Chúng ta cùng đồng hành

Nhi - Giang - Nam| 13/10/2022 08:00

Khát vọng xây dựng một Việt Nam giàu đẹp, phồn thịnh, sánh vai cùng bạn bè thế giới và cường quốc năm châu, đội ngũ doanh nhân đang nỗ lực góp sức hoàn thành sứ mệnh. Trên hành trình đó, doanh nhân không hề đơn độc mà còn có sự đồng hành của các tầng lớp trong xã hội để cùng nhau vững bước trên "con đường chúng ta đi".

Được xem là lực lượng tiên phong trong công cuộc phát triển đất nước, trong giai đoạn đổi mới đất nước, đội ngũ doanh nhân Việt đã có đóng góp to lớn trong "công cuộc thoát nghèo vĩ đại" của đất nước. Trong tương lai, doanh nhân sẽ tiếp tục là lực lượng nòng cốt đưa Việt Nam thoát khỏi mức thu nhập trung bình, trở thành một quốc gia giàu có, hùng cường trong khu vực và trên thế giới.

Có một doanh nhân nước ngoài từng nói rằng, với một doanh nhân, càng lên đỉnh của sự nghiệp, họ càng cô đơn. Và trên con đường kinh doanh, nhiều lúc họ cảm thấy đơn độc. Nhưng với doanh nhân Việt Nam thì lại khác. Ngày nay, khi xã hội và cộng đồng Việt Nam đã công nhận giá trị và sự đóng góp của doanh nhân cho xã hội, cho sự phồn thịnh của đất nước thì con đường của doanh nhân cũng là con đường chung của mọi tầng lớp trong xã hội.

Trên con đường đó, dù mỗi người đại diện cho mỗi tầng lớp, ngành nghề khác nhau,  vai trò và sứ mệnh khác nhau nhưng tất cả đều có chung một mối quan hệ cộng sinh, hỗ trợ nhau, doanh nhân cần họ, họ cần doanh nhân... cứ thế mà bao năm qua, doanh nhân và mọi tầng lớp xã hội đã cùng song hành trên "con đường chúng ta đi" để cùng phát triển và hoàn thành sứ mệnh xây dựng Tổ quốc đẹp giàu, xây dựng con người Việt Nam và đội ngũ doanh nhân Việt Nam sánh vai các cường quốc năm châu. 

Những chia sẻ của các giai tầng trong xã hội sau đây cho thấy, doanh nhân Việt Nam chưa hề và chưa bao giờ đơn độc. Trong sự thành công của họ và trên hành trình kinh doanh kiến quốc, làm giàu cho bản thân và đất nước, có cả mọi tầng lớp xã hội cùng đồng hành. 

TS. Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên trường đại học Kinh tế TP.HCM

-1465-1665476575.jpg

Trường đại học không chỉ là nơi dạy tri thức mà còn là nơi tạo ra tri thức mới, là trung tâm của sự đổi mới sáng tạo trong nền kinh tế. Chính vì thế, vai trò của người giảng viên đại học không chỉ cập nhật kiến thức cho doanh nhân mà còn đồng hành cùng doanh nhân tạo ra các tri thức mới, các ứng dụng mới từ các nghiên cứu khoa học hàn lâm và ứng dụng. Từ đó giúp doanh nhân có thể thử nghiệm các phát kiến mới này vào trong hoạt động của doanh nghiệp, làm gia tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm được làm ra, hay tối ưu hóa được các mô hình kinh doanh, thậm chí là tạo ra các cuộc cách mạng mới trong các lĩnh vực trong nền kinh tế. Thung lũng Silicon của Mỹ (nơi tập trung những công ty công nghệ hàng đầu của thế giới) được hình thành từ cái nôi là Đại học Stanford - một trong những ngôi trường danh tiếng và tạo ra nhiều tỷ phú nhất thế giới. Chính vì thế, người giảng viên và trường đại học sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc ươm mầm và truyền cảm hứng cho các thế hệ doanh nhân, định hướng tư duy, hoài bão và góp phần hình thành các giá trị cốt lõi để thành công cho người doanh nhân, cũng như là môi trường để thử nghiệm và nghiên cứu các giải pháp, các phát kiến đổi mới sáng tạo cho doanh nhân nói riêng và cho toàn xã hội nói chung.

Rất nhiều startup trên toàn thế giới được sinh ra từ các vườn ươm khởi nghiệp của các trường đại học trên thế giới và chính các doanh nhân thành công từ các startup này lại tiếp tục trở về trường để hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ở các ngôi trường này phát triển hơn nữa. Các doanh nhân thành đạt được thừa hưởng được các giá trị cốt lõi và văn hóa tiếp sức nên việc họ trở lại để hỗ trợ thế hệ trẻ, trở thành những người hướng dẫn, người dẫn đường cho các thế hệ sau trở thành truyền thống quý báu được tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác. Bên cạnh đó, kinh nghiệm thành công của các doanh nhân cũng sẽ giúp cho các giảng viên và sinh viên có thể gắn kết các kiến thức ở trường đại học với thực tiễn, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình cập nhật các kiến thức thực tế vào bài giảng.

Chuyên gia kinh tế Phan Thế Hải

-3421-1665476575.jpg

Doanh nhân là những chiến binh tiên phong trên mặt trận xóa đói giảm nghèo. Thương trường như chiến trường, gian khổ, khốc liệt và không ít cạm bẫy. Trên hành trình tìm kiếm lợi nhuận, tạo giá trị gia tăng cho xã hội họ không đơn độc theo kiểu "làm tất ăn cả” mà còn có nhiều người đồng hành với họ. Đặc biệt là các chuyên gia dạn dày kinh nghiệm.

Không ít người từng là doanh nhân lừng lẫy một thời, tung hoành ngang dọc để rồi khi tuổi cao họ chấp nhận "rửa tay gác kiếm" khi đã sở hữu một kho tàng khổng lồ về kiến thức, kinh nghiệm và sự từng trải. Ai đó muốn khởi nghiệp hoặc khởi động một dự án mới, xem qua họ có thể biết được triển vọng đến đâu, cần vượt qua những rào cản nào và mức độ thành công ra sao, những góp ý của họ xứng đáng là lời vàng ngọc. 

Ở Việt Nam, chúng ta có không ít chuyên gia kinh tế có uy tín mà rất nhiều doanh nhân mong muốn được diện kiến và tham vấn. Nguyễn Trần Bạt - nguyên Chủ tịch Investconsult được xem là một trong những "trí khôn" của người Việt. Ông là người tiên phong trong việc đưa các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và cũng chính là những người xử lý những rắc rối pháp lý cho các nhà đầu tư nước ngoài trong sự thiếu đồng bộ của nền tư pháp nước nhà. Ông Bùi Kiên Thành - một doanh nhân từng có những năm tháng hoạt động sôi nổi trên đất Pháp để rồi khi Việt Nam mở cửa, ông là người đồng hành với các nhà ngoại giao để bình thường hóa quan hệ với Mỹ. 

TS. Lê Đăng Doanh và nhiều chuyên gia khác nữa, họ là những người đã từng có cơ hội tiếp xúc với nhiều nền kinh tế thị trường tiên tiến để rồi có thể "đọc vị” được những rắc rối mà các doanh nghiệp non trẻ của Việt Nam có thể vấp phải khi làm ăn với nước ngoài. Họ đều là những chuyên gia để các doanh nhân có thể tham vấn khi gặp những bế tắc.

Các chuyên gia vốn là những người dày dạn kinh nghiệm, họ phải mất nhiều năm để quan sát và hệ thống hóa các quan điểm về thực tiễn về thương trường. Cùng với đó, họ học hỏi từ sách vở, từ kinh nghiệm của các danh nhân nổi tiếng, hệ thống hóa những tri thức đã được khái quát, tạo ra những quan niệm tương đối hoàn chỉnh về các mối liên hệ cơ bản và các quy luật của hiện thực khách quan. Bằng những kiến thức uyên bác của người đi trước, họ có thể giúp doanh nhân điều chỉnh các hoạt động thực tiễn để giúp doanh nhân hạn chế bớt những sai lầm. 

Tôi từng quan sát một số doanh nhân mới nổi như Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh, Trịnh Văn Quyết... và không khỏi lo ngại cho những bước đi liều lĩnh của họ. Nhưng rồi, khi họ đang lên như diều gặp gió khiến họ được tâng bốc, được tôn vinh mà quên mất rằng, mọi sự đều có giới hạn. Kết cục thế nào thì đã rõ. Giá như trong số họ có bỏ ra mấy triệu đô để được ăn trưa với một chuyên gia lão luyện như Warren Buffett để rồi nhận lấy một lời khuyên sẽ có thể cứu vãn được một sự nghiệp trị giá hàng tỷ đô.

Chị Nguyễn Thị Kim Chi - Nhân viên Công ty TNHH Skygen Group

-5273-1665476575.jpg

Với tôi, mọi người là một mắt xích trong dòng chảy của thị trường. Ở góc độ người tiêu dùng, việc đồng hành cùng doanh nghiệp với tôi là tiêu thụ hàng hóa và có những phản hồi về chất lượng sản phẩm cho đơn vị sản xuất để các doanh nghiệp nắm bắt được nhu cầu của thị trường. Đây là vòng tròn khép kín giữa sản xuất và tiêu thụ. Khi yêu cầu của người tiêu dùng càng cao thì chất lượng sản phẩm mà các doanh nghiệp sản xuất càng được cải thiện để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Tôi sẽ đồng hành cùng hàng Việt Nam, cùng những doanh nghiệp Việt Nam làm ăn chân chính, uy tín, trung thực, có trách nhiệm với cộng đồng, với người dân trong việc sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng tốt và thân thiện với môi trường. Người tiêu dùng Việt Nam rất thông minh, hiểu biết và có trách nhiệm với đất nước. Xu hướng hiện nay là người tiêu dùng sẽ ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam nếu sản phẩm đó bên cạnh việc đáp ứng được chất lượng, mẫu mã, chủng loại thì còn phải có trách nhiệm đồng hành với việc bảo vệ môi trường bền vững. Với các doanh nhân trẻ hiện nay, sự năng động, sáng tạo và những công nghệ mới của họ đã tạo được nhiều sản phẩm giá trị bắt kịp với xu thế 4.0. Tất nhiên, chúng tôi - những người tiêu dùng được hưởng lợi khi hàng hóa đa dạng hơn, chất lượng tốt hơn và giá thành cạnh tranh so với sản phẩm ngoại nhập. Hai sản phẩm chất lượng tương đương, giá thành như nhau, tất nhiên tôi sẽ ưu tiên hàng trong nước. Việc này để ủng hộ doanh nghiệp Việt. Người tiêu dùng sẽ tự nguyện dùng hàng Việt khi họ thấy được lợi ích từ hai phía - lợi ích của bản thân và lợi ích chung của nền kinh tế đất nước. Điều này chỉ có thể thực hiện được khi chất lượng và mẫu mã hàng Việt thực sự được chú trọng.

Ca sĩ Phương Trang

-9050-1665476575.jpg

Trong hành trình kinh doanh và thành công của doanh nhân, ít ai nghĩ giới ca sĩ, diễn viên, nghệ sĩ lại có thể đồng hành, hỗ trợ và đóng góp cho sự thành công của doanh nhân. Thực tế thì giới văn nghệ sĩ đã giúp cho doanh nhân và đồng hành với họ đi đến thành công không ít. Doanh nhân hiện nay có rất nhiều áp lực khi phải cạnh tranh khốc liệt trên thương trường. Trong tình hình hội nhập kinh tế toàn cầu, họ còn có áp lực khi liên tục cập nhật kiến thức, công nghệ để đứng vững trước thời buổi công nghệ số và yêu cầu ngày càng cao của khách hàng. Áp lực đó khiến họ cần sự thư giãn để giải tỏa căng thẳng nên việc giải trí và cảm thụ âm nhạc giúp họ thoải mái hơn, tạo được sự cân bằng trong cuộc sống. Đó cũng là lúc họ cần sự đồng hành cùng ca sĩ, nghệ sĩ, nhà văn để không chỉ thư giãn giải trí mà còn mở mang thêm kiến thức. Tôi đã từng đồng hành cùng các doanh nhân và thấy họ như những siêu nhân khi có cường độ làm việc khủng khiếp để hoàn thành công việc. Nhưng họ đã phải thừa nhận rằng nếu không có sự đồng hành của các ca sĩ, nhạc sĩ, diễn viên trong các chương trình sự kiện họ tổ chức thì giá trị thương hiệu của các sự kiện đó không được nâng cao như mong đợi và điều đó cũng tạo dựng giá trị thương hiệu của doanh nghiệp. Có nhiều chương trình chúng tôi đã hợp tác để cùng với doanh nhân đem lời ca, tiếng hát của mình đến với cộng đồng. Bên cạnh đó, giới nghệ sĩ là những gương mặt đại diện cho các nhãn hàng của các doanh nghiệp. Sự đồng hành đó đem đến niềm tin cho người tiêu dùng khi người nổi tiếng là nhân vật truyền thông của nhãn hàng, khán giả của các ca sĩ như chúng tôi sẽ ưu ái và lựa chọn sản phẩm mà thần tượng của họ là người đại diện.

-7332-1665476575.jpg

Phạm Nhật Quỳnh - Sinh viên trường Đại học Kinh tế K44

Các sinh viên là những thế hệ trẻ với nhiệt huyết sục sôi và hoài bão lớn lao sẽ là nguồn nhân sự kế thừa quan trọng cho doanh nghiệp và doanh nhân trong tương lai. Sinh viên sẽ là nguồn gió mới của doanh nghiệp với những ý tưởng sáng tạo, phá cách không theo lối mòn và đặc biệt là không ngại khó, ngại khổ, sẵn sàng dấn thân vào công việc phát triển doanh nghiệp. Chính nguồn nhân lực trẻ này sẽ giúp cho môi trường doanh nghiệp trở nên tươi trẻ, năng động hơn và đạt được những đột phá trong tương lai. Các bạn sinh viên khi còn ngồi trên ghế nhà trường tham gia vào các dự án khởi nghiệp hoặc thực tập tại các doanh nghiệp cũng sẽ đóng góp sức trẻ và sự sáng tạo của mình trong việc đổi mới sáng tạo tại đây, nếu doanh nhân và doanh nghiệp tận dụng tốt nguồn lực này sẽ đóng góp không nhỏ vào sự thành công của doanh nghiệp, đồng thời có thể chọn lọc ra được những nhân sự sáng giá cho vai trò lãnh đạo cấp trung và cấp cao kế thừa sau này.

Cựu nhà báo Lê Quốc Vinh

-1978-1665476576.jpg

Sứ mệnh của báo chí là mang thông tin hữu ích phụng sự cộng đồng, xã hội, trong đó báo chí cũng phát huy vai trò đồng hành cùng doanh nghiệp, thông qua việc thông tin tích cực, hữu ích về hoạt động của doanh nghiệp, về sản phẩm và dịch vụ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, hay những đóng góp tích cực của khối doanh nhân, thậm chí trước những thông tin chưa chính xác, sai lệch về doanh nhân, doanh nghiệp, báo chí luôn đồng hành, thông tin lại một cách chính thống thông tin và tạo lòng tin cho cộng đồng.

Ngoài ra, các nhà báo cũng phản ánh các mặt tích cực và chưa hoàn thiện của doanh nghiệp, doanh nhân giúp cho xã hội và cộng đồng tiếp cận đến sự thật và củng cố niềm tin vào hoạt động kinh doanh. 

Tuy nhiên, phản ánh thế nào là quan trọng. Đơn cử như một số vụ án gần đây liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp của Công ty Hoàng Minh; sự thao túng cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết... được báo chí, các nhà báo phản ánh đã góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, mang lại sự công bằng về đầu tư cho các doanh nhân, doanh nghiệp. 

Để hoàn thành sứ mệnh của báo chí, mỗi nhà báo cũng sẽ là bạn đồng hành trung thực của doanh nhân, doanh nghiệp.

BS. Nguyễn Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Hoàn Mỹ Thủ Đức

-8363-1665476576.jpg

Trong thời gian qua, với nhiều thách thức và biến động do đại dịch Covid-19, doanh nhân đã tích cực đồng hành cùng với ngành y tế chống dịch. Cụ thể, đội ngũ doanh nhân TP.HCM đã đóng góp nhiều trang thiết bị y tế, xe cứu thương, máy thở và nhiều thiết bị khác cho các bệnh viện, trung tâm y tế, có những doanh nhân còn bỏ cả công sức phối hợp với ngành y tế để cùng chung tay dập dịch và cống hiến nhiều cơ sở khám chữa bệnh cho nhân dân, ví dụ như bệnh viện dã chiến.

Trong giai đoạn dịch bệnh, ngành y tế ngoài việc nỗ lực phòng, chống dịch cũng hỗ trợ doanh nghiệp truy vết, cách ly cho công nhân để doanh nghiệp yên tâm tiếp tục sản xuất, duy trì hoạt động kinh doanh, tiếp tục cung ứng dịch vụ và sản phẩm cho người dân và thành phố.

Trong giai đoạn hồi phục kinh tế và hậu Covid-19, ngành y tế tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp để chăm sóc cho sức khỏe nhân dân cải thiện các căn bệnh hậu Covid-19. Trước đó, ngay cả khi không có dịch bệnh, doanh nhân cũng hỗ trợ nhiều cho các chương trình từ thiện, góp công góp của đồng hành cùng ngành y tế chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng và nhân dân.

Thời gian tới, để doanh nghiệp và ngành y tế tiếp tục gắn kết đồng hành cùng phát triển, kiến nghị của tôi là nên có những diễn đàn để doanh nhân và đội ngũ y bác sĩ ngành y tế biết thêm những hoạt động của nhau, theo đó cùng hỗ trợ và đầu tư có hiệu quả mang lại giá trị cho cộng đồng và xã hội. 

Luật sư Nguyễn Văn Bắc - Đoàn Luật sư TP.HCM

-2736-1665476576.jpg

Trên hành trình kinh doanh, không phải doanh nghiệp nào hiểu rõ về vấn đề pháp lý, những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, hệ lụy phát sinh các tranh chấp thương mại...

Ví dụ, thời gian Nhà nước ban hành chỉ thị 15, 16 giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp ngưng hoạt động nên nhiều tranh chấp thương mại cũng  xảy ra như tranh chấp tiền thuê mướn mặt bằng. Trong khi đó, các gói cho vay đầu tư hoặc hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi hoạt động kinh doanh sau dịch bệnh Covid-19 rất khó tiếp cận vì thủ tục hành chính qua nhiều khâu xét duyệt, các doanh nghiệp phải cung cấp nhiều hồ sơ giấy tờ chứng minh thiệt hại mới được cấp vốn vay.

Một số thủ tục hành chính cũng gây khó khăn cho các doanh nghiệp khi lưu thông hàng hóa nội địa và xuất nhập khẩu, lưu kho... Với những khó khăn đó, nhiều luật sư đã tham gia hỗ trợ tư vấn phương án giải quyết phù hợp để đảm bảo quyền lợi giữa các bên. Tránh việc xảy ra các tranh chấp; hỗ trợ các doanh nghiệp trong suốt quá trình duy trì hoạt động kinh doanh trong và phục hồi sau đại dịch Covid-19. Hoạt động tư vấn miễn phí, giảm phí...); linh hoạt ứng biến để cùng đồng hành với các doanh nghiệp, luật sư đã trao đổi thông tin cũng như làm việc trực tuyến với các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, khó tiếp cận được tình hình thực tế đòi hỏi luật sư phải tăng cường hoạt động thu thập thông tin từ nhiều nguồn khác nhau và chọn lọc thông tin chính xác, chính thống, đúng với thực tế để tư vấn và xử lý công việc hiệu quả nhất cho doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chúng ta cùng đồng hành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO