TP.HCM hiện thực hoá mục tiêu “trung tâm logistics quốc tế”
TP.HCM, trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, sở hữu tiềm năng logistics vượt trội với vị trí địa lý chiến lược và hệ thống giao thông thuận lợi. Xác định logistics là ngành mũi nhọn, Thành phố đang nỗ lực vượt qua thách thức để vươn tầm quốc tế. Nhờ sự quyết tâm từ chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp (DN), các giải pháp tháo gỡ nút thắt đang được triển khai, mở ra cơ hội đưa TP.HCM trở thành trung tâm logistics hàng đầu, thúc đẩy xuất khẩu và kinh tế vùng.
1. Huy động nội lực, đánh thức tiềm năng
Với vị trí chiến lược và các điều kiện thuận lợi về giao thông, logistics là một trong những ngành mũi nhọn được Thành phố đặc biệt chú trọng. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa tiềm năng này, TP.HCM cần nhận diện những thách thức phải vượt qua.
Nhiều tiềm năng
Với hơn 9.600 DN hoạt động trong ngành logistics, chiếm hơn 36% tổng số DN logistics của cả nước, TP.HCM đang giữ vai trò chủ chốt trong việc kết nối giao thương không chỉ của khu vực phía Nam mà còn của cả nước. Thành phố sở hữu một hệ thống cảng biển, đường bộ và hàng không phát triển, tạo cơ sở vững chắc để TP.HCM trở thành trung tâm logistics lớn không chỉ ở khu vực Đông Nam Á mà còn trên toàn cầu.
Ông Nguyễn Công Luận - Phó trưởng phòng Quản lý Xuất Nhập khẩu Sở Công Thương TP.HCM, cho biết với những thuận lợi đặc thù về thương mại và vận tải quốc tế, TP.HCM đã và đang có vị thế lý tưởng để trở thành trung tâm logistics của khu vực phía Nam và cả nước.
Sản lượng hàng hóa qua cảng Cát Lái hiện chiếm khoảng 85% tổng sản lượng hàng hóa qua các cảng phía Nam và 50% sản lượng hàng hóa qua cảng cả nước. Cảng Cát Lái là một trong những cảng trọng điểm của hệ thống cảng khu vực, thuộc quản lý của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn. Đơn vị này xếp thứ 16 trong nhóm 20 cụm cảng container có sản lượng lớn nhất thế giới. Số lượng hàng hóa qua hệ thống của Tân Cảng Sài Gòn đã đóng góp 37% tổng số thu thuế xuất nhập khẩu và 8% tổng thu ngân sách quốc gia. Bảo đảm đời sống với mức thu nhập ổn định cho hơn 7.000 cán bộ, công nhân viên, người lao động; tạo việc làm cho hơn 10.000 nhân lực tại các địa phương trên cả nước.
Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, ngành logistics có tác động sâu rộng đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Các DN trong ngành giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm chi phí, từ đó thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa.
Ông Hoan nêu rõ, giữa năm 2023, Thành phố đã phê duyệt Đề án “Phát triển ngành logistics đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, phấn đấu tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của DN đạt 15% vào năm 2025 và đạt 20% vào năm 2030. Tỷ trọng đóng góp của logistics vào GRDP của Thành phố đến năm 2025 đạt 10% và đến năm 2030 đạt 12%, góp phần kéo giảm chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia đến năm 2025 còn khoảng 10 - 15%.
Theo quy hoạch, TP.HCM sẽ xây dựng 8 trung tâm logistics với tổng diện tích hơn 750 ha. Bao gồm: trung tâm Cát Lái - Phú Hữu - TP.Thủ Đức, diện tích 292 ha; trung tâm Long Bình - TP.Thủ Đức, diện tích 54 ha; trung tâm ở Linh Trung - TP.Thủ Đức, diện tích 74 ha; trung tâm ở huyện Củ Chi, diện tích 15 ha; trung tâm Tân Kiên, huyện Bình Chánh có diện tích 60 ha; trung tâm ở cảng Hiệp Phước - Nhà Bè, diện tích 100 ha; trung tâm Tân Hiệp, huyện Hóc Môn với diện tích 150 ha, ông Hoan nhấn mạnh.
Như vậy, TP.HCM đã đặt ra mục tiêu rõ ràng để phát triển ngành logistics thành một trong những dịch vụ mũi nhọn và tỷ trọng đóng góp của logistics vào GRDP của Thành phố dự kiến sẽ đạt 10% vào năm 2025 và 12% vào năm 2030. Lãnh đạo TP.HCM cũng đề ra các giải pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh phát triển ngành logistics, trong đó có việc phát triển các trung tâm logistics thông minh, ứng dụng công nghệ 4.0 vào quản lý kho bãi, vận tải và giao nhận. Việc này không chỉ giúp nâng cao năng suất mà còn giảm chi phí logistics, một yếu tố quan trọng để tăng khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp.
Nhưng cũng lắm thách thức
Dù sở hữu nhiều lợi thế, TP.HCM vẫn gặp phải không ít thách thức trong việc phát triển ngành logistics. Một trong những khó khăn lớn nhất là hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, đặc biệt là hệ thống các tuyến đường kết nối giữa Thành phố và các tỉnh lân cận. Mặc dù TP.HCM nằm ở vị trí địa lý thuận lợi, nhưng việc triển khai các tuyến đường vành đai kết nối khu vực Đông - Tây Nam bộ vẫn còn chậm. Điều này làm gián đoạn sự kết nối, ảnh hưởng đến hiệu quả vận chuyển hàng hóa. Bên cạnh đó, dù các cảng biển như Cát Lái và Nhà Bè có quy mô lớn, nhưng việc kết nối giao thông chưa liền mạch giữa các khu vực kinh tế trọng điểm như Long An và Tây Ninh vẫn là vấn đề cần giải quyết.
Theo ông Phạm Thanh Sơn - Giám đốc Công ty CP Cảng Tân Cảng Hiệp Phước, hạ tầng logistics không chỉ là yếu tố kết nối giao thông mà còn là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng. Sự thiếu đồng bộ của hạ tầng khiến việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn, làm gia tăng chi phí và giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên trường quốc tế.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cũng đã nhiều lần chỉ ra sự thiếu đồng bộ trong kết nối giao thông đang cản trở sự phát triển của ngành logistics TP.HCM.
Bên cạnh đó, ngành logistics TP.HCM vẫn đang thiếu các trung tâm logistics đạt chuẩn, nơi lưu trữ và chuyển tải hàng hóa. Hiện tại, dù chiếm gần 37% tổng số DN logistics cả nước, nhưng phần lớn các DN này chỉ hoạt động trong phạm vi nội địa, cung cấp dịch vụ logistics giản đơn 2PL. Do đó, việc phát triển các dịch vụ logistics tích hợp (3PL, 4PL) vẫn còn hạn chế. Điều này phần nào phản ánh sự yếu kém về chất lượng dịch vụ logistics của TP.HCM, đồng thời là một yếu tố cản trở quá trình hội nhập quốc tế.
Không chỉ thế, theo ông Nguyễn Công Luận, một thách thức không nhỏ là thiếu nguồn nhân lực chất lượng. Theo ông, trong khi ngành logistics đang phát triển mạnh mẽ, việc đào tạo nhân lực có kỹ năng cao, đặc biệt là trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, quản lý chuỗi cung ứng và phân phối, vẫn còn hạn chế. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề, ảnh hưởng đến hiệu quả và sự phát triển bền vững của ngành.
Chỉ rõ hơn về thách thức này, ông Lê Huỳnh Minh Tú - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, với mức tăng trưởng bình quân hàng năm từ 14 - 16%, ngành logistics TP.HCM cần khoảng 8.400 đến 10.000 lao động mới mỗi năm. Tuy nhiên, các cơ sở đào tạo hiện nay chỉ cung cấp khoảng 2.500 sinh viên và học viên/năm, đáp ứng chưa đến 30% nhu cầu nhân lực của ngành. Điều này cho thấy nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành logistics của TP.HCM vẫn còn thiếu hụt nghiêm trọng, đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý và chuyên gia.
Thêm vào đó, việc ứng dụng chuyển đổi số trong ngành logistics vẫn chưa đồng đều. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý vận hành các trung tâm logistics còn chậm, dẫn đến hiệu quả công việc chưa đạt kỳ vọng. Những thách thức này không chỉ dừng lại ở việc phát triển cơ sở hạ tầng mà còn liên quan đến việc xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao và xây dựng hệ thống công nghệ hiện đại.
2. Tất cả vì mục tiêu trung tâm logistics quốc tế
Với tiềm năng lớn và lợi thế chiến lược trong khu vực, TP.HCM đang nỗ lực không ngừng để trở thành trung tâm logistics quốc tế. Và nhờ sự quyết tâm từ các cơ quan chức năng và cộng đồng DN, các giải pháp đang dần được đưa ra để tháo gỡ những nút thắt, đưa TP.HCM trở thành trung tâm logistics tầm cỡ quốc tế.
Để phát triển logistics tương xứng với tiềm năng và lợi thế, giữa năm 2021, TP.HCM đặt mục tiêu phát triển 8 trung tâm logistics nhằm nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa và phục vụ cho chuỗi cung ứng. Mới đây, ngày 9/9/2024, UBND TP.HCM đã ban hành Kế hoạch số 5276/KH-UBND triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng logistics, nâng công suất bốc dỡ, kho chứa cảng biển, đón đầu các chuỗi cung ứng và hình thành trung tâm cung ứng dịch vụ logistics tầm cỡ khu vực.
Theo đó, Thành phố sẽ tập trung chuyển đổi, áp dụng logistics xanh trong chuỗi cung ứng để vận chuyển hàng hóa hiệu quả, đồng thời giảm thiểu khí thải, ô nhiễm và thân thiện với môi trường. Đây sẽ là một trong những điều kiện tiên quyết để phát triển và hội nhập, giúp các doanh nghiệp gia tăng khả năng cạnh tranh và tăng trưởng bền vững.
TP.HCM đã đặt ra các chỉ tiêu rất chi tiết. Cụ thể, đến năm 2030, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GRDP đạt trên 8,5%, tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của DN từ 15 - 20% mỗi năm, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt trên 60%. Đầu tư cho logistics góp phần kéo giảm tỷ lệ chi phí logistics của cả nước so với GDP quốc gia xuống khoảng 12 - 15%, và xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ hạng 45 trở lên.
Thành phố đang dẫn đầu về chỉ số phát triển logistics, hơn 70% DN logistics của cả nước đang tập trung tại TP.HCM và các địa phương lân cận trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Thực hiện những mục tiêu này, Sở Công Thương đang phối hợp cùng các sở, ban ngành và cộng đồng DN triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển logistics. Sở cũng đã xây dựng đề án phát triển logistics TP.HCM đến năm 2025 và tầm nhìn 2030. Trong đó sẽ xây dựng 8 trung tâm logistics nhằm nâng cao hiệu quả vận chuyển và giảm chi phí logistics, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các trung tâm này sẽ được xây dựng tại các vị trí chiến lược như khu công nghiệp, cảng biển, và các tuyến giao thông quan trọng, giúp tối ưu hóa việc vận chuyển hàng hóa. Các trung tâm cũng sẽ ứng dụng công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo (AI) và tự động hóa, giúp tối ưu hóa quản lý kho và vận chuyển, giảm chi phí lao động và nâng cao hiệu suất.
Theo đại diện Sở Công Thương, sẽ có rất nhiều giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh logistics. Trong đó, tập trung thiết lập bản đồ số logistics, kho dữ liệu tập trung, tạo ra các nền tảng số kết nối dịch vụ vận tải đa phương thức để phục vụ cho cơ quan nhà nước và DN, phát triển đồng bộ dịch vụ hỗ trợ vận tải, vận tải đa phương thức và nâng cao chất lượng dịch vụ logistics.
TP.HCM sẽ nghiên cứu, thành lập trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin trong logistics để cung cấp, kết nối các doanh nghiệp dịch vụ logistics với các đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ logistics hiện đại. Đồng thời, thành lập trung tâm đào tạo nguồn nhân lực logistics cho vùng, hướng đến tính liên kết vùng Đông Nam Bộ và cung cấp nguồn nhân lực cao của TP.HCM, cũng như chia sẻ nguồn nhân lực của vùng…
Để đưa TP.HCM thành trung tâm logistics quốc tế, ông Nguyễn Công Luận cho rằng, TP.HCM cần tiếp tục đẩy nhanh các dự án hạ tầng giao thông và logistics, đặc biệt là các dự án phát triển 6 trung tâm logistics tại TP.Thủ Đức, huyện Củ Chi và huyện Nhà Bè. Những trung tâm này sẽ tạo ra các điểm nút quan trọng trong chuỗi cung ứng và giúp giảm tải cho các cảng biển hiện nay. TP.HCM cũng cần mở rộng mạng lưới logistics ra các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, qua đó kết nối khu vực Đông Nam Bộ thành một hệ thống logistics đồng bộ, hiệu quả.
Song song với việc phát triển hạ tầng, TP.HCM cần ưu tiên áp dụng công nghệ tiên tiến trong ngành logistics. Ông Phạm Thanh Sơn cho rằng: “Để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành, TP.HCM cần thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ 4.0, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo vào trong các quy trình vận hành logistics. Đồng thời, phát triển các hệ thống thông minh như bản đồ số logistics, kho dữ liệu tập trung và các nền tảng số kết nối dịch vụ vận tải đa phương thức sẽ giúp tối ưu hóa các quy trình, giảm chi phí vận chuyển và cải thiện chất lượng dịch vụ”.
Ngành logistics TP.HCM đang tăng trưởng ổn định từ 14-16% mỗi năm, đóng góp khoảng 9% vào GRDP của thành phố và tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Dự báo trong 10 năm tới, ngành logistics sẽ giúp TP.HCM trở thành trung tâm sản xuất hàng hóa và dịch vụ quan trọng của khu vực, với tiềm năng thúc đẩy xuất khẩu và phát triển nền kinh tế thương mại quy mô lớn.
Cùng quan điểm này, bà Đặng Minh Phương - Chủ tịch Hiệp hội Logistics TP.HCM cho rằng, để cải thiện hoạt động logistics, cần đẩy mạnh hạ tầng kết nối thông qua quy hoạch các tuyến cao tốc, quốc lộ, hệ thống ICD, cụm cảng, bến thủy nội địa, các tuyến đường giao thông kết nối cảng với các khu công nghiệp. Bên cạnh đó, cần có chính sách kêu gọi và hỗ trợ đầu tư các trung tâm logistics đã được quy hoạch trên địa bàn (Long Bình, Cát Lái - Phú Hữu, Linh Trung, Tân Kiên, Củ Chi, Hiệp Phước, Khu Công nghệ Cao).
Đặc biệt, TP.HCM cần đẩy mạnh chuyển đổi logistics xanh, hướng đến việc vận chuyển hàng hóa hiệu quả và thân thiện với môi trường. Đây là một yêu cầu tất yếu trong xu thế phát triển bền vững của ngành logistics trên thế giới. Các sáng kiến về sử dụng năng lượng tái tạo và các biện pháp bảo vệ môi trường sẽ giúp thành phố nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về logistics xanh.
Một giải pháp quan trọng không thể thiếu là đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành logistics. Như ông Lê Huỳnh Minh Tú chỉ ra, TP.HCM cần chú trọng xây dựng các trung tâm đào tạo logistics để cung cấp nguồn nhân lực dồi dào, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành. Các trường đại học, cao đẳng và các trung tâm đào tạo nghề cần hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp để tạo ra chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu thực tiễn của ngành. Đồng thời, TP.HCM cần tăng cường các hoạt động đào tạo và nâng cao kỹ năng cho đội ngũ lao động hiện tại, đặc biệt là đối với những người làm việc trong các dịch vụ logistics tích hợp, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của ngành.
Ở góc độ của một DN sử dụng rất nhiều dịch vụ logistics, ông Nguyễn Anh Đức - Tổng giám đốc Saigon Co.op cho rằng, dịch vụ vận tải tại TP.HCM hiện rất đa dạng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, cũng cần xây dựng bài toán tổng thể, tạo sự kết hợp chặt chẽ giữa các phương thức vận tải và phương thức quản lý. Điều này nhằm giảm áp lực lên từng loại hình vận tải và thúc đẩy sự phát triển đồng bộ trong toàn ngành.
Cụ thể, đối với các lĩnh vực vận tải như hàng không, đường sắt, đường thủy và đường bộ, cần có quy hoạch tổng thể và kết nối đồng bộ. Việc liên kết giữa các phương thức vận tải này với các trung tâm logistics, kho bãi tổng hợp và các khu vực phát triển kinh tế sẽ giúp nâng cao hiệu quả vận hành và thúc đẩy sự phát triển bền vững.
“Để triển khai trọn vẹn các kế hoạch phát triển, TP.HCM cần chú trọng vào việc quy hoạch đồng bộ và phù hợp với đặc thù từng khu vực. Điều này không chỉ giúp khắc phục những khó khăn vốn có mà còn tạo điều kiện để tối ưu hóa tiềm năng vận tải, đặc biệt tại các khu vực nông thôn, nơi hạ tầng còn hạn chế”, ông Đức cho biết.
Ngoài ra, quy hoạch logistics cần đáp ứng các yêu cầu thực tiễn, bao gồm đảm bảo an toàn chuỗi cung ứng, sử dụng đất hợp lý và duy trì nguồn cung lớn cho TP.HCM. Ông dẫn chứng từ những thách thức mà thành phố đã vượt qua trong giai đoạn dịch bệnh năm 2019, khẳng định rằng bài học từ thực tiễn sẽ là nền tảng để xây dựng một hệ thống logistics mạnh mẽ và bền vững hơn.