Giáo dục an toàn thân thể cho trẻ em là “việc của chúng ta”

XUÂN LỘC| 04/07/2017 06:47

Những câu chuyện về xâm hại tính dục trẻ em đã gây ra làn sóng phẫn nộ từ dư luận, từ vụ “ấu dâm” trên đất Mỹ của diễn viên Minh Béo đến các em nhỏ bị xâm hại ở Vũng Tàu, Hà Nội, Ba Vì…

Tuy nhiên, làn sóng này chủ yếu lan rộng trên mạng xã hội trong vài tuần rồi lắng xuống nhanh chóng, trong khi số lượng những em bé bị xâm hại vẫn không ngừng tăng lên. Có một ông bố của hai cô con gái nhỏ trăn trở mãi với câu hỏi: “Làm thế nào để bảo vệ các em nhỏ, thay vì chỉ trích luật pháp chưa đủ răn đe hay giáo dục chưa làm tròn trách nhiệm?”.

Trăn trở này đã biến thành hành động với sự ra đời của dự án phi lợi nhuận ANNA và người khởi xướng là anh Nguyễn Tiến Huy, Sáng lập và Điều hành Digipencil MVV JSC. Ngay khi khởi xướng dự án trên mạng xã hội, anh đã nhận được sự ủng hộ và tham gia của đông đảo doanh nghiệp, cộng tác viên. Anh cho biết: "Đối với tôi, vai trò là cha của hai cô gái xinh đẹp quan trọng hơn bất cứ vị trí nào trong sự nghiệp. Khi những thông tin về xâm hại tình dục trẻ em xuất hiện liên tục trên mặt báo, tôi không khỏi lo lắng cho môi trường sống an toàn của các con. Tôi còn nghĩ rằng liệu có nên đưa con ra nước ngoài để con có cuộc sống tốt hơn…"

Doanh nhân Nguyễn Tiến Huy doanh nhân sài gòn

Doanh nhân Nguyễn Tiến Huy. Ảnh: Hoàng Tường

* Nhưng cuối cùng anh lại chọn ở lại Việt Nam, vì sao?

- Vì Việt Nam là một đất nước thú vị và nhiều năng lượng để sống, đây cũng là nơi con cái lớn lên trong vòng tay của gia đình, người thân. Ba mẹ tôi đã từng sống ở nước ngoài cách đây khá lâu và cũng muốn tôi đi theo, nhưng tôi cảm thấy mình không phù hợp. Trước đây, có một người bạn sống ở Singapore hỏi tôi là cuộc sống ở Việt Nam có gì khác so với ở đảo quốc Sư tử. Tôi trả lời rằng: “Ở Singapore, bạn thức dậy trong một căn hộ tiêu chuẩn mỗi buổi sáng, làm việc trong một văn phòng hiện đại và di chuyển bằng Metro văn minh, sạch sẽ. Đến cuối tuần, bạn mới có một buổi gặp gỡ bạn bè.

Còn ở Việt Nam, mỗi ngày đều mới mẻ, bạn hầu như không biết điều bất ngờ gì xảy ra sau khi bước chân ra khỏi nhà, cả rủi ro lẫn những cơ hội. Bạn có thể gặp bạn bè trong những buổi cà phê vào giờ trưa hay những “chầu” bia vào cuối giờ chiều. Mọi chuyện diễn ra ngẫu nhiên và lộn xộn nhưng lại cho chúng ta nguồn năng lượng mỗi ngày. Chẳng phải chúng ta truyền cảm hứng cho nhau mỗi ngày bằng nụ cười, giọng nói hay sao? Tôi thích những điều mới mẻ nên tôi yêu cuộc sống ở đất nước lộn xộn này.

* Nhưng trong mớ lộn xộn đó lại có cả những câu chuyện đau lòng về nạn xâm hại tình dục trẻ em, mới bùng nổ trong thời gian gần đây…

- Thực ra, đối với những người làm công tác xã hội mà tôi từng có dịp trò chuyện thì những câu chuyện “ấu dâm” như thời gian qua không có gì mới. Chỉ trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến 2015 đã có đến 5.300 vụ án xâm hại tình dục trẻ em tại Việt Nam. Như vậy, cứ tám giờ trôi qua lại có một em bị xâm hại! Trước những con số đau lòng như vậy, tôi chỉ cảm thấy phải bắt tay vào phần việc mình cần làm.

Link bài viết

Trên cả nước đã có không ít tổ chức phi chính phủ, tổ chức giáo dục… nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề an toàn thân thể trẻ em và góp phần xây dựng những chương trình tăng cường nhận thức lẫn hành động. Tôi cũng từng trò chuyện với các chuyên gia trong lĩnh vực này, những người đã chiến đấu không mệt mỏi để bảo vệ con em của chúng ta. Nhưng đáng tiếc là công việc của họ chưa được sự hỗ trợ đầy đủ của ngành truyền thông. Trong khi đó, truyền thông lại là nguồn lực vô cùng quan trọng trong việc giáo dục và bảo vệ trẻ em khỏi nạn xâm hại tình dục.

* Khi đề cập đến nguyên nhân của vấn đề này, người ta thường nói đến vai trò của pháp luật và giáo dục, còn vai trò của truyền thông thì khá mới mẻ. Anh có thể giải thích rõ hơn?

- Đúng là việc trừng phạt các cá nhân phạm tội có tác dụng răn đe, nhưng chưa giúp giải quyết tận gốc vấn đề. Trách nhiệm cốt lõi thuộc về ngành giáo dục trong việc giáo dục cho con trẻ hiểu cách tự bảo vệ bản thân. Tuy nhiên, giáo dục là một câu chuyện… dài hơi. Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) đã có khuyến khích đưa giáo dục giới tính vào chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong gần 20 năm qua nhưng chưa thành công. Dễ thấy rằng trong xã hội Á Đông vẫn còn những quan niệm khá bảo thủ như ở Việt Nam thì giáo dục giới tính cho học sinh vẫn là vấn đề nhạy cảm. Ngay cả cha mẹ là những người gần gũi con cái nhất cũng chưa thực sự cởi mở khi đề cập và hướng dẫn cho con trẻ về vấn đề an toàn thân thể. Thậm chí có những phụ huynh còn cho rằng đây là chuyện bậy bạ và không nên “vẽ đường cho hươu chạy”…

* Cũng cần phải thấy rằng những giáo trình giáo dục giới tính hiện có khá khô khan, trẻ em rất khó tiếp nhận. Những nội dung này lại khá nhạy cảm nên giáo viên muốn dạy cũng không dễ dàng?

- Chính vì vậy, việc làm cho kiến thức này dễ hiểu, dễ truyền đạt hơn là nhiệm vụ của truyền thông. Như chúng ta đã biết, công việc của các công ty truyền thông là tác động thay đổi nhận thức và hành vi của người tiêu dùng về một sản phẩm, thương hiệu nào đó. Khi nhận đề tài từ doanh nghiệp, người làm truyền thông bắt đầu vạch ra quy trình bao gồm tìm hiểu về các nhóm đối tượng khách hàng, phân tích những suy nghĩ, mong muốn ẩn sâu ảnh hưởng đến quyết định mua hàng, đưa ra thông điệp truyền thông… Sau đó, họ sử dụng sức mạnh của những ý tưởng sáng tạo, các kênh nội dung được công chúng yêu thích, những người nổi tiếng, có ảnh hưởng đến số đông để đưa thông điệp đến người tiêu dùng.

Lúc này, ngành truyền thông đang đối diện với một khách hàng lớn nhất từ trước đến nay, đó là toàn bộ xã hội Việt Nam. Và đề tài của chúng ta là: “Làm thế nào để thay đổi nhận thức và hành vi của người Việt Nam về việc bảo vệ trẻ em khỏi nạn xâm hại tình dục?”. Nhóm các công ty truyền thông chúng tôi sẽ làm công việc quen thuộc, đó là sử dụng sức mạnh của những ý tưởng sáng tạo để thực hiện mục tiêu về giáo dục và bảo vệ, thông qua những người nổi tiếng và các kênh thông tin đại chúng.

Link bài viết

* Xin anh nói rõ hơn về hai mục tiêu về giáo dục và bảo vệ mới đề cập?

- Về mục tiêu giáo dục, chúng tôi sẽ sử dụng các nguồn lực truyền thông từ các kênh truyền hình, nhà xuất bản, các trang báo giấy, báo mạng, các công ty truyền thông, các công ty tư vấn chiến lược sáng tạo, mạng lưới người có tầm ảnh hưởng cao và nguồn tài trợ từ các nhãn hàng quan tâm đến trẻ em… nhằm mang các kiến thức cơ bản quan trọng về giáo dục giới tính và an toàn thân thể đến với trẻ em và phụ huynh thông qua giáo dục bậc mầm non và tiểu học. Về nhiệm vụ bảo vệ, chúng tôi sẽ sử dụng các nguồn lực truyền thông và để hỗ trợ các chương trình bảo vệ trẻ có nguy cơ bị xâm hại cao và các nạn nhân, giáo dục nhận thức về quyền trẻ em.

* Như đã nói, các kiến thức giáo dục giới tính đối với học sinh trung học còn khô khan, nhạy cảm, làm thế nào anh có thể đưa vào chương trình giáo dục bậc mầm non và tiểu học?

- Chiến lược của chúng tôi sẽ là giáo dục kết hợp với giải trí Edutainment (Education – Entertainment), tìm cách chuyển hóa nội dung giáo dục thành những hình thức giải trí dễ hiểu, dễ nhớ, dễ tiếp thu cho trẻ em. Chúng tôi sẽ “chuyển ngữ” những bài học về giáo dục giới tính thành những clip âm nhạc, truyện tranh, bộ trò chơi, kịch và tình huống. Nội dung được xây dựng xung quanh một gia đình có bé trai tên An và bé gái tên Na sống cùng ba mẹ, ông bà. Các hình thức này dùng để giảng dạy trực tiếp và lan truyền trên mạng xã hội để tiếp cận được tới nhiều đối tượng. Các em học sinh sẽ hứng thú mà giáo viên cũng không cần phải có kỹ năng để chuyển tải đến cho học sinh. Cha mẹ cũng có thể cùng xem và trao đổi với con về vấn đề giới tính dễ dàng hơn.

Chúng tôi cũng sẽ mua bản quyền và chuyển ngữ nội dung giảng dạy liên quan đến đề tài “Giáo dục giới tính và an toàn thân thể cho trẻ em”. Thật vui vì tuy mới ra đời nhưng chúng tôi được sự hỗ trợ của nhiều doanh nghiệp trong ngành xuất bản, truyền thông. Công ty cổ phần sách Nhã Nam cũng đã ủng hộ những bộ sách liên quan. Mới đây, chúng tôi đã mang đến cho phụ huynh cuốn sách An toàn cho con yêu của tác giả Yayneen Sanders, chuyển ngữ bởi dịch giả Phương Thúy do Nhà xuất bản Nhã Nam phát hành. Mục tiêu chúng tôi là đưa bộ giáo trình về giáo dục giới tính và an toàn thân thể trẻ em vào trường học. Có lẽ, trước khi dạy trẻ trở thành học sinh giỏi, chúng ta cần dạy trẻ cách chúng tự bảo vệ bản thân mình.

* Đưa giáo trình vào trường học e là một mục tiêu khó khăn và mất nhiều thời gian vì như anh từng biết, UNICEF đã thực hiện việc này trong gần 20 năm qua mà vẫn chưa thành công?

- Đúng vậy. Nên lúc đầu dự án đặt mục tiêu này trong vòng ba năm, nhưng nay chúng tôi chỉ cố gắng hết mình. Chúng tôi thật sự mong mỏi sự hợp tác tối đa từ nhà trường, nhất là từ các vị hiệu trưởng. Vì chỉ khi trở thành một chương trình chính khóa, nội dung này mới đến được với các em nhỏ ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn nghèo, nơi mà những em nhỏ rất dễ bị hại mà hiểu biết của người lớn cũng hạn chế.

* Đã có rất nhiều chương trình, dự án cùng sứ mệnh với ANNA được sáng lập ra nhưng không tồn tại lâu vì nhiệt huyết những người tham gia giảm sút theo năm tháng, cũng giống như sự phẫn nộ đối với những vụ ấu dâm cũng lắng xuống sau hai, ba tuần bùng nổ. Những người chung tay với ANNA sẽ duy trì và phát triển dự án bằng cách nào?

Chỉ trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến 2015 đã có đến 5.300 vụ án xâm hại tình dục trẻ em tại Việt Nam. Như vậy, cứ tám giờ trôi qua lại có một em bị xâm hại.

- Thật khó để duy trì nhiệt huyết của người tham gia trong một dự án dài hơi. Vì vậy, chúng tôi đã có một cam kết chuyên nghiệp, để đảm bảo mọi người cùng có trách nhiệm với dự án như một nhiệm vụ đã nhận từ khách hàng lớn là “xã hội Việt Nam”. Mọi mô hình đều có ba yếu tố là con người, quy trình và công cụ. Khi công cụ quy trình đã quy chuẩn hoàn thiện thì con người sẽ dễ dàng tham gia vào nó. Dự án ANNA cần đảm bảo lộ trình ba năm đầu tiên để xây dựng nền tảng vững chắc về nền móng, đội ngũ và các nội dung giáo dục, sau đó có thể truyền lại cho các thế hệ sau.

Thật thú vị vì đây có lẽ là lần đầu tiên, năm giám đốc điều hành của năm công ty truyền thông cùng ngồi lại với nhau để chung tay cho sự ra đời của một dự án xã hội, trong đó có cả những đối thủ trong ngành. Tìm được bạn đồng hành trong công việc là một cái duyên. Tôi tin rằng sự chung tay của nhiều người có cùng khát vọng về một cuộc sống an toàn cho các em nhỏ sẽ tạo nên một xã hội tốt đẹp hơn. ANNA sẽ không hoạt động độc lập mà trở thành kênh kết nối nguồn lực ngành truyền thông dựa trên nền tảng website nhằm hỗ trợ các dự án phi lợi nhuận có cùng sứ mệnh. Hiện có hơn 300 tình nguyện viên nhiều ngành khác nhau tham gia vào dự án có thể hỗ trợ các tổ chức phi lợi nhuận khác sáng tạo chương trình, thông điệp truyền thông, viết dự án, làm báo cáo tài chính…

* Chắc hẳn anh và những người tham gia vào dự án xã hội này sẽ có rất nhiều việc phải làm?

- Đúng vậy, một khi đã làm thì phải làm đến nơi đến chốn. Hiện nay, ANNA đã trở thành một doanh nghiệp xã hội, không còn là một dự án đơn thuần, một trăm phần trăm lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ được tái đầu tư. Tại thời điểm này, từ ngân sách, nhân lực đến thời gian đều do sự đóng góp của các công ty cổ đông và những nguồn hảo tâm khác. Sau chiến dịch ra mắt, chúng tôi mới bắt đầu làm việc với các đối tác đầu tư. Công ty sẽ có nguồn nhân lực chuyên nghiệp riêng, từ giám đốc dự án đến đội ngũ tình nguyện viên để điều hành doanh nghiệp hiệu quả.

* Mặc dù bận rộn với công việc kinh doanh nhưng anh vẫn rất hào hứng với công việc “ăn cơm nhà vác ngà voi”. Anh còn huy động được cả đội ngũ của công ty cùng tham gia, thật đáng quý?

Tôi vốn là người thích tham gia các hoạt động cộng đồng. Từ thời sinh viên, tôi đã tham gia tích cực trong nhóm Những ước mơ xanh, là một nhóm hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, đặc biệt quan tâm nhiều đến đối tượng là các em trẻ có hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ. Trước đây, tôi cũng là một tình nguyện viên chuyên môn của Tổ chức hỗ trợ phát triển cộng đồng LIN. Nay khi sáng lập ANNA, tôi được hỗ trợ rất nhiều từ tổ chức này, nhất là trong việc tìm kiếm các chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm. Hiện giáo trình của Lớp học ANNA rất cần tham vấn các chuyên gia nhưng sẽ rất cân nhắc chọn lọc vì hướng đi của chúng tôi chú trọng vào việc phòng ngừa thông qua giáo dục bằng nội dung giải trí.

Link bài viết

Thật ra, lúc đầu tôi cũng cảm thấy bị áp lực, vì tôi chỉ định khởi xướng một dự án nho nhỏ vậy mà sự hưởng ứng của mọi người lại quá lớn. Nhưng càng ngày, tôi càng thấy hào hứng với dự án Giáo dục giới tính và An toàn thân thể cho trẻ em, nó cũng phù hợp với giá trị mà công ty chúng tôi hướng đến. Giá trị các dự án mà công ty làm thường hướng đến bốn chữ “F”, bao gồm Fun (vui), Fame (uy tín và niềm tự hào), Fortune (hiệu quả kinh doanh) và Forward (thay đổi đột phá). Đôi khi, chúng tôi chọn những dự án không lợi nhuận để đảm bảo chữ “F” cuối cùng là đóng góp cho xã hội để doanh nghiệp có thể tạo ra sự thay đổi, chẳng hạn như chiến dịch truyền thông cho Sơn Đoòng trước đây và nay là dự án ANNA.

* Đến lúc này anh có còn cảm thấy bị áp lực không, vì ANNA cũng có thể thất bại như bất cứ một doanh nghiệp startup nào?

- Đến nay, tôi không còn cảm thấy áp lực phải làm mà chỉ còn trách nhiệm làm sao cho dự án đạt hiệu quả. Thậm chí tôi không mưu cầu dự án này ổn định mà chỉ cần đạt được kỳ vọng của những người sáng lập, như một câu nói tôi rất thích là “Khi chiếc xe chưa rung thì bạn đi chưa đủ nhanh”. Tại Công ty Digipencil của tôi, ba năm hoạt động thì ba lần tái cấu trúc. Luôn phải đổi mới là yêu cầu của một doanh nghiệp truyền thông, khi mọi người trong công ty làm việc theo thói quen thì sức sáng tạo sẽ giảm sút.

Quay trở lại dự án Anna, thất bại hay thành công thời gian sẽ trả lời, nhưng không bắt tay vào làm thì không thể tạo thành công. Tôi từng chia sẻ quan niệm sống của mình qua bài viết được chia sẻ khá nhiều trên mạng xã hội với tiêu đề “Không phải việc của tôi”. Trong cuộc sống hay công việc, chắc hẳn chúng ta cũng sẽ có đôi lần bỏ qua một vài vấn đề vì cho rằng đó “không phải việc của tôi”. Nhưng thói quen này khiến chúng ta đánh rơi nhiều cơ hội khó tìm lại được. Tôi có được những thành quả hôm nay cũng nhờ không bao giờ nói: “Đó không phải việc của tôi”. ANNA cũng vậy, dù tôi sẽ luôn đảm bảo một môi trường an toàn cho hai cô con gái nhỏ nhưng việc giáo dục và bảo vệ trẻ em khỏi nạn xâm hại tình dục vẫn là trách nhiệm của tôi. Tôi cũng hy vọng mong rằng mọi người hãy xem ANNA là “việc của chúng ta” để cùng xây dựng một môi trường sống an toàn và đầy yêu thương cho trẻ em Việt Nam.

* Cảm ơn anh về những chia sẻ trên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giáo dục an toàn thân thể cho trẻ em là “việc của chúng ta”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO