Một lần, trước cửa thang máy, cô trợ lý giám đốc người thấp bé khệ nệ mang vác ba lô, máy tính nặng trĩu.
Những người xung quanh đều lớn tuổi hơn cô gái, hoặc là sếp của cô vẫn đang ung dung trò chuyện với nhau. Rồi một người đàn ông đi đến, ông ấy vừa đỡ lấy cái ba lô, vừa nói vui: "Cái con chim chích này, gãy hết lưng bây giờ, để chú giúp một tay". Mọi người xung quanh cười gượng gạo. Người đàn ông đó là một doanh nhân nổi tiếng ở Sài Gòn trong ngành cơ khí.
Thỉnh thoảng ở chỗ này chỗ kia, doanh nhân Việt được mời đến một buổi gặp gỡ, giao lưu về văn hóa, thực chất là tập huấn ứng xử giao tế, tư vấn trang phục cho đối tượng doanh nhân.
Nhưng cái sai lầm của những buổi tư vấn ấy lại thiên về cái to tát, lớn lao, ví dụ như chỉ lo lắng cho doanh nhân trông thế nào trong mắt các đối tác, chứ không phải một người luôn lịch lãm giữa đời thường. Chỉ bày vẽ chuyện cho thật sang trọng bên ngoài, chứ không nhấn mạnh cái sức mạnh mềm đến từ bên trong tinh thần, tâm hồn.
Một doanh nghiệp tuyển dụng cùng lúc ba nhân viên kinh doanh với mức lương khá. Sau một thời gian, doanh số không được cải thiện. Thì ra chủ doanh nghiệp này tưởng các nhân viên kia sẽ đem được khách của công ty cũ về bên mình.
Không có khách hàng nào chạy theo những người bán hàng "phản chủ” cả, đặc biệt là trong các ngành dịch vụ có liên quan đến du lịch và văn hóa. Những điều sơ đẳng trong văn hóa kinh doanh không được coi trọng dẫn đến sai lầm chủ "ngây thơ” sử dụng những nhân viên "ngây thơ”, bỏ qua nhiều cơ hội về thời gian và tiền bạc.
Các đối tác thường không có cảm giác tin cậy khi phải tiếp tục làm việc với một "người cũ” nhưng nay đi đầu quân một công ty đối thủ cạnh tranh. Tận dụng nhân viên cũ của đối thủ là một phương án dở nhất, và luôn mang lại "tì vết" cho văn hóa kinh doanh của công ty.
Trong kinh doanh, thường có hai con đường. Có những người kinh doanh bằng cách đi đào xới những mối quan hệ quen biết làm căn bản thuận lợi, chèn ép đồng nghiệp. Lại có những người chấp nhận khó khăn, lấy cái mạnh mẽ bên trong của mình làm căn bản, tự tạo ra sản phẩm mới bằng hiểu biết, trải nghiệm, tự tạo ra lối kinh doanh mới, khách hàng mới.
Và kết quả có khi cũng ngang nhau về độ thành công. Nhưng cuộc sống của người thích sáng tạo, thích đi bằng đôi chân của mình luôn tươi mới, mạnh mẽ vì họ chỉ dựa vào duy nhất cái sức mạnh đến từ tinh thần của bản thân.
Người dựa vào những mối quan hệ "sân sau sân trước" thì tâm tính nóng lạnh theo "thời tiết quan hệ”, theo những tủi nhục trường đời đưa lại, có học mãi cũng chỉ rước vào tâm hồn những khoảng tối u ám vì cái lối kinh doanh chụp giựt ngắn hạn, thiếu minh bạch kia. Được việc thì thành đại nhân, hỏng việc sa cơ là lộ nguyên hình tiểu nhân cũng không có gì lạ.
Có những câu chuyện thể hiện bản lĩnh văn hóa doanh nhân rất rõ qua các cuộc tranh luận về thị trường bất động sản gần đây. Nhiều doanh nhân có tên tuổi cũng tham gia ý kiến, nhưng khi không đủ trình độ để tranh luận về lý thuyết kinh tế và thị trường, đã quay sang chỉ trích vấn đề cá nhân của đối thủ tranh luận.
Thật là sai lầm không bao giờ có thể sửa chữa. Bởi vì lời nói tầm thường cũng đã hiển hiện trên phương tiện thông tin đại chúng rồi, người ta cũng hiểu bản chất làm ăn chụp giặt trên một thị trường sáng tối lẫn lộn, giờ không còn đắc ý nữa nên trút giận vào người nói trái ý mình.
Nhưng trút giận kiểu ấy, bao nhiêu uy danh còn sót lại chắc cũng đổ sổng đổ biển hết trong mắt khách hàng và xã hội. Đó là điều đáng tiếc không nên có đối với doanh nhân.