Tiếp tục hỗ trợ đội ngũ doanh nghiệp (DN) thành phố phát triển, đổi mới sáng tạo nhằm duy trì vị thế dẫn đầu về kinh tế và là trung tâm thu hút khách quốc tế của cả nước là những nội dung quan trọng mà UBND TP.HCM đặt ra trong công tác chỉ đạo điều hành năm 2017.
Năm 2016, du lịch Thành phố tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước. Theo đó, tổng lượt khách quốc tế đến TP.HCM ước đạt 5,2 triệu lượt, tăng 9% so với cùng kỳ và đạt 102% chỉ tiêu kế hoạch năm, trong đó du khách Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản tăng mạnh.
Tổng doanh thu ngành du lịch (lữ hành, khách sạn - nhà hàng) ước đạt 103.000 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ và đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch năm. Với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ, Thành phố tiếp tục thực hiện các chương trình, chính sách để đẩy mạnh ngành này, trong đó có du lịch.
Ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, năm 2017, TP.HCM sẽ triển khai quan điểm "du lịch trách nhiệm", theo đó, du lịch phải gắn liền với môi trường, truyền thống văn hóa và cộng đồng để một mặt quảng bá hình ảnh, con người Thành phố, mặt khác để thu hút và giữ chân khách quốc tế.
Năm 2017, TP.HCM đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP từ 8,4 - 8,7%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 35% GRDP. Thành lập mới 50.000 DN. |
Những sản phẩm du lịch mới sẽ ra mắt trong năm 2017 này gồm: phát triển du lịch đường thủy, giới thiệu lịch sử, văn hóa của Sài Gòn, trong đó có cầu Móng (lấy cột mốc từ thời điểm lịch sử Pháp thuộc đến nay) - một trong sáu cây cầu gắn liền với lịch sử hơn 300 năm của TP.HCM; du lịch nông nghiệp (khách du lịch được trải nghiệm văn hóa, ẩm thực tại các quận, huyện có nhiều sản phẩm nông nghiệp của TP.HCM như Hóc Môn, Cần Giờ.
Ngoài ra, Thành phố sẽ triển khai Liên hoan Nghệ thuật đường phố (đối tượng tham gia là các bạn trẻ đam mê nghệ thuật đường phố), hoặc các sản phẩm du lịch văn hóa như triển khai bảo tàng tương tác thông minh, tức khách du lịch không chỉ đến thăm bảo tàng, di tích lịch sử, văn hóa ở thành phố như truyền thống, mà họ còn có thể truy cập bằng điện thoại thông minh, xem trình diễn công nghệ 3D để biết thêm những thông tin liên quan.
Với những kế hoạch cụ thể này, TP.HCM không chỉ nhắm đến mục tiêu thu hút 5,5 triệu khách quốc tế, mà còn kỳ vọng những sản phẩm du lịch sẽ tạo được những ấn tượng đặc biệt và giúp du khách trải nghiệm văn hóa, ẩm thực, mua sắm, tìm hiểu lịch sử khi đến với TP.HCM.
Cùng với những mục tiêu táo bạo để phát triển du lịch, chính quyền Thành phố tiếp tục đặt trọng tâm vào công tác hỗ trợ, phát triển cộng đồng DN. Về phía Sở Công Thương, đơn vị tư vấn, trực tiếp triển khai các chính sách của UBND TP.HCM trong việc tương tác với DN, ông Phạm Thành Kiên - Giám đốc Sở cho biết, năm 2017, Sở đề xuất 4 giải pháp để hỗ trợ DN, trước tiên là khẩn trương xây dựng quy chế, tổ chức hoạt động cũng như tiến hành thủ tục đăng ký mẫu dấu, tài khoản..., phấn đấu đưa Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển DN Thành phố (theo Quyết định 3970) đi vào hoạt động sau Tết Nguyên đán.
>>2 vấn đề lớn cần giải quyết của "đầu tàu kinh tế" TP.HCM
Đây là bộ phận một cửa đầu tiên của Thành phố để hướng dẫn, hỗ trợ, cung cấp thông tin cho DN nói chung và DN khởi nghiệp trên địa bàn phát triển.
Hai là tăng cường công tác kết nối giữa UBND Thành phố và DN. Theo đó, bên cạnh việc tổ chức cho chính quyền Thành phố đối thoại với DN hai lần trong năm thì năm 2017, dựa trên nguyện vọng của DN từng ngành, Sở sẽ mạnh dạn đề xuất Thành phố gặp gỡ DN theo nhóm ngành, nhằm tăng hiệu quả đối thoại, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc của DN thuộc nhóm ngành đó.
Ngoài ra, Sở Công Thương sẽ đẩy mạnh việc thực hiện kế hoạch phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trong năm 2017, cụ thể là hoàn thiện cơ sở dữ liệu về CNHT (nay đã hoàn chỉnh phần mềm và có trên 1.200 DN tiêu biểu CNHT đã nhập liệu vào hệ thống này) nhằm tạo điều kiện cho DN sản xuất trong - ngoài nước và nhà cung ứng sản phẩm phụ trợ gặp nhau.
Song song đó là mở rộng phòng trưng bày sản phẩm CNHT, phối hợp với Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM để DN có vốn đầu tư nước ngoài trong Khu công nghệ cao tham gia vào các chương trình kết nối này.
Thêm nữa, với vai trò là một trong những đơn vị đầu mối, Sở tiếp tục đẩy mạnh kết nối giữa ngân hàng và DN. Năm 2016, ước tính có khoảng 284.000 tỷ đồng được cam kết cho vay và năm 2017, mục tiêu số vốn cam kết cho vay phải cao hơn. Cùng với đó là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đây là một trong những phần việc quan trọng nhằm tạo điều kiện, hành lang pháp lý thông thoáng để DN trên địa bàn phát triển, cũng như hấp dẫn DN triển khai hoạt động đầu tư tại TP.HCM.
Liên quan đến mục tiêu năm mới, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, Thành phố sẽ tiếp tục triển khai Quyết định 3907 (thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ về việc hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020), nhằm tạo điều kiện hỗ trợ cho DN phát triển lẫn thúc đẩy khởi nghiệp, phấn đấu nâng số lượng DN. Nếu năm 2016 Thành phố có 36.000 DN mới, thì năm 2017 sẽ là 50.000 DN.
Cùng với số lượng, Thành phố sẽ tạo điều kiện về mặt chính sách để nâng quy mô và uy tín cho DN trên địa bàn. Bởi, DN đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì vị thế dẫn đầu của kinh tế Thành phố đối với cả nước cũng như hội nhập kinh tế quốc tế.