Doanh nhân Trần Mạnh Huy: Mở công ty vì khát khao xây dựng xã hội tử tế

XUÂN LỘC - Tranh: HOÀNG TƯỜNG/DNSGCT| 16/01/2017 09:50

Cách đây sáu năm, anh quyết định từ bỏ vị trí Giám đốc Trung tâm BPO của Công ty Hệ thống thông tin FPT, một mình tìm về miền Trung nghèo khó để khởi nghiệp.

Doanh nhân Trần Mạnh Huy: Mở công ty vì khát khao xây dựng xã hội tử tế

Tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật là việc mà nhiều doanh nhân hướng đến, nhưng thành lập một công ty với nhiều chi nhánh ở các tỉnh để chuyên tuyển dụng người khuyết tật và người nghèo như Trần Mạnh Huy đang làm thì không nhiều.

Đọc E-paper

Cách đây sáu năm, anh quyết định từ bỏ vị trí Giám đốc Trung tâm BPO của Công ty Hệ thống thông tin FPT, một mình tìm về miền Trung nghèo khó để khởi nghiệp với Công ty cổ phần VBPO, chuyên về dịch vụ thuê gia công bên ngoài. Và anh đã cùng hơn 500 nhân viên VBPO vượt qua nhiều thách thức trên hành trình theo đuổi giấc mơ chung là tạo ra môi trường làm việc tốt nhất cho người nghèo và người khuyết tật. Đến nay, VBPO đã trở thành công ty hàng đầu trong việc cung cấp dịch vụ BPO tại Việt Nam, đặc biệt đối với khách hàng Nhật Bản. Anh chia sẻ:

Giấc mơ tạo ra môi trường làm việc tốt nhất cho những người kém thế (phụ nữ, người nghèo, người khuyết tật nói chung), nơi họ tìm được tiếng cười, sự tự tin và niềm lạc quan trong cuộc sống. Khi bị đặt trong hoàn cảnh là người khuyết tật, bạn chỉ có hai lựa chọn, đó là ngồi xe lăn suốt đời hoặc cố gắng đứng dậy trên đôi chân của mình như một người bình thường. Tôi chọn cách thứ hai và đến nay, tôi đã trở thành một người lành lặn nếu nhìn về cách sống và khả năng làm việc. Tôi muốn những người khác cũng làm được như vậy. Là người khuyết tật, nên từ nhỏ tôi đã cảm nhận được sự bất công của xã hội đối với những người kém may mắn như tôi.

* Anh đã trải qua một tuổi thơ không êm đềm chăng?

- Ngược lại, tuổi thơ tôi rất êm đềm vì đối với đứa trẻ sinh ra đã bị liệt nửa người như tôi, ba mẹ và các thành viên khác trong gia đình đều yêu thương và bảo bọc tôi quá mức. Nhưng tôi vốn là người không an phận, thậm chí lì và liều. Ba mẹ tôi không muốn cho con tập xe đạp vì sợ nguy hiểm, tôi vẫn lén tự tập đến khi nào đi được thì thôi. Tôi xin học bơi, thầy dạy bơi bảo: “Què mà học bơi làm gì?”. Tôi đành học lén từ xa và cuối cùng tôi cũng biết bơi. Khi vào làm việc trong một công ty về công nghệ thông tin, tôi xin làm những việc khó không ai muốn làm như kiểm định phần mềm, quy trình làm phần mềm… từ đó tôi có kiến thức sâu về ngành.

* Phải chăng cũng vì lì và liều mà anh quyết định khởi nghiệp với VBPO?

- Đúng vậy. Tôi khởi nghiệp chỉ với một ước mơ và quyết tâm thay đổi xã hội, trong tay không có tiền, may mắn là một người anh cùng các cổ đông khác đã góp vốn cho tôi làm. Tôi cũng không đặt mục tiêu quá xa, chỉ cần kết quả buổi chiều tốt hơn buổi sáng, ngày mai tốt hơn hôm nay là đủ.

* Anh có bao giờ hối tiếc vì đã rời TP.HCM, bỏ ngang công việc đang rất thuận lợi ở FPT?

- Hầu như chưa bao giờ tôi cảm thấy hối tiếc khi theo đuổi giấc mơ, hoài bão của mình. Cách đây sáu năm, tôi đã có thể lựa chọn con đường sự nghiệp an toàn, ở lại TP.HCM và đi làm thuê, nhận lương hằng tháng đủ cho gia đình có cuộc sống sung túc. Nhưng tôi lại chọn con đường lắm chông gai, chỉ vì một tâm nguyện là đem lại nhiều công việc cho người kém thế. Tôi nhận thấy người thất nghiệp càng nhiều thì xã hội càng bất ổn. Chỉ khi giải quyết công việc ngay từ những vùng quê nghèo thì mới hạn chế được sự di dân cơ học, cũng giúp cho các đô thị ổn định hơn.

Mặc dù để đạt được thành quả, tôi cũng trải qua nhiều năm “nếm mật nằm gai”, thậm chí phải đánh đổi nhiều thứ quan trọng trong đời. Chẳng hạn như tôi thất hứa với mẹ, người mà tôi yêu thương nhất. Ngày rời Sài Gòn, tôi hứa với mẹ là ba năm sau sẽ trở về, đến nay đã hơn bảy năm mà tôi vẫn miệt mài ở miền Trung nắng gió. Hành trình khởi nghiệp gian nan, vất vả hơn tôi nghĩ nhiều. Dù không nói ra nhưng mẹ tôi thường xuyên mất ngủ vì lo lắng cho đứa con trai lang bạt. Đến khi VBPO thành công thì mẹ tôi đã mất… Thật lạ là từ sau khi mẹ tôi ra đi cách đây ba năm, công việc của tôi thuận lợi hơn nhiều. Phải chăng mẹ tôi vẫn đang dõi theo sự trưởng thành của con mình cùng VBPO?

* Vì sao anh chọn dịch vụ thuê gia công bên ngoài (BPO – Business Process Outsourcing) để phát triển cho người khuyết tật?

- Dịch vụ BPO là những việc đơn giản như xử lý ảnh, nhập dữ liệu, số hóa văn bản… cho đến những công việc phức tạp hơn như dịch vụ kế toán – tài chính… Dịch vụ này thường có giá rẻ nhất so với các dịch vụ gia công khác nhưng lại tạo ra khối lượng công việc lớn và đơn giản. Công việc này lại rất thích hợp với người khuyết tật vì cần trình độ vừa phải và thời gian đào tạo ngắn.

Ước mơ tạo công ăn việc làm cho người kém thế đã nung nấu trong tôi từ cách đây mười năm, khi chứng kiến Đà Nẵng tan hoang, thê thảm sau khi cơn bão Xangsane quét qua. Trong đầu tôi lúc đó cứ băn khoăn: “Làm sao để cho dân nghèo miền Trung sống được, trong khi nông nghiệp và ngư nghiệp đều có quá nhiều rủi ro? Người bình thường đã khó có việc làm, người nghèo và khuyết tật thì càng khó hơn…”. Ý nghĩ này thôi thúc tôi tìm kiếm trên mạng internet và cuối cùng, tôi phát hiện ra BPO là phù hợp nhất.

* Ngành dịch vụ thuê gia công bên ngoài chỉ mới phát triển trong vài năm trở lại đây, thời điểm anh khởi nghiệp hình như chưa nhiều người biết đến?

- Đúng vậy. Ngay cả luật cũng chưa có quy định về ngành này, sau đó người ta “xếp đại” vào lĩnh vực công nghệ thông tin. Thực ra BPO đang trở thành xu thế tất yếu đối với các doanh nghiệp trên thế giới, ở nhiều ngành khác nhau không chỉ có trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Nhưng trong cộng đồng người khuyết tật có rất nhiều người tài năng, đam mê và giỏi công nghệ thông tin.

Nếu doanh nghiệp phát huy được những tài năng này, sẽ là một nguồn nhân lực rất lớn. Hiện nay, tại VBPO có gần 30% lao động là người khuyết tật và với những con người này thì BPO không đơn giản chỉ là nghề kiếm sống, mưu sinh mà còn là phương tiện giúp họ hòa nhập một cách tốt nhất với cộng đồng, có như thế xã hội mới yên ổn được.

* Trong những ngày đầu hoạt động, sao anh lại chọn khai phá thị trường khó tính như Nhật Bản?

- Vì tôi nhận thấy các doanh nghiệp Nhật Bản đang có chính sách rút đầu tư ra khỏi Trung Quốc không chỉ vì chi phí lao động cao mà còn do những bất đồng giữa hai nước trong vấn đề biển đảo, tôi nghĩ cơ hội sẽ về tay Việt Nam. Hơn nữa, kinh doanh ở một nơi khó tính sẽ bớt cạnh tranh. Và khi đã làm việc được với các đối tác Nhật thì việc vào các thị trường khác như Mỹ, châu Âu sẽ tương đối dễ dàng hơn.

Nghĩ vậy nên tôi cố gắng chinh phục các khách hàng Nhật bằng sự quyết tâm, tinh thần học hỏi và sự chỉn chu của mình. Khách hàng nhận ra trong tôi một ước mơ lớn cùng sự chân thành nên họ rất ủng hộ. Thị trường BPO hiện nay có tiềm năng rất lớn nhưng cũng nhiều thử thách. Vì công nghệ ngày càng phát triển, máy móc dần thay thế con người để giải quyết những việc đơn giản. Vì vậy, các công việc BPO ngày càng đòi hỏi sự đầu tư và công nghệ lẫn tay nghề, kỹ thuật cao hơn.

* Hẳn là còn những khó khăn khác nữa như bao doanh nghiệp khởi nghiệp khác, phải không anh?

- Khó khăn thì nhiều vô kể, thậm chí có những lúc tôi tưởng như mình gục ngã vì công ty hết tiền, khách hàng không có, lương nhân viên phải “ghi nợ” đến hai tháng. Lúc đó, mẹ tôi nói: “Con có thất bại thì về mẹ nuôi”. Câu nói này tôi ghi nhớ đến hết cuộc đời…

Thời điểm đó, tôi một mình lặn lội sang Nhật để tìm khách hàng. Trước đó, tôi đã mang cuốn sổ đỏ căn nhà đi cầm cố. Trong hoàn cảnh khốn khó, tôi vẫn quyết định làm sản phẩm không chi phí cho khách hàng, để họ thử so sánh chất lượng với hàng Trung Quốc. Cuối cùng, chúng tôi thắng thầu và thoát ra khỏi khó khăn.

* Sao anh không đứng ra kêu gọi vốn đầu tư như cách nhiều nhà khởi nghiệp vẫn làm?

- Kêu gọi vốn đầu tư là một ý tưởng hay nhưng không phải nguồn vốn nào cũng phù hợp. Tôi đang nhen nhóm một đốm lửa nhỏ giúp cho người không may trong xã hội nhưng có những loại vốn sẽ dập tắt đốm lửa này chứ không giúp nó cháy mạnh hơn. Tôi hay nói vui rằng không có con cá mập nào hiền lành cả, hầu hết các nhà đầu tư đều quan tâm đến lợi nhuận hơn các vấn đề về trách nhiệm doanh nghiệp với xã hội, môi trường…

Có một vài nhà đầu tư cũng muốn bỏ vốn vào doanh nghiệp của tôi nhưng khi biết họ không chung ước mơ với mình, không ủng hộ người khuyết tật và người nghèo, nên tôi đã từ chối hợp tác. Một mình cùng doanh nghiệp vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất, tôi cũng học được rất nhiều, chẳng hạn như cách tiết kiệm chi phí đến mức tối thiểu, học cách động viên anh em trong những thời điểm khó khăn, cách bán hàng quyết đoán…

Làm việc với người khuyết tật và người nghèo không dễ. Từ người nghèo ở Phú Yên, Huế đến người dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk chủ yếu sống thiên về tình cảm, hay mặc cảm, tự ti và tính xuề xòa. Nhưng họ đều là những người mộc mạc, chân thành. Chỉ cần nghe họ khoe gia đình nay đã đủ sống, con cái nay đã vào đại học, cái tết này vui hơn những tết trước là tôi lại muốn làm nhiều hơn nữa.

Đến nay, tôi cảm thấy vô cùng tự hào về đội ngũ nhân viên kỹ thuật cao, có tinh thần trách nhiệm và tính kỷ luật. Mọi người tự động viên nhau làm việc để cho ra sản phẩm chất lượng cao trong một môi trường nhiều tiếng cười. Điều đó làm tôi ngày càng yêu quý VBPO!

* Dường như ước mơ của anh đã cơ bản hoàn thành?

- Chưa đâu, ở ngoài kia còn rất nhiều người cần giúp đỡ, không chỉ có người khuyết tật mà còn nhiều phụ nữ, trẻ em. Còn nhiều người không tham gia lớp được, có người thì học không được do lớn tuổi, có người do dạng tật chưa phù hợp với công việc, có người do nhà ở xa… Đang băn khoăn không biết mình sẽ làm gì tiếp theo thì tôi có cơ hội tham gia Hội đồng Dải băng xanh (BREC – Blue Ribbon Employer Council), cộng đồng kết nối các doanh nghiệp có cùng tầm nhìn và quan tâm đến người khuyết tật và người nghèo trên khắp Việt Nam. Ngoài ra, tôi còn được một người bạn cũ ở USAID mời sang thăm Hoa Kỳ cùng với đoàn Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam để học hỏi kinh nghiệm triển khai các chương trình hỗ trợ người khuyết tật.

Tôi rất có ấn tượng với cách những người khuyết tật nơi đây thể hiện trách nhiệm của chính họ với xã hội. Họ không muốn ngồi ở nhà để nhận tài trợ mà muốn đi làm và đóng thuế. Tôi cũng có cơ hội nghe về cách phục hồi chức năng, cách giúp người khiếm thị có thể làm việc bình thường với thế giới bình thường. Và tôi quyết định thành lập IMAble (I Am Able – Tôi có thể), một tổ chức chuyên đầu tư vào công nghệ hỗ trợ phục hồi chức năng lao động và tăng khả năng tiếp cận các phương tiện giao thông, xây dựng, công nghệ thông tin cho người khuyết tật. Và thật may mắn, vừa mới hình thành thì IMAble đã có ngay hợp đồng với một công ty bán bảo hiểm ở Mỹ về việc làm call center và hai dự án xử lý hậu kỳ hình ảnh, video cho một công ty chụp hình cưới ở Mỹ.

* Quả là một khởi đầu thuận lợi…

- Đúng vậy. Và khởi đầu may mắn này cho tôi thêm niềm tin để thực hiện các ý tưởng khác. Tôi còn ấp ủ các mục tiêu mới trong ngành thu thập, xử lý và ứng dụng cơ sở dữ liệu lớn (Big data). Trong thời gian gần đây, chúng ta hay nghe nhắc đến SMAC và IoT như là xu hướng trong tương lai gần của ngành công nghệ thông tin thế giới. SMAC là từ viết tắt của Social (Mạng xã hội), Mobile (Di động), Analytics (Phân tích dữ liệu lớn) và Cloud (Điện toán đám mây).

Thuật ngữ SMAC bao hàm các khái niệm về một loại sản phẩm và gói dịch vụ mới mà các công ty đang triển khai để đem lại những giải pháp hiệu quả và cơ động cho người tiêu dùng. Tôi chọn lĩnh vực phân tích dữ liệu lớn vì phù hợp với người Việt Nam vốn giỏi toán và có khả năng phân tích, logic tốt.

Big Data lại chứa rất nhiều thông tin quý giá mà nếu trích xuất thành công, nó sẽ giúp rất nhiều cho việc kinh doanh, nghiên cứu khoa học, dự đoán các dịch bệnh sắp phát sinh và thậm chí là cả việc xác định điều kiện giao thông theo thời gian thực. Một khi làm chủ được dữ liệu lớn thì doanh nghiệp sẽ có cơ hội thành công lớn hơn trong bối cảnh cạnh tranh ngày nay, thế giới thì sẽ được hưởng lợi hơn từ việc trích xuất thông tin một cách chính xác hơn, hữu ích hơn với chi phí thấp hơn.

Xa hơn một chút, ứng dụng được Big Data có thể giúp các tổ chức, chính phủ dự đoán được tỷ lệ thất nghiệp, xu hướng nghề nghiệp của tương lai để đầu tư cho những hạng mục đó, hoặc cắt giảm chi tiêu, kích thích tăng trưởng kinh tế… Sáu năm qua, tôi đã hoàn thành giai đoạn thu thập dữ liệu, giờ là bắt đầu giai đoạn xử lý và bán dữ liệu. Công việc này tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người kém may mắn.

* Có thể thấy rằng mọi việc anh làm, mọi hướng đi của anh đều hướng về người kém thế…

- Như tôi nói, tôi muốn nhóm lên đốm lửa sưởi ấm cho những người kém may mắn. Và tôi cũng là người lương thiện, muốn nghĩ khác, làm khác đi cho xã hội này. Từ đó, tôi cổ vũ cho phong trào kinh doanh lương thiện, làm giàu nhờ năng suất lao động sạch chứ không phải nhờ thân hữu. Tôi hay nói với con mình: “Có tiền, có thân thế mà giàu thì ai cũng làm được. Không tiền, không phải con ông cháu cha mà làm nên sự nghiệp mới giỏi”.

Các chính sách cho người kém thế khó mà thành hiện thực trong ngày một, ngày hai, tôi hay nói đùa đó là chính sách NATO (No action, talk only). Giấc mơ của tôi đang dần trở thành hiện thực, đó là đưa nhân viên sang làm việc với đối tác ở Nhật Bản, ở khắp tỉnh thành cả nước, truyền bá hình ảnh, tư tưởng VBPO đến nhiều nơi. Những người này sẽ tạo ấn tượng rất tốt với các doanh nghiệp gia đình Nhật Bản và họ sẽ tạo một ngành công nghiệp phụ trợ chất lượng khi trở về nước.

Việc tôi làm không có gì lớn lao, chỉ cố gắng “tiêm” vào đầu nhân viên suy nghĩ, cách kiếm tiền tử tế. Tôi tin rằng những đứa con sinh ra trong một gia đình tử tế, được nuôi lớn, học hành từ những đồng tiền tử tế chắc hẳn sẽ xây dựng một xã hội tử tế. Con đường tôi đi nhiều khó khăn và có vẻ “cô đơn” vì người ủng hộ không nhiều. Nhưng tôi biết, nếu tôi cứ nỗ lực hết mình và được sự tiếp nối bởi các thế hệ con cái, nhân viên của mình thì mười năm, hai mươi năm sau, mọi người khuyết tật đều tự tin nói: “Tôi có thể” (I am able) trước mọi khó khăn trong cuộc sống.

* Cảm ơn về câu chuyện đẹp về tình người của anh.

>>Giám đốc Vĩnh Thành Đạt: Mở đầu ra mới cho quả trứng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nhân Trần Mạnh Huy: Mở công ty vì khát khao xây dựng xã hội tử tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO