TP.HCM: Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông
UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch triển khai đề án “Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông TP.HCM” năm 2024-2025.
Theo đó, TP.HCM nghiên cứu, tích hợp nội dung đề án vào lĩnh vực được giao quản lý, bám sát các mục tiêu, nguyên tắc, nhiệm vụ chiến lược và các chương trình hành động để đề xuất phương pháp phối hợp, nguyên tắc đánh giá, quản lý theo từng giai đoạn và tổng kết việc thực hiện kế hoạch.
Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất các tiêu chuẩn, quy định thu thập và quản lý dữ liệu có liên quan vào pháp lý quy hoạch, quy định quản lý đất đai, kè sông và hành lang bảo vệ bờ sông; phối hợp góp ý điều chỉnh Quyết định 22/2017/QĐ-UBND ngày 18/4/2017 của UBND Thành phố đảm bảo phù hợp thực tiễn quản lý đầu tư xây dựng.
Mặt khác, xác định và xây dựng bản đồ vị trí các kè sông hiện hữu trên sông Sài Gòn đề xuất lộ trình, kế hoạch, giải pháp xây dựng kè sông, từ đó, đề xuất khai thác sử dụng và phát huy có hiệu quả đối với nguồn lực đất đai tại các khu vực dọc sông Sài Gòn, đảm bảo cân bằng nguồn lực đất đai phục vụ đầu tư xây dựng công trình, đồng thời, cải tạo cảnh quan, môi trường tự nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu tại khu vực. Đề xuất các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực quản lý, thu hút chuyên gia phục vụ các nhóm ngành kinh tế dịch vụ liên quan.
Bên cạnh đó, rà soát quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất dọc sông Sài Gòn trong phạm vi hành lang bảo vệ bờ sông. Xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp (bến bãi, hạ tầng kỹ thuật, kè bảo vệ bờ sông, vị trí tiềm năng phát triển, cầu kết nối...) trên nền tảng từ các thông tin đề án quản lý ngành, chương trình phát triển du lịch, quản lý nông nghiệp, công nghiệp và các đồ án quy hoạch… đồng bộ các chủ trương, phương án kết nối đề xuất ý tưởng điều chỉnh quy hoạch phát triển hành lang sông Sài Gòn.
Ngoài ra, phối hợp đề xuất với các đơn vị liên quan đảm bảo hành lang pháp lý về quy định quản lý sử dụng để sớm điều chỉnh hoàn thiện phương án xây dựng kè tạm, kè kiên cố, hạ tầng xanh, giao thông ven sông đặc biệt có chính sách hỗ trợ khuyến khích nhà đầu tư, ưu tiên triển khai các hạng mục công trình công cộng bến bãi đậu tàu thuyền, thương mại, dịch vụ, công viên. Hợp tác quốc tế nghiên cứu chiến lược quy hoạch và quản lý phát triển, đề xuất các mô hình hạ tầng xanh (hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội) sử dụng hành lang dọc sông Sài Gòn hiệu quả.
Theo UBND TP.HCM, việc triển khai và thực hiện có hiệu quả kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông TP.HCM, giai đoạn 2020-2025” đáp ứng các nội dung nhiệm vụ và công việc đề ra, định hướng lộ trình triển khai thực hiện trong giai đoạn tiếp theo.
Đồng thời, phát huy những giá trị văn hóa lịch sử sinh thái tạo đặc trưng của đô thị nhằm tăng sức cuốn hút, tiềm năng phát triển kinh tế dịch vụ dọc sông Sài Gòn. Trên cơ sở rà soát, nghiên cứu và hoàn thiện cơ chế, quy hoạch làm cơ sở triển khai các dự án đầu tư xây dựng kè bờ sông, hạ tầng xanh đa chức năng cải thiện môi trường đô thị, đóng góp cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế dịch vụ tri thức và công nghệ cao; lựa chọn các giải pháp khả thi, phương thức thực hiện có hiệu quả để đảm bảo nội dung và tiến độ triển khai đề án.
Bên cạnh đó, tổ chức triển khai và bổ sung yêu cầu quy hoạch phát triển không gian khu vực dọc bờ sông Sài Gòn vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Theo đề án “Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông TP.HCM giai đoạn 2020-2045”, TP.HCM chia sông Sài Gòn ra 2 vùng, gồm vùng thượng lưu từ hồ Dầu Tiếng đến cầu Phú Long (quận 12) và vùng trung - hạ lưu từ cầu Phú Long đến ngã ba Mũi Đèn Đỏ (ngã ba sông Sài Gòn - sông Soài Rạp - quận 7). Dự án được chia theo lộ trình để thực hiện.
Từ nay đến năm 2025, Thành phố sẽ triển khai chương trình hành động cải tạo, chỉnh trang hành lang sông Sài Gòn - khu vực trung tâm Thành phố gắn với các đề án phát triển kinh tế, dịch vụ; ban hành và triển khai quy chế, quy định, hướng dẫn quản lý phát triển hành lang sông nước.
Từ năm 2025-2045, triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng xanh tích hợp với hoạt động du lịch và kinh tế, dịch vụ giải trí, đồng thời hoàn chỉnh pháp lý về quy hoạch tại khu vực dọc sông…
Đồng thời, Thành phố định hướng phát triển chuỗi không gian dọc bờ sông Sài Gòn có đặc trưng bản sắc môi trường bản sắc đô thị sông nước. Từng bước xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đa chức năng kết nối các tiện ích công cộng.