Chủ tịch Quân Đạt - người "dám dùng người giỏi hơn”

15/01/2016 02:07

Sống có đức mặc sức mà ăn, mình chẳng có gì tài giỏi, chỉ hơn người ở chỗ dám dùng người giỏi hơn mình, thậm chí có tiếng nói khác mình, mình nghe hết, nhưng nhờ thế mình có những quyết định đúng.

Chủ tịch Quân Đạt - người

Khởi nghiệp chỉ bằng hai bàn tay trắng, vốn liếng duy nhất là tình yêu nghề và sự ham học hỏi, lòng biết ơn đã đưa đến cho ông những nhân duyên kỳ lạ.

Bắt đầu từ một xưởng gia công nhỏ năm 1991 với 5 công nhân, ông Nguyễn Đình Đạt, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Quân Đạt đã đưa Quân Đạt trở thành một trong những công ty nhôm kính hàng đầu Việt Nam với ba nhà máy lớn ở TP.HCM, Bình Dương, Hà Nội.

Quân Đạt đã tạo dấu ấn qua các công trình như sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Phú Quốc, sân bay Đà Nẵng, tòa nhà cao nhất TP.HCM Bitexco, Times Square… và giờ đây đang phát triển mạnh ra các thị trường Myanmar, Campuchia, Úc…

Ít ai biết ông khởi nghiệp chỉ bằng hai bàn tay trắng. Vốn liếng duy nhất là tình yêu nghề, sự ham học hỏi và… lòng biết ơn đã đưa đến cho ông những nhân duyên kỳ lạ. Thành đạt, giàu có, nhưng ông khá kín tiếng. Và đây là lần đầu tiên ông trải lòng về những quyết định đã làm nên số phận mình:

“Không phải không có tiền là không làm gì được”

* Hơn 20 năm lăn lộn với nghề nhôm kính, trải qua bao thăng trầm của đời doanh nhân, nhìn lại đời mình, quyết định nào đã thay đổi số phận của ông?

- Đó chính là quyết định từ một người làm thuê chuyển sang làm chủ.

Tôi xuất thân là kỹ sư cơ khí của xí nghiệp Tân Á, một công ty con của Cadivi. Hồi đó mới lấy vợ, sinh con, trong tâm khảm tôi luôn muốn vươn khỏi hệ thống nhà nước để mở xưởng sản xuất riêng, kiếm tiền nuôi con thôi, chứ chả nghĩ làm quan làm tước gì.

Thời điểm 1990, đất nước mới mở cửa, nghề nhôm kính vẫn là khái niệm rất mới, xa xỉ phẩm, ai nhiều tiền mới làm. Ngành dây điện nếu đầu tư thì rất tốn tiền, nên tôi đã chọn cửa nhôm vì đầu tư ít.

Khởi sự… không đồng, máy móc thiết bị đi thuê hết hoặc tự chế, vì mình là dân cơ khí. Tuyển mộ bắt đầu là 3, sau đến 5 người tâm huyết cũng có nghề cơ khí làm amateur như mình. Đôi khi nửa năm không có việc làm, chẳng có tiền trả lương, nhưng anh em vẫn gắn bó.

Nhiều người nói tôi điên, đang làm kỹ sư Nhà nước ổn định sao nhào vô cái nghề chỉ cần thợ hàn, thợ thiếc! Cái đó mới là áp lực lớn nhất. Tôi nhớ mãi ông Mão, thợ bậc 7 tuyển vô làm thợ hàn, nhưng sau này ở lại giữ xưởng luôn. Quyết tâm giữ ông vì người tốt, giỏi nghề, sau này tôi còn nhận con cái ông vào làm việc luôn để đền ơn cho ông ấy.

* Từ một xưởng nhỏ, để có thể có được một đối tác Nhật lớn như YKK, một khách hàng lớn đầu tiên như Yoco lại là câu chuyện hoàn toàn khác?

- Trong đợt đi Hà Nội, tình cờ thấy được catologue về kỹ thuật của tập đoàn YKK, là dân cơ khí, đọc catalogue tôi ngỡ ngàng, sau này mới biết đó là tập đoàn hàng đầu Nhật Bản. Họ không cho mượn, cũng không cho photo. Về Sài Gòn nói chuyện với một người bạn làm xuất nhập khẩu nhà nước, thông qua quan hệ của anh, tôi đã tìm được YKK.

Đó là một nhân duyên không bao giờ lặp lại lần thứ hai trong đời. Vì thời đó mới mở cửa, giao tiếp với doanh nghiệp nước ngoài khó khăn vô cùng. Khi tập đoàn YKK mang mẫu sản phẩm và toàn bộ kỹ thuật sang Việt Nam cho tôi, tôi mừng hơn được vàng.

Nhưng khổ nỗi lúc đó tôi chẳng có cơ sở gì để tiếp phái đoàn YKK, vì chưa mở công ty, chỉ có một cái xưởng nhỏ xíu. Nhờ giám đốc Nhà nước làm đại diện, tôi trong vai quản đốc phân xưởng. Họ đã vô cùng ngạc nhiên khi nhìn những máy móc thô sơ của tôi, vì so với sản phẩm của họ, mình chẳng giống ai.

Mãi sau này, khi thân thiết, trong một bức thư, vị giám đốc đối ngoại toàn cầu YKK đã viết vì sao ông chọn tôi làm đối tác: “Chúng tôi tìm đến anh không phải vì anh có tiền, tôi quý trọng anh vì anh có khát vọng, biết làm ăn, yêu nghề và chịu học, biết vươn lên từ số không”. Chính cuộc gặp gỡ này đã giúp Quân Đạt hoàn toàn lột xác.

>>10 bài học kinh doanh từ Mr.Wonderful Kevin O'Leary

Tìm được sản phẩm tốt rồi nhưng lúc đó đâu có tiền, gần một năm sau người ta cứ nhắc có đặt hàng không, mình mắc cỡ. Xưởng cơ khí làm “lụi” thôi mà, giống như hên, anh Nguyễn Hồng Hà đang chuẩn bị làm nhà, đưa mẫu YKK anh thấy hàng xịn quá, thế là cho tôi mượn hai chục ngàn USD nhập lô hàng đầu tiên. Lúc ấy số tiền này với tôi là lớn lắm. Căn nhà xây năm 1993, giờ vẫn còn đẹp.

Tiếng lành đồn xa, năm 1995, chủ dự án tòa nhà Yoco đã... chờ mình thành lập công ty để ký hợp đồng! Trên tinh thần “Người Việt dùng hàng Việt”, họ đã dành cho mình cơ hội đó, chính điều đó đã giúp tôi có cuộc đổi đời.

Sau đó, tôi rút ra bài học là không có tiền không làm được gì hết, nhưng cũng không phải không có tiền là không làm gì được.

* Từ một chàng kỹ sư Bách khoa Đà Nẵng, để làm chủ ba nhà máy lớn và thực hiện những công trình trọng điểm quốc gia như các sân bay, nhà cao tầng… ông đã phải thay đổi thế nào để thích hợp với tầm vóc mới?

- Tôi vốn là dân kỹ thuật mà, đâu phải dân kinh doanh. Trong suốt thời gian hoạt động, khó khăn ghê lắm vì xuất phát vốn ít, chủ yếu là tích lũy, suốt bao năm lời đồng nào ka2 đều tái đầu tư hết vào công ty, không rút tiền ra làm bất cứ điều gì.

Nhờ duyên lành đưa đẩy và tình yêu nghề tạo động lực lớn nhất, chứ tôi đâu có nghĩ một ngày đẹp trời mình có tiền. Khi đã đam mê, tự nhiên tạo sức hút kéo được những kỹ sư giỏi của Bách khoa Đà Nẵng về hết công ty, truyền lửa để họ đồng hành với mình, sau mấy chục năm anh em đều nằm ở lãnh đạo chủ chốt.

Thị trường Việt Nam bắt đầu khởi sắc, hòa nhập với thế giới, mình vừa được học công nghệ từ các quốc gia khác nhau, vừa phải mời những người có đầu óc kinh doanh để về giúp mình phát triển hệ thống bán lẻ, để ngóc ngách nào của Việt Nam cũng biết mặt hàng của mình.

Phải luôn cầu thị, lắng nghe, trao đổi bình đẳng với anh em, tìm giải pháp tốt nhất cho công việc. Tôi muốn xây dựng công ty dựa vào sức mạnh tập thể, nhất là thế hệ trẻ.

* Khởi nghiệp từ lúc đầu xanh đến giờ tóc đã điểm sương, ông đã vượt qua những thách thức nào lớn nhất của kinh doanh, thời cuộc, con người?

- Khó nhất là khi thị trường chưa biết mình là ai, không bán được, mình phải giữ vững niềm tin.

Thời điểm kinh tế khủng hoảng 96-97, không ai mua cửa nhôm, mình phải mượn tiền ngân hàng để trả lương anh em, có lúc ở lằn ranh giữa sống và chết! Nhưng kinh doanh có quy luật, khi kinh tế phục hồi thì công ty mình lại lớn lên, lấy được hợp đồng lớn.

Năm 2014, thị trường bất động sản đóng băng, Quân Đạt cũng rất khó khăn, làm huề vốn, không lãi cũng làm để có chi phí nuôi quân. Khi đã làm phải là chất lượng cao nhất, để đời luôn. Trong 10 tòa nhà lớn đang hiện hữu ở Sài Gòn thì 7 công trình là Quân Đạt thực hiện.

Tôi tự hào vì đó là bảng thành tích không dễ dàng, mất gần 20 năm. Cách vượt qua khó khăn của tôi là tiền bạc có thể mất, nhưng bằng mọi giá phải giữ được đội ngũ chủ lực, vì có họ công ty mới phát triển. Đây là nghề đòi hỏi sự cộng tác của nhiều người, phải giữ đội hình, nuôi họ bằng mọi cách, từ thợ cho tới thầy.

* Điều gì từ chính ông đã thu phục được nhân tâm?

- Ngoài truyền lửa đam mê với nghề là tấm lòng chia ngọt xẻ bùi, đồng cam cộng khổ, khó cùng chia, được cùng hưởng, đó là điều quan trọng nhất anh em ở lại với mình.

Chia sẻ quyền lợi cho anh em trước sau đó mới nghĩ đến mình, lời lỗ đều công bố minh bạch. Mấy chục năm nay những phần chia sẻ đều theo sự đóng góp của từng cấp bậc, chưa bao giờ mình lấy hơn những gì mình cần phải lấy.

Gắn bó với anh em, bảo đảm nguồn sống cho họ, không bao giờ tôi nghĩ công ty là nguồn sống cá nhân. Sau khi xây dựng xong nhà máy ở Bình Dương, Quân Đạt sẽ cổ phần hóa để chia sẻ lợi nhuận với tất cả mọi người.

Sống có đức mặc sức mà ăn, mình chẳng có gì tài giỏi, chỉ hơn người ở chỗ dám dùng người giỏi hơn mình, thậm chí có tiếng nói khác mình, mình nghe hết, nhưng nhờ thế mình có những quyết định đúng. Thâm tâm tôi luôn biết ơn họ, những anh em, những người cộng tác, sau đó là khách hàng.

Anh em lớn tuổi theo luật phải về hưu, nhưng nếu ai còn sức có thể ký hợp đồng lại với công ty, làm chuyên môn hoặc giữ vai trò tư vấn. Bên cạnh đó là chính sách đào tạo đối với con cái họ để mang đến những cơ hội công việc tốt nhất. Để thế hệ trẻ tiếp cận với giá trị thương hiệu, công ty không quản trị trên nền tảng gia đình mà trên nền tảng tập thể, chia sẻ theo hình thức công ty cổ phần.

Thế hệ trẻ được đào tạo, rèn luyện, truyền lửa, yêu nghề, định hướng phát triển công ty theo hướng người sáng lập. Bất cứ ai có khả năng đều được cất nhắc, nhờ thế chúng tôi đã có được đội ngũ kế thừa 8X, 9X rất năng động…

>>Khi nào nhà lãnh đạo nên rút lui?

* Riêng con trai ông vừa du học từ Mỹ về và đang đảm nhiệm vai trò trợ lý Tổng giám đốc thì sao?

- Con tôi hạnh phúc vì tôi có trách nhiệm, quan tâm đến con, đào tạo giáo dục bài bản từ Mỹ và dạy dỗ về bổn phận gia đình. Tôi tin cháu đủ sức đứng vững, có thể kiếm công việc nào thích hợp nhất.

Tôi không muốn cháu phải chịu áp lực từ cái bóng của cha. Biết đâu nhiều khi con làm giỏi hơn mình, nhưng có thể bị nghi ngờ núp bóng cha. Con có thể tự do chọn lựa, không chịu áp lực. Cái gì đến sẽ đến, ép là tự hại con. Tôi rất nhẹ nhàng.

Đây là sự nghiệp mình theo đuổi từ thời thanh niên, xây thì khó, phá thì dễ. Hãy để cho những ai xứng đáng tiếp quản công ty. Tất cả những người bắt con giữ “từ đường” có kết cục chẳng bao giờ tốt. Tôi không muốn con đi vào vết xe đổ đó.

“Bất cứ cuộc gặp gỡ nào cũng là nhân duyên”

* Con người tình nghĩa và con người kinh doanh trong anh có bao giờ mâu thuẫn với nhau không?

- Chẳng có gì mâu thuẫn nếu mình nghĩ đến đại cục là Quân Đạt. Tôi rất nghẹ nhàng và thanh thản khi quyết định, kể cả lúc thăng trầm và khó khăn nhất.

Sự thăng trầm của doanh nghiệp luôn biến thiên theo thời cuộc, quan trọng nhất là giữ được tình người, sự thấu hiểu, đồng cam cộng khổ và chấp nhận chiến đấu với mình.

“Lính” của tôi từ người thợ, kỹ sư giờ ra mở công ty riêng làm như Quân Đạt cũng đến hàng trăm. Tôi xem họ là những vệ tinh, khi cần tập hợp lại để họ đứng trong đội hình Quân Đạt, chia sẻ cơ hội cùng kiếm tiền, đâu phải mất họ đâu. Đó là giá trị nhân văn vô giá mà tôi nhận được.

* Quân Đạt sẽ ứng phó thế nào với năm 2016 đầy thách thức, khi hiệu ứng TPP tràn vào và câu chuyện tỷ giá hối đoái toàn cầu?

- Từ lúc sinh ra đến giờ không dựa vào bất cứ sự độc quyền nào để tồn tại, cạnh tranh trên thị trường sòng phẳng, nên TPP là cơ hội rất tốt cho Quân Đạt. Chúng tôi có năng lực chuyên môn và năng lực thị trường. Ngoài thị trường Đông Nam Á, chúng tôi đang nhắm đến thị trường Úc, châu Phi, Campuchia, sắp tới sẽ là Lào.

Chiến lược lớn nhất của tôi trong tương lai là hướng về thị trường Mỹ. Nhà máy ở Bình Dương đang tập trung phát triển sản phẩm cho các dự án lớn và thị trường xuất khẩu, và chuẩn bị xây nhà máy mới ở miền Trung. Đẩy mạnh doanh số xuất khẩu để cân đối tỷ lệ nội địa, lấy ngoại tệ cũng là tốt cho doanh nghiệp và quốc gia.

Tỷ giá hối đoái toàn cầu chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp, nhất là thị trường nhôm biến thiên từng giờ, như dầu mỏ và vàng vậy. Tất nhiên biến động từ nhôm vào dự án không như nguyên liệu. Sự chủ động của Quân Đạt là tùy theo nhạy cảm và dự đoán của mình, một là lời nhiều, hai là bớt lỗ. Thời điểm chốt nếu biến động sẽ mua bảo hiểm tỷ giá để cắt bớt lỗ, đó cũng là một cách.

* Nhìn lại những được mất của đời mình, ông có một niềm tin tôn giáo nào không?

- Từ trẻ tôi đã hấp thu tinh thần Phật giáo, nhưng không tin lắm. Sau bao thay đổi, thử thách, chiêm nghiệm lại thấy có một duyên phận. Nhân quả hết. Bất cứ cuộc gặp gỡ nào trong kinh doanh và cuộc sống cũng là nhân duyên, không có bỗng nhiên.

Phật giáo nói gieo nhân nào gặp quả ấy, cứ làm điều thiện sẽ gặt hái quả lành. Niềm tin đạo Phật với tôi là tin vào quy luật, tin vào khoa học để sống. Trong Phật giáo có từ "ngộ), không có gì mất mà không được, không có gì được mà không mất. Xử lý khủng hoảng trong cuộc sống riêng tư và trong xã hội đều phải chấp nhận tính hai mặt của vấn đề, làm sao cân đối để tổn thất nhỏ nhất thôi.

Tiền nhiều chưa chắc mang lại hạnh phúc. Bao nhiêu người có tiền mà đau khổ đấy. Cuộc sống thiếu niềm tin sẽ không bền vững, phải có niềm tin để giữ mình.

>>5 yếu tố cần có ở CEO

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chủ tịch Quân Đạt - người "dám dùng người giỏi hơn”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO