Thời sự

TP.HCM nỗ lực phát triển kinh tế số đóng góp khoảng 40% GRDP

Thanh An 09/09/2024 10:16

TP.HCM đặt mục tiêu phấn đấu phát triển kinh tế số đóng góp khoảng 40% GRDP của Thành phố đến năm 2030.

UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định về thực hiện Chương trình hành động số 54-CTrHĐ/TU ngày 22/4/2024 của Thành ủy TP.HCM, thực hiện Kết luận số 69-KL/TW ngày 11/1/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 1/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Theo đó, TP.HCM tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới, phát triển mạnh kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được phát triển vững chắc, thực sự trở thành động lực tăng trưởng kinh tế - xã hội. Thúc đẩy ứng dụng nền tảng công nghệ trong xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có trọng tâm, trọng điểm, tạo lợi thế cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.

tphcm-trung-tam.jpg
Đến năm 2030, TP.HCM phấn đấu kinh tế số đóng góp khoảng 40% GRDP

Cụ thể, đến năm 2030, TP.HCM là đô thị thông minh, thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu về kinh tế, đi đầu trong hoạt động đổi mới sáng tạo. Phấn đấu kinh tế số đóng góp khoảng 40% GRDP của Thành phố.

Theo đó, TP.HCM sẽ có 5 tổ chức khoa học và công nghệ được xếp hạng khu vực và thế giới, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt 40% trong tổng số doanh nghiệp. Số lượng công bố quốc tế tăng khoảng 2 lần so với năm 2020. Số lượng đơn đăng ký sáng chế và văn bằng bảo hộ sáng chế tăng trung bình 16-18%/năm. Số lượng đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng tăng trung bình 12-14%/năm.

Tỉ lệ sáng chế được khai thác thương mại đạt 8-10% số sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ. Tỉ trọng đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào GRDP đến năm 2030 đạt từ 50% trở lên. Chi đầu tư cho khoa học và công nghệ của xã hội đạt bình quân trên 1%/GRDP trở lên, trong đó chi cho nghiên cứu và phát triển chiếm từ 65% trở lên. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 7%/năm trở lên.

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng phấn đấu xây dựng Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là hạt nhân liên kết mạng lưới các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và là nơi thu hút và tập trung các nguồn lực xã hội cho hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của Thành phố. Khu Công nghệ cao TP.HCM trở thành một trung tâm công nghệ cao mạnh của cả nước, là hạt nhân thúc đẩy sự phát triển của TP. Thủ Đức. Viện Công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo đi vào hoạt động ổn định, đóng vai trò chủ lực kết nối các trường đại học và khu vực công nghiệp trong tổ chức nghiên cứu, phát triển ứng dụng và đổi mới sáng tạo liên ngành, đa ngành trong bối cảnh Cách mạng 4.0.

Về tầm nhìn đến năm 2045, TP.HCM là thành phố công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm khoa học và công nghệ của khu vực Đông Nam Á.

Thời gian qua TP.HCM đã đẩy mạnh nhiều giải pháp để thúc đẩy kinh tế số phát triển. Hiện nay theo đo lường của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỉ trọng kinh tế số đóng góp vào GRDP của Thành phố năm 2023 là 21,5%, tăng 2,84% so với năm 2022. Dự kiến TP.HCM sẽ đạt chỉ tiêu đặt ra là kinh tế số đạt 25% vào năm 2025.

Trong đó, thương mại điện tử là lĩnh vực có đóng góp lớn nhất trong nhóm ngành dịch vụ vào GRDP của TP, chiếm tỉ trọng 14%. TP.HCM hiện nay là một thị trường thương mại điện tử sôi động, có quy mô và tốc độ tăng trưởng lớn 37%.

Đặc biệt trong năm 2024, TP.HCM chọn chủ đề là quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội để huy động toàn bộ hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp tham gia công tác chuyển đổi số.

Đồng thời, năm 2024 TP.HCM cũng sẽ hoàn thiện các nền tảng dùng chung thông qua việc ra mắt: Nền tảng số hoá, lưu trữ tài liệu điện tử; nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu; ứng dụng di động công dân Thành phố. Đẩy mạnh các nền tảng hệ thống thông tin chuyên ngành như: Tập trung cấp phép xây dựng; quản lý đất đai. Liên thông kết nối các nền tảng của Bộ ngành. Ứng dụng AI - Trợ lý ảo phục vụ người dân và cán bộ công chức. Chuẩn hóa theo Kiến trúc Chính quyền điện tử thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TP.HCM nỗ lực phát triển kinh tế số đóng góp khoảng 40% GRDP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO