Được và mất

HOA KIM| 07/01/2010 08:27

Dạo gần đây, người ta thường thấy bà ngồi trên ghế đá, trong cái công viên nhỏ ở khu nhà, gần như cả ngày.

Được và mất

Dạo gần đây, người ta thường thấy bà ngồi trên ghế đá, trong cái công viên nhỏ ở khu nhà, gần như cả ngày. Bà ngồi đó, khi thì ánh mắt mông lung đâu xa lắm, lúc lại cúi gằm, thỉnh thoảng lấy khăn tay chặm nước mắt. Lúc hộp cơm, khi gói xôi, ổ bánh mì, bà qua bữa ngay trên chiếc ghế đá trong công viên ấy. Bà không phải người xa lạ trong khu nhà, nên cảnh tượng ấy khiến nhiều người thấy lạ...

Bà là người miền Bắc, chuyển vào miền Nam đã hơn hai mươi năm, sống ở khu này từ đó tới giờ, quen thuộc hầu khắp. Bà nghỉ hưu từ chục năm trước, có chắt rồi, con trai nghe đâu cũng có chức gì đó trong một công ty, con dâu là viên chức, gia cảnh - theo những gì nhìn thấy từ bên ngoài - thuộc loại khá, sao đến nỗi phải ngồi qua bữa trong công viên?

Bà ngồi đó, nước mắt tràn theo dòng ký ức. Chồng bà, hơn bốn mươi năm trước, đã bỏ lại người vợ trẻ và cậu con trai mới sáu tuổi để đi theo tiếng gọi ái tình. Phần vì thương con, phần vì cuộc sống ở cái thị xã nghèo quê hương bà vốn tù túng thế, bà một mình hì hụi nuôi dạy con. “Nhờ Trời”, cậu con trai sáng dạ, thi đâu đỗ đó, rồi ra Thủ đô học, rồi có việc làm trong cơ quan nhà nước, rồi được chuyển vào miền Nam, được phân một căn hộ nhỏ, rồi lấy vợ, sinh con. Một mẹ một con mà kẻ Bắc người Nam mãi như vậy đâu đành.

Khi con trai và con dâu bàn, “mẹ bán nhà ở đây đi, vào Nam, nhà mình mua một cái rộng hơn nhà chúng con đang ở, cả nhà mình được quây quần, mẹ được gần con cháu, mà chúng con cũng được yên tâm...”, bà đồng ý. Bà còn nhớ, vừa vào đến nơi bà đã đưa trọn số tiền bán nhà, có mặt cả con trai và con dâu cùng đứa cháu (bằng tuổi bố nó ngày bị bỏ rơi), “để các con trả nợ tiền mượn mua cái nhà này”.

Cuộc sống chung giữa mẹ chồng và nàng dâu, giữa người nhà quê và người thành phố, giữa già và trẻ, tránh sao được xích mích, nặng nhẹ. Nhưng “biết mình biết người”, bà chẳng để bụng. Bà cũng chẳng dại gì phàn nàn với người ngoài về con, về dâu mình, “xấu chàng hổ ai”. Hồi bà còn đi làm, có lương, không chính thức “đóng góp”, nhưng bà cũng cách này cách khác chi tiêu cho gia đình; thời gian “giáp mặt” cũng ít, nên không khí gia đình cũng... bình thường. Nhưng từ khi bà về hưu, mỗi hành động, mỗi lời nói của con cháu, bà thấy như chúng coi bà là người thừa, người ở nhờ, người “ăn bám” vậy. Ở nhà căng thẳng thì bà đi tìm niềm vui trong sinh hoạt đoàn thể vậy. Bà tránh tối đa “đụng chạm”. Nhưng, “cây muốn lặng mà gió chẳng đừng”...

Hai tháng trước đây, con dâu và con trai mời bà ngồi nói chuyện. Chúng bảo, "nhà có thêm cháu, thấy chật chội rồi, chúng con tính mua cho vợ chồng nó căn hộ khác nhưng chưa đủ tiền, mẹ có thì góp thêm vào". Bà thật thà, “số vàng bán nhà ngày trước mẹ đã đưa cả cho các con, có ít tiền tích cóp từ lương, hôm cưới cháu, mẹ đã cho nó gần hết cả rồi, còn vài đồng thì làm được gì”. Trong khi con dâu quay ngoắt đi thì con trai bà - ông phó giám đốc một công ty, đã lên chức ông nội rồi - đứng phắt dậy: “Bà còn tiền bà giấu ở đâu, bà ăn ở đây thì phải đóng góp vào đây, nếu không thì...”.

Bà kinh ngạc nhìn con trai, nó đấy ư, giọt máu mà bà đã chắt chiu nuôi nấng đấy ư, thằng con mà vì nó, bà đã từ chối bao lời đề nghị cho hạnh phúc của riêng mình để cho nó được hưởng trọn vẹn cả trái tim và sức lực của bà đấy ư? Bà làm sao thế này, hình như tim bà ngừng đập, mọi thứ trước mắt bà quay cuồng, rồi bà không biết gì nữa. Khi tỉnh dậy, bà thấy mình vẫn ngồi trong phòng khách, đầu gục trên thành ghế, xung quanh không còn ai...

Rồi từ đó, con dâu đi về chẳng thèm chào bà, nên cháu dâu cũng theo “gương” mẹ. Con trai, cháu trai thì đi tối ngày, về nhà là vào phòng riêng, không cần biết bà có ở nhà hay không. Bà muốn nựng nịu đứa chắt bé bỏng vô tư, chưa biết theo “gương” người lớn, nhưng cả con lẫn cháu chẳng cho bà lại gần. Cơm nhà bữa nấu bữa không, bà không biết, mà có cũng chẳng ai mời bà. Bà đến nhà người quen ở ba ngày, khi đi không ai biết, khi về chẳng ai hỏi han... Bà đúng là người thừa rồi!

Có lúc bà thấy tiếc khi xưa đã không đi bước nữa để bây giờ có người mà trông cậy. Nay, chồng không, nhà không, đứa con duy nhất thì như thế, bà biết đi đâu ,về đâu? Nhưng bà còn tiếc hơn, cả uất ức nữa, vì ngôi nhà đó bà cũng góp tiền mua, cho đến giờ cũng chưa ai phải nuôi bà một ngày, thế mà bà bỗng như người vô gia cư, không thân thích.

Bà ngồi đó, miên man từ nỗi đau của mình cho đến nỗi trớ trêu sự đời. Không biết có khi nào con trai và con dâu bà nghĩ, sau này con chúng sẽ đối xử với chúng thế nào, khi sự bội bạc của chúng với bà diễn ra ngay trước mắt con chúng? Bà đã nghĩ đến chuyện nương nhờ cửa Phật để qua nốt quãng đời còn lại.

Lại nghĩ, các con bà “thèm” tiền thế, có lúc nào chúng đặt ra bài toán: Nếu họ để bà được ăn, được ở đàng hoàng trong nhà, thì khi bà mất, hơn chục triệu trong sổ tiết kiệm, bà cũng có mang theo được đâu. Hơn nữa, với chức vụ không nhỏ của con trai bà, đám tang bà có khi còn trở thành khoản thu lớn cho chúng ấy chứ. Còn như chúng để bà vào chùa, coi như mẹ không con, con không mẹ đã đành, mà số tiền dành dụm được bà cũng hiến vào chùa, chúng vừa mất vừa không được thêm. Nhưng đó mới chỉ là sự được - mất của bài toán tiền bạc thôi.

Bà cứ nghĩ, bài toán nhân - quả mới là sự được - mất khôn lường...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Được và mất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO