Dẫn nguồn thạo tin, Bloomberg cho biết, Tổng thống Biden đã giao cho Bộ Tài chính Mỹ chịu trách nhiệm lên danh sách các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ giám sát và quốc phòng của Trung Quốc có thể phải chịu trừng phạt.
Đặt ra dưới thời cựu Tổng thống Trump, lệnh trừng phạt trước đây nhắm đến các công ty thuộc sở hữu, kiểm soát hoặc liên kết với quân đội Trung Quốc. Cho đến nay, lệnh trừng phạt và việc lựa chọn các đối tượng bị nhắm đến phụ thuộc vào danh sách đen của Bộ Quốc phòng Mỹ. Có ít nhất 31 công ty Trung Quốc đã bị liệt vào danh sách đen, trong đó có cả tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei và nhà sản xuất điện thoại di động Xiaomi.
Huawei - một trong số các thực thể thuộc danh sách đen của Bộ Quốc phòng Mỹ. Ảnh: Reuters |
Tuy nhiên, chính sách của ông Trump đã bị thách thức trước toà, cũng như khiến giới đầu tư băn khoăn về các tác động của nó. Theo đó, sắc lệnh của ông Biden sẽ thay đổi tiêu chí đối với các thực thể trong danh sách đen. Dự kiến thông qua vào tuần tới, chính sách mới sẽ nhắm vào các công ty Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực công nghệ giám sát hay quốc phòng.
Theo Bloomberg, chính quyền của ông Biden được cho là sẽ giữ lại một lượng lớn các công ty thuộc danh sách cũ, và Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài thuộc Bộ Tài chính Mỹ sẽ liệt thêm công ty vào danh sách đen. Bộ Tài chính sẽ tham khảo ý kiến của Bộ Quốc phòng trong quá trình này.
Được biết, sau khi 2 công ty Trung Quốc thành công trong việc thách thức lệnh trừng phạt của ông Trump tại tòa án, chính quyền mới nhận định rằng, việc sửa đổi chính sách là cần thiết để đảm bảo tính pháp lý và bền vững trong dài hạn. Với việc chuyển trách nhiệm sang Bộ Tài chính, đội ngũ của Biden muốn củng cố vị thế pháp lý cho các hình phạt.
Hiện, việc sửa đổi lệnh cấm đầu tư vào các công ty Trung Quốc có liên quan tới quân đội đang được các nhà lập pháp Mỹ theo dõi sát sao, vì nhiều nghị sĩ kỳ vọng chính quyền ông Biden sẽ có lập trường cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh.
Thượng nghị sĩ bang Arkansas Tom Cotton, một thành viên đảng Cộng hòa hôm 2/6/2021 khẳng định: "Chính phủ Mỹ thực sự phải tiếp tục mở rộng danh sách các công ty có liên quan tới quân đội Trung Quốc. Nhóm này không nên được tiếp cận công nghệ và thị trường vốn của Mỹ. Chúng ta đang tài trợ và trang bị vũ khí cho đối thủ hàng đầu của mình".
Các nhà lập pháp Mỹ kỳ vọng chính quyền ông Biden sẽ có lập trường cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh |
Trong khi đó, một nhóm chính trị gia thuộc 2 đảng, gồm Thượng nghị sỹ Florida Marco Rubio, Thượng nghị sỹ Arizona Mark Kelly và Hạ nghị sỹ Wyoming Liz Cheney đã gửi thư lên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin vào tuần này, yêu cầu phải công bố danh sách mới liệt kê các công ty bị coi là có liên quan đến Trung Quốc.
"Mỹ phải tiếp tục mạnh tay trong việc ngăn chặn sự xâm hại kinh tế của Trung Quốc đối với cơ sở công nghiệp. Chúng ta không được để Trung Quốc làm xói mòn ưu thế quân sự của Mỹ", một đoạn trong thư viết.
Bên cạnh đó, lập trường của ông Biden cũng đang được theo dõi sát sao bởi giới đầu tư Phố Wall, khi chính sách của ông Trump đã gây ra sự mập mờ về việc, liệu lệnh cấm đầu tư có áp dụng với cả doanh nghiệp hay chỉ chi nhánh, công ty thành viên; hoặc có áp dụng tới những công ty có thể có mối liên hệ với các tổ chức thuộc danh sách đen hay không.
Trong tình cảnh này, chính quyền Biden tháng trước đã phải lùi thời hạn yêu cầu ngưng đầu tư vào các công ty con, dù lệnh cấm nhắm vào công ty mẹ đã có hiệu lực từ tháng 11/2020. Theo cựu Chủ tịch Ủy ban rà soát kinh tế và an ninh thuộc Quốc hội Mỹ Roger Robinson, việc cho phép Bộ Tài chính Mỹ có quyền hạn quyết định công ty nào có liên quan sẽ giúp phố Wall giữ được vị thế tương đối.