Nữ doanh nhân Huỳnh Kim Chi - Tổng giám đốc công ty Bột Quốc tế. |
Dù đang giờ trưa, nhưng bà Huỳnh Kim Chi - Tổng giám đốc Công ty Bột Quốc tế - vừa tiếp tôi, vừa phải gọi điện thoại chỉ đạo công việc. Phòng làm việc của bà luôn mở cửa và nhân viên thoải mái vào ra để hỏi bà về những sản phẩm mới. Giới thiệu với tôi một loại bột bánh mới vừa được nhân viên đưa ăn thử để góp ý, bà nói: "Để có một loại bột mới đưa ra thị trường, tôi phải ăn thử rất nhiều lần. Ngày nào lịch làm việc của tôi cũng từ sáng đến 7, 8 giờ tối mới về đến nhà”.
* Tiếp quản nghề này của gia đình là do bà tự nguyện hay ưa thích, thưa bà?
- Gia đình tôi làm nghề sản xuất bánh mì từ trước năm 1945, lúc đó tôi còn rất nhỏ nhưng thấy ông bà, ba mẹ say mê công việc, máu kinh doanh thấm dần trong tôi và không biết từ bao giờ, tôi cũng ưa thích công việc kinh doanh. Gắn với nghề làm bánh mì của gia đình nên cái duyên kinh doanh bột mì đến với tôi rất tự nhiên và thuận lợi, vì hiểu rõ được giá trị của bột mì cũng như những yêu cầu của khách hàng sử dụng bột mì.
Năm 1996, tôi cùng chồng thành lập Công ty TNHH Thương mại Đại Phong. Đến năm 1998, khi Việt Nam mở cửa nền kinh tế, cùng lúc đó nhu cầu bột mì trong nước tăng mạnh, tôi mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất bột mì tại Trà Nóc, Cần Thơ với công suất 40.000 - 45.000 tấn/năm và một nhà máy tại KCN Vĩnh Lộc, TP.HCM công suất 50.000 - 60.000 tấn/năm cùng một nhà kho hơn 20.000 m2, sau đó liên doanh với một doanh nghiệp Nhật để đáp ứng nguồn cung các loại bột chất lượng cao trong nước.
Link bài viết
* Doanh thu bột mì tăng đều đặn hằng năm, công ty cũng không thiếu vốn, vì sao bà lại liên doanh với đối tác Nhật Bản?
- Mặc dù doanh thu bột mì ổn định, công ty tăng trưởng tốt, ngành kinh doanh bột mì cũng còn rất nhiều tiềm năng, nhưng tôi nghĩ mình phải làm một điều gì đó để tạo sức bật mới. Hơn nữa, nếu sớm hài lòng với những thành quả đã làm được, mình sẽ bị tụt lại phía sau khi đất nước ngày càng hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới. Sau ý nghĩ đó, tôi quyết định trên nền tảng kinh doanh bột, sẽ mở thêm sản phẩm để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Xuất phát từ sự thấu hiểu nỗi vất vả cũng như nguyện vọng của những người nội trợ, nhất là những người Việt xa xứ, thường rất nhớ và muốn làm những món ăn dân dã quê nhà như bánh bèo, bánh xèo, bánh bột lọc, bánh cuốn, bánh bao, nhưng không có nguyên liệu và thời gian để làm, tôi quyết định tìm đối tác Nhật để sản xuất bột trộn sẵn Mikko theo công thức và khẩu vị riêng của từng loại bánh và của người Việt. Khi đó, chị em nội trợ dù không học nấu ăn nhưng chỉ cần xem hướng dẫn cũng có thể làm ra những món ăn truyền thống đúng cách, đúng vị.
Đối tác Nhật Bản có nhiều công thức làm bột bánh truyền thống rất ngon, đặc biệt là họ có công nghệ hiện đại, cách quản lý, vận hành nhà máy chuyên nghiệp. Kết hợp thế mạnh này với việc nghiên cứu công thức riêng theo khẩu vị Việt Nam, tôi tin công ty sẽ phát triển được các loại bột truyền thống, vừa thực hiện đơn giản, tiết kiệm thời gian, an toàn vệ sinh thực phẩm do được sản xuất bởi công nghệ và chất lượng Nhật Bản, qua đó giới thiệu được các sản phẩm thực phẩm truyền thống của Việt Nam đến với thế giới, quảng bá được hình ảnh đất nước Việt Nam đến bạn bè các nước.
* Nói vậy, không có nghĩa mọi tính toán của bà đều suôn sẻ?
- Không có ngành kinh doanh nào là dễ dàng, nhất là vào thời điểm thị trường cạnh tranh quyết liệt. Phải nói rằng, trong suốt quá trình phát triển thương hiệu từ Đại Phong đến Công ty Liên doanh Bột Quốc tế, chúng tôi đã gặp không ít khó khăn từ khi xây dựng nhà máy đến khâu sản xuất, đặc biệt là khâu đầu ra sản phẩm luôn là một thách thức.
Nhớ thời điểm khi xây dựng xong nhà máy sản xuất bột trộn sẵn đầu tiên tại Việt Nam, khi sản phẩm ra đời, chưa kịp mừng thì đã bị thị trường dội lại, do người tiêu dùng e ngại chất lượng không thể như làm bằng cách truyền thống. Ngay cả một số kênh siêu thị lúc đó cũng không dễ vào.
* Vậy bà đã vượt qua khó khăn đó như thế nào?
- Tôi cho nhân viên tiếp cận trực tiếp khách hàng và tổ chức các buổi giới thiệu sản phẩm tại chỗ, khách hàng có thể xem cách chế biến và thưởng thức ngay các sản phẩm làm từ bột trộn sẵn. Chúng tôi kiên nhẫn thực hiện các buổi giới thiệu sản phẩm ở các chợ, siêu thị ròng rã hơn 2 năm mới tiếp cận được người tiêu dùng.
Link bài viết
Đa phần khách hàng dùng thử sản phẩm đều rất thích rồi trở thành khách hàng thường xuyên của công ty. Có người hỏi tôi mất bao lâu để học được cách làm marketing hiệu quả, thú thật tất cả những gì tôi làm đều xuất phát từ suy nghĩ tự đặt mình vào vị trí người tiêu dùng. Chỉ có sự trải nghiệm thực tế mới có thể khiến khách hàng hiểu nhanh nhất sản phẩm của mình.
* Khi mang sản phẩm ra nước ngoài, bà chọn cách tiếp thị nào?
- Với ưu điểm chế biến dễ dàng, tiết kiệm thời gian, phù hợp với cuộc sống hiện đại, ngoài người dùng trong nước và hàng trăm nhà hàng Việt Nam, bột Mikko còn nhắm tới khách hàng là người Việt đang làm ăn, sinh sống tại châu Âu. Để thực hiện kế hoạch này, chúng tôi bắt đầu bằng việc tham gia các hội chợ quốc tế. Đối với những thị trường phát triển như Vương quốc Anh, chi phí tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại thường cao và đây chính là khó khăn của phần lớn các công ty Việt Nam.
Song, điều vui nhất là ngay lần tham gia hội chợ tại Anh và chỉ trong 3 ngày, chúng tôi đã có được hàng chục giao dịch thương mại, hứa hẹn nhiều cơ hội phát triển kinh doanh. Đã có nhiều đối tác tìm đến phân phối và bột Mikko bắt đầu xuất hiện tại các siêu thị ở London, Ireland. Đến nay, sản phẩm của Mikko đã xuất đi Úc, Mỹ, Canada, một số nước châu Âu.
* Sau mỗi thất bại, trắc trở, động lực nào giúp bà luôn vững tin bước tiếp?
- Dân gian đã đúc kết "Thất bại là mẹ thành công". Con người chỉ thất bại khi mất niềm tin và không còn động lực để đứng lên và bước tới. Tâm niệm này luôn song hành với tôi, nhắc nhở, động viên tôi đừng nản chí, đừng tuyệt vọng trước những thất bại. Câu nói ấy như là một chân lý đã giúp tôi kiên định hơn sau những lần thất bại để có được hôm nay.
* Bà có gặp trở ngại khi làm việc chung với người Nhật rất khắt khe và chuẩn mực?
- Đúng là không dễ dàng chút nào vì lúc đầu đối tác chưa hiểu thị trường Việt Nam, bản thân mình cũng chưa quen nề nếp, cách làm, cách quản lý của người Nhật nên không tránh khỏi một vài trục trặc. Thời gian đầu khi nghe tôi liên doanh với công ty Nhật, người thân lo ngại sẽ bị chèn ép, nhưng may mắn là tôi có hơn 30 năm kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh nên khi liên doanh, tôi rất tự tin.
Đối tác cũng đánh giá rất cao năng lực và kinh nghiệm của chúng tôi. Bên cạnh đó, điều đặc biệt quan trọng là tinh thần hợp tác của đôi bên với tiêu chí đồng hành để cùng phát triển. Hiện nay có hai ngành là bột mì và mì ăn liền nước ngoài chưa chiếm lĩnh được nên đây là lợi thế riêng cho doanh nghiệp Việt Nam.
* Bà đã học hỏi điều gì từ phía đối tác Nhật?
- Trước hết là cung cách làm việc, sự chặt chẽ, nghiêm khắc về chất lượng từ khâu đầu vào đến đầu ra. Đặc biệt, tinh thần Kaizen - luôn cải tiến của người Nhật mang lại rất nhiều hiệu quả như tiết kiệm công sức, thời gian lao động, tăng năng suất, liên tục ra sản phẩm mới và tốt hơn. Trong kinh doanh, họ luôn giữ chữ tín, tất cả các sản phẩm họ đưa ra đều phải an toàn, có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng. Một trong những điểm rất hay của người Nhật mà tôi tâm đắc, đó là cách quản lý con người. Họ không đưa ra nguyên tắc, kỷ luật để bắt buộc thực hiện mà từ giáo dục nhận thức.
Link bài viết
Theo họ, một người có nhận thức tốt sẽ dẫn đến hành vi tốt. Vì vậy, tất cả sản phẩm họ đưa ra đều tuyệt đối nói không với những chất gây hại sức khỏe, biết bỏ qua tiêu chí này, lợi nhuận sẽ cao hơn, dễ làm hơn. Đơn cử, khi nói đến đồ chiên, hầu như ai cũng sợ béo nhưng nếu dùng bột chiên tempura theo công thức chế biến của Nhật sẽ không hại sức khỏe vì bột của họ được nghiên cứu, chế biến, tuyệt đối không ngậm dầu mỡ, giòn, ngon.
Đến nay hầu như chưa có loại bột nào sánh được loại bột chiên tempura của Nhật. Một đức tính cũng rất hay của người Nhật nên học nữa, đó là sự lắng nghe, tìm hiểu thấu đáo mọi việc trước khi đưa ra câu trả lời và quyết định. Ví dụ, khi nghe một câu hỏi, đề nghị nào đó, họ sẽ nghe rất kỹ từ gốc đến ngọn và phải nghe 3, 4 câu hỏi mới đưa ra câu trả lời chứ không làm nhanh, làm qua loa cho được việc.
* Đóng góp tích cực cho các hoạt động từ thiện, cộng đồng nhưng lại rất âm thầm. Quan điểm của bà khi thực hiện các hoạt động này ra sao?
- Với tôi, doanh nghiệp phát triển, tồn tại được là nhờ rất nhiều yếu tố, trong đó có sự đóng góp, ủng hộ rất lớn của xã hội, của cộng đồng. Vì vậy, ngoài trách nhiệm phải đóng góp về kinh tế cho đất nước thì nghĩa vụ của doanh nghiệp là phải giữ gìn chất lượng sản phẩm, uy tín thương hiệu, mang đến nhiều hơn giá trị tốt nhất cho xã hội.
Việc hướng đến các hoạt động vì cộng đồng cũng là trách nhiệm và nghĩa vụ bắt buộc phải làm. Vì vậy, nhiều năm qua, chúng tôi đã âm thầm chia sẻ, hỗ trợ người mắc bệnh hiểm nghèo, người già neo đơn không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, cơ nhỡ ở nhiều nơi trong nước.
* Bà có điều gì trăn trở để phát triển doanh nghiệp tốt hơn?
- Trăn trở lớn nhất của tôi hiện nay là vấn đề cạnh tranh không lành mạnh nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa có nhiều biện pháp đủ mạnh để ngăn ngừa. Mình xây dựng thương hiệu khó khăn và mất nhiều công sức, thời gian mới tạo được, nhưng khi được thị trường đón nhận là ngay lập tức có hàng nhái gây nhầm lẫn cho người dùng và ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu, giảm doanh thu.
Vì thế, Nhà nước cần quan tâm hơn đến vấn đề bình đẳng giữa doanh nghiệp sản xuất trong và ngoài nước, cần có chính sách hỗ trợ các siêu thị để ưu tiên cho hàng Việt vào kênh phân phối này. Công ty có 90% lao động nữ, lương nhân viên hằng tháng trả đủ 100% nhưng mỗi năm có đến 30% lao động nữ thay nhau nghỉ thai sản, con ốm đau, cũng là một khó khăn cho chúng tôi...
* Cảm ơn bà về buổi trò chuyện cởi mở này!