Theo kế hoạch về phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025 và năm 2021, 2022, Sở Xây dựng TP.HCM chia thành phố thành 4 khu vực để phát triển nhà ở xã hội.
Khu nội thành hiện hữu gồm quận 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú sẽ đầu tư phát triển 2 dự án nhà ở xã hội phục vụ công nhân, tổng diện tích sàn xây dựng gần 30.000m2 với 370 căn hộ.
Khu nội thành phát triển gồm quận 7, 12, Bình Tân và thành phố Thủ Đức. Trong đó ba quận 7, 12, Bình Tân sẽ kêu gọi làm 5 dự án nhà cho công nhân diện tích 290.000m2 với gần 4.000 căn hộ. Riêng thành phố Thủ Đức sẽ làm 5 dự án nhà ở xã hội diện tích sàn 220.000m2, với hơn 4.300 căn hộ
Khu ngoại thành gồm huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi và Cần Giờ sẽ phát triển 8 dự án nhà ở với diện tích 546.000m2 cho khoảng 9.500 căn.
Tổng vốn cho các dự án trên hơn 37.600 tỷ đồng, riêng năm 2021 thành phố cần 200 tỷ đồng, năm 2022 gần 700 tỷ đồng. Nguồn vốn phát triển còn được xã hội hóa từ doanh nghiệp, các hộ gia đình và cá nhân, ngân sách.
Giai đoạn 2016-2020, TP.HCM phát triển gần 15.000 căn hộ trên tổng diện tích hơn 1,2 triệu m2 nhà ở xã hội cho công nhân. Mới đây, thành phố có chủ trương xây một triệu nhà giá rẻ thay thế chung cư cũ, nhà trên kênh rạch, nhà trọ... để công nhân, người thu nhập thấp dễ tiếp cận.
Khảo sát của Liên đoàn lao động TP HCM, khoảng 1,3 triệu lao động, công nhân làm việc ở thành phố có nhu cầu về nhà ở. Hầu hết lao động sống ở phòng trọ diện tích trung bình 14m2, mức thuê bình quân 1,6 triệu đồng mỗi tháng và khoảng 4 người cùng ở. Công nhân dành 10-15% thu nhập để chi trả chỗ ở.