ta làm được, tôi cũng làm được

* Chuyển từ nghề dạy học sang kinh doanh, có thể ông đã chọn đi trên con đường không được bằng phẳng. Phải chăng ông là người thích đối mặt với khó khăn?

- Ngẫm lại tôi thấy mình đến với kinh doanh là do cơ duyên, cộng thêm may mắn là thời cuộc đã mỉm cười với tôi chứ thật ra tôi cũng không dũng cảm đến mức thích đối mặt với khó khăn đâu. Và việc kinh doanh của tôi là cả một câu chuyện dài bắt đầu từ cách đây nhiều năm.

Sinh ra ở vùng quê nghèo Phú Thọ, tôi lớn lên cùng với khát vọng phải làm được cái gì đó để thoát nghèo. Sau ba năm đi bộ đội, tôi ly hương vào Nam và thi đỗ khoa Cầu đường của Đại học Bách Khoa TP.HCM.

Tốt nghiệp loại giỏi, tôi được phân công về giảng dạy tại Trường Cao đẳng Giao thông III. Trong quá trình giảng dạy, tôi đã thông qua nhà trường ký kết các hợp đồng thi công với hai lý do: Để thỏa mãn niềm đam mê xây dựng cầu, đường và tạo cơ hội cho sinh viên thực tập.

Thời điểm đó, tôi không nghĩ sẽ ra ngoài kinh doanh, chỉ đến khi Chính phủ ban hành Nghị định 385 (năm 1992) không cho trường học làm kinh tế thì tôi mới bắt đầu nghĩ đến chuyện thành lập công ty .

Và cũng trong năm 1992, Công ty TNHH Xây dựng Công trình Hùng Vương ra đời với nưững hoạt động chính: xây dựng các công trình hạ tầng (đường, cầu, cống...), gia công cơ khí, xây lắp công nghiệp dân dụng và sản xuất vật liệu xây dựng...

* Lý do gì khiến ông chọn sản xuất loại cống lớn thi công bằng phương pháp kích ngầm trong khi thuật ngữ này vẫn còn khá xa lạ ở thị trường xây dựng Việt Nam lúc bấy giờ?

- Sau một thời gian nghiên cứu và tham quan ở nhiều nước trên thế giới có nền công nghiệp nặng phát triển, tôi thấy mình hoàn toàn có khả năng sản xuất những loại cống lớn. Vì hiện nay các sản phẩm này phải nhập khẩu thì chi phí sẽ đội lên rất cao và thời gian vận chuyển cũng là một vấn đề nan giải.

Chưa kể điều kiện vận chuyển khó khăn cũng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng công trình và thiếu hẳn sự quan tâm, chăm sóc chu đáo của nhà sản xuất.

Do nghĩ vậy nên mặc dù chi phí đầu tư tốn kém, tôi vẫn quyết tâm xây dựng nhà máy và sau đó trở thành đơn vị hàng đầu tại Việt Nam chuyên sản xuất các loại ống cống thoát nước đạt tiêu chuẩn ISO 9001:2000.

Sau đó không lâu, công ty tiếp tục nghiên cứu và xây nhà máy đầu tiên tại Việt Nam để sản xuất cống tròn đường kính 3 mét.

Với hai nhà máy sản xuất cống, Hùng Vương trở thành một trong những đơn vị tiên phong trong các lĩnh vực: xây dựng hạ tầng, xây lắp công nghiệp và chế tạo các cấu kiện bê tông đúc sẵn tại TP.HCM...

Sản phẩm đã được đón nhận và gắn liền với những dự án trọng điểm của quốc gia như kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, dự án Đại lộ Đông Tây... 

 Tất cả đều nhằm mục đích để các công trình có thể thực hiện đúng tiến độ, chất lượng được đảm bảo và giá thành cũng thấp hơn so với sản phẩm nhập khẩu.

Cũng nhờ tôi dám mạo hiểm mà hiện nay sản phẩm của Hùng Vương được phần lớn các công trình xây dựng cầu, đường, cống lớn của quốc gia tin tưởng sử dụng.

* Nghe ông nói thấy có vẻ mọi việc diễn ra suôn sẻ, nên chắc ông không hề gặp khó khăn, trở ngại lúc khởi nghiệp?

- Thực tế là ngay từ khi bắt đầu kinh doanh tôi đã thấy mình có những thuận lợi nhất định. Thứ nhất, khi mình là người khai phá thị trường thì việc tìm kiếm khách hàng để bán sản phẩm cũng không mấy khó khăn.

Thứ hai, đây không phải là nghề mua đi bán lại, mà là tôi bán chất xám của mình, bởi tôi có lợi thế là có kinh nghiệm, kiến thức trong ngành cầu đường sau nhiều năm học, dạy và nghiên cứu về lĩnh vực này.

Thêm vào đó là tâm huyết, lòng yêu nghề nên tính đến nay tôi chưa thấy có khó khăn nào đủ lớn khiến tôi phải chùn bước. Tuy nhiên, tôi quan niệm, con đường gieo hạt càng gian nan thì khi hái quả càng thấy thấm vị ngọt.

Chính vì lẽ đó mà sau nhiều năm vất vả nghiên cứu, tìm tòi, cuối cùng tôi cũng được đền đáp xứng đáng với công sức đã bỏ ra.

* Vậy bí quyết nào giúp ông dễ dàng thành công như ngày hôm nay?

- Công ty đạt được sự phát triển vượt bậc như ngày nay không chỉ có công sức của tôi, mà còn nhờ vào sự đoàn kết của mọi người trong công ty. Ai cũng có tác phong làm việc chuyên nghiệp, luôn tạo được chữ tín đối với khách hàng, đối tác.

Giờ đây tôi hoàn toàn tự tin nói rằng sản phẩm của công ty luôn đảm bảo chất lượng, đặc biệt khách hàng có thể yên tâm hưởng quyền lợi lâu dài do công ty mang đến, đó cũng là mục tiêu xuyên suốt quá trình hoạt động của Hùng Vương sau này.

Tôi tâm niệm, thành công của một doanh nghiệp ngoài thu được lợi nhuận cao, giữ được uy tín với khách hàng, tạo được nhiều công ăn việc làm, xây dựng môi trường làm việc mang đến sự an tâm cho người lao động còn là có trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội.

Phải có ước mơ để phấn đấu

* Tổng tài sản của Hùng Vương nay đã đạt hơn 500 tỷ đồng, Công ty hiện đã có hơn 1.500 lao động lành nghề, vậy nhưng ông chưa hề nghĩ đến cổ phần hóa công ty. Có phải do đã đóng góp rất nhiều công sức cho Hùng Vương nên ông chỉ muốn giữ công ty cho riêng mình?

- Với số vốn ít ỏi ban đầu, tôi đã mạnh dạn phát triển Hùng Vương lớn mạnh như bây giờ mà chưa có sai sót nào. Như đã nói ở trên, nhờ sự góp sức của nhân viên từ buổi đầu, nay bộ máy của Công ty đã vận hành rất trơn tru với những dự án lớn.

Chẳng hạn, Hùng Vương đã thi công nhiều công trình xây dựng lớn tại TP.HCM, các khu chế xuất và một số tỉnh ở Nam bộ. Hai dự án lớn nhất Hùng Vương đảm trách là dự án Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và dự án Đại lộ Đông Tây.

Hiện Công ty đã có hai nhà máy sản xuất chính tại Biên Hòa (rộng 16ha), Vĩnh Long (6,2ha) và hai xưởng sản xuất vật liệu xây dựng ở huyện Bình Chánh và quận 7.

Công trình nào thực hiện xong, Hùng Vương cũng nhận được Giấy chứng nhận chất lượng công trình đạt chuẩn. Từ đó đến nay, dù làm những dự án có chi phí lên đến hàng trăm triệu USD, nhưng Công ty đều có nguồn lực tài chính tốt, không bị phụ thuộc vào nguồn vốn vay mượn nên tôi nghĩ không có lý do gì phải tính đến chuyện cổ phần hóa lúc này.

Tôi muốn anh em trong Công ty phải được hưởng những thành quả gặt hái được từ công sức họ đã bỏ ra gầy dựng.

* Gần 20 năm theo đuổi việc sản xuất cống và đã ghi được khá nhiều dấu ấn, ông có cảm thấy thỏa mãn với những thành quả đạt được?

- Dù nay Hùng Vương được nhiều bạn bè đánh giá cao, nhưng tôi thật sự chưa thấy thỏa mãn. Có thể nói đó là cảm giác hạnh phúc thì đúng hơn vì thực tế tôi chỉ đang tận hưởng thành quả mình đạt được.

Tôi quan niệm, còn sống thì còn cống hiến cho nghề, vì vậy tôi nghĩ mình sẽ còn phải cố gắng rất nhiều để mang lại nhiều giá trị sống hơn nữa.

Từng đi bộ đội ba năm, nên tôi hay ví von với anh em trong công ty rằng: “Hùng Vương là một con tàu, tôi và các thủy thủ đã ra khơi và đang vượt qua một đại hải trình, đích đến còn xa, song hãy tận hưởng những giây phút được ở bên nhau và cùng chiến đấu trên con tàu này”.

* Ngày nay có rất nhiều người trẻ đam mê kinh doanh, là một doanh nhân thành đạt, ông có lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ đang muốn bước vào con đường kinh doanh?

- Không ai đánh thuế giấc mơ, vì vậy, khi đã mơ thì hãy mơ không chỉ cho riêng mình mà còn cho xã hội, cho cộng đồng, khi đó mình sẽ có động lực hơn, nhận được nhiều hỗ trợ hơn và thành công cũng có ý nghĩa hơn. Bản thân tôi cho đến giờ vẫn còn ấp ủ nhiều giấc mơ về ngành này lắm.

Ví dụ, bây giờ có rất nhiều vật liệu trong ngành bê tông cần nghiên cứu, chẳng hạn như cả thế giới đã làm nhà bằng bê tông lắp ráp nhưng Việt Nam chưa có. Do vậy, tôi đang nghiên cứu loại vật liệu này và cố gắng để khách hàng trong nước chấp nhận trong vòng 5 năm tới.

Tuy nhiên, theo tôi, có giấc mơ thôi chưa đủ, còn cần phải có niềm tin để thực hiện giấc mơ đó. Và sau khi đã có niềm tin thì hãy hành động để dấn thân thực sự, hãy thay đổi bản thân để trở nên tốt hơn nhằm mở rộng giới hạn thành công của mình. Tôi nghĩ, nếu có và giữ vững đam mê thì sẽ có động lực để kiên trì thực hiện.

Nhưng nếu cứ kiên trì theo cách làm cũ mà không thành công, thì phải học tập, tiếp thu và sáng tạo cách làm mới để có thể đạt được kết quả như mong đợi. “Đam mê + Kiên trì + Sáng tạo” là công thức thành công của tôi, những thứ khác sẽ đến sau.

* Phương châm sống của ông là gì?

- Cho đến giờ tôi vẫn nghĩ số phận đưa đẩy tôi bước vào con đường kinh doanh, chứ chưa bao giờ tôi có ý định bỏ nghề dạy học. Tôi cũng không nghĩ một ngày nào đó mình có thể sản xuất được những sản phẩm tiên tiến của thế giới ngay tại Việt Nam, vậy nhưng tôi cũng đã làm được, góp phần thúc đẩy ngành xây dựng trong nước phát triển.

Thế nên, tôi không có phương châm sống, mà chỉ có sự cống hiến và luôn cố gắng sống một cuộc sống có ý nghĩa nhất.

* Xin cảm ơn ông và hy vọng không đến 5 năm đã có thể thấy ước mơ của ông thành hiện thực!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khó khăn không khiến tôi chùn bước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO