Có một phải tạo hai

LỮ Ý NHI| 07/01/2010 03:51

BMC có nhiều dự án, từ khách sạn, trung tâm thương mại, căn hộ cao cấp, đến xây dựng nhà máy, rồi còn lo việc xã hội, từ thiện, có thể vì thế mà tôi chưa có dịp trò chuyện với Tổng giám đốc Nguyễn Văn Ngọc quá 10 phút.

Có một phải tạo hai

BMC có nhiều dự án, từ khách sạn, trung tâm thương mại, căn hộ cao cấp, đến xây dựng nhà máy, rồi còn lo việc xã hội, từ thiện, có thể vì thế mà tôi chưa có dịp trò chuyện với Tổng giám đốc Nguyễn Văn Ngọc quá 10 phút. Mà nghe nói, cán bộ, nhân viên muốn gặp ông cũng phải lần lượt chờ đợi. Nhưng khi biết ông đang quản lý 26 chi nhánh, xí nghiệp trực thuộc và hàng chục dự án, tôi thông cảm với sự bận rộn của ông... Lần này thì ông dành hẳn cho tôi vài tiếng đồng hồ để... đàm đạo.

* Một trong những yếu tố dẫn đến thành công của người lãnh đạo, theo ông, có phải là niềm tin với nhân viên, với cấp dưới?

Nhận Huận chương Lao động hạng Nhất

- Có những doanh nghiệp đưa ra mức lương rất cao, hay hứa hẹn chia lợi nhuận để lôi kéo cán bộ, kiến trúc sư chạy từ công trình này sang công trình khác. Nhưng Công ty tôi không làm như vậy và tôi cũng tin chưa có nhân viên nào làm mất niềm tin của tôi. Muốn vậy, ngay từ buổi khởi đầu, mình phải đi theo anh em từng bước, để lỡ họ có biểu hiện “quẹo ngang quẹo dọc” là uốn nắn ngay, tất nhiên là không thể thiếu chế độ đãi ngộ. Ở BMC, mọi vấn đề đều được bàn bạc dân chủ và người lãnh đạo là người quyết định trên cơ sở đồng thuận cao chứ không độc đoán.

* Nhận chức tổng giám đốc vào thời kỳ BMC đang ở tình cảnh chạy việc làm, cơ sở vật chất, vốn liếng không đáng kể, lại gánh thêm các khoản thua lỗ, động cơ gì khiến ông kiên định với trách nhiệm này?

- Từ kế toán của một xí nghiệp thuộc Tổng công ty Vật liệu xây dựng - xây lắp nội thương, rồi Trưởng Phòng Kế toán - Tài vụ và Kế toán trưởng BMC, mỗi nấc thang tôi bước lên đều nhờ học hỏi nghiêm túc và làm việc rất có trách nhiệm. Tuy mạnh dạn bổ nhiệm tôi làm giám đốc BMC, nhưng lúc đó cấp trên vẫn băn khoăn, một mặt thấy tôi không có chuyên môn về xây dựng, mặt khác không biết một kế toán có làm nổi giám đốc. Tôi nhận nhiệm vụ là muốn đem tâm huyết, sự mạnh mẽ của tuổi trẻ và cả lòng tự trọng để xây dựng BMC. Điều quan trọng nhất của người lãnh đạo là phải biết quản lý, biết tập họp và sử dụng con người. Hơn nữa, kinh doanh cũng phải có chút năng khiếu bẩm sinh, chẳng thế mà có nhiều giáo sư, tiến sĩ thất bại trong kinh doanh.

Khi BMC tách khỏi Bộ Thương mại thì càng khó khăn. Lúc đó có người nói với tôi, anh nên sáp nhập vào đơn vị nào đó để làm, vì họ cho rằng chúng tôi chỉ có thể dựa vào đơn vị khác mới sống được. Chính vì tự trọng nên chúng tôi tụ nhau lại, động viên nhau “cùng tắc biến, biến tắc thông”.

* Nhưng ông đã xoay xở thế nào để vươn lên?

- Đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, tuy chí đã quyết nhưng lòng tôi như lửa đốt, vừa lo việc làm cho nhân viên, vừa lo trả nợ... Mặc dù xác định nhiệm vụ chính là xây lắp, nhưng việc gì có tiền, chúng tôi nhận tuốt. Từ mở cửa hàng bán vật liệu, xuất khẩu dừa khô sang Trung Quốc đến làm đại lý thẻ cào Mobicard... Khi có chút vốn, tôi thấy không thể “tay không bắt giặc” mà làm nên chuyện lớn, nên mạnh dạn vay vốn ngân hàng, đầu tư thiết bị xây dựng như cần cẩu tháp, máy vận thăng, máy trộn bê tông, máy ép cọc, khoan cọc nhồi, rồi các phương tiện vận tải, đào ủi, san lấp và đưa tin học vào quản lý để nâng tầm hoạt động.

Từ chỗ chỉ nhận thầu xây dựng các công trình công nghiệp, cơ sở hạ tầng và dân dụng, năm 2000, tôi quyết định chuyển hướng sang đầu tư trực tiếp, đẩy mạnh liên kết, liên doanh với một số đối tác trong và ngoài nước để thu hút vốn đầu tư, công nghệ, kỹ thuật. Từ đó xây dựng các trung tâm thương mại, khu công nghiệp, khách sạn, căn hộ cao cấp, cao ốc cho thuê...

* Trước khi dự lễ khởi công khách sạn 3 sao ở Kon Tum, tôi nghe có người nhỏ to “Cái ông BMC dở hơi”, vì nhiều dự án của BMC đầu tư ở các tỉnh vừa thưa người, vừa xa lắc. Có hai vấn đề đặt ra: Một là đầu tư vào nơi ít ai đầu tư thì sẽ có thị trường rất tiềm năng, hai là rủi ro lớn. Theo ông thì sao?

Đầu tư vào những nơi xa các thành phố lớn không thể tính cái lợi trước mắt. Và nếu nhà đầu tư nào cũng tranh lấy “miếng ngon” nơi thành phố, thì ở vùng sâu, vùng xa người dân không hưởng thụ được cuộc sống văn minh. Ngoài cái tình, cái tâm khiến tôi đầu tư, thực chất các tỉnh này đều có triển vọng tầm xa.

- Đầu tư vào những nơi xa các thành phố lớn không thể tính cái lợi trước mắt. Và nếu nhà đầu tư nào cũng tranh lấy “miếng ngon” nơi thành phố, thì ở vùng sâu, vùng xa người dân không hưởng thụ được cuộc sống văn minh. Ngoài cái tình, cái tâm khiến tôi đầu tư, thực chất các tỉnh này đều có triển vọng tầm xa. Chẳng hạn, chúng tôi đầu tư ở Kon Tum là đã biết chắc trong tương lai gần, khu cửa khẩu Bờ Y sẽ trở thành cửa khẩu quốc tế quan trọng, trung tâm thương mại, là đầu mối giao lưu kinh tế trong chiến lược phát triển cụm công nghiệp và cảng biển miền Trung - Đông Nam bộ, hành lang thương mại quốc tế giữa các nước Lào - Myanmar - Campuchia. Tháng 6/2008, Công ty chúng tôi cũng đã cho hoạt động nhà máy chế biến tinh bột sắn BMC tại Ngọc Hồi, Kon Tum.

* Ông từng đồng tình với quan niệm đầu tư đa ngành nghề dễ bị thất bại, vậy tại sao BMC cũng vẫn đi theo hướng này?

- Mỗi người có một cách quản lý và mỗi doanh nghiệp có một cách thực hiện đa ngành khác nhau. Theo tôi, muốn kinh doanh đa ngành không bị thất bại thì các lĩnh vực đầu tư khác cũng phải gắn kết với lĩnh vực kinh doanh chính, và nếu liên kết thì phải liên kết với doanh nghiệp có bề dày thương hiệu, có uy tín để cả hai cùng tận dụng những điểm mạnh của nhau. Chẳng hạn, trước đây BMC chỉ là đơn vị làm thuê, các chủ đầu tư sau khi trả công cho BMC vẫn có lãi. Như vậy, nếu BMC trực tiếp thi công các dự án thì giá thành sẽ rẻ hơn rất nhiều, vì không ai có thể quản lý chặt chẽ hơn, tiết kiệm hơn khi mình vừa là nhà đầu tư, vừa là nhà xây dựng. Khi kết hợp như vậy thì vật liệu thừa cũng được tận dụng, thiết bị thi công khấu hao liên tục thì chắc chắn giá thành giảm. Vì vậy, dù không phải lĩnh vực chính nhưng những dự án của BMC không dàn trải, mà có trọng tâm.

Một cái lợi khác, cụ thể như khi xây dựng siêu thị trong tòa nhà BMC Plaza và liên kết với Co.opMart, BMC không chỉ học được cách làm siêu thị, mà còn làm cho trung tâm thương mại xôm tụ hơn, giá trị thương hiệu cao hơn. Nếu chỉ có một BMC Plaza thì chỉ có một lợi nhuận, còn có siêu thị sẽ có hai lợi nhuận. Điều đó đã tạo nên một thương hiệu vô hình mà tiền bạc không mua được.

* Làm sao để quản lý hiệu quả nhiều đơn vị trực thuộc?

- Quản lý tốt các đơn vị trực thuộc, chi nhánh đúng là một việc rất khó vì ai mà chẳng muốn có “chút mắm chút muối”. Cách quản lý của chúng tôi xuất phát từ triết lý: Muốn đất nước giàu, doanh nghiệp mạnh thì bản thân mỗi nhân viên phải no ấm, sung túc; muốn sung túc, no ấm thì phải tập trung lo cho cái chung, ắt sẽ có cái riêng; cái chung phát triển tốt, chắc chắn cán bộ, nhân viên các đơn vị đều được hưởng lộc. Một nguyên tắc tôi đặt ra cho các lãnh đạo cấp dưới là mỗi lần gặp mặt báo cáo, chỉ báo cáo thành quả, không được than khó khăn mà chỉ được nói có khó khăn nhưng đang giải quyết. Điều này giúp anh em lãnh đạo phát huy tính sáng tạo, tự chủ, không ỷ lại vào cấp trên.

* Để “được việc”, nhiều doanh nghiệp thường phải áp dụng ngạn ngữ “Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”...

Khách tham quan nhà máy sản xuất bột sắn Ngọc Hồi - Kon Tum

- Trong làm ăn, nếu bảo không “tốn kém” là không đúng, vì đó là chuyện đời thường của cuộc sống. Theo quan niệm của người Á Đông, trong quan hệ bao giờ cũng có “đồng quà tấm bánh” để thể hiện tình cảm, chút lộc tình, lộc nghĩa. Đó là chất xúc tác làm cho mối quan hệ giữa con người với nhau được tốt hơn, chứ không hẳn là hối lộ. Đó cũng là lộc chính đáng của nhà doanh nghiệp tạo nên và phân phối lại.

* Thương hiệu BMC thường xuất hiện trong các chương trình từ thiện xã hội. Có người cho rằng, đó là cách “đánh bóng” bản thân. Ông có nghĩ như vậy không?

- Hạnh phúc của doanh nhân là làm có tiền để chia sẻ với người khác. Và giờ này, tôi thật sự hạnh phúc vì cái tôi giúp được nhiều người là tiền và cái mọi người cho lại tôi là tình. Riêng ở góc độ doanh nghiệp, khi góp tiền vào các chương trình xã hội từ thiện giúp người nghèo thì không nên tính thiệt hơn, ngược lại, thương hiệu của mình càng thân thiện với xã hội, đó cũng có thể xem là một cách làm thương hiệu vừa có ý nghĩa nhân văn, vừa thiết thực.

* Người ta nói, đằng sau thành công của người đàn ông có bóng dáng của người vợ, nhưng có lần trong một bữa tiệc vui, ông lại không đồng tình...

- Thành công của một doanh nhân không chỉ có phần đóng góp của vợ, mà còn có bạn, có những người kế cận, có rất nhiều người cùng làm việc với mình. Người ta bảo, ở nhà cậy nhờ cha mẹ, ra đường cậy nhờ bạn bè, vì thế người thành đạt không thể thiếu gia đình và cũng không thể thiếu bạn.

* Đứng ở đỉnh cao của sự nghiệp, ngẫm lại cuộc đời làm doanh nhân, ông có thấy mình “được nhiều thứ” không?

- Trong cái được, mình cũng có những cái mất. Cái được hào nhoáng bên ngoài, ai cũng thấy, còn cái mất, thậm chí mất rất lớn thì chỉ một mình mình hiểu được. Từ kinh nghiệm bản thân, tôi đoan chắc đã là người đứng mũi chịu sào một doanh nghiệp thì không bao giờ có giấc ngủ ngon. Ban ngày mình hăng say với công việc, ban đêm lại phải nghĩ kế sách cho những công việc của ngày mai. Khi có một đồng phải làm sao tạo ra hai đồng. Nhiều lúc công việc cuốn mình không ngủ được, mệt mỏi, căng thẳng, không ít lần tôi còn bị “lên máu” vì giá cả thị trường liên tục lên xuống, không theo quy luật nào cả. Đó là chưa kể những lúc phải thi công các dự án xa, hàng tháng trời nằm khách sạn, tuy tiện nghi nhưng cô quạnh, nhất là những lúc ốm đau mình phải tự chăm sóc mình...

* Cũng có lúc ông buồn chứ...

- Buồn vì chưa thể làm tốt hơn nữa. Mà làm được thì ở đời cũng không tránh khỏi tiếng ong tiếng ve. Có lúc nản cũng muốn buông, nhưng nghiệp kinh doanh, khi đã lên cao rồi thì không thể dừng, vì bây giờ không phải mình làm cho mình nữa, mà vì nhiều người, nhiều thứ lắm.

* Đi xa hoài, ông có thấy vợ con bị thiệt thòi không?

Thành công của một doanh nhân không chỉ có phần đóng góp vợ, mà còn có bạn, có những người kế cận, có rất nhiều người cùng làm việc với mình. Người ta bảo, ở nhà cậy nhờ cha mẹ, ra đường cậy nhờ bạn bè, vì thế người thành đạt không thể thiếu gia đình và cũng không thể thiếu bạn.

- Có chứ. Đơn cử những lần đi chơi với vợ con, dù cố gắng toàn tâm toàn ý, thậm chí trước khi đi, con tôi giao hẹn trước: "Ba hứa không được điện thoại công việc, không được làm việc nha", tôi hứa khí thế lắm, nhưng rốt cuộc cũng lại lấy máy ra làm việc. Con tôi giận, nói: "Con thề không bao giờ đi chơi với ba nữa".

* Những lúc thoát ra khỏi chiếc áo giám đốc, hỏi thật, ông thích làm gì nhất?

- Đánh bài với anh em để lấy cớ uống vài ly. Anh em ai cũng muốn thắng sếp, thích nhìn thấy sếp thua để bị phạt uống bia. Nói nhỏ nhé, những lúc như vầy thú lắm, sếp, lính coi nhau như bạn, cụng ly chan chát, cười ha hả, khoác vai, bá cổ thoải mái. Tuy nhiên, vui mấy thì tôi cũng chỉ chơi nhởn với anh em đến hơn chín giờ tối, sau đó lại bắt đầu công việc của một giám đốc cho đến khuya.

* Xin cảm ơn về những tâm tình cởi mở của ông.

Những công trình BMC làm chủ đầu tư thể hiện phong cách kiến trúc độc đáo, hiện đại và được thiết kế theo tiêu chuẩn xây dựng ACI của Mỹ, đảm bảo độ bền vững rất cao. Doanh thu năm 2008 của BMC đạt 1.500 tỷ đồng, nộp thuế trên 30 tỷ đồng. Hằng năm, BMC tài trợ cho các quỹ xóa đói giảm nghèo, khuyến học, học bổng, giúp đỡ đồng bào bị thiên tai..., số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.
Mười năm qua, BMC đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì, hạng Nhất, được Chính phủ tặng Cờ thi đua, Bằng khen…; nhiều năm liền được Đảng ủy khối cơ sở Bộ Thương mại tặng cờ Đảng bộ trong sạch vững mạnh.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Có một phải tạo hai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO