Theo đó, UBND TPHCM kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị định về thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Trong đó, quy định rõ các loại kiểm tra, giám sát hoạt động của doanh nghiệp, việc lập và phê duyệt kế hoạch kiểm tra, nội dung, các bước tiến hành, thẩm quyền, văn bản kết luận, xử lý…
Quy định chế tài đối với trường hợp doanh nghiệp cố tình né tránh hoặc không hợp tác, không tiếp đoàn kiểm tra, không cử người đại diện có thẩm quyền tiếp đoàn kiểm tra, không cung cấp hoặc cung cấp không kịp thời các hồ sơ, tài liệu liên quan công tác kiểm tra…; ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 và Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 trong đó quy định việc doanh nghiệp thay đổi chủ sở hữu, thành viên, cổ đông, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp không phải là chuyển nhượng dự án quy định tại Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai, Luật Đầu tư và quy định của pháp luật có liên quan.
Trong xử lý vi phạm hành chính, Chính phủ cần bổ sung việc đình chỉ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, đình chỉ hoạt động ngành, nghề vi phạm, đình chỉ kinh doanh đối với địa chỉ vi phạm có thời hạn…
Đình chỉ hoạt động của doanh nghiệp do doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thường xuyên để xảy ra vi phạm hành chính trong hoạt động của doanh nghiệp; khi doanh nghiệp hoạt động không tuân thủ các quy định của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch đô thị, Luật bảo vệ môi trường, quy hoạch đô thị… sẽ bị đình chỉ sản xuất kinh doanh, bắt buộc di dời, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Đặc biệt, cần tăng mức phạt đối với tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, hộ kinh doanh vi phạm nhiều lần cùng hành vi; đình chỉ kinh doanh có thời hạn đối với tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân không thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà tiếp tục tái phạm cùng hành vi...
UBND TP.HCM cũng kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Chính phủ quy định về đình chỉ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đình chỉ hoạt động ngành, nghề vi phạm, không được kinh doanh đối với địa chỉ vi phạm có thời hạn… khi doanh nghiệp có hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng lề đường làm nơi để xe, kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội (ma túy, mại dâm), phòng chống cháy nổ… không chấp hành các quyết định xử lý vi phạm hành chính, vi phạm từ hai lần trở lên; quy định xử lý trường hợp doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh tại địa điểm không phù hợp quy định của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Bảo vệ môi trường, quy hoạch đô thị… thuộc trường hợp đình chỉ, bắt buộc di dời hay thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Đáng chú ý, để tránh tình trạng doanh nghiệp “ma”, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần phối hợp với Bộ Công an ban hành quy định về việc phối hợp giữa cơ quan đăng ký kinh doanh với cơ quan công an trong đó xác định nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là giả mạo gồm những nội dung gì, tên cụ thể cơ quan nào thuộc cơ quan công an là cơ quan có thẩm quyền xác định nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là giả mạo, xử lý đối với các trường hợp sử dụng giấy tờ chứng thực cá nhân người khác để đăng ký thành lập doanh nghiệp;
Ban hành quy định, quy trình phối hợp với cơ quan nào để xác định người thành lập, quản lý doanh nghiệp thuộc trường hợp bị cấm thành lập, quản lý doanh nghiệp để làm cơ sở thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; nâng cấp hệ thống thông tin hậu kiểm doanh nghiệp hiện có trong Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp của tất cả các cơ quan từ Trung ương đến địa phương...