Gia trưởng và bạo hành

KIM DUY| 23/06/2009 01:11

Người vợ có chồng gia trưởng phải tìm cách “cảm hóa” chồng. Tất nhiên, không thể một sớm một chiều và nếu không muốn nói là rất cam go. Nhưng nếu không làm được điều này, vô hình trung người phụ nữ đã tiếp tay cho một kẻ bạo hành mà chính mình là nạn nhân.

Gia trưởng và bạo hành

Yêu nhau được ít lâu Dung đã phát hiện ra tính độc đoán của Khải. Tỉ như, Khải không thích Dung cắt tóc ngắn, không thích cô tô son môi màu sáng, mặc áo sát nách... Ban đầu Dung nghĩ do Khải yêu mình, muốn cả hai đều đẹp trong mắt nhau nên cô hy sinh nhiều thứ thuộc về lĩnh vực riêng tư của phụ nữ, như ăn mặc, trang điểm và cả sở thích ăn uống.

Thậm chí, trước khi cưới, Khải muốn Dung chuyển công tác về công ty của một người chú với chuyên môn không phù hợp, nhưng theo ý Khải là thuận lợi vì ở gần nhà, sau này có con Dung sẽ thong thả hơn... Dù công việc đang làm có cơ hội thăng tiến, Dung cũngchiều Khải.

Cưới nhau rồi, tính gia trưởng của Khải ngày càng lộ rõ. Khải thích ăn sáng ở nhà. Buổi sáng, Dung phải dậy sớm nấu mì, phở hay xôi, miến... Mọi thứ Dung phải sắp xếp từ hôm trước để chồng khỏi trễ giờ làm. Chuyện lo bữa ăn cho chồng không có gì đáng bàn, nếu không muốn nói đó là hạnh phúc của người vợ.

Thế nhưng, càng ngày Khải càng thể hiện mình có quyền sai khiến, điều khiển mọi thứ. Dung may một bộ quần áo nếu Khải không thích, cô không được mặc; trang điểm hơi lâu một chút, Khải cũng nhăn. Tuy Khải là người gánh vác kinh tế gia đình, nhưng Dung cũng không được phép tiêu xài tiền riêng của mình.

Vì yêu Khải, Dung chấp nhận với ý nghĩ là Khải biết lo xa, dành dụm để sau này còn lo cho con cái. Đến khi có con, từ mua sữa đến thực đơn hàng ngày cho bé, Dung đều phải hỏi ý kiến của Khải trước. Khải kiểm soát gắt gao mọi quan hệ xã hội của Dung. Lâu dần, Dung cảm thấy mình không chỉ là người mất tự do mà còn như thân tầm gởi!

Một lần, trong tâm trạng u uất, chán chường, chồng đi làm về Dung không tươi cười chào đón như mọi khi, thế là Khải hậm hực. Suốt đêm hôm đó, Dung phải nghe Khải thuyết giảng về cuộc sống gia đình, về bổn phận của vợ đối với chồng. Đã quen chịu đựng, Dung chỉ im lặng.

Vậy mà, thái độ của Dung lại khiến Khải tức tối, ban đầu là mắng mỏ, sau thành mạt sát Dung. Nghĩ rằng Khải quá vô lý, Dung cãi lại. Cuối cùng, cô lãnh nguyên một cú đấm vào mắt. Hôm sau Dung ôm con về nhà mẹ. Khải chẳng những không xin lỗi mà còn ra tối hậu thư bắt buộc Dung phải về và điện thoại than phiền với mẹ Dung rằng Dung cứng đầu, hay cãi chồng...

Cuộc hôn nhân của Khải và Dung kéo dài được năm năm. Dung kể lại khi mọi chuyện đã nguôi đi: “Sau đó, gia đình như địa ngục. Khải không chỉ tra tấn mình về tinh thần, mà thỉnh thoảng có chút hơi men lại thượng cẳng chân, hạ cẳng tay.Để có được tờ giấy ly hôn, mình phải cay đắng muôn phần. Với tính gia trưởng, Khải luôn cho là mình đúng, vợ sai, cần phải được dạy bảo, uốn nắn. Chưa bao giờ Khải tỏ ra biết giữ sĩ diện cho mình”.

Tính Lan vốn hiền hậu. Thu nhập của chị cao hơn chồng, thế nhưng chị luôn lép vế trong gia đình bởi chồng có tính gia trưởng. Mỗi khi đi nhậu về, ngà ngà say, anh đòi hỏi chị đủ thứ, từ việc phải đi mua phở cho anh ăn đến bắt chị ngồi nghe anh kể chuyện nhậu nhẹt (dù đã khuya và chị vô cùng mệt mỏi sau một ngày bận rộn), rồi phải ngủ chung, nếu chị phản ứng đôi lúc có thể bị ăn đòn.

Vì muốn yên nhà yên cửa nên Lan phải chịu đựng. Riết rồi trông Lan xác xơ, gầy mòn, gương mặt lúc nào cũng buồn rầu. Làm sao vui được khi ngày nào cũng nơm nớp không biết chồng mình đi nhậu về sẽ lại gây chuyện gì đây!

Chuyện của Trúc lại khác, chồng có tính gia trưởng lại thêm hay ghen, đa nghi: không cho cô mặc quần áo đẹp, kiểm tra điện thoại, e-mail của cô hằng ngày. Sau giờ tan sở Trúc chưa về nhà là có chuyện ngay. Cơ quan tổ chức liên hoan, Trúc phải xin phép chồng trước cả tuần lễ, chuẩn bị mọithứ ở nhà đâu vào đấy rồi mới đi. Vậy mà, nhiều khi đến giờ chót chồng thay đổi ý kiến là Trúc phải ở nhà.

Tuy không bị chồng đánh, nhưng Trúc nghĩ cô thuộc dạng bị bạo hành tinh thần. Cô nói: “Mình cố gắng chịu đựng là vì con, nhưng đến lúc nàođó, không chịu đựng nổi nữa cũng phải vùng lên thôi”.

Các chuyên gia tâm lý cho rằng, những người đàn ông nóng nảy, cộc tính, lại gia trưởng thì rất khó thay đổi. Nếu đã xảy ra bạo hành trong gia đình mà người thân, bạn bè khuyên nhủ họ vẫn không sửa đổi thì phải nhờ đến sự can thiệp của luật pháp để răn đe và giáo dục, giúp họ nhận thức được rằng con người sinh ra đều bình đẳng.

Tuy nhiên, người phụ nữ cũng cần tỏ ra mạnh mẽ để bảo vệ nhân phẩm và danh dự của mình. Đã là vợ chồng thì phải tôn trọng, yêu thương nhau. Người vợ có chồng gia trưởng phải tìm cách “cảm hóa” chồng. Tất nhiên, không thể một sớm một chiều và nếu không muốn nói là rất cam go. Nhưng nếu không làm được điều này, vô hình trung người phụ nữ đã tiếp tay cho một kẻ bạo hành mà chính mình là nạn nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Gia trưởng và bạo hành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO